Xứ Trầm Hương- Thắng cảnh cổ tích

TVN

Để giúp cho khách du lịch đến Khánh hòa biết qua những nơi nào nên đến viếng, người địa phương có bài hát rằng :

Nhắn ai viếng cảnh Nha Trang,

Muốn tìm dấu cũ thì sang Tháp Bà.

Muốn trông trời biển bao la,

Con thuyền nho nhỏ bơi ra Hòn Chồng.

Muốn xem cá lạ biển đông,

Xuống tòa Hải Học trong vùng Trường Tây.

Muốn vui cùng nước cùng mây,

Mây trùm Suối Ngỏ nước đầy Suối Tiên.

Ba Hồ lắm thú thiên nhiên,

Qua Sơn là chốn thần tiên đi về.

Lòng mong nương bóng bồ đề,

Lên chùa Hải Đức gần kề Nha Trang.

Những nơi kể trong bài hát là những nơi chân người nhàn du thường lui tới. Sự thật, thắng cảnh của Khánh Hòa không phải chỉ có thế mà thôi. Những cảnh núi non sông suối, đâu đâu cũng đều có những đặc điểm những kỳ thú đối với những người có đôi mắt mỹ thuật, có tấm lòng rảnh lợi danh.

Nhưng dù lòng rảnh lợi danh đi nữa, cũng ít người có đủ thì giờ để đi xem khắp non nước Khánh Hòa. Cho nên phần đông đành theo lời hướng dẫn trên mà đi viếng cảnh, kẻ theo thứ tự trong bài hát mà đi, người tùy theo chỗ thuận tiện, tùy theo phương tiện. Song trước khi đi xa, không mấy ai không tìm hưởng những cái đẹp cái thú ở ngay trước mặt : Nha Trang.

I. NHA TRANG

Tại sao lại gọi là Nha Trang ? Có người bảo rằng : Xưa kia nơi đây chỉ toàn nhà tranh vách đất. Riêng tòa nhà của Bác Sỹ Yersin bằng gạch ngói đồ sộ và quét vôi trắng. Người ngoại quốc đi ngang qua biển Cù Huân, trong thấy đất liền, hỏi là xứ gì. Người thông ngôn thoáng thấy nhà Bác Sỹ Yersin trăng trắng bèn đáp « Nhà Trắng ». Người ngoại quốc mới ghi vào địa đồ, nhưng vì chữ Âu Châu không có dấu, nên ghi là « Nha Trang ». Đó là câu chuyện hài hước bày đặt ra để nhạo những ông thông dịch viên ít học. Chớ tên Nha Trang đã có từ khi nước Việt Nam chưa sản xuất những ông thông dịch viên mà xưa kia gọi là Thông Ngôn, và trước khi người Âu Châu sang Á Đông tìm thuộc địa.

Nha Trang do chữ Chàm Ea Tran hay Yjatran mà ra. Trong các sách viết trước thời Pháp thuộc, đã dùng đến. Như trong tập « Phương Đình Dư địa Chí » của Nguyễn Siêu đời Tự Đức, nói về tỉnh Khánh Hòa, ghi rõ rằng : « Năm Quý Sửu đại quân lấy lại Bình Khang doanh, tiến đánh thành Qui Nhơn, lúc ban sư đắp thành đất ở thủ sở Nha Trang gọi là thành Diên Khánh, núi sông thực là thiên hiểm, tục gọi là Nha Trang thành ».

Như thế, Nha Trang dùng gọi thành Diên Khánh từ thời Gia Long và mới dùng gọi tỉnh lỵ từ ngày Pháp đặt nền đô hộ ở Trung Việt. Trong Đại Nam Nhất Thống Chí của Cao xuân Dục soạn triều Duy Tân cũng có nói đến Nha Trang. Song không phải tên thành phố mà tên một nguồn của con sông Cù Giang : Nguồn Nha Trang. Như thế nhất định Nha Trang không phải do Nhà Trắng mà ra vậy.

°

Nha Trang không phải là một thành phố thương mãi, mà là một thành phố du lịch, một thành phố thừa lương. Cho nên muốn thưởng thức cảnh thú của Nha Trang phải tìm nơi thiên nhiên chớ đừng tìm nơi nhân xảo. Thành phố Nha Trang thời Pháp thuộc chỉ bằng một phần ba thành phố hiện thời. Phố xá và gia cư của người Việt người Tàu chen chúc từ ga xe lửa đến Chợ Đầm (tức chợ cũ Nha Trang). Còn người Pháp ở dọc theo bờ biển, từ tòa Sứ (tức tòa Hành Chánh hiện nay) cho đến Đại Khách Sạn (Grand Hôtel).

Vùng Mả Vòng chưa có nhà cửa. Truyền rằng xưa kia là vùng cổ mộ nằm trong một vòng thành xây bằng đá núi, hình nguyệt mãn, cao đến rún. Trông đã xưa lắm nhưng vẫn còn nguyên vẹn dưới nhiều lớp rêu xanh. Đi lại đi qua, người ta tránh ra một phía. Đến khi người Pháp mở đường Quốc Lộ số 1, mới dời mộ đi nơi khác và phá hủy vòng thành. Nơi nầy rất nhiều ma. Sau khi mả đã dời rồi mà người ở quanh vùng vẫn thường thấy bóng ma thấp thoáng, và những đêm trăng mờ gió lạnh lại còn nghe tiếng than khóc não nùng. Cho nên khi mặt trời đã chìm tây thì ít người dám lai vãng.

Vùng Phước Hải cũng là vùng hoang vắng.Nhà cửa thưa thớt. Một phần lớn diện tích là rừng hoàng mai. Mùa xuân hoa nở ánh cả vùng. Nhưng không có người đến chặt về cắm bình hoặc thưởng cảnh. Vì cọp ở Đồng Bò thường ra để kiếm mồi. Vịnh Nha Trang, nhà Nho Thuần Phu Trần khắc Thành có câu :

Mả Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt,

Phước Hải rừng xuân cọp thưởng mai.

Tuy là ngụ ý châm biếm nhân vật đương thời, câu thơ vẫn cho chúng ta thấy rõ quang cảnh Nha Trang thời người chưa đông đất còn trống. Trong bài Tặng Biệt của một nhà chí sỹ làm vào khoảng Thành Thái Duy Tân (1889-1916) có câu :

Đại Lãnh văn viên cô nguyệt hạ,

大嶺閒猿孤月下

Nha Trang đả hổ loạn vân gian.

芽莊打虎亂雲間

Nghĩa là :

Đại Lãnh nghe vượn, lạnh lẽo bóng trăng soi,

Nha Trang bắn hùm, rộn ràng tầng mây thẳm.

Câu nầy chứng minh rằng chuyện cọp ra Rừng Mai Phước Hải là chuyện thật vậy.

Bên cạnh rừng mai, còn có rừng dương liễu. Rừng có hai cánh, một trải trên vùng hỏa xa hiện thời, một giăng từ sàn tàu bay hiện thời cho đến Chụt. Cũng như Rừng Mai Phước Hải, rừng dương liễu là một giai cảnh của Nha Trang. Rừng mai phơi vàng, rừng dương buông lục. Nhưng rừng mai chỉ đẹp về mùa xuân. Còn rừng dương bốn mùa đều đẹp. Một bên do trời sanh và không có người chăm sóc. Một bên do người trồng và được sở kiểm lâm trong coi. Cho nên khi rừng mai đã bị phá để lấy củi hoặc lấy đất, thì rừng dương liễu vẫn còn tươi tốt cho đến ngày nổi chiến tranh. Nhưng, hiện nay cả hai chỉ lưu lại hình bóng mơ màng trong những vần thơ thời Tiền Chiến :

Biