Nhạc sư Vĩnh Bảo và bản “Tứ đại oán”

Huỳnh Duy Lộc

Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 19 tháng 8 năm 1918 tại làng Mỹ Trà, nay thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Từ lúc 5 tuổi, ông đã biết chơi đờn kìm, đờn cò, 10 tuổi biết chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc.

Từ năm 1955 cho đến năm 1964, ông dạy môn đàn tranh và cũng là trưởng ban cổ nhạc miền Nam tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Saigon. Ông cũng đã đi diễn thuyết và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới.

Năm 1972, ông cùng giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu và ghi âm dĩa nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris (Pháp).

Từ năm 1970 tới năm 1972, ông là giáo sư thỉnh giảng về đàn tranh tại Đại học Illinois (Mỹ).

Năm 2003, ông xuất bản cuốn sách “Thử tự học đàn tranh” do Trung tâm Văn hóa tỉnh Long An ấn hành.

Năm 2016, tự truyện “Những giai điệu cuộc đời” của Nguyễn Vĩnh Bảo do Tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Thuyết Phong, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Ửng (tổng biên tập Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay) và Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyển (giảng viên Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh) chấp bút được phát hành.
Ông từ trần ngày 7.1.2021 ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Trong nhạc tài tử Nam bộ, 20 bài bản tổ gồm có:
– 3 bài Nam: Nam xuân, Nam ai, Nam đảo
– 6 bài Bắc: Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn, Cổ bản vắn, Tây Thi vắn
– 7 bài Lễ (còn gọi là bài Bắc lớn, so sánh với 6 bài Bắc nhỏ): Xàng xê, Ngũ đối hạ, Ngũ đối thượng, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc.

– 4 bài Oán: Tứ đại oán, Phụng hoàng cầu, Giang Nam cửu khúc, Phụng cầu hoàng.

4 bài Oán là Tứ đại oán, Phụng hoàng cầu, Giang Nam cửu khúc, Phụng cầu hoàng, còn được gọi là 4 bài Oán chánh để phân biệt với những bài Oán ngoại, oán phụ như: Ngươn tiêu hội oán, Bình sa lạc nhạn, Võ văn hội oán, Thanh dạ đề quyên… Về lý thuyết, sự ra đời của bản Tứ đại oán là một quá trình du nhập rồi chuyển dạng, chuyển hơi của bài Tứ đại cảnh mà ra. Từ Tứ đại cảnh tới Tứ đại vắn rồi nới nhịp thành 8 mà trở thành Tứ đại oán. Tương truyền, bản “Tứ đại cảnh” do vua Tự Đức sáng tác để ca ngợi 4 cảnh lớn của trời đất: xuân, hạ, thu, đông, nhưng cũng có người cho rằng vua Tự Đức có ngụ ý tôn vinh 4 cảnh đời thịnh trị là đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (chữ Đại có nghĩa là Đời)…” (Đờn ca tài tử Nam bộ: Khảo & Luận, Nguyễn Phúc An, tr. 211, 212).

Tác phầm “Những giai điệu cuộc đời”: https://anyflip.com/mhnd/urfc/basic

Năm 1993, CD “Vietnam: Traditions du Sud” (Auvidis, UNESCO 1993) gồm 6 bản nhạc tài tử Nam bộ do nhạc sư Vĩnh Bảo và GS Trần Văn Khê trình tấu bằng đàn tranh và đàn tỳ bà được phát hành. Nhạc sư Vĩnh Bảo đã đàn bản “Tứ đại oán”.

Tháng 2 năm 2002, hãng dĩa Ocora của Pháp đã phát hành CD nhạc “Vietnam – Ensemble Nguyen Vinh Bao” gồm 9 bản nhạc của đờn ca tài tử Nam bộ: Vọng cổ, Cổ bản vắn, Xàng xê, Tứ đại oán, Ngũ đối hạ, Nam xuân, Đảo ngũ cung, Văn Thiên Tường, Lưu thủy trường, với tiếng đàn tranh của nhạc sư Vĩnh Bảo, tiếng đàn nguyệt của đệ nhất danh cầm Ba Tu, tiếng đàn gáo và đàn nhị của nhạc sĩ Út Tỵ và tiếng đàn tỳ bà của nhạc sĩ Hoàng Cơ Thụy.

Trong lời giới thiệu bài Tứ đại oán của CD “Vietnam – Ensemble Nguyen Vinh Bao”, nhạc sư Vĩnh Bảo cho biết: “Tứ đại oán: Cette pièce produit une impression de douleur et d’angoisse, exprimant une profonde tristesse” (Khúc nhạc này gợi lên nỗi đau đớn và khắc khoải, thể hiện một nỗi buồn sâu xa).

Bản Tứ đại oán với tiếng đàn của nhạc sư Vĩnh Bảo: https://youtu.be/psqq4wxEOrs
Ảnh: Nhạc sư Vĩnh Bảo, CD “Vietnam: Traditions du Sud” (Auvidis, UNESCO 1993) và CD “Vietnam- Ensemble Nguyen Vinh Bao”.
HUỲNH DUY LỘC
âm nhạc dân tộcnhạc sư vĩnh bảotứ đại oán
Comments (0)
Add Comment