Tỉnh thành xưa ở Việt Nam- Hải Phòng 1884

Bonnal

Hải phòng 1884
Bonnal- trú sứ Hải Phòng

trích Au Tonkin 1872-1881-1886

Sau sáu tháng sống leo lắt ở Sơn Tây, tôi được bổ làm Trú sứ Hải Phòng, một vị trí quan trọng và thú vị hơn. Sau này tôi mới biết Thống tướng (Général en chef) nâng đỡ tôi vì ông hài lòng về việc tôi đã tuyển mộ thành công, nhưng không phải không khó khăn, 1500 phu ở Sơn Tây phục vụ quân đội hành quân đi Lạng Sơn.

… Khi bước chân lên Hải Phòng, tôi ngạc nhiên thấy tòa lãnh sự bị viên chỉ huy quân sự tỉnh thành chiếm mặc dù chỗ đó đã chính thức dành riêng cho Trú sứ để làm nhiệm vụ lãnh sự. Tố cáo chỉ vô ích vì lúc đó ở Bắc Kỳ đang thịnh hành nguyên tắc “tôi đã ở đây rồi thì anh hãy tránh ra”. Rất may, lúc đó tòa nhà của viên quan đứng đầu địa phương bỏ trống nên tôi cùng với văn phòng đóng ở đó sau khi tưởng sẽ phải thuê một cái nhà lá trong cánh đồng. Hải Phòng không thay đổi gì so với lúc tôi tới đây vào tháng 7-1883. Cũng như 18 tháng trước đây, hiện nay cái thiếu nhất của cái người ta gọi là tỉnh thành Hải Phòng là nhà ở và mặt bằng khô ráo để xây nhà. Lúc này, Hải Phòng không còn đội quân của Francis Garnier nữa và, theo hiệp ước 1874, Hải Phòng phải tạo ra một vùng đất nằm giữa con sông và sông Tam Bạc, tức là tạo ra một vùng bằng phẳng được các đê sông bảo vệ khỏi thủy triều nhưng lại hoàn toàn không bị ngập úng trong mùa mưa.

Để xây dựng tòa lãnh sự và các công trình phụ trợ, các văn phòng, trại lính và bệnh viện, các sĩ quan công binh chẳng có cách nào hơn là đào một hố rộng để lấy đất đắp nền. Để bảo đảm vệ sinh, họ cho hố thông với sông nhờ các van chuyển động. Do việc mở thương cảng ở Hải Phòng nên nhiều người châu Âu kéo tới đây. Họ xây nhà trên cánh đồng ngập nước bằng cách áp dụng quy trình như trên, tức là đào hố lấy đất để tôn nền. Các hố đào sâu và nhiều tới mức các hố xen kẽ lộn xộn với các nền nhà và ngay trong mùa khô cũng đầy nước. Những chỗ ở khiêm tốn như vậy chỉ được nối liền với khu nhượng địa hoặc đê bằng những con đường đất hay bằng các bờ ruộng lúa rải rác đây đó trong cánh đồng ngập nước.

Từ 1875, sự xuất hiện của các công trình lớn do Chính phủ Nam Kỳ (chỉ chính quyền của Thống Đốc Nam Kỳ – ND) thầu sau hiệp ước 1874 và sự có mặt của Lãnh sự Pháp, của đơn vị pháo binh hải quân bảo vệ tòa lãnh sự… đã thu hút tới đây một số lượng lớn phu khuân vác và thợ An Nam. Cho tới lúc này, các đơn vị bản xứ có mặt tại đây chỉ là một số lính ít ỏi ăn lương của các quan ở Hải Dương để trấn giữ một pháo đài nhỏ bằng đất tại cửa sông Tam Bạc đổ vào sông Cửa Cấm. Một số thương nhân Tầu nhanh chóng tới ở trong cảng mới mở. Họ xây dựng những ngôi nhà bằng gạch ở hai bên bờ sông Tam Bạc, trong đó bờ trái nhiều hơn tạo ra khu Hạ Lý.

Theo các điều khoản của hiệp ước, lãnh sự Pháp không có quyền hành bên ngoài khu nhượng địa. Các quan tỉnh Hải Dương thì làm như không biết có một trung tâm dân cư mới vì trung tâm này được tạo ra bằng đủ thứ tạp nham, đầy những kẻ lang thang và những tên bất hảo, không có sự phê chuẩn của triều đình, không có quy chế của một cộng đồng thông thường.

Không cảnh sát, phố xá và các bờ sông bẩn thỉu, các hố đào ở chân đê hôi thối và thiếu đường đi vào mùa mưa là những yếu tố làm cho Hải Phòng kém hấp dẫn người Pháp. Tuy nhiên, nếu những bất tiện này là một vấn đề lớn vào lúc cộng đồng người Pháp còn rất nhỏ bé thì nó không còn là vấn đề nữa khi đội quân chiếm đóng hàng ngày thu hút tới đây một số lượng đông đảo thương nhân châu Âu. Những người mới tới tràn đầy tin tưởng vào tương lai của tỉnh thành và cảng.

