Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

TVN

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Một số nhà khoa học cho rằng: “Việc tôn thờ những nhân thần là một hình thức tín ngưỡng đặc sắc ở thời Hùng Vương. Ý thức về giống nòi và tập thể cộng đồng đã dẫn tới việc sùng bái trước hết là Tổ tiên và những người đi đầu cộng đồng của mình, từ hẹp đến rộng. Vị thần- người lớn nhất bấy giờ – Hiển nhiên là thủ lĩnh tối cao của các miền đất đai và tộc người lúc ấy: Vua Hùng. Sự sùng kính những nhân vật cụ thể này đã đi tới chỗ đồng nhất họ với hệ thống các vị thần trừu tượng tồn tại sẵn trong quan niệm tín ngưỡng từ trước đấy của người thời Hùng Vương: Chim cá rồi Âu cơ và Lạc Long Quân”.

Như vậy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có thể đã có từ người Việt cổ, từ buổi khai sinh lập nước và bền bỉ tồn tại và phát triển cùng tiến trình lịch sử Việt Nam, song hành và tạo nên một giá trị văn hoá đặc biệt trong đời sống tinh thần người Việt. Hiện nay theo thống kê của Cục văn hoá thông tin cơ sở – Bộ Văn hoá thể thao Du lịch Việt Nam, cả nước có 1.417 di tích có liên quan đến các Vua Hùng, những di tích thờ Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ, thờ vợ con tướng lĩnh, Hùng hầu, Hùng tướng của các Vua Hùng. Riêng ở tỉnh Phú Thọ có 345 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật có liên quan đến thời đại Hùng Vương.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng (giỗ Tổ Hùng Vương) là trung tâm tín ngưỡng thờ các vua Hùng, đã trở thành lễ hội lớn nhất của cả nước trong nhiều thời kỳ.

Khái lược về lễ hội Đền Hùng có thể thấy: Trước đây Xuân, Thu, nhị kỳ các địa phương quanh núi Hùng thường tổ chức nghi thức cúng lễ và tiệc cầu vào mùa xuân. Thời Lê (thế kỷ XV-XVII) lễ giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trong 3 ngày. Diễn trường của lễ hội bao gồm từ đình làng Cổ Tích lên đến núi Hùng. Truyền thuyết kể rằng: ngày Giỗ Tổ là ngày kỵ của vua Hùng thứ 6 – Hùng Huy Vương- Ngôi mộ được táng trên đỉnh núi Hùng. Cổ lệ, ngày Giỗ là ngày 11 tháng 3 âm lịch hằng năm – “Từ ngày 9 tháng 3 âm lịch, dân làng mở cửa đình, rước kiệu từ đình Cả lên đền Thượng làm lễ mở cửa đền, xong rước sắc từ đền Thượng về các đền cáo tế. Ngày 10 tháng 3 âm lịch làm lễ chính ở đình Cả dưới hình thức tế thần bằng cỗ tế tam sinh (dê đực, lợn đực, bò đực). Ngày 11/3 âm lịch lễ tạ ở đình Cả xong rước sắc lên đền Thượng làm lễ đóng cửa đền”.

Thế kỷ thứ XVII – XVIII do sự phát triển của dân địa phương các làng mới lập là làng Vi, làng Trẹo vốn gốc từ dân làng Cổ Tích, theo truyền thống văn hoá tín ngưỡng cùng làm lễ mở cửa đền vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm, lễ hội đã mở rộng trong cả một vùng rộng lớn với nhiều làng xã tham gia. Lễ hội Đền Hùng lúc đầu chỉ ở một làng, vài làng rồi sau lan ra một vùng và lan rộng trong toàn quốc trở thành nghi lễ mang tính quốc gia.

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương được người dân và các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Lê – Nguyễn rất chú trọng. Trong cuốn “Ngọc phả Đền Hùng” đã cho thấy nhà nước thời Lê đã có cơ chế, chính sách cho hoạt động tín ngưỡng thờ Hùng Vương: “Chuẩn cho miếu, điện và các làng đăng cai (thôn Trung Nghĩa; xã Nghĩa Cương này) tô thuế, binh dân và sưu sai, tạp dịch vẫn theo lệ cũ phụng thờ các Vua Hùng để dài quốc mạch, lưu thơm muôn đời”.

Thời Nguyễn tiếp tục tôn vinh các Vua Hùng với chủ trương quốc thống, giao các địa phương kê khai thần tích, chỉ giữ lại thần tốt và phúc thần, loại bỏ các tà thần. Hùng Vương được vào hàng Thượng Đẳng thần, rước linh vị Đền Hùng vào thờ tại miếu “Lịch đại đế vương” – Kinh thành Huế. Đồng thời, triều đình cấp tiền tu sửa, tôn tạo các đền: Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Giếng… Các vua nhà Nguyễn theo lệ cứ 5 năm (vào các năm tròn, năm chẵn) nhà nước đứng ra tổ chức lễ giỗ tổ (Quốc lễ) tại Đền Hùng, còn các năm lẻ do địa phương tổ chức. Vào năm 1917 (năm Khải Định thứ 2) quan tuần phủ Lê Trung Ngọc xin Bộ Lễ “ấn định ngày quốc lễ vào 10/3 âm lịch (tức trước ngày huý của Vua Hùng một ngày), ngày 11 để dân sở tại làm lễ”. Bộ Lễ đã thẩm xét và quy định cụ thể các phẩm phục, lễ phẩm, lễ nghi trong những ngày giỗ tổ một cách chặt chẽ.

Vào ngày 06/12), tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hiện nay người Việt sống khắp nơi trên thế giới và tổ chức Lễ Giỗ Tổ Vua Hùng với tâm nguyện uống nước nhớ nguồn được tổ chức ở nhiều nơi đặc biệt tại Hoa Kỳ.

Vào năm Quý Mùi 2003, sau một thời gian vận động quyên góp, những người Việt ở Mỹ đã khánh thành đền thờ Hùng Vương mang tên Quốc Tổ Vọng Từ. Ngôi đền hiện toạ lạc trên trục đường trong khu phố Down town, trung tâm thành phố San Jose thuộc tiểu bang California nơi có nhiều người Việt đang sinh sống với diện tích gần 300m2 được chia làm ba phần: Nhà Tổ, Phủ mẫu, khu phục vụ.

V.K. tổng hợp

Ảnh tư liệu: Tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương thời nhà Nguyễn, 1905.

giỗ tổhoa kỳhùng vươngphú thọ
Comments (0)
Add Comment