Góp phần tìm hiểu Trương Vĩnh Ký

TS Trần Thanh Ái

Hiểu một nhân vật lịch sử đã khó, và khoảng lùi thời gian càng lớn thì độ khó càng cao. Hiểu một nhân vật lịch sử đã gây ra quá nhiều dị biệt trong cách đánh giá như Trương Vĩnh Ký lại càng khó gấp bội: những người khen thì không tiếc lời ca ngợi, thậm chí ca ngợi một cách ngây ngô, còn người chê thì cũng không dè xẻn những từ ngữ xấu xa nào, như “người hèn nhát”, “tên gian điệp”, “kẻ bán nước”… Để không rơi vào một trong hai thái cực này, người nghiên cứu cần phải hết sức khách quan và thận trọng, từ khâu sưu tầm tài liệu, đến khâu dịch văn bản bằng tiếng nước ngoài, đánh giá sự kiện.

Các phê phán Trương Vĩnh Ký

Những người lên án Trương Vĩnh Ký thường đứng trên lập trường của người yêu nước trước sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên đất nước Việt Nam; họ kết tội Trương Vĩnh Ký với nhãn quan của những người sống trong thế kỷ XX và đầu XXI, khi mà chủ nghĩa thực dân đã bộc lộ tất cả những tính chất tàn bạo của nó, và chuyển hóa thành chủ nghĩa thực dân mới rất tinh vi. Họ quên rằng tình hình giữa thế kỷ XIX chưa phân hóa rõ ràng trắng đen như ngày nay, khi mà cái tiến bộ đan xen với cái kềm hãm sự tiến bộ, cái tiến bộ bị lợi dụng để phục vụ cho cái phản tiến bộ, vv. đến độ không ít trí thức phương Tây thời đó như V. Hugo cũng có lúc phải ngộ nhận.

Nhiều phê phán Trương Vĩnh Ký rất gay gắt, nhất là sau năm 1954, khi phong trào giải phóng thuộc địa trên thế giới lên cao. Ở miền Bắc những năm 1960, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trong tạp chí Nghiên cứu Lich sử các số từ 56 đến số 63 trong hai năm 1963-1964, mọi ý kiến về Trương Vĩnh Ký đều nhằm lên án sự cộng tác của ông với người Pháp khi họ đặt chân đến Việt Nam. Ở miền Nam, phong trào “Tìm về dân tộc” mà một trong những người đứng đầu là giáo sư Nguyễn Văn Trung cũng đã tập hợp được một số người cùng quan điểm như Nguyễn Sinh Duy, Phạm Long Điền… phê phán sự cộng tác của Trương Vĩnh Ký với người Pháp trong những ngày đầu họ đặt chân đến Nam Kỳ. Gần đây ở nước ngoài nổi lên vài nhà nghiên cứu có những lời lẽ gay gắt dành cho Trương Vĩnh Ký.

Quan điểm phê phán sự cộng tác với Pháp được thông cảm và chia sẻ khá dễ dàng, nhất là khi các cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX đã gây biết bao đau thương mất mát cho nhiều người Việt, tưởng chừng như vết thương sẽ không bao giờ lành. Nhưng nếu cứ mãi chìm đắm trong đau khổ và hận thù mà không tỉnh táo nhận rõ những lắt léo vốn đầy rẫy trong lịch sử, chúng ta sẽ hắt hủi những cái tốt, vô tình vùi dập những người đi tiên phong, và nhất là sẽ làm chùn bước các thế hệ hiện tại và tương lai dấn thân vào con đường khai phá, khiến dân tộc mãi mãi sẽ không thể vươn lên được. Nhận thức thực tiễn là một quá trình phức tạp và lâu dài, nó tiến dần dần từ biết ít đến biết nhiều, từ sai nhiều đến sai ít hơn; và chỉ có thể qua quá trình quan sát và tìm hiểu liên tục, chúng ta mới dần dần điều chỉnh lại kiến thức của mình. V. Hugo đã từng nói như sau về sự thay đổi của nhận thức như là chỉ dấu của sự sống, của sự phát triển:

“Sẽ là một lời ca tụng tồi tệ nếu nói: ý kiến của anh ấy đã không thay đổi từ bốn mươi năm nay. Nói như thế có nghĩa là anh ấy không có tích lũy kinh nghiệm mỗi ngày, cũng không có suy nghĩ, không có chút lắng đọng nào trong tư tưởng về việc đời. Đó chính là ca tụng mặt nước ao tù, ca tụng một cây đã chết.” (Hugo V. 1842, tr. 150)

Bài học ấy chẳng những đúng ở cấp độ cá nhân, mà nó còn đúng ở cấp độ nhân loại: nhận thức của con người ở thế kỷ XXI chắc chắn sẽ đầy đủ hơn, sát sao hơn nhận thức của con người ở thế kỷ XIX, và cũng sẽ sơ sài hơn nhận thức của con người ở những thế kỷ tương lai. Vì thế chúng ta không thể áp đặt suy nghĩ của người đời sau lên những người đã sống trước chúng ta. Chúng ta cần phải đặt mình vào hoàn cảnh thời ấy, vào thân phận của nhân vật lịch sử để mà tìm hiểu thời đại, tìm hiểu con người, tìm hiểu nhân vật, quan sát họ qua lăng kính của thời đại của họ thì mới mong có những nhận xét gần với sự thật.

Ca tụng dễ dãi làm vẩn đục hình ảnh Trương Vĩnh Ký

Ta thường nói: “Khen nhau như thế bằng mười hại nhau”. Thật vậy, nếu lời khen không đúng, thậm chí dù chỉ là lời khen dễ dãi thôi, chẳng những người khen không thể vinh danh mà còn gây phản cảm, gieo rắc nghi ngờ lên người được khen.

Năm 2017, chúng tôi đã có bài viết đăng trên tạp chí Xưa và Nay[1] để chỉ ra sự cường điệu dễ dãi không kiểm chứng của người đời sau đối với Trương Vĩnh Ký trong việc tung hô ông là “Thế giới Thập bát văn hào”. Thậm chí có người còn cẩu thả cho rằng ông được xếp thứ 17 trong số 18 vị ấy, mà không hề phát hiện ra rằng danh sách ấy được xếp theo thứ tự abc! Ngoài sai lầm đó ra, gần đây chúng tôi còn phát hiện không ít sai sót của những người tôn vinh Trương Vĩnh Ký, trong đó có một số sai sót có thể gây ra dị ứng nơi người đọc, chẳng hạn như:

Trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam, Quyển 3, mục “Tiểu dẫn về cuộc đời Trương Vĩnh Ký” (2012, trang 21), có viết: ngày 17 tháng 5 năm 1883, Petrus Ký được Hàn Lâm Viện Pháp phong danh hiệu Viện Sĩ (Officier d’Académie) với huy chương Hàn Lâm Viện Đệ nhị đẳng Bội Tinh (Palmes d’Académie). Cần biết rằng Palmes d’Académie, thường được dịch là Cành cọ Hàn lâm, không phải do Hàn Lâm Viện Pháp phong tặng, mà là do Thủ tướng Pháp ký quyết định trao, và người nhận nó không hề là viện sĩ: đó chẳng qua là một danh hiệu được lập ra dưới thời Napoléon Đệ Nhất để trao tặng cho công dân Pháp và dần dần cho cả người nước ngoài có đóng góp về mặt giáo dục và học thuật[2], trong đó có việc truyền bá tiếng Pháp. Danh hiệu này được chia thành 3 cấp, cao nhất là Commandeur (Quân lộc), kế đến là Officier (Sĩ quan) và cuối cùng là Chevalier (Hiệp sĩ). Như vậy danh hiệu mà Trương Vĩnh Ký nhận là Officier, tức là Hạng Nhì, theo kiểu “Huân chương Lao động Hạng Nhì” ở nước ta. Gọi Trương Vĩnh Ký là “viện sĩ” và cho là ông đã nhận được “Hàn Lâm Viện Đệ Nhị đẳng Bội Tinh” là sự nhầm lẫn đáng tiếc.

