Boris Pasternak và “Bác sĩ Zhivago”

Hùynh Duy Lộc

Boris Pasternak (tên thật là Boris Leonidovich Pasternak) sinh ngày 29 tháng 1 (theo lịch mới là ngày 10 tháng 2) năm 1890 trong một gia đình gốc Do Thái tại thành phố Moscow của Nga. Mẹ ông là nữ nghệ sĩ đàn dương cầm Rosa Kaufman, còn cha ông là một giáo sư dạy về nghệ thuật và là một họa sĩ đã từng vẽ tranh chân dung của những nghệ sĩ nổi tiếng như nhà văn Nga Leo Tolstoy, nhà thơ Đức Rainer Maria Rilke, nhạc sĩ Nga Sergey Rachmaninoff, những người bạn thường lui tới nhà ông, và có cả những nhà hoạt động chính trị như Lenin. Khi còn ở tuổi thiếu niên, dù có biệt tài làm thơ, Pasternak lại muốn theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, học nhạc lý và sáng tác suốt 6 năm rồi chuyển sang học triết học ở Đại học Moscow và Đại học Marburg ở Đức.

Khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, ông không phải nhập ngũ như những thanh niên Nga khác vì không đủ sức khỏe, chỉ phải vào làm việc trong một xưởng sản xuất hóa chất ở vùng Ural, và sau khi Cách Mạng Tháng Mười nổ ra, ông vào làm việc trong thư viện của Bộ Dân ủy Giáo dục.

Trong những năm Thế chiến thứ nhất diễn ra, ông có mối quan hệ gắn bó với nhóm thi sĩ Vị lai Tsentrifuga (nhóm Ly Tâm) ở Moscow, viết nhiều bài thơ và bài tiểu luận để đăng trên tạp chí của nhóm. Năm 1904, ông cho in tập thơ đầu tay và gặp gỡ nhà thơ Vladimir Mayakovsky rồi 3 năm sau cho ra mắt tập thơ thứ hai có nhan đề “Poverkh baryerov” (Vượt qua những rào chắn). Năm 1922, khi cho ra mắt tập thơ “Sestra moya—zhizn” (Chị tôi – Cuộc đời) gồm những bài thơ viết vào năm 1917, ông đã được coi là nhà thơ trữ tình mới của Liên Xô thể hiện được nghị lực phi thường của những người dân Nga trong thời đại cách mạng. Tuy nhiên, dù ông được coi là một nhà thơ tiên phong của thời kỳ cách mạng, thơ của ông lại mang nặng ảnh hưởng của phái Tượng trưng và phái Vị lai, không giống thơ của những người khác ở vần điệu và cách thể hiện cái tôi trữ tình qua những ngoại vật như tự nhiên, huyền thoại, lịch sử hay những đồ vật trong đời sống hàng ngày.

Cha mẹ ông di tản sang Anh, nhưng ông đã ở lại Liên Xô, đón chào Cách Mạng Tháng Mười như những người cùng thời, chấp nhận cuộc sống khó khăn trong những năm đầu chế độ Bolshevik mới được thành lập. Suốt thập niên 1920, ông chuyển sang phái tả của chế độ khi cộng tác với tờ nhật báo Lef, cơ quan ngôn luận của Mặt trận cánh tả của nghệ thuật. Sau khi cho ra mắt tập thơ thứ tư có nhan đề “Temy i variatsii” (Các chủ đề và biến tấu) vào năm 1923, ông chuyển sang sáng tác thơ tự sự trường thiên mà ông cho là thích hợp với thời đại cách mạng hơn thơ trữ tình. Các bài thơ trường thiên ông sáng tác vào thời kỳ này như “Vysokaya bolezn” (Chứng bệnh kiêu căng – 1924), “Devyatsot pyaty god” (Năm 19-5) và “Leytenant Shmidt (Trung úy Schmidt – 1926) mô tả vai trò rất thụ động của tầng lớp trí thức Nga và cho thấy ý chí mạnh mẽ của đảng Bolshevik của Lenin trong tiến trình lịc sử. Tuy nhiên ông dần dần có cái nhìn chín chắn hơn và bi quan hơn về tầng lớp trí thức Nga khi viết cuốn tự truyện có nhan đề “Okhrannaya gramota” (Động thái an toàn) ra mắt vào năm 1931, có chương cuối nói về việc tự sát của nhà thơ Vladimir Mayakovsky.

Kế hoạch 5 năm đầu tiên của Liên Xô (từ năm 1938 tới năm 1932) đã mang lại nhiều đảo lộn trong cuộc sống ở Liên Xô và đời riêng của ông cũng có nhiều thay đổi, nhưng ông vẫn gắn bó với chế độ, viết những bài thơ ca ngợi những thành quả của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới thời Stalin trong tập thơ “Vtoroe rozhdenie” (Sinh ra lần thứ hai – 1932). Năm 1934, tại Đại hội các nhà văn Liên Xô lần thứ nhất, ông được tuyên dương là nhà thơ hàng đầu của Liên Xô và Chính phủ Liên Xô đã miễn cưỡng cử ông làm nhà thơ đại diện cho Liên Xô sang thành phố Paris của nước Pháp tham dự Đại hội quốc tế Bảo vệ văn hóa đầu tiên của thế giới vào năm 1935.