Vấn đề cảng của Bắc Kỳ đã gây ra những cuộc tranh cãi sôi nổi, đặc biệt là trong giới hàng hải. Các kỹ sư thủy văn và các sĩ quan hải quân không nhất trí được với nhau trong việc chọn một cảng mới trước khi thay thế cho cảng Hải Phòng. Một số người ca ngợi Quảng Yên, số khác ca ngợi Hòn gay trong vịnh Hạ Long, nhưng tất cả đều nhất trí yêu cầu Chính phủ Pháp bỏ Hải Phòng vì không có lối vào cho các tàu trọng tải lớn, được “xây dựng trên bùn” không bao giờ có thể nối với Hà Nội bằng đường sắt, bị các dòng chẩy rộng và xiết cắt ngang cắt dọc tạo ra ngập lụt lớn và tính kém ổn định của nền đất trong vùng châu thổ làm cho công tác xây dựng “tôn kém tới mức tất cả các nguồn tài nguyên của Bộ Thuộc Địa sẽ bị hút vào đây”. Mặc dù có những lời công kích mạnh mẽ chống lại cảng đặc biệt và có thể xây dựng được cầu cống. Nếu đất bùn nhão, có thể có sạt lở và thẩm lậu, và do đó các máy bơm sẽ không có tác dụng khi xây dựng dưới mực nước của các con sông bên cạnh. Cũng cần phải nâng cao các tường chống ít ra là ở một số điểm. Những thăm dò cho tôi biết khắp nơi là đất sét pha cát nén chặt và người ta có thể đào sâu tới 8 mét mà vẫn không có nước.

Yên tâm với vấn đề cốt tử này, tôi chuyển sang nghiên cứu kỹ chế độ sở hữu ruộng đất ở vùng lân cận khu nhượng địa. Một cuộc điều tra tiến hành kín đáo cho tôi biết rằng sẽ không có vấn đề trưng dụng ruộng đất với giá cao (à prix d’argent). Vị trí của con kênh tương lai hoàn toàn nằm ở khu vực người châu Âu không có mảnh đất nào. Thêm vào đó, ở xứ An Nam, việc trưng dụng ruộng đất vì lợi ích công cộng không được đền bù. Như vậy, tôi có thể trưng dụng những mảnh đất của người bản xứ nằm trong khu vực kênh, nhất là các quan tỉnh tôi dò ý hứa sẽ đền cho những người bị trưng dụng những mảnh đất tương đương nhưng mầu mỡ hơn thuộc nhà nước nằm bên Núi Voi cách Hải Phòng không xa. Thế là vùng đất giới hạn bởi con kênh và hai con sông hầu như hoàn toàn thuộc về người Pháp bằng cách hoặc mua lại của nhà cầm quyền địa phương, hoặc điều đình với những người bản xứ tự xưng là sở hữu chủ. Những người này thường lạm dụng sự cả tin của người mua nhưng nói chung giá cả luôn luôn rất thấp.

Tôi tham dự vào quá trình chuyển nhượng đó bằng cách coi mọi giao dịch là có giá trị và để cho tòa án lãnh sự xét xử cẩn thận các tranh chấp có thể có. Để lập dự án vạch ra các đường phố và đại lộ của thành phố tương lai, tôi giữ nguyên các con đường hiện có và tôn trọng đất của người Pháp bằng cách không chia nhỏ đất của họ ra. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chỉ tới lúc này tôi mới cho những người bị cai trị biết dự án của mình. Đồng thời, tôi ngăn cấm mọi sự giao dịch về đất đai nhằm tránh những vụ đầu cơ đất có thể có hại cho lợi ích chung. Sau khi được thông báo dự án của tôi, mọi người Pháp ở Hải Phòng tỏ ra thỏa mãn và chúc mừng sáng kiến của tôi.

Giờ đây phải tìm nhân công cần thiết cho công trình tôi sắp đảm nhiệm mà không có một khoản tín dụng nào. May thay, ở An Nam có một thiết chế mà tên của nó người châu Âu nghe khó lọt tai, mặc dù thiết chế này vẫn còn tồn tại ở châu Âu dưới cái tên cỏ vê (corvée) kém tàn nhẫn hơn cái tên đi sâu.

Ở Bắc Kỳ, trừ một số người có đặc quyền, mọi người dân đều phải đi sâu. Họ phải làm không công trong việc xây dựng và sửa sang đê điều, đường xá, kênh mương, nói chung là các công trình mang lại lợi ích chung.

Từ hai năm nay, do chiến tranh và biến động, dân trong vùng Hải Phòng thoát khỏi sự đóng góp khá nặng này, nhất là khi thời gian đi sâu quá dài hay trùng vào mùa cấy hái. Chúng tôi đang ở vào mùa khô. dân bản xứ đang nhàn rỗi. Thật là thời điểm thuận lợi cho việc tập trung về Hải Phòng những người phải đi sâu trong các tổng lân cận.