Cách cố cộng gộp tất cả sách vở, tài liệu đã xuất bản cũng như còn dưới dạng bản thảo hay đề cương, để tạo ra con số ấn tượng về công trình của Trương Vĩnh Ký là cách làm không thuyết phục, gieo vào đầu người đọc suy nghĩ “lấy số lượng bù chất lượng”, vô hình trung hạ thấp giá trị nhiều biên khảo của ông. Lẽ ra nếu các nhà nghiên cứu thấy những bản thảo nào có giá trị thì họ nên tổ chức thẩm định và xuất bản toàn văn cho công chúng đọc. Nếu tài liệu nào chỉ nghe nhắc tên mà chưa tìm ra văn bản thì nên đưa thông tin chừng mực và đúng với nguồn tin gốc, chẳng hạn như tài liệu “A Comparative Analysis of the Languages of the World”[3] mà nhà du hành người Anh tên là John Thomson đã nhắc ở trang 178 trong quyển hồi ký The Straits of Malacca Indo-China and China or Ten years’ travels, adventures and residence abroad xuất bản tại Luân Đôn năm 1875. Một số bài viết liệt kê cả tài liệu “Généalogie de la famille de P. Trương Vinh Ký” (1891) vào danh sách “công trình” của ông, mà không hề biết rằng đó chỉ là ghi chép gia phả của dòng họ ông mà thôi!

Cách gọi sách vở, tài liệu mà Trương Vĩnh Ký đã biên soạn là “công trình” cũng không ổn: có thể ngày xưa chữ “công trình” đã được dùng để chỉ một bài viết vài trang giấy, nhưng ngày nay cách nói như vậy gây không ít phản cảm, nhất là khi chúng ta đang sống trong thời lạm phát công trình khoa học. Có lẽ chỉ nên gọi đó là tài liệu: nói rằng Trương Vĩnh Ký đã biên soạn được chừng ấy tài liệu các loại thì có lẽ sẽ dễ dàng được tiếp nhận hơn!

Vấn đề dịch văn bản từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt cũng góp phần vào việc hiểu sai lệch con người Trương Vĩnh Ký. Năm 2017, trong bài viết “Minh oan cho Petrus Trương Vĩnh Ký về câu “ở với họ mà không theo họ”[4] Winston Phan Đào Nguyên đã chỉ ra những hệ quả nguy hiểm khi hiểu và dịch sai câu tiếng latinh sic vos non vobis.

Một số câu dịch thô thiển vô tình khiến người đọc có ác cảm với Trương Vĩnh Ký, chẳng hạn như trong thư gửi Paul Bert, ông có viết: “Je vais étudier hommes et choses de façon qu’au retour du roi, nous puisions entrer dans une période d’organisation et de transformations nécessaires, avec un personnel qui soit à la hauteur de sa tâche. Je ferai éliminer tous les favoris et j’entourerai le Roi, je composerai le Co-mat d’hommes vraiment capables.” Bất cứ ai rành tiếng Pháp cũng đều biết rằng “Je ferai éliminer” hoàn toàn khác với “J’éliminerai”: “éliminer” là loại bỏ, còn “faire éliminer” là nhờ người khác loại bỏ; ở đây là Trương Vinh Ký dự định sẽ kiến nghị với vua Đồng Khánh loại bỏ, và câu trên có nghĩa là “tôi sẽ tâu với Hoàng thượng loại bỏ những sủng thần”. Một số bản dịch ngô nghê là “Tôi sẽ loại bỏ các sủng thần…”, chẳng khác nào ám chỉ rằng Trương Vĩnh Ký sắp đại náo ở triều đình Huế! Tất cả những dễ dãi đó vô hình trung khiến những người lên án Trương Vĩnh Ký thêm “ngứa mắt”, và sự “hòa giải dân tộc” lại càng khó khăn hơn!

Những người ca tụng Trương Vĩnh Ký rất đông, có cả người Pháp đang làm việc ở Đông dương lẫn người Pháp ở bên chính quốc. Có người khen thật lòng, cũng có người khen “vì nhiệm vụ” như nhiều quan chức thuộc địa. Vì thế, khi đọc những lời khen đó cần phải tỉnh táo phân biệt để không rơi vào hai thái cực đối lập.

Cần phải biết gì để hiểu Trương Vĩnh Ký?

Năm 1974, trong quyển Chữ, Văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc, Nguyễn Văn Trung đã phủ nhận công lao của Petrus Ký và nhiều người khác trong việc phát triển chữ quốc ngữ bằng cách chứng minh rằng đó chỉ là ý đồ của thực dân và các thừa sai người Pháp để nhằm xóa sổ ảnh hưởng của nhiều thế hệ nhà nho. Nhưng đến năm 1993, ông thay đổi cái nhìn, với những lập luận như sau:

“Người thời sau có quyền nghĩ thế này thế kia, nhưng trước hết phải tìm hiểu người đương thời nghĩ gì về tác giả, tác phẩm mình nghiên cứu (…). Về Trương Vĩnh Ký chúng tôi nhìn nhận phải duyệt lại lối nhìn phê phán trước đây… Một trong những lý do buộc chúng tôi duyệt lại, chính là việc đánh giá của người đương thời, chống Pháp, trong phong trào Minh Tân.” (Nguyễn Văn Trung 1993, tr. 46-47)

