Hans Christian Andersen, con người được xem là báu vật quốc gia của Đan Mạch

TVN

02/04/1805: Vào ngày này năm 1805, Hans Christian Andersen, một trong những người kể chuyện vĩ đại nhất thế giới, đã sinh ra ở Odense, gần Copenhagen.

Cha của Andersen qua đời khi ông còn niên thiếu và ông đã phải đến làm việc ở nhà máy một thời gian ngắn. Tuy nhiên, ông đã thể hiện tài năng tuyệt vời về ngôn ngữ và đậu vào Đại học Copenhagen năm 1828. Một năm sau, ông xuất bản truyện ngắn trào phúng A Journey on Foot from Holmen’s Canal to the East Point of Amage (Hành trình đi bộ từ Kênh Holmen đến Cực Đông của Amage), sau này trở thành tác phẩm quan trọng đầu tiên của ông.

Andersen đã viết một số vở kịch không mấy nổi tiếng, nhưng ông đã đạt được một số thành công với tiểu thuyết The Improvisatore (Ngẫu hứng, 1835). Cùng lúc đó, ông tự giải trí bằng cách viết một loạt truyện thiếu nhi mà ông cho xuất bản thành tuyển tập. Cuốn đầu tiên, Fairy Tales Told for Children (Truyện cổ tích cho trẻ em, 1835) bao gồm truyện The Princess and the Pea (Công chúa và hạt đậu). Suốt nhiều thập niên, Andersen đã liên tục phát hành các tập truyện mới mỗi năm, hoặc mỗi hai năm, khi ông đi du lịch khắp châu Âu, châu Phi, và Tiểu Á. Những câu chuyện nổi bật của ông gồm The Ugly Duckling (Vịt con xấu xí), The Little Mermaid (Nàng tiên cá) và The Emperor’s New Clothes (Bộ quần áo mới của Hoàng đế). Ông mất năm 1875 ở tuổi 70.

Nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Andersen nổi tiếng trên toàn thế giới vì những câu chuyện thiếu nhi được bao thế hệ độc giả yêu thích như “Vịt con xấu xí”, “Cô bé bán diêm”, “Công chúa và hạt đậu”, “Chú lính chì dũng cảm”… Tuy nhiên, ít người biết rằng, cha đẻ của những câu chuyện đó có một cuộc đời kì lạ, và phải chịu nhiều nỗi đau. Các nhà nghiên cứu về Andersen sau này cho rằng, ông đã biến chính những nỗi đau đó thành chất liệu để sáng tác nên những câu chuyện tuyệt vời. Dưới đây là 5 sự thật kì lạ ít người biết về nhà văn thiếu nhi nổi tiếng này.

5 điều “lạ lùng” cề đời thực của Hans Christian Andersen 

1. Một số câu chuyện cổ tích của Hans Christian Andersen xuất phát từ đời thực

Theo các nhà nghiên cứu về Andersen, câu chuyện “Vịt con xấu xí” bắt nguồn từ chính cảm giác của ông.

Khi còn nhỏ, Andersen thường bị bạn bè trêu chọc vì ngoại hình và giọng nói the thé của mình. Điều đó khiến nhà văn cảm thấy bị cô lập, và sau đó đã viết câu chuyện về một cậu bé tên là Hans, người thường xuyên bị đem ra làm trò cười.

Giống như vịt con xấu xí, Andersen sau này đã trở thành “thiên nga” khi đến tuổi trưởng thành: ông trở thành một nhà văn nổi tiếng thế giới, kết bạn với những người thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Andersen từng thừa nhận, câu chuyện “Vịt con xấu xí” là sự phản ánh cuộc sống của chính ông.

Cũng có bằng chứng cho rằng, Andersen thường đặt các nhân vật của mình vào tình huống tuyệt vọng để phản ánh những tổn thương tâm lý của chính ông, chẳng hạn như việc lớn lên trong cảnh nghèo khó, cha mất sớm và mới 11 tuổi đã phải làm việc trong một nhà máy để đỡ đần mẹ.

2. Phiên bản gốc truyện “nàng tiên cá” của Andersen buồn hơn rất nhiều so với phiên bản phim hoạt hình Disney

Câu chuyện “Nàng tiên cá” ra đời năm 1837 của Andersen u ám hơn nhiều so với bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em của Disney sau này.

Trong bản gốc, cái giá để nàng tiên cá có được hình dạng con người là phải cắt lưỡi và sống trong đau khổ. Mục tiêu của nàng tiên cá – ngoài tình yêu – là có một linh hồn bất tử, với điều kiện hoàng tử yêu và đồng ý kết hôn với cô. Sau đó, khi hoàng tử kết hôn với người khác, nàng tiên cá đành chấp nhận số phận, ném mình xuống đại dương và tan biến thành bọt biển. Nàng được chào đón bởi các linh hồn, họ nói rằng sẽ giúp nàng lên thiên đường nếu làm việc tốt trong 300 năm. Đó là yếu tố tươi sáng duy nhất của câu chuyện gốc.

3. Andersen có rất nhiều nỗi ám ảnh

Andersen có rất nhiều nỗi ám ảnh. Ông sợ chó. Ông không ăn thịt lợn vì lo sẽ bị nhiễm một loại ký sinh trùng trên loài vật này. Ngoài ra, khi đi du lịch ông thường mang theo một sợi dây thừng để phòng khi cần thoát thân khỏi đám cháy. Ông thậm chí còn lo sợ mình sẽ bị tuyên bố đã chết khi đang ngủ và bị chôn sống. Vì vậy mỗi đêm trước khi đi ngủ, ông viết một tờ giấy để trên bụng mình ghi rằng “Tôi chỉ trông như có vẻ đã chết thôi chứ thực ra tôi còn sống đấy”.

4. Andersen sống độc thân cả đời

Andersen luôn gặp rắc rối với những mối quan hệ tình yêu và không bao giờ có cái kết cổ tích cho riêng mình.

Trong suốt cuộc đời, ông từng yêu một số phụ nữ nhưng tình cảm của Andersen đều không được đáp lại. Nhà văn chuyên viết tiểu sử Bente Kjoel tin rằng, Andersen chưa từng quan hệ tình dục trong đời. Năm 61 tuổi, lần đầu tiên Andersen đến một nhà thổ ở Paris và trả tiền chỉ để xem một cô gái thoát y mà không làm bất cứ điều gì.

5. Andersen được xem là “báu vật quốc gia” ở Đan Mạch

Chính phủ Đan Mạch công nhận Andersen là “báu vật quốc gia” khi ông gần 70 tuổi, đó cũng là thời điểm ông bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của căn bệnh ung thư gan sau này cướp đi mạng sống của ông. Chính phủ trả cho ông một khoản tiền trợ cấp và trong dịp sinh nhật lần thứ 70 đã xây dựng một bức tượng Andersen đặt trong khu vườn Hoàng Gia ở Copenhagen.

Ngày nay, bạn có thể bắt gặp các di sản về Andersen ở nhiều địa điểm tại thủ đô Copenhagen, chẳng hạn như bức tượng bán thân thứ 2 đặt tại con phố mang tên ông, hay tác phẩm điêu khắc Nàng tiên cá ở Bến tàu Langelinje. Du khách cũng có thể đến thăm ngôi nhà thời thơ ấu của ông ở thành phố Odense, tại đó còn có một bảo tàng trưng bày các tác phẩm của ông.

cổ tíchđời thựcHans Christian Andersenthiếu nhi
Comments (0)
Add Comment