Đến cuối năm 1936, khi Stalin cho thông qua hiến pháp mới, những hành vi đàn áp dã man đã khởi đầu, ông dần dần có quan điểm cách biệt với quan điểm chính thống, có những hành động nguy hiểm cho bản thân như từ chối ký vào đơn yêu cầu hành quyết các nhà văn đã bị đem ra xét xử vì tội “phản bội tổ quốc”. Ông không còn viết những bài thơ ca ngợi chế độ nữa mà dành thời gian dịch thơ, khởi đầu với thơ của các nhà thơ nước Cộng hòa Georgia rồi đến thơ của William Shakespeare và Goethe (trong đó có bản dịch vở kịch thơ “Faust”). Thế chiến thứ hai làm cho sự khủng bố dưới thời Stalin ngưng được một thời gian, không khí trong xã hội bớt nặng nề và ông đã có thể cho in lại những tập thơ ông viết trước kia như “Na rannikh poezdakh” (Trên những chuyến tàu buổi sớm mai – 1943) và “Zemnoy proctor” (Địa hạt của trái đất – 1945).

Tuy nhiên tác phẩm ông dành hết công sức để viết vào thời gian này là cuốn tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago”. Năm 1956, khi cuốn tiểu thuyết đã hoàn tất, ông gởi bản thảo cho một tờ tạp chí của Liên Xô, nhưng ban biên tập đã từ chối đăng cuốn tiểu thuyết của ông, viện lý do nó “mô tả một cách lệch lạc Cách Mạng Tháng Mười Nga và xuyên tạc những nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Liên Xô”. Cuối cùng, bản thảo cuốn tiểu thuyết được gởi ra hải ngoại, được một nhà xuất bản của Ý dịch và ấn hành vào năm 1957. Đến năm 1958, bản dịch tiếng Anh cuốn tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” ra mắt và sau đó nó được dịch ra 18 thứ tiếng nữa. Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao cho ông giải Nobel Văn chương vào năm 1958. Giải thưởng Nobel Văn chương trao cho ông đã khiến ông lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn: Hội Nhà văn Liên Xô khai trừ ông, khiến ông không còn phương kế mưu sinh và chính quyền đã tổ chức những cuộc mít tinh đòi trục xuất ông khỏi Liên Xô. Ông đã viết thư cho Thủ tướng Nikita S. Khrushchev bày tỏ nguyện vọng ở lại quê hương: “Xa rời tổ quốc đối với tôi chẳng khác gì cái chết!”. Ông được phép ở lại Liên Xô, sống những năm cuối đời ở Peredelkino gần Moscow và từ trần sau một cơn đột quỵ vào ngày 30 tháng 5 năm 1960.

Từ khi Pasternak qua đời cho đến thập niên 1980, đất nước Liên Xô đã có nhiều thay đổi và ngày 18 tháng 2 năm 1987, Ban Thư ký Hội Nhà văn Liên Xô đã xóa quyết định khai trừ ông ra khỏi Hội Nhà văn hồi năm 1958. Năm 1988, tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” được xuất bản lần đầu tiên tại Liên Xô. Năm 1990 được UNESCO công nhận là Năm Pasternak nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông và cũng trong năm ấy, Bảo tàng Pasternak được thành lập tại Peredelkino, lưu trữ nhiều kỷ vật và hình ảnh liên quan đến cuộc đời và tác phẩm của ông.

Sách tiểu sử của Boris Pasternak ngoài cuốn “Pasternak” của nhà văn Pháp gốc Nga Henri Troyat, trên trang Z-Library còn có cuốn “Boris Pasternak: A literary biography”.

“Bác sĩ Zhivago” (tiếng Nga: :Доктор Живаго; chữ Живаго trong tiếng Nga có nghĩa là “cuộc sống”) kể về cuộc đời nhiều thăng trầm của một trí thức Nga trong thời kỳ đầy xáo động của Cách mạng Nga năm 1905 và cuộc nội chiến (1917-1922) sau đó giữa Hồng quân và phe Bạch vệ. Chàng Yurii Zhivago theo học ngành y và theo lời trăng trối của mẹ, kết hôn với nàng Tonia, nhưng khi ra chiến trường làm bác sĩ, chàng đã gặp và yêu Lara, một nữ y tá đã có chồng là một thầy giáo. Mối tình của Zhivago và Lara đã kéo dài qua những năm khốn khó của nước Nga, khi bão táp cách mạng và cuộc nội chiến khốc liệt đã làm tan hoang tất cả mọi thứ trong cuộc sống của mọi người.
Khởi đầu truyện là cảnh Yuri Andreievich Zhivago lúc mới 10 tuổi dự đám tang của mẹ. Sau đó, Yuri học y khoa, bắt đầu làm thơ, rồi cưới người phụ nữ tên Tonya. Larisa Fyodorovna (Lara) ở tuổi dậy thì sống với bà mẹ góa phụ làm công cho một chủ hãng may tên Komarovsky. Komarovsky đã dụ dỗ và cưỡng bức Lara. Trong cơn cuồng nộ, nàng lấy súng bắn Komarovsky trong một buổi tiệc Giáng sinh, nhưng lại bắn trúng một người khác. Sau đó, nàng kết hôn với người yêu đầu tiên của mình là Pavel Pavlovich (Pasha).