Sự thay đổi cách nhìn nhận vấn đề của Nguyễn Văn Trung tuy có tích cực hơn, khách quan hơn, nhưng vẫn không thể thuyết phục được những người có định kiến về sự cộng tác của Trương Vĩnh Ký với Pháp, bởi vì họ cũng có thể lập luận rằng không ít người đương thời lên án Trương Vĩnh Ký, dù chỉ bằng những câu vè, câu đối truyền miệng. Mặt khác, sự thay đổi đó cũng không thỏa mãn trọn vẹn những người ủng hộ Trương Vĩnh Ký, bởi vì họ cảm thấy danh dự của ông lệ thuộc nhiều vào sự may rủi của số phận: nếu tiếng nói bênh vực ông của phong trào Minh Tân không được ghi chép lại và rơi vào quên lãng thì sao? Và trên thực tế, giao phó số phận của một cá nhân cho sự đánh giá của người đương thời chẳng phải đã gây ra nhiều oan sai, bi kịch trong lịch sử Việt Nam đó sao? Nhất là nếu cá nhân ấy có tầm nhìn vượt lên trên người đương thời, đi trước thời đại, có khả năng nhìn xa trông rộng, thì phán xét của người đương thời cũng không thể tránh được sai sót, nông cạn! Chúng tôi nghĩ rằng Trương Vĩnh Ký là một người như vậy: do tiếp xúc được nhiều giới người, nhiều đồng môn có nhiều quốc tịch khác nhau, lại thông minh xuất chúng, lại có thiên phú về việc học ngoại ngữ, lại ham mê học hỏi, lại có thời gian dài sống ở một địa điểm được xem là “ngã tư quốc tế” như Pulo-Pinang, lại có dịp trực tiếp tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây và với giới tinh hoa học thuật trong đợt đi sứ sang Pháp năm 1863, thì kiến thức của ông đã vượt quá xa những người cùng thế hệ, những người chỉ có thể quanh quẩn trong “cửa Khổng sân Trình”, lấy Tứ Thư Ngũ Kinh làm ánh đuốc trí tuệ và thi phú làm nguồn vui tao nhã. Có thể nói không ngoa rằng Trương Vĩnh Ký là người duy nhất trong thế hệ của ông có được những điều kiện vô cùng thuận lợi để tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng về chính trị xã hội, văn hóa và khoa học kỹ thuật của phương Tây hiện đại, từ thời Phục Hưng đến thế kỷ khai sáng nối dài sang nửa đầu thế kỷ XIX.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã ý thức được việc cần phải tìm hiểu “đặc điểm lịch sử của thời đại Trương Vĩnh Ký sống và hoạt động” (Đinh Xuân Lâm, 2013, tr. 18): điều này rất đúng, nhưng phương hướng như thế cũng còn rất tổng quát nên khó áp dụng, khó mang lại kết quả mong muốn. Chẳng phải những người lên án lẫn những người ca tụng Trương Vĩnh Ký đều luôn bám sát hoàn cảnh lịch sử để củng cố lập luận của mình đó sao? Không ai thấy cần phải tìm hiểu xem Trương Vĩnh Ký đã học được những gì để biết xem ông đã suy nghĩ thế nào về nền văn minh phương Tây, về nền tư tưởng khai sáng, về việc một mặt Cách mạng Pháp nêu cao khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” trong khi nhiều đời chính phủ vẫn đi xâm chiếm thuộc địa, và về cả thái độ nghịch lý của những người có tư tưởng tiến bộ nhưng lại ủng hộ chính sách thực dân. Muốn biết suy nghĩ của con người ham học hỏi như Trương Vĩnh Ký thì phải khảo sát tư tưởng chủ đạo đang lên ngôi ở châu Âu, đặc biệt là về sứ mệnh khai hóa, về nhà nước pháp quyền và các định chế dân chủ, phi tôn giáo còn non trẻ ở châu Âu, bởi vì những thứ ấy được phổ biến rộng rãi trên sách báo lúc bấy giờ, và chắc chắn là nguồn tư tưởng ấy không thể thoát khỏi tầm mắt của ông. Trương Vĩnh Ký đã nghĩ gì về một nước An Nam nghèo nàn, lạc hậu, vua chúa thì thiển cận, quan lại thì bức bách dân lành, giáo dân thì sống trong lo sợ cảnh máu đổ đầu rơi vì cấm đạo? Ông đã nghĩ gì khi chính quyền bế quan tỏa cảng để chống lại làn sóng tìm kiếm thị trường cho những nền công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ ở châu Âu, đồng thời đóng cửa luôn cả ánh sáng văn minh phương Tây đã rực sáng từ mấy thế kỷ trước? Ông đã nghĩ gì về giáo dục nước nhà chủ yếu dựa vào tầm chương trích cú sau khi đã chứng kiến một nền học thuật khai phóng và thực học rộ nở ở phương Tây từ gần 300 năm trước, với việc thăng hoa của các ngôn ngữ dân tộc thay thế cho sự thống trị của tiếng latinh? Bất cứ ai đã có dịp chứng kiến sinh hoạt học thuật phương Tây cũng đều có sự so sánh với tình hình của nước nhà, cũng đều phát hiện ra rằng mặt bằng tri thức của nước ta có khoảng cách quá lớn so với phương Tây; và bất cứ ai có lòng với đất nước cũng đều phải suy nghĩ tìm kiếm cho mình phương cách hành động sao cho thiết thực nhất, có lợi nhất cho việc nâng tầm dân tộc lên! Chúng tôi nghĩ rằng Trương Vĩnh Ký không phải là trường hợp ngoại lệ. Vì thế, muốn hiểu được thái độ của ông trước thời cuộc, cần phải nhìn qua lăng kính của thời đại mà ông đã sống, bằng cách tìm hiểu thấu đáo một loạt khía cạnh đã nêu bên trên.

Tư tưởng chủ đạo của phương Tây giữa thế kỷ XIX

Để hiểu được người thanh niên trí thức Trương Vĩnh Ký những năm 1852-1858, không thể không tìm hiểu tư tưởng đang thịnh hành thời bấy giờ, nhất là về chính trị, xã hội, tổ chức nhà nước, về dân chủ, về các cường quốc kinh tế và quân sự, về tình hình bang giao quốc tế, v.v.

Thế kỷ XIX là thế kỷ phát triển khoa học – kỹ thuật và công nghiệp mạnh mẽ ở các nước phương Tây, nhờ nó kế thừa nền tảng vững chắc mà mấy thế kỷ trước đã tạo ra, về mặt tri thức cũng như về cơ sở vật chất. Khoa học phát triển tạo thành một động lực thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng vào phát triển công nghệ. Thế nhưng sự phát triển của khoa học lại xuất phát từ sự giải phóng tư tưởng khỏi giáo quyền thiên chúa giáo và chế độ quân chủ chuyên chế, để vươn lên làm chủ lý trí của chính mình, như triết gia E. Kant đã tôn vinh vai trò của lý trí trong nhận thức. N. de Condorcet, một nhà tư tưởng người Pháp đã từng tiên đoán:

“Sẽ đến một lúc, ánh mặt trời chỉ soi sáng cho những con người tự do trên trái đất, những người không thừa nhận bất cứ ai là ông chủ, ngoại trừ lý trí của chính mình; lúc mà những kẻ độc tài và người nô lệ, các giáo sĩ và các công cụ ngu xuẩn hoặc đạo đức giả của họ chỉ còn hiện hữu trong sử sách và trên sân khấu.” (Condorcet N. 1795, tr. 338)

Khi tư tưởng khai sáng của thế kỷ XVIII đạt đến độ phát triển rực rỡ trong việc thiết lập nền tảng triết học cho cấu trúc nhà nước pháp quyền bảo đảm tự do tư tưởng ở châu Âu, nó dần dần giương ngọn cờ khai hóa và hướng đến các dân tộc kém phát triển ở châu Phi và châu Á. Với danh nghĩa “sứ mệnh khai hóa” (mission civilisatrice), các nhà tư tưởng châu Âu tin tưởng một cách chân thành rằng sau khi đã tự khai hóa, các dân tộc châu Âu có nhiệm vụ giúp các dân tộc còn sơ khai nâng tầm nhận thức lên, bằng cách cải thiện điều kiện sinh sống và mở mang giáo dục. Cũng cần nhắc lại là học thuyết chủng tộc[5] ra đời từ các lý thuyết về “các giống người” (races humaines) được sử dụng trong thời khai sáng để mô tả và phân loại các sắc tộc: theo ghi nhận của họ, có những sắc tộc đã phát triển mạnh mẽ và cũng còn nhiều sắc tộc còn sống đời sơ khai. Dĩ nhiên là ngày nay cách phân biệt như thế không còn được chấp nhận nữa, nhưng vào các thế kỷ trước, đó là một thực tế hiển hiện không thể phủ nhận được, và người ta có thể tán thành sự phân biệt ấy mà không hề bị lên án là kỳ thị chủng tộc. Ngay cả V. Hugo cũng còn ngộ nhận khi hoan hỉ đón chào sứ mệnh khai hóa: năm 1841, hai ngày sau khi được bầu vào Hàn Lâm Viện, V. Hugo được một mệnh phụ, bà Girardin, mời dùng bữa tối. Trong bữa tiệc, khi trao đổi với tướng Bugeaud là toàn quyền Algérie, V. Hugo cho thấy nhận thức của ông về việc chiếm Algérie làm thuộc địa như là hành động thực hiện sứ mệnh khai sáng của một dân tộc văn minh đối với một dân tộc kém văn minh hơn:

“Tôi nghĩ rằng cuộc chinh phục vừa qua[6] của chúng ta là điều hạnh phúc và vĩ đại. Nền văn minh sẽ đè bẹp sự dã man. Dân tộc đã được khai sáng sẽ tìm thấy dân tộc còn sống trong tăm tối. Chúng ta là người Hy Lạp của thế giới, chúng ta có nhiệm vụ soi sáng thế giới. Nhiệm vụ của chúng ta đang hoàn thành, tôi chỉ biết hát ca đón chào. Ông suy nghĩ khác tôi, đơn giản thôi. Ông nói với tư cách người lính. Còn tôi, tôi nói với tư cách triết gia và nhà tư tưởng.” (Hugo V. 1887, tr.52)

Đó là lúc Hugo đã có những sáng tác thắm đượm tính nhân văn như Ngày cuối cùng của tên tử tù (tiểu thuyết, năm 1829), Nhà thờ Đức Bà (tiểu thuyết, năm 1831), Ánh sáng và bóng tối (tập thơ, năm 1840). Nếu chúng ta ở vào vị trí của Trương Vĩnh Ký, chúng ta suy nghĩ gì về sứ mệnh khai hóa, về việc khai thác thuộc địa của các cường quốc châu Âu? Hơn ai hết, càng đọc nhiều tác giả như Montesquieu, Rousseau, Voltaire, Diderot, vv. ông càng nhận thức rõ rệt khoảng cách quá xa giữa người Việt và người châu Âu về tư tưởng triết học, về ý thức tự do, bình đẳng. Trong một cuộc đàm đạo, ông đã trả lời Léon Gautier như sau:

“Tiến bộ về sinh hoạt chính trị của Tây phương thật quá rõ rệt và mạnh mẽ về đường thực dụng. Công trình của các nhà văn hóa có công trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Pháp 1789 – có thể bảo là của châu Âu – như là Montesquieu, Jean-Jacques Rousseau, Diderot, Voltaire thật tiến bộ và đáng nêu gương sáng. Tôi cũng đã từng đọc những bộ sách quí như là: Vạn pháp tinh lý (Esprit des lois của Montesquieu, 1748), Dân ước (Contrat social của Jean Jacques Rousseau, 1762), Thơ Ba-tư (Lettres persanes của Montesquieu, 1721), Thơ triết học (Lettres philosophiques của Voltaire, 1733), hay một vài chương ở bộ tự điển Diderot.” (Khổng Xuân Thu, 1958, tr. 141-142)

Chính trong bối cảnh thăng hoa của tư tưởng khai sáng ấy mà chính quyền các cường quốc phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan… sử dụng “sứ mệnh khai hóa” làm ngọn cờ tiên phong để mở rộng thị trường cho nền sản xuất công nghiệp hóa bằng cách thiết lập các thuộc địa xa xôi. Và để tìm tiếng nói đồng thuận của giới trí thức, chính trị gia các nước cũng đã tìm cách cải tiến hình thức thuộc địa để cố gắng đáp ứng phần nào những khát vọng của thời đại được kết tinh trong các cuộc cách mạng ở châu Âu.

“Chữ ‘colonisation’ [thuộc địa hóa] trong thời đại chúng ta phải được hiểu khác với các thế kỷ trước. Nó không còn bao hàm các biện pháp bạo lực và những hành vi nhằm trục lợi nhiều hơn là bảo đảm tính đúng đắn mà ngày xưa người ta thường làm để làm cho đất đai mua được hay chinh phục được ở phương trời xa mang về lợi nhuận càng nhanh càng tốt cho mẫu quốc. Ngày nay không một quốc gia châu Âu nào muốn sử dụng biện pháp ép buộc, ngay cả đối với dân tộc dã man nhất, để mang họ đi khỏi nơi mà họ chiếm, lại càng không muốn dùng sự cưỡng bức để mang họ đến nơi của các tên thực dân được tuyển mộ từ những phạm nhân hoặc những kẻ có tiền án.” (Galos H. 1864, tr.197)

Ngày nay, không ai còn ngây thơ tin vào chính sách thuộc địa của các cường quốc phương Tây nữa, nhất là khi nó lợi dụng những tư tưởng khai sáng để khoác lên người chiếc áo khoa học và nhân văn, nhưng vào thời ấy ban đầu nó được dư luận rộng rãi ở châu Âu ủng hộ, trong đó có không ít nhà khoa học. Chỉ đến khi cuộc chạy đua tìm kiếm thuộc địa của các cường quốc ngày càng quyết liệt và khuynh hướng lạm dụng vũ lực của phe quân sự gây ra nhiều hậu quả ngày càng trầm trọng thì mặt trái của sứ mệnh khai hóa mới bộc lộ ngày càng rõ rệt, lương tri của dân Pháp bắt đầu thức tỉnh, và phong trào chống thuộc địa hóa mới bắt đầu nhen nhóm. Từ quan niệm của các nhà tư tưởng thời khai sáng đến hành động của nhà nước tư bản đã có một sự biến dạng ghê gớm; lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái đã bị phản bội, thậm chí là bị chà đạp ít ra là ở các nước Á – Phi.

Việt Nam trong tầm ngắm của các cường quốc phương Tây

Tình hình địa chính trị của nước ta thời ấy cũng khiến những ai quan tâm phải trăn trở về những giải pháp ứng phó khả dĩ. Không phải chỉ khi Nguyễn Ánh bôn tẩu khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long để mưu cầu giành lại vương quyền của nhà Nguyễn thì các cường quốc, nhất là Anh và Pháp, mới chực chờ cơ hội ra tay cứu nguy, mà ngay cả sau khi vua Gia Long đã thống nhất đất nước, họ cũng luôn tận dụng những cơ hội để tiếp cận Việt Nam. Đầu thế kỷ XIX, trong khi nước Pháp còn bề bộn với những vấn đề nội bộ, thì Công ty Đông Ấn Anh phái một viên chức phụ trách kinh doanh ở Quảng Đông tên là J.W. Roberts đến triều đình Huế với nhiệm vụ vừa ngoại giao vừa thương mãi. Phái đoàn của Roberts đến Đà Nẵng ngày 4 tháng 12 năm 1803 nhưng không yết kiến được với vua Gia Long, vì nhà vua bận đi thị sát việc xây đắp thành lũy ở Đàng Ngoài, nên đành phải quay về Calcutta chờ lệnh mới. Ngày 22 tháng 7 năm 1804, Roberts quay lại Đà Nẵng với huấn thị của Lord Wellesley đề ngày 20 tháng 4 năm 1804. Huấn thị này gồm 27 mục, trong đó phần lớn tập trung vào việc gây dựng ảnh hưởng của Anh ở Việt Nam, và đặc biệt lưu ý đến sự hiện diện của một số người Pháp làm việc cho triều đình nhà Nguyễn và các nhà truyền giáo Pháp. Thậm chí Roberts còn được dặn dò không úp mở về việc loại trừ người Pháp ra khỏi nước ta, chẳng hạn như mục 4 sau đây:

