Cà phê vùng Chợ Lớn xưa

Trần Ngọc Hiếu
Ngày trước ở Cholon (Chợ Lớn), rất ít có quán cà phê chủ là người Việt. Phần đông là của người Hoa, mà nếu chính xác thì thời đó dân lao động gọi là Ba Tàu!

 

Sau nầy trưởng thành ra đời làm ăn tôi có bạn bè rất thân thiết là người Hoa, nên tìm hiểu một số phong tục tập quán của họ, thì họ chỉ thích gọi là người Hoa, Hoa kiều hoặc “Cắc Chú” hay Chệt, tôi hỏi lý do thì mấy ảnh không nói mà lảng sang chuyện khác, nên thôi.

 

Tôi nhớ thời con nít của thập niên 60, các xóm lao động thường hát nghêu ngao: ”Cắc chú, Ba Tàu thằng nào cũng như thằng nấy, thằng nào không giấy tao đuổi nó đi về Tàu “. Hát nghêu ngao cho vui vậy thôi , chớ cũng không có ngụ ý xấu xa , hay phân biệt giai cấp dân tộc gì cả , vì trong giấy thẻ căn cước hay tờ khai gia đình thời đó chỉ ghi nơi sinh đẻ, rồi quốc tịch VN thôi, chớ không có ghi cột dân tộc kinh, thượng gì cả. Nên Tàu hay Chệt, Cắc Chú gì cũng là quốc tịch Việt Nam. Xóm cũ Phú Định Q6 của tôi thời đó hổng có dân Bắc nên con nít hổng có ghẹo Bắc Kỳ. Chớ có cũng dễ gì bỏ qua. Con nít mà, bạ đâu nói đó cho vui miệng.

 

Trở lại quán cà phê, ngày trước các quán cà phê ở vùng Cholon thường gọi là tiệm nước. Hầu như đa số tiệm nước đều nằm ở mấy ngã ba, ngã tư đường lớn. Họ bán từ 2-3 giờ sáng cho đến hết giờ giới nghiêm. Tuy gọi là tiệm nước, nhưng họ bán hủ tíu mì, cà phê, nước ngọt, bánh ngọt, bánh bao, bánh tiêu, giò cháo quẩy… đủ cả. Chỉ cần vô quán ăn uống thì mình có thể ngồi bao lâu cũng được, nước trà nóng hết có thể xin thêm. Nếu đi đường có lỡ bị chột bụng thì chỉ cần ghé vô tiệm nước kêu 1 ly cà phê đen nhỏ là vô tư đi… toilet!

 

Hồi đó người Việt uống cà phê riết, rồi gọi cà phê theo tiếng Tàu luôn. Xây phé, xây phé nại, bạc sỉu, bạc sỉu sỉu, xây chừng, tài chừng… hay gọn lõn là “CÀ PHE “. Bàn ghế ngồi cũng khác hơn bây giờ, ghế ngồi chân sắt mặt gỗ, bàn gỗ ghép ba mảnh, khi xếp lại còn mặt giữa, cao như bàn ghế ăn tiệc bây giờ .

 

“Tài có, dách cô xây chừng“. Tiếng nói như trên là tiếng Quảng Đông. Nhưng ngộ cái chủ quán cà phê (nghe mấy chú mấy anh bạn người Hoa nói lại) toàn là dân Hải Nàm (Đảo Hải Nam). Họ mà nói chuyện với bà con của họ, hay gặp người quen, mình có cảm tưởng như là họ đang… oánh lộn.

 

Người Việt mình sau này mới bắt đầu bán cà phê nhiều, vì thất nghiệp, vì rãnh rổi. Mà đa số các quán là dân trí thức, dân nhà giàu, khuôn viên nhà rất rộng có trồng cây ăn trái hay cây cảnh, thời đó gọi là cà phê sân vườn. Đám tụi tôi hồi đó ưa qua đường Kinh Dương Vương khoảng Hoà Đồng Tôn Giáo và Đài Ra Đa Phú Lâm, hồi đó có quán kem dừa khá lạ và mới mẻ. Trai gái bồ bịch vô đó ăn kem, uống cà phê, ngoài những tàng cây, khá thơ mộng nhưng hơi bị… muỗi chích.

 

Đến năm 1978-1979 bắt đầu nở rộ cà phê vỉa hè, mà bàn ghế thấp tè, bằng gỗ tạp hay gỗ cây cao su. Bàn thì bàn xếp, ghế thì là loại ghế đẩu lùn, để dễ dàng xếp gọn giấu đi mỗi khi cờ đỏ hốt (vì bên vai mang 1 miếng vải đỏ, thời đó chưa có Quản lý đô thị hay dân phòng). Nhưng đối với đám giựt đồ cướp cạn, thì chúng rất ngán ngại khi nghe tiếng tri hô cướp cướp là dân uống cà phê nhổm đít xách ghế phang liền cái rầm là nằm một đống. Saigon thời đó còn khá nhiều người trượng nghĩa, chớ không tệ như bây giờ. Trố mắt làm ngơ!
Cà phê người Việt thì bán pha chế bằng phin. Trong khi người Hoa thì pha chế bằng siêu, như siêu nấu thuốc Bắc, để trên bếp tối ngày nên gọi là cà phê kho, dù chúng được pha bằng vợt vải tám dầy. Ly cà phê bưng ra còn bốc khói thơm lừng.

 

Phần lớn mấy quán cà phê người Việt bán đều có người mang đến giao cà phê bột đã xay sẵn, trong khi tiệm nước của người Hoa thì họ mua cà phê hột tươi về để tự rang, pha chế và xay nhuyễn ra bán. Hồi nhỏ lúc đi ghe cát thỉnh thoảng đi uống nước với ông Nội tôi vào những buổi trưa, trời hơi xế ở một tiệm nước cạnh đường hẻm số 4 góc Bến Chương Dương – Nguyễn Cảnh Chân , Cầu Kho tôi có chứng kiến họ rang cà phê ngang hông vỉa hè quán, mùi thơm bay ngào ngạt, dù lúc đó chưa biết thưởng thức hương vị cà phê ngon hay dở, chỉ ngạc nhiên cà phê gì đắng nghét mà Nội tôi ngày nào cũng uống, khi uống dưới ghe, lúc thì ra ngồi tiệm nước…
Hồi xưa ngồi uống cà phê phần nhiều các cụ ngồi chồm hổm trên ghế, kiểu bó gối khoanh tay, giống như là kiểu ngồi rầu rĩ những khi vào mùa nước lụt, thời đó ngồi được, chớ đời bây giờ vô kêu ly cà phê mà ngồi kiểu đó về nhà coi chừng bị lở d… vì chủ quán đốt phong long…

 

Ly uống cà phê xưa cũng khác, ly bằng thủy tinh loại miệng bát, trên to dưới bé, khoảnh giữa ly có viền chỉ nổi, phía dưới có lót một cái dĩa sành màu trắng đục, có viền chỉ hoặc hoa văn màu xanh xám cũ kỷ và trông mất vệ sinh, chớ đâu bóng bẩy như bây giờ, gu của các cụ ngày xưa là rót từ ly sang dĩa, rồi hớp từng hớp, để uống một kiểu uống lạ đời , mà thế hệ trẻ sau nầy dễ gì nhìn thấy…

 

TRẦN NGỌC HIẾU
Từ facabook tác giả. Ảnh trên mạng
cà phêchợ lớnxưa và nay
Comments (0)
Add Comment