Nhạc sĩ Cung Tiến mất tại Mỹ; nhà báo Phan Kim Thịnh mất tại Sài Gòn

TVN
  • Nhạc sĩ Cung Tiến đã từ trần vào ngày 10 tháng 5 năm 2022 tại Los Angeles, Hoa Kỳ, ở tuổi 83, và mới được hỏa táng vào ngày 2 tháng 6 năm 2022.

Cung Tiến tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh ngày 27 tháng 11 năm 1938 tại Hà Nội, thời học trung học đã học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng là Chung Quân và Thẩm Oánh. Ông có một ca khúc viết khi mới 14 tuổi, sớm được phổ biến rộng rãi là “Hoài cảm”, ca khúc mà theo lời ông, “là ca khúc đầu tiên của tôi viết từ năm 1953, lúc đó tôi mới 14 tuổi lúc tôi mới học đệ lục (lớp 7 hiện nay); nó là ca khúc hoàn toàn trữ tình của một học sinh chịu ảnh hưởng Thơ mới lãng mạn của Huy Cận, Xuân Diệu… Riêng với tôi, nó là đứa con đầu lòng vẫn còn được thính giả yêu thích; tôi vẫn thích vì nó giản dị và là một thời học trò của mình”. Trong lãnh vực văn chương, giữa thập niên 1950 và 1960, với bút hiệu Thạch Chương, ông đã có những sáng tác, những bài phê bình văn học và những tác phẩm dịch thuật cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan Điểm, Văn…

Từ năm 1957 tới năm 1963, ông du học ngành Kinh tế tại Úc và trong thời gian này đã ghi tên theo học các khóa về piano tại Viện Âm nhạc Sydney. Từ năm 1970 tới năm 1973, ông nhận được một học bổng cao học của Hội đồng Anh (British Council) để sang học Kinh tế học tại Đại học Cambridge của Anh và cũng giống như thời gian ở Úc, ông đã ghi tên theo học các lớp về nhạc sử và nhạc lý.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông định cư ở hải ngoại, dành nhiều thời giờ cho việc sáng tác, phổ nhạc những bài thơ và nghiên cứu về dân ca Việt Nam. Năm 1987, ông viết nhạc tấu khúc “Chinh phụ ngâm” được trình diễn lần đầu vào năm 1988 tại thành phố San Jose với dàn nhạc thính phòng San Jose – sáng tác này được trao giải thưởng Văn học nghệ thuật của Mỹ năm 1988. Vào đầu thập niên 1980, ông phổ nhạc 12 bài thơ viết trong trại cải tạo của Thanh Tâm Tuyền được tập hợp trong tập thơ “Thơ ở đâu xa” (1990, Hoa Kỳ), những nhạc phẩm này được trình bày lần đầu tiên tại thủ đô Washington D.C của Mỹ vào năm 1985. Năm 1992, ông soạn tập nhạc “Ta về” gồm những ca khúc phổ nhạc và những khúc ngâm thơ Tô Thùy Yên. Năm 2003, ông sáng tác nhạc phẩm “Lơ thơ tơ liễu buông mành” dựa theo một điệu chèo cổ.

Ngoài 2 ca khúc đầu tay “Hoài cảm” và “Thu vàng” có giai điệu khá giống những ca khúc tiền chiến, những ca khúc sáng tác sau năm 1954 như “Hương xưa” (1957), “Nguyệt cầm”, “Lệ đá xanh” thể hiện rất rõ ảnh hưởng của nhạc lý Tây phương, khó hát và khó cảm thụ đối với nhiều người, nhưng lại làm nên nét đặc sắc của nhạc Cung Tiến và xác lập vị thế rất riêng của ông trong nền tân nhạc Việt Nam. (trích facebook Huỳnh Duy Lộc).

  • Nhà báo, nhà văn Lý Nhân – Phan Kim Thịnh (1936 – 2022) đã qua đời sáng nay lúc 6 giờ 15 phút ngày 4.6 tại Viện dưỡng lão Bình Mỹ (Củ Chi, Sài Gòn).

Trong làng báo chí miền Nam trước 1975, nhà báo Lý Nhân (tên thật Phan Kim Thịnh) lại là nhân vật khá đặc biệt, khi ông từng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Văn học.

Sơ lược tiểu sử:

Tên thật Phan Kim Thịnh
Sinh năm Mậu Dần
Quê quán : Thọ mai –  Nhân –  Nam
Bút hiệu :  NhânPhan Thứ Lang
Từng  Thư  tòa soạn Nguyệt san Quê Hương (Sài Gòn 1960-1962)
Chủ nhiệm kiêm chủ bút Tạp chí Văn Học (Sài Gòn 1962-1975).

Thẻ nhà báo của Phan Kim Thịnh thời VNCH

Phan Kim Thịnh là một người gắn cả cuộc đời với Sài Gòn và các khảo cứu của ông phần lớn viết về Sài Gòn, trong  đó có tác phẩm mới tái bản Sài Gòn vang bóng ký bút hiệu Lý Nhân Phan Thứ Lang – cuốn sách được xem là đầy ắp những tư liệu về Sài Gòn xưa. Đó là chuyện về chợ Bến Thành xưa và nay; chuyện về Dinh Xã Tây, tức tòa nhà Ủy ban Nhân dân TP.HCM, chuyện xây dựng Phủ đầu rồng tức Dinh Độc Lập, nhiều chuyện ly kỳ về chùa Khải Tường….

Sau năm 1975 ông không ra nước ngoài sống mà ở lại Sài Gòn, tiếp tục viết. Cuối đời ông khá khó khăn và cô độc.

Tang lễ cả hai ông đều được tổ chức gọn trong gia đình.

cung tiếnlý nhânnhà báonhạc sĩphan kim thịnh
Comments (0)
Add Comment