“4. Mục tiêu của chuyến công tác của ông đến triều đình xứ Đàng Trong được Ủy ban điều hành [Công ty Đông Ấn] xác định là thiết lập mối liên kết hữu hảo và trao đổi thương mại với nhà nước xứ Đàng Trong và tốn khứ vĩnh viễn thế lực của Pháp ra khỏi xứ sở này.” (Lamb A. 1961, tr. 119)

hoặc như mục 17 sau đây:

“17. Ngài Toàn quyền có ý kiến là phải dùng mọi nỗ lực để nhà vua ưng thuận các điều khoản được đề nghị về việc loại bỏ người Pháp, và trong nhãn quan đó, ông sẽ phải gieo vào tâm trí của nhà vua những tình cảm đúng đắn mà hình như nhà vua đang ấp ủ về bản chất và tiến trình của những nguyên tắc trái đạo lý đã ảnh hưởng trong một thời gian dài đến nước Pháp, và ông nên giải thích cho Đức Vua những nguy hiểm mà nền độc lập của đất nước của ông sẽ gặp phải nếu cho phép chính phủ Pháp đặt quyền hành và ảnh hưởng trên đất nước của nhà vua, dù với cấp độ thấp nhất.” (Lamb A. 1961, tr.121)

Như để phụ họa cho kế hoạch tranh giành ảnh hưởng với Pháp ở Việt Nam, J. Barrow đã viết những dòng này cũng vào năm 1804:

“Người Pháp ý thức được những thuận lợi vững vàng xuất phát từ việc biết các ngôn ngữ, hiện đang đưa ra chủ trương khuyến khích việc nghiên cứu nền văn học Trung Hoa, và dĩ nhiên là không phải không có ý đồ. Họ biết rằng chữ Trung Hoa được hiểu từ vịnh Thái Lan đến biển Mãn Châu và phần lớn quần đảo phía Đông; và rằng người xứ Đàng Trong, vốn đã gắn bó đặc biệt với họ, chỉ sử dụng những chữ viết Trung Hoa như người Nhật. Vì vậy có hy vọng là nước Anh sẽ không bỏ qua các phương tiện để có thể đụng đầu với người Pháp, ngay cả trên chiến trường này nếu cần.” (Barrow J. 1804, tr. 615)

Khi cống vật của phái đoàn Anh được dâng lên, Vua Gia Long đã hỏi ý kiến hai viên quan người Pháp theo phò ông từ thời còn bôn tẩu, là Chaigneau và Vannier, về sức mạnh của nước Anh ở châu Âu và Ấn Độ, cũng như về ý định của Roberts muốn Việt Nam nhượng một hải cảng và độc quyền buôn bán. Hai viên quan người Pháp trình bày cho nhà vua biết là cách này gần giống như cái cách mà người Anh đã từng làm ở các nước khác mà sau đó họ chiếm quyền làm chủ và trở thành những kẻ áp bức đối với các vua chúa đã từng tiếp đón họ một cách rộng lượng. “Dựa theo lời báo cáo đó, vua Gia Long gửi trả không do dự tất cả cống vật mà ông đã nhận (mặc dù bản tính của ông hám lợi đến độ hà tiện), và sai người nói với Roberts rằng từ nay người Anh sẽ được hưởng những ưu đãi như mọi quốc gia khác, nếu họ đến buôn bán trên vương quốc của ông.” (Cordier H. 1903, tr. 312)

Vì thế chuyến trở lại Huế của J.W. Robert thất bại hoàn toàn. Tuy nhiên họ vẫn không quên chuyện này. Dùng biện pháp ngoại giao và quà cáp không có kết quả, người Anh bèn trở mặt, định dùng áp lực quân sự để đạt được mục đích đã vạch ra.

“Năm 1812, một chiến thuyền Anh đến vịnh Đà Nẵng nhân danh Công ty Đông Ấn Anh yêu cầu trả 100.000 đồng. Nhà vua từ chối yêu cầu của thuyền trưởng Anh: thế là người này đe dọa sẽ xua 20.000 quân và huy động lực lượng hải quân nước Anh. Nhà vua thông báo với họ là thà rằng ông vùi thây trong đống gạch vụn hơn là nhượng bộ những yêu cầu phi lý của người Anh[7], và từ đó mỗi lần gió mùa tới, ông luôn luôn đề phòng họ trở lại, và trong 3 năm ông cho xây dựng thành lũy ở vịnh Đà Nẵng và các ngõ ra vào vịnh; ông luôn ở trong trạng thái canh phòng cẩn mật.” (Septans A., 1887, tr.113-114)

Mãi sau khi Napoléon I bại trận ở Waterloo năm 1815 và Louis XVIII tái lập vương quyền thì người Pháp mới có thì giờ quan tâm đến Đông Nam Á. Và họ cũng đã biết khá rõ những thủ đoạn của người Anh: họ biết rằng các đối thủ cạnh tranh lúc nào cũng rình rập để chộp cơ hội phát huy thanh thế. Trong Projet d’établir un Comptoir en Cochinchine (Đề án thiết lập một thương điếm ở xứ Đàng Trong) do J. Janssaud, phái viên của Bộ Ngoại giao biên soạn, gửi Ngài Bá tước Molé, Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp đề ngày 15 tháng 11 năm 1818, có nhắc lại các tình tiết liên quan đến các thủ đoạn của phái đoàn Roberts đến Huế năm 1804:

“Người Anh không quên tình cảm đặc biệt [mà nhà Nguyễn] dành cho những người Pháp sát cánh cùng Gia Long: vì thế họ đã không lơ là chút nào để tiên liệu những hệ quả. Chẳng hạn, trong những cống vật dành cho vua An Nam người ta biết có những bức tranh mô tả những giai đoạn u ám nhất của cuộc cách mạng Pháp và nhắc lại những đau thương của vì vua xấu số Louis XVI, mà vua Gia Long đã thường để lộ tiếc thương.” (Cordier H. 1903, tr. 311)

Năm 1817, nước Pháp mới tìm cách nối lại bang giao với Việt Nam. Bộ trưởng Richelieu cho chiến thuyền La Cybèle lên đường ngày 16 tháng 3 năm 1817 từ cảng Brest do Achille de Kergariou chỉ huy. Kể từ đó nhiều chuyến tàu buôn lẫn tàu chiến đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn, với nhiều mục đích khác nhau, đặt triều đình Huế vào những tình thế tế nhị cần phải giải quyết khéo léo cả về mặt ngoại giao lẫn đối nội, và cũng gây ra nhiều sự cố khác, dẫn đến xung đột quân sự đẫm máu vào năm 1858.

Những điều trên đây cho thấy những gì Paul Bert nói về âm mưu của các cường quốc đối với Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Trong thư gửi Trương Vĩnh Ký đề ngày 29 tháng 6 năm 1886, Paul Bert cho biết:

“Giả dụ như có một vận hội bất khả nào đó xảy ra khiến cho nước Pháp phải từ bỏ vị thế hiện nay, thì liệu các ngài có tin rằng nước An Nam có thể giành lại được độc lập tự chủ như dưới thời Gia Long và Minh Mạng? Nhầm to! Người Anh hay người Tây Ban Nha, hay đúng hơn là người Đức sẽ nhảy vào cuộc ngay, và lúc đó người An Nam sẽ cân đong xem họ được thua những gì! Các ngài sẽ biết thế nào là cái tính bạo tàn của quân lính nước Đức!” (dẫn lại từ Nguyễn Đình Đầu 2016, tr.257)

Toàn quyền Paul Bert là người như thế nào mà Trương Vĩnh Ký nhận lời cộng tác?