Các quan tỉnh rất sẵn sàng cho việc đó và thậm chí còn hứa cung cấp cho nhân công khẩu phần gạo và tiền trích từ ngân khố tỉnh. Họ cho tôi một viên võ quan hàm Lãnh Binh để làm nhiệm vụ cảnh sát trong các công trường do ông Bédat, phụ trách công chính, làm chỉ huy trưởng.

Công trình được khởi công ngay. Những nông dân Bắc Kỳ là những người thợ đất tuyệt vời. Việc xây dựng các con đê ở vùng châu thổ Bắc Kỳ là tác phẩm của dân tộc cần cù và kiên nhẫn này. Không có một dụng cụ gì khác ngoài chiếc mai và cái thúng đan bằng tre, họ đã dựng lên trên bờ của tất cả các dòng sông một mạng đê điều rộng lớn, kết quả của một khối lượng lao động vĩ đại, để bảo vệ vùng châu thổ khỏi những trận ngập lụt theo chu kỳ của Sông Hồng.

Ngay từ đầu, chất đất làm cho công việc tiến hành rất dễ dàng. Mai cắm sâu vào đất sét pha cát ướt sắn ra những miếng đất đều đặn để thợ bốc lên. Những người khác kém khỏe mạnh hơn hoặc có tuổi, đôi khi có cả trẻ em và phụ nữ bị lôi cuốn bởi khẩu phần gạo, làm thành dây chuyền chuyển đất tới tận chỗ san lấp. Công việc tiến hành như vậy trong khoảng hai tháng bằng các đội phu thay phiên nhau cứ tám ngày một lần mà không hề có sự phản đối nào của dân chúng bản xứ. Khi lòng kênh đã hình thành giữa các con đê được dựng lên để ngăn nước tràn vào thì một sự cố đáng buồn xảy ra làm ngưng trệ công việc và ảnh hưởng tới việc hoàn thành nó.

Trong khi áp dụng các sáng kiến để tạo ra mặt bằng cho người Pháp xây dựng nhà ở và các công trình công thương nghiệp, tôi không hề nghĩ tới sự phản đối của các quan chức ở Hà Nội. Tại Bộ tham mưu của Thống tướng, người ta lo ngại về công việc của viên Trú sứ, không tiền và, chỉ bằng một thiết chế của dân bản xứ, dám xấc xược tạo ra một thành phố. Giới quan liêu dân sự ở Hà Nội phản đối kịch liệt công trình và nóng lòng chờ đợi cơ hội để làm nó sụp đổ.

Chẳng lâu la gì, các biến cố trên chiến trường Lạng Sơn đã cung cấp cơ hội cho những chống đối đó. Để chuẩn bị cho cuộc viễn chinh tới một vùng quan trọng như Lạng Sơn, cần phải tuyển mộ phu khuân vác trong thời hạn một năm để vận chuyển lương thực và đạn dược. Giới cầm quyền quân sự đã kêu gọi các trú sứ hợp tác. Trước đây khi ở Sơn Tây, tôi đã tuyển mộ, không phải là không vất vả, được 1.500 người bản xứ tình nguyện để đưa về Hà Nội. Các tỉnh khác ở vùng châu thổ không thể tuyển được nhiều như thế. Hiện nay công việc vận chuyển rất khó khăn. Bị thuyết phục bởi những báo cáo có dụng ý của công binh Hải Phòng rằng hàng ngàn người lao động đang bị thu hút vào các công trình của thành phố, giới quân sự liền ra lệnh cho tôi bằng điện tín phải dùng dân binh bao vây công trường, sau đó dùng vũ lực tập trung số người lao động đó lại và cho người áp giải lên Lạng Sơn. Tôi đang sẵn sàng từ chức công sứ để không a tòng theo một hành động mà tôi cho là lạm quyền không thể tha thứ được thì có người báo cho tôi biết là những người khỏe mạnh đã trốn khỏi công trường từ nhiều giờ rồi, chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em. Không còn nghi ngờ gì nữa: đã có sự bất cẩn và chắc chắn một nhân viên nào đó người bản xứ đã thông báo cho nhà cầm quyền An Nam kế hoạch mai phục và họ đã làm trống trơn các công trường.

Tôi cho Hà Nội biết và sự việc lúc này tạm gác lại. Thế là công trình bị đình lại trong sự luyến tiếc của những người Pháp ở Hải Phòng. Năm sau, công trình do tôi phụ trách lại tiếp tục và tiến hành cho tới kết quả mỹ mãn, khi chế độ dân sự bắt đầu ở Bắc Kỳ dưới chính quyền của Paul Bert.

Nguồn Văn Chương Việt

Hải phòng xưapháptỉnh thànhvăn hóaxây dựng
Comments (0)
Add Comment