Trong thời kỳ Thế chiến thứ nhất, Yuri nhập ngũ với tư cách bác sĩ quân y. Pasha rời vợ và cô con gái tên Tanya, vào theo quân đội và bị mất tích. Lara tình nguyện làm y tá với hy vọng tìm kiếm tông tích chồng. Khi vào thăm vợ vừa mới sinh đứa con trai đầu lòng, Yuri gặp cô y tá Lara. Hai người đã thầm yêu nhau, nhưng không dám ngỏ lời. Vào lúc này, phong trào cách mạng bùng phát tại Petersburg. Chiến tranh bùng nổ, Yuri và Lara công tác chung tại một bệnh viện ở tỉnh lẻ xa xôi. Tình cảm giữa Yuri và Lara càng lúc càng thắm thiết, và khi Yurir tâm sự với vợ, nàng đã nghi ngờ anh và Lara đã ngoại tình. Mùa đông đến, đời sống rất chật vật vì thiếu thức ăn và dịch bệnh lan tràn. Sau khi cuộc chiến kết thúc, Yuri trở về làm bác sĩ tại một bệnh viện ở Moscow. Vì có tâm hồn lãng mạn, anh thường bị các đồng nghiệp theo phe Bolshevik chỉ trích là không có tinh thần cách mạng và thiếu logic. Giữa lúc các cuộc xung đột chống chủ nghĩa Marx nổ ra, Yuri cùng gia đình dời về Urals. Trong chuyến đi bằng xe lửa, Yuri nhận thức được nỗi thống khổ của những người nông dân và những tù binh, những nạn nhân của cuộc chiến tranh cách mạng. Chàng yêu chuộng tự do và bình đẳng, nhưng bất mãn với những hành động quá khích và những quan điểm quá cứng rắn và thiếu tình người của những người theo cách mạng. Tại Urals, Yuri cùng gia đình khai khẩn đất để làm ruộng. Chàng trở lại làm thơ. Tại thư viện của làng, chàng gặp lại Lara. Hai người đã đến với nhau không một chút e dè. Nhưng lúc bấy giờ, Lara được tin Pasha, chồng nàng, còn sống và hiện là một tay trùm khét tiếng với tên mới là Strelnikov. Yuri muốn trở về với để thú nhận tội ngoại tình với vợ, nhưng chẳng may bị một nhóm quân cách mạng bắt cóc và phải phục vụ như bác sĩ của nhóm người này.

Sau vài năm, Yuri trốn thoát và trở lại với Lara. Để tránh không bị chỉ điểm, đôi tình nhân bỏ trốn sang một nông trại khi xưa gia đình Yuri từng canh tác. Yuri tiếp tục làm thơ, bày tỏ những mối ưu tư về những thăng trầm của đời sống, và trên tất cả là tình yêu dành cho Lara. Chàng lại được tin vợ và con gái chàng bị trục xuất khỏi nước Nga. Chẳng bao lâu sau đó, Komarovsky, kẻ đã từng hãm hiếp Lara khi xưa, xuất hiện, dọa rằng quân cách mạng đang truy lùng Yuri và Lara và sẽ giết cả hai nếu bắt được. Hắn hứa giúp đưa Yuri và Lara trốn ra nước ngoài. Yuri đắn đo một hồi lâu và cuối cùng quyết định để cho Lara ra đi một mình. Yuri ở lại Nga, tìm quên trong men rượu. Strelnikov, chồng của Lara, đang chạy trốn vì bị chính phủ Cách mạng truy lùng. Anh ta tìm ra Yuri và đã tự sát sau khi biết chuyện Lara ngoại tình. Yuri trở lại Moscow, sống với một phụ nữ tên Marina và kiếm sống bằng việc viết sách. Em của chàng tìm cho chàng công việc bác sĩ tại một bệnh viện nhưng trên đường đi làm, chàng bị đột qụy rồi chết. Lara từ Irkutsk lên Moscow tình cờ đi tới nhà xác, thấy thi thể Yuri còn nằm đó. Sau đó vài ngày, nàng mất tích; có người cho hay nàng bị bắt đi trại tập trung cải tạo.

Năm 1965, đạo diễn David Lean đã thực hiện bộ phim “Bác sĩ Zhivago” dựa theo cuốn tiểu thuyết này của Pasternask. Giải Oscar năm 1966, phim đã được đề cử ở 10 hạng mục và đoạt giải Kịch bản xuất sắc nhất, Âm nhạc hay nhất, Trang phục đẹp nhất, Đạo diễn Nghệ thuật và Quay phim xuất sắc nhất.

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Boris Pasternak, tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” in lần đầu tiên ở Liên Xô và phim “Doctor Zhivago” của đạo diễn David Lean

Comments (0)
Add Comment