Muốn hiểu Trương Vĩnh Ký, không thể không tìm hiểu Paul Bert, vì đó là người bạn trí thức mà ông đã làm quen từ chuyến đi Pháp năm 1863, và đồng thời cũng là người đã mời ông cộng tác năm 1886. Không nên có cái nhìn định kiến là hể cứ là toàn quyền Pháp thì đều là cáo già, khát máu, thâm độc, hiếu chiến, tàn ác… Nên thấy rằng dù là cái nôi của nền tư tưởng nhân văn, tiến bộ, hiện đại, nước Pháp vẫn luôn chứa đựng nhiều dị biệt, nhiều quan niệm đối lập, và trên con đường phát triển, mọi tư tưởng dù là tiến bộ, vẫn luôn luôn có những ngã rẽ ngang đầy nghịch lý, như những nhánh cây đâm ngang vướng víu, nhưng vẫn không làm ngọn cây vươn thẳng lên trời cao. Các thành tựu về tư tưởng mà loài người ở thế kỷ XXI này đang và sẽ còn thừa hưởng, như bình đẳng, tự do, dân chủ, cộng hòa,… không phải được hiện thực hóa một cách suôn sẻ, ngay tức khắc, mà chúng đều phải trải qua nhiều ngã rẽ, nhiều khúc quanh, trước khi được hoàn thiện dần dần. Tư tưởng khai sáng cũng đã trải qua nhiều khúc quanh ngã rẽ như thế, vì quá trình hoàn thiện không bao giờ là con đường thẳng trơn tru.

Paul Bert trước hết là một nhà khoa học tự nhiên, là một trong những học trò xuất sắc của nhà bác học Claude Bernard (cha đẻ của phương pháp thực nghiệm), là giáo sư đại học Sorbonne về môn sinh lý học, là viện sĩ Viện Hàn Lâm khoa học nước Pháp. Tuy nhiên, ông không chỉ quan tâm đến guồng máy vận hành của cơ thể sinh vật, mà còn quan tâm đến sự vận hành của xã hội, mà trước tiên là giáo dục. Ông là một trong những chiến sĩ xung kích trong việc chống chủ nghĩa giáo quyền thiên chúa giáo (anticléricalisme), nhất là trong guồng máy xã hội và giáo dục. Ông là bạn chiến đấu của Léon Gambetta, người đã tuyên bố hùng hồn ở Nghị viện năm 1877: “Chủ nghĩa giáo quyền, đó chính là kẻ thù!”[8]

Là một người theo khuynh hướng thực chứng luận, ông luôn hô hào Không có Chúa mà cũng chẳng có chủ. Đả đảo tăng lữ! Xã hội muôn năm![9]. Ông cho rằng khoa học và tôn giáo không thể dung hòa với nhau được, vì đó là hai hệ thống giá trị hoàn toàn đối lập nhau. Vì thế ông từ chối quan tâm đến các vấn đề liên quan đến sự hiện diện của Chúa Trời và nhất là niềm tin vào Thượng đế. Trong một bài thuyết trình trình bày ở Câu lạc bộ Franklin (Le Havre, Pháp) vâo ngày 21 tháng 3 năm 1880 ông nói: “Với khoa học, không còn có mê tín, không còn có ảo tưởng điên rồ, không còn có những sự tin tưởng ngờ nghệch ấy nữa, không còn có niềm tin vào phép lạ hàng ngày, vào sự loạn nhịp trong tự nhiên” (Bert P. 1881, tr.400). Chính vì tư tưởng bài bác sự can thiệp của tôn giáo vào giáo dục mà quyển L’Instruction civique à l’école của ông xuất bản năm 1882 đã bị Tòa thánh La Mã liệt vào danh sách cấm đọc theo chỉ dụ ngày 15 tháng 12 năm 1882 (J.-M. De Bujanda, 2002, tr.127). Tóm lại, ông tin tưởng mãnh liệt vào năng lực khai sáng của khoa học, của giáo dục, của con người. Và cũng giống như nhiều nhà khoa học đương thời, với góc nhìn của nhà thực chứng “thấy mới tin”, ông cũng chân thành tin rằng giữa các dân tộc còn một khoảng cách rất lớn trong việc phát triển về tư tưởng, văn hóa, khoa học và giáo dục. Vào thời ấy, nhận xét đó đơn giản chỉ là kết quả của nhiều quan sát thực nghiệm của nhiều nhà khoa học, nhưng từ những thập niên đầu của thế kỷ XX đến nay, nó lại bị xem là có màu sắc phân biệt chủng tộc, nhất là khi tư tưởng phát-xít bắt đầu gây ra đại họa cho nhân loại.

Về giáo dục, Paul Bert đặc biệt lưu ý đến ngôn ngữ dân tộc, vì đó chính là chìa khóa để thoát khỏi bóng ma ngu dân, để nâng cao dân trí, để đưa ánh sáng văn minh đến với mọi người. Đó chính là sự kế thừa của truyền thống nhân văn được lan tỏa từ thời Phục hưng châu Âu:

“Trước hết là ngôn ngữ, ngôn ngữ dân tộc. Thật là buồn tê tái khi phải xác định rằng không chỉ trên vùng biên giới, nơi mà một sự pha trộn tự nhiên được diễn ra qua ranh giới của các quốc gia, nhưng mà ngay ở bên trong nước Pháp, ở Auvergne, ở Bretagne, ở nhiều nơi khác nữa, có hàng nghìn người Pháp không biết nói cũng không nghe hiểu được ngôn ngữ dân tộc.” (Bert P. 1881, tr.395)

Paul Bert là viên toàn quyền dân sự đầu tiên mà chính phủ Pháp gửi đến Việt Nam, với hy vọng kiềm chế sự quá khích của giới quân sự, và thực hiện những chương trình phù hợp với tinh thần của cách mạng 1789 hơn. Trong diễn văn đáp lời chào đón của các chức sắc Pháp tại Sài Gòn ngày 28 tháng 3 năm 1886, Paul Bert trình bày quan điểm của mình về chính sách sẽ áp dụng, đồng thời như để truyền đạt lại quan điểm của chính phủ Freycinet cho giới quân sự tại đây:

“Khi một dân tộc đặt chân lên lãnh thổ của một dân tộc khác vì những lý do nào đó, họ chỉ có ba chọn lựa: đó là tiêu diệt kẻ bại trận, hoặc tròng vào đầu kẻ bại trận cái ách nô lệ đáng xấu hổ, hoặc gắn kết họ vào số phận của chính mình. Tiêu diệt dân tộc đó ư? Trong quá khứ đôi khi điều đó đã xảy ra trên thế giới; nhưng không bao giờ lá cờ Pháp bị ô danh như thế, và dù ở thời nào nó cũng không bao giờ bị bôi bẩn bởi một vết nhỏ bùn dơ hay máu.

“Tròng vào đầu họ ách nô lệ ư? May thay điều ấy vừa không thể, vừa là tội ác. Vả lại, các vị hãy thử nói với dân An Nam, với hậu duệ của nhà Trịnh, với dân tộc đã hai lần đánh bại nước Trung Hoa xâm lược, đã xóa sổ nước Chiêm Thành và đẩy lùi người Khmer; hãy thử nói với họ, những người có bốn ngàn năm trăm năm văn hiến, hãy thử nói về chế độ nô lệ và các vị sẽ thấy các vị sẽ được họ tiếp đón như thế nào!

