Người Maya đã có “siêu xa lộ” nối các thành phố

TVN

Với thảm thực vật dày đặc của các khu rừng nhiệt đới phía bắc Guatemala che giấu tàn tích 2.000 năm tuổi, toàn bộ lối sống của người Maya sơ khai đã từng không thể nhìn thấy được.

Nhưng công nghệ laser đã giúp các nhà nghiên cứu phát hiện ra một địa điểm rộng 1.683 kilomet vuông, chưa từng được khám phá và nó sẽ cung cấp cho chúng ta những hiểu biết đáng kinh ngạc về người Mesoamerica cổ đại cũng như nền văn minh của họ.

Theo CNN, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một vùng đất rộng lớn trong lưu vực Mirador-Calakmul Karst ở phía bắc Guatemala bằng cách sử dụng công nghệ LiDAR (phát hiện và phân loại ánh sáng), một hệ thống bản đồ laser cho phép phát hiện các cấu trúc bên dưới tán cây dày. Bản đồ thu được cho thấy một khu vực bao gồm 964 khu định cư của người Maya được chia thành 417 thành phố, thị trấn và làng mạc.

Theo một phân tích trên tạp chí Ancient Mesoamerica, mạng lưới đường mòn hoặc đường đắp cao bằng đá dài 177 kilomet liên kết các cộng đồng lại với nhau, cho thấy nền văn minh sơ khai là nơi sinh sống của một xã hội và thậm chí còn phức tạp hơn so với những gì chúng ta nghĩ.

Richard Hansen, giáo sư về nhân chủng học tại Đại học Bang Idaho, cho biết: “Đó là hệ thống ‘siêu xa lộ’ đầu tiên trên thế giới mà chúng tôi biết đến, điều đáng kinh ngạc về những con đường đắp cao là chúng liên kết các thành phố lại với nhau như một mạng nhện… tạo thành một xã hội sớm nhất và đầu tiên ở Tây bán cầu”.

Theo nghiên cứu, những con đường đắp cao, nhô lên trên các đầm lầy theo mùa và hệ thực vật rừng rậm của Vùng đất thấp Maya đã hình thành “một mạng lưới tương tác xã hội, chính trị và kinh tế đối ngoại”, đồng thời cũng liên quan đến “các chiến lược quản trị” tuỳ theo độ khó của chúng trong việc thi hành.

“Siêu xa lộ” và một hình thái xã hội phức tạp

Những con đường đắp cao bao gồm hỗn hợp bùn và đá mỏ giữa một số lớp xi măng đá vôi. Người cổ đại Maya có thể tạo nên những con đường trên cao khi tuân theo quy trình tương tự mà họ đã sử dụng để xây dựng kim tự tháp – bằng cách tạo ra các khối đá cao 3 đến 4,5 mét, sau đó lấp đầy, xếp chồng lên nhau và san phẳng chúng.

Trong tiếng Maya, đường đắp cao “Sacebe” có nghĩa là “con đường trắng”. Giáo sư Hansen cho biết, bên trên những con đường được xây cao là một lớp thạch cao trắng dày, giúp cải thiện thị lực vào buổi tối khi lớp thạch cao phản chiếu từ ánh trăng.

Marcello Canuto, giáo sư nhân chủng học và giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Mỹ tại Đại học Tulane, cho biết: “Vùng Maya không có bất kỳ động vật thồ hàng nào… và chúng tôi không nghĩ rằng họ có các phương tiện lăn bánh trên những con đường đắp cao này như xe ngựa, nhưng chúng chắc chắn được chế tạo để mọi người có thể tương tác, giao tiếp và đi lại”.

Công nghệ bản đồ laser tiên tiến

Phương pháp đo LiDAR đã được áp dụng để phát hiện tàn tích của nền văn minh sơ khai Maya kể từ năm 2015, khi hai cuộc khảo sát quy mô lớn được thực hiện ở nửa phía nam của lưu vực đá vôi Mirador-Calakmul Karst. Công nghệ này cho phép thực hiện những khám phá không gây hại cho các khu rừng nhiệt đới.

Từ một chiếc máy bay đang bay trên đầu, các sóng ánh sáng chiếu xuống và chúng dõi vào các vật thể bên dưới trước khi trở lại bộ cảm biến. Tương tự như sonar sử dụng âm thanh để xác định vị trí cấu trúc, cảm biến LiDAR theo dõi lượng thời gian cần để quay trở lại và tạo ra bản đồ ba chiều về môi trường.

“LiDAR cho chúng tôi biết về mọi thứ của khảo cổ học mà chúng tôi đã tìm kiếm suốt 100 năm qua. LiDAR còn cho phép chúng tôi kết nối lại với nhau” – ông Canuto nói.

Theo giáo sư Hansen, các nhà nghiên cứu đang tìm cách thu thập thêm mẫu và có thể định vị thêm các khu quần thể thông qua công nghệ LiDAR để tiếp tục nghiên cứu về nền văn minh Maya sơ khai.

Theo Lao Động

cổ đạiGuatemalamayavăn minh
Comments (0)
Add Comment