Việt Nam tưởng niệm sự kiện Gạc Ma một cách “long trọng”

TVN

Chính quyền Việt Nam vừa tổ chức lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến trên đảo Gạc Ma khi bị lực lượng hải quân Trung Quốc tấn công cách đây 35 năm. Tất cả các báo nhà nước đều đăng bài về sự kiện này và họ đã “dám” chỉ đích danh Trung Quốc.

Hôm 14/3, tại khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma bên bờ biển Khánh Hòa, Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Trọng Bình dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng đoàn của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải Quân đã dâng hương tưởng niệm 64 cán bộ – chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam tử trận trên đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988, theo trang Công an Nhân dân.

Ngoài 64 quân nhân thiệt mạng, còn có 9 người bị phía Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông sau 3 năm mới trao trả.

Hôm 12/3, tại một ngôi đình ở quận Hải Châu, Đà Nẵng, ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng đã tổ chức lễ dâng hương, thả vòng hoa tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ Gạc Ma. Trang báo Đảng Cộng sản cho biết 10 trong số các liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988 có quê quán ở Quảng Nam – Đà Nẵng.

Cũng hôm 12/3, đài truyền hình trung ương VTC chiếu phóng sự dài hơn 8 phút “Sống mãi khí phách Gạc Ma”, một lần nữa khẳng định “bất khả xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông”.

Trang mạng VNE đăng:

“Tháng 3/1988, Việt Nam đưa tàu ra xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao trong bối cảnh Trung Quốc liên tục chiếm đóng trái phép các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Rạng sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang chuyển vật liệu lên bãi Gạc Ma, phía Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến cùng binh lính đến cướp cờ, giết hại chiến sĩ. 64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh, 9 người bị bắt.

Tàu HQ-604 và HQ-605 bị bắn chìm. Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép đến nay.”

Còn trang vietnamnet cho rằng đây là một vụ “thảm sát” chớ không phải “hải chiến” do phía Việt Nam là công binh không vũ trang.

Động thái này hơi khác với những năm trước, thường là báo chí chỉ đưa tin một cách dè dặt. Tuy nhiên, với các sự kiện được đánh giá có phần thông thoáng và rầm rộ hơn so với trước đây, giới quan sát nhận định rằng cái nhìn của Hà Nội về mối quan hệ khắng khít đối với Bắc Kinh vẫn không thay đổi.

gạc mathảm sáttrung việttrường sa
Comments (0)
Add Comment