“Chỉ còn có lựa chọn thứ ba, đó là lựa chọn vì lợi ích, vì sự lương thiện. Kêu gọi dân tộc này đến với sự thịnh vượng, đến với nền văn minh cao hơn bằng sự liên hiệp. Vâng, cần phải liên kết dân tộc này với vận mệnh của chúng ta và lợi ích của chúng ta.” (De Labrosse P., 1925, tr.126)

Ngày 8 tháng 4 năm 1886, trong một cuộc gặp mặt các viên chức và doanh nhân Pháp tại Hà Nội, ông đã tuyên bố:

“Tôi đến đây với mong muốn vững chắc là khảo sát tại chổ tình hình của đất nước và muốn tìm hiểu nhu cầu của các bạn. Nhiều chuyện hiểu lầm đã chia rẽ chúng ta, các mối quan hệ của chúng ta đã bị vẫn đục một cách trầm trọng; thay vì trao đổi tơ lụa một cách hòa bình, chúng ta đã trao đổi mũi tên hòn đạn một cách tàn bạo; máu đã chảy và chúng ta đã nhận thấy rằng tình cảm trân quý lẫn nhau của chúng ta đã thay đổi trong tim chúng ta. Tôi đã nghiên cứu hết sức tỉ mỉ các nguyên nhân của sự chia rẽ đáng tiếc này; tôi muốn nó phải kết thúc. Bởi vì hai dân tộc của chúng ta không phải sinh ra để đánh nhau, mà là để làm việc chung với nhau, và bổ sung cho nhau.” (De Labrosse, 1925, tr.163)

Chỉ có mấy tháng cầm quyền mà Paul Bert đã gây ra nhiều hiềm khích với giới quân sự, đến độ phải đề nghi thay đổi viên chỉ huy quân đội ở miền Bắc, tướng Jamont (Schreiner A. 1906, tr.433). Về thái độ đối với tôn giáo, Paul Bert không chấp nhận sự can thiệp của giới tăng lữ vào các vấn đề chính trị, xã hội và giáo dục. Trong thư gửi Trương Vĩnh Ký ngày 29 tháng 6 năm 1886, Paul Bert đã nhắc lại quan điểm của châu Âu và cá nhân ông ta về mối quan hệ giữa nhà nước với tôn giáo:

“Đã có một thời nước Pháp tự xem mình là người bảo hộ cho các tín đồ Thiên chúa giáo theo nghĩa nó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của đạo Thiên Chúa bằng mọi phương tiện mà một dân tộc lớn có được, vì tin rằng đạo Thiên Chúa tốt đẹp hơn các tôn giáo của các dân tộc xa lạ. Được phong là “con cả của Giáo hội”, nước Pháp đã từng giúp đấng sinh thành của mình chinh phục thế giới, đem quyền uy đạo đức và đại bác của nó phục vụ cho đức tin công giáo và các linh mục, đến nỗi mà hành động của nó cũng chính là hành động của Thượng đế của người công giáo: Gesta Del per Francos[10]. Quan niệm cổ lổ này đã bị Cách mạng 1789 từ bỏ. Nước Pháp không còn tự cho mình có quyền truyền đạo nữa; nó không còn quốc giáo, và đạo Thiên Chúa cũng chỉ được nhà nước hỗ trợ tiền bạc như đạo Tin Lành, đạo Do Thái hoặc đạo Hồi. Vì vậy ở nước ngoài, Pháp không phải quan tâm đến việc phát triển tôn giáo của chúa Jesus nhiều hơn tôn giáo của Mahomet. Nhưng một nhiệm vụ lớn lao hơn đang đè nặng lên vai. Nước Pháp trở thành người canh gác và bảo vệ cho tự do tín ngưỡng.” (Bouchot J. 1927, tr.63)

Trong mấy tháng ngắn ngủi nhận nhiệm vụ ở nước ta, Paul Bert chưa làm được gì nhiều so với kế hoạch đã vạch ra, và trong thời gian ấy vẫn có không ít máu xương của người Việt đã đổ xuống, nhưng không thể vì thế mà phủ nhận những tư tưởng tiến bộ của Paul Bert, những thiện chí mà ông đã dành cho dân Việt. Cũng chính những tư tưởng ấy đã thuyết phục được Trương Vĩnh Ký rời Sài Gòn để ra Huế cộng tác với Paul Bert nhằm hạn chế những xung đột có thể dẫn đến thảm cảnh do chiến tranh gây ra, và góp phần cải tiến guồng máy cai trị lạc hậu, trì trệ, vô tâm của nhà Nguyễn. Trong hồi ký xuất bản sau khi Paul Bert mất, J. Chailley, con rể của Paul Bert cùng tháp tùng sang Đông Dương, cho chúng ta biết sự đánh giá của người Pháp về năng lực bách khoa của Trương Vĩnh Ký, và cũng hé lộ những nghi kỵ của người Pháp đang cai trị ở Sài Gòn đối với Trương Vĩnh Ký:

“Để tăng cường các yếu tố đa dạng, Paul Bert cho mời vào Viện Cơ Mật một nhà nho tiếng tăm của vùng Nam kỳ thuộc Pháp, tên là Trương Vĩnh Ký. Đó là một người gây ra rất nhiều tranh luận, và các ý kiến thường rơi vào cực đoan về cả hai hướng khen chê. Dù là người công giáo, dù có kiến thức hoàn hảo về văn minh và ngôn ngữ của chúng ta, dù được phong nhiều danh hiệu học thuật không ai chối cãi, nhưng những thứ ấy vẫn không làm cho các nhà cai trị kế tiếp nhau ở Nam kỳ có thiện cảm về ông. Nhưng kiến thức mênh mông của ông, sự cảm nhận tinh tế của ông về những sắc thái nhỏ nhất của tiếng Pháp, và kể cả phẩm chất người Nam kỳ khiến ông trở thành một người phụ tá cực kỳ quý báu ở triều đình Huế, và Paul Bert, người luôn áp dụng các công đoạn của khoa học thực nghiệm ngay trong việc tuyển dụng nhân sự, tin là nếu vì tin những lời cảnh báo mơ hồ mà bỏ qua một người cộng tác tầm cỡ như vậy thì ông đã không làm tròn bổn phận.” (Chailley J., 1887, tr.66-67)

***

Chúng tôi vừa điểm lại một cách sơ lược bối cảnh tư tưởng, triết học, chính trị của phương Tây trong mối quan hệ với Việt Nam mấy thập niên đầu của thế kỷ XIX qua sách báo châu Âu. Là người ham đọc, ham học và ham hiểu biết, chắc chắn rằng bối cảnh ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới quan của Trương Vĩnh Ký, và đã giúp ông nhận thức về vị trí của nước Việt Nam thời bấy giờ đang ở đâu so với các nước Tây Âu. Chính những nhận thức đó đã chuyển hóa thành những hành động cụ thể mà Trương Vĩnh Ký cho rằng phù hợp với tình hình Việt Nam và thế giới thời bấy giờ, và dĩ nhiên là phù hợp với năng lực và thiên hướng của ông: đó là mở mang dân trí. Không biết vào thời Trương Vĩnh Ký câu tiếng Việt được lấy làm tựa của tập sách mỏng “Bất cượng chớ cượng làm chi?” (1882) có nghĩa chính xác như thế nào mà nhiều người đời sau diễn dịch như là một lời khuyên “an phận thủ thường”. Nhưng nếu tiếp cận từ tựa tiếng Pháp của tập sách ấy “Fais ce que dois, advienne que pourra”, là câu tục ngữ Pháp, có nghĩa là: “Cứ làm việc phải làm, ra sao thì ra” thì ta sẽ thấy đó lại là một thái độ dấn thân không toan tính thiệt hơn cho bản thân. Câu cuối của tài liệu ấy càng làm rõ nhân sinh quan của ông: “Cứ làm việc gì thì làm cho hết sức mình, đến chừng nào, không có được thì hãy hay: tận nhơn lực nhi tri thiên mạng” (Trương Vĩnh Ký 1882, tr.8). Đó chẳng phải là thái độ của người trượng nghĩa đó sao?

