Ai là người được giải Nobel văn chương đầu tiên của thế giới? Ai là người Châu Á đầu tiên được giải thưởng này?

TVN

Phần lớn chúng ta, khi được hỏi “Ai là người đầu tiên giành được giải Nobel Văn chương?”, đều không nhớ là ai bởi hầu hết chúng ta hiện nay gần như không đọc tác phẩm của ông.

Vào năm 1901, Giải Nobel văn chương đầu tiên đã trao cho nhà thơ Pháp là Sully Prudhomme. Điều này cũng ngay lập tức gây tranh cãi bởi những đối thủ của ông lúc bấy giờ như Lev Tolstoy, Henrik Ibsen, Émile Zola… đều rất nổi tiếng. Vậy Sully Prudhomme là ai?

Sully Prudhomme tên thật là René Armand François Prudhomme sinh ngày 16 tháng 3 năm 1839. Cha ông là một kỹ sư, nhưng sớm qua đời vì bạo bệnh khi Prudhomme lên hai tuổi. Hoàn cảnh gia đình rơi vào khó khăn, ông cùng mẹ và chị gái chuyển đến sống với một người chú.

Năm lên 8 tuổi Prudhomme vào học trường Lycée Bonaparte, từ nhỏ ông đã thông minh, nhưng thể chất lại yếu nên không chạy chơi được nhiều và thường ngồi một mình. Ngoài việc đọc các kiệt tác văn học, Prudhomme còn rất giỏi Toán và Vật lý ở trường, điều này khiến ông chọn các môn khoa học tự nhiên sau khi tốt nghiệp trung học và nhận bằng Kỹ sư năm 1859. Từ năm 1860, Prudhomme phải làm nhiều nghề kiếm sống nhưng buổi tối khi về nhà, ông nghiên cứu triết học và làm thơ.

Sau đó ông học luật tại một văn phòng công chứng, đọc nhiều sách báo về xã hội và khoa học. Prudhomme dần dần dành toàn bộ tập trung cho thi ca, bắt đầu chú ý đến các trào lưu trong thế giới thơ, và bắt đầu sáng tác thơ.

Năm 1865 ông in tập thơ đầu tay ký bút danh Sully Prudhomme, được đánh giá cao. Ngay cả đại diện của chủ nghĩa lãng mạn kiêm nhà phê bình hàng đầu nước Pháp lúc bấy giờ là Sainte-Beuve, cũng lên tiếng khen ngợi. Năm sau, một nhà xuất bản in thơ của ông vào tập Le Parnasse contemporain (Thi sơn đương đại) – một tuyên ngôn của các nhà thơ nhóm Parnasse phản đối lại chủ nghĩa tình cảm của trường phái lãng mạn, ủng hộ giá trị của bản thân nghệ thuật, chủ trương sử dụng vẻ đẹp hình thức của thơ và cảm quan ngôn ngữ để thể hiện sức hấp dẫn của nghệ thuật.

Tập thơ đầu tay có được sự đón nhận tốt từ người đọc và giới phê bình, đã động viên Prudhomme vững bước theo con đường văn chương. Năm 1870, chiến tranh Pháp – Phổ nổ ra, ông tự nguyện gia nhập dân quân nhưng chiến tranh đã làm cho cuộc sống của người dân lâm vào cảnh khốn cùng và sự thất bại của nước Pháp cũng đã phần nào làm sức khỏe ông suy sụp. Ông bị liệt và phải cắt bỏ hai chân nhưng trong thời kỳ chữa bệnh, ông vẫn viết thơ ái quốc, cổ vũ thơ truyền thống, phản đối thơ tự do, chủ nghĩa tượng trưng, suy đồi.

Năm 1881, ông được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp khi bốn mươi hai tuổi.

Năm 1888 ông xuất bản trường ca Le bonheur (Hạnh phúc), gồm 4.000 câu thơ, khẳng định hạnh phúc có thể đạt được nhờ sự ham học hỏi, nhờ khoa học, nhờ thiện tâm và sự hy sinh. Ông được trao Bắc đẩu bội tinh vào năm 1895.

Dù rất nổi tiếng ở Pháp, khi ban giám khảo giải Nobel công bố Prudhomme là người đầu tiên đoạt giải “Nobel Văn chương”, tiếng nói phản đối từ khắp nơi trên thế giới không ngớt, nhưng nguyên nhân là khi đó, lúc hội đồng giải Nobel Văn chương mới được thành lập, người ta diễn dịch nguyện vọng di chúc của Nobel rằng, sẽ trao giải cho những tác giả theo khuynh hướng “duy tâm”, và ông được Viện hàn lâm Pháp ủng hộ đề cử, một danh sách hàng loạt cái tên quan trọng thời đó đã ký đề cử Prudhomme.

Giải Nobel Văn chương năm 1913 thuộc về một người Châu Á

Đó là đại thi hào người Ấn Độ Rabindranath Tagore, người châu Á đầu tiên được trao giải thưởng này. Ông cực kỳ được ái mộ với thi phẩm Gitanjali (theo tiếng Bengal là Lời dâng) mang những vần thơ tuyệt diệu, là chiếc cầu nối văn hóa Đông-Tây.

Rabindranath Tagore, đã được trao giải Văn chương năm 1913

Khác với Prudhomme của Pháp đã gần như bị lãng quên, ngày nay, Tagore (1861-1941) vẫn là niềm đam mê của những người yêu chuộng văn thơ trên khắp hành tinh. Các nhà phê bình văn học nhận xét, thơ của Tagore giàu tinh thần nhân ái, yêu cuộc sống, thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình và chống chiến tranh. Không những thế, Tagore còn được biết đến là nhà tư tưởng, nhà triết học, họa sĩ, nhạc sĩ… xuất sắc. Ông để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị về nhiều mặt. Bao gồm: 52 tập thơ với khoảng một nghìn bài thơ, 42 vở kịch, 14 tiểu thuyết loại truyện dài, 12 tác phẩm văn xuôi, hàng trăm truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, diễn văn, hồi ức, thư tín cùng hàng ngàn ca khúc và tranh vẽ vô giá, là kho tàng văn hóa Bengal ở cả hai khu vực bờ Tây là Ấn Độ và Đông là Bangladesh. Trong đó, ca khúc “Chúa là linh hồn tất cả chúng sinh” ông sáng tác năm 1911 đã trở thành Quốc ca Ấn Độ từ năm 1950.

Tác phẩm của ôn cũng được dịch sang tiếng Việt từ rất sớm. Dịch giả Đỗ Khánh Hoan với bản dịch Lời dâng (xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975) rất được người Việt yêu chuộng.

 

ấn độNobel Văn chươngphápRabindranath TagoreSully Prudhomme
Comments (0)
Add Comment