—–

Tài liệu tham khảo

Barrow J. 1804. Travels in China. London: T. Cadell and W. Davies.

Bert P. 1881. Leçons, Discours, Conférences. Paris: G. Charpentier.

Bert P. 1882. L’Instruction civique à l’école. Paris, Picard-Bernheim.

Bouchot J. 1927. Un savant et un patriote cochinchinois. Petrus J.-B. Trương Vỉnh Ký. Sài Gòn: Nhà in Nguyên Văn Của.

Chailley J., 1887. Paul Bert au Tonkin. Paris: Charpentier & Cie Editeurs.

Condorcet, N. 1794. Esquisse d’un tableau des progrès de l’esprit humain. Paris: Agasse.

Cordier H. 1903. La reprise des relations de la France avec l’Annam sous la Restauration. Trong tạp chí T’oung Pao, số 4 (Bộ II) năm 1903.

De Bujanda J.-M. 2002. Index des livres interdits (1600-1966), Quyển 11. Centre d’Etudes de la Renaissance (Université de Sherbrook), Montréal: Médiaspaul – Genève: Librairie Droz.

De Labrosse, P. 1925. Une des grandes énergies françaises, Paul Bert. Hà Nội: Imprimerie d’Extrême-Orient.

Đinh Xuân Lâm, 2013. Để đi tới một đánh giá thỏa đáng về Trương Vĩnh Ký. Trong Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký. Sài Gòn: Nhà xuất bản Hồng Đức & Tạp chí Xưa và Nay.

Galos H. 1864. L’Expédition de Cochinchine et la politique française dans l’Extrême-Orient. Tạp chí Revue des Deux Mondes, số 51, 1864 (tr. 173-207).

Hugo V. 1842. Littérature et philosophie mêlées. Paris: Charpentier Libraire et Editeur.

Hugo V. 1887. Choses vues. Paris: J. Hetzel & Cie – A. Quantin.

Khổng Xuân Thu 1958. Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Sài Gòn: Nhà xuất bản Tân Việt.

Lamb A., 1961. British Missions to Cochin China: 1778 – 1822. Kuala Lumpur: Journal of the Malayan Branch Royal Asiatic Society.

Nguyễn Đình Đầu 2016. Petrus Ký Nỗi oan thế kỷ. Hà Nội: Nhã Nam & Nhà xuất bản Tri Thức.

Nguyễn Văn Trung 1993. Trương Vĩnh Ký nhà văn hóa. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Nhiều tác giả, 2012. Tổng tập dư địa chí Việt Nam, Q.3. Hà Nội: Nhà xuất bản Thanh Niên.

Schreiner A. 1906. Abrégé de l’histoire d’Annam. Saigon: Chez l’auteur.

Septans A. 1887. Les commencements de l’Indo-Chine francaise. Paris: Challamel Ainé.

Thomson J. 1875. The Straits of Malacca Indo-China and China or Ten years’ travels, adventures and residence abroad. London: Sampson Low, Marston, Low, & Searle.

Thomson J. 1877. Dix ans de voyages dans la Chine et l’Indo-Chine. Paris: Hachette et Cie.

Winston Phan Đào Nguyên, 2017. Minh oan cho Petrus Trương Vĩnh Ký về câu “ở với họ mà không theo họ. Tham khảo ngày 25/9/2018 tại: https://nghiencuulichsu.com/2017/04/13/minh-hoa-cho-petrus-truong-vinh-ky-ve-cau-o-voi-ho-ma-khong-theo-ho/

Trương Vĩnh Ký 1882. Bất cượng chớ cượng làm chi – Fais ce que dois, advienne que pourra. Sài Gòn: Bản in nhà hàng Guilland et Martinon.

[1] Bài “Tìm hiểu danh hiệu Thế giới Thập bát văn hào của Trương Vĩnh Ký” trong tạp chí Xưa và Nay số tháng 5/2017.

[2] Trong tiếng Pháp, ngoài nghĩa “viện hàn lâm”, académie còn có nghĩa học thuật, giáo dục.

[3] Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam thường dùng bản dịch tiếng Pháp của sách này, với tựa sách là Dix ans de voyages dans la Chine et l’Indo-Chine, xuất bản năm 1877, trong đó tên của tài liệu của Trương Vĩnh Ký cũng được dịch sang tiếng Pháp là “Analyse comparée des principales langues du monde”. Vì thế chúng ta không biết chắc chắn là tài liệu này được Trương Vĩnh Ký viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Việt. Hơn nữa, bản tiếng Pháp (tr.140) đã tùy tiện dịch câu “a work which had cost him years of labour” (công trình đã ngốn của ông nhiều năm làm việc cật lực) là “ouvrage qui lui avait déjà coûté dix ans de labeur” (công trình đã ngốn của ông mười năm làm việc cật lực)!

[4] Bài được đăng trên trang https://nghiencuulichsu.com

[5] Tôi tạm dịch từ racialisme là “học thuyết chủng tộc”, xuất hiện ở châu Âu vào giữa thế kỷ 19, dựa trên những dữ liệu khoa học ghi nhận được vào thời bấy giờ về sinh học và hành vi xã hội, để phân biệt với racisme (chủ nghĩa phân biệt/kỳ thị chủng tộc) là một khuynh hướng xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 cùng với chủ nghĩa đế quốc, mà đặc điểm nổi bậc là thái độ khinh rẻ và thù hằn các chủng tộc khác với chủng tộc của chính mình.

[6] Tức là cuộc đánh chiếm Algérie làm thuộc địa.

[7] Đại Nam Thực lục (Tập 1, tr.841) có ghi chuyện này, nhưng có nhiều tình tiết hơn tài liệu của Septans: “Người Di Địch chỉ biết có lợi, khó nói nhân nghĩa được. Giá hàng mua năm trước còn ở sổ kia. Gần đây Kê Lê Mân đến xin thêm giá, ta cũng không thèm so đọ, đã cho đủ số rồi. Nay lại tham lam không chán, sở dục biết làm sao cho no được?”. Bèn sai Đức Xuyên làm thư nghiêm trách, và sao cả sổ mua hàng cho xem. Ốc Luân được thư xấu hổ và sợ, đi mất.”

[8] Nguyên văn tiếng Pháp: “Le cléricalisme, voilà l’ennemi !”

[9] Nguyên văn tiếng Pháp: Ni Dieu, ni maître, à bas la calotte et vive la Sociale là câu nói được cho là của Paul Bert, nó trở thành khẩu hiệu của các nhà tự do tư tưởng.

[10] Thành ngữ latinh do sử gia kiêm nhà thần học Guibert de Nogent tạo nên khi nói về cuộc thập tự chinh lần thứ nhất, có nghĩa là “Hành động của Thượng đế qua trung gian người Francs”. Người Francs là tổ tiên của người Pháp ngày nay.

Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay, số tháng 12 năm 2019.

lịch sửnhân vậttrương vĩnh kývăn hóa
Comments (0)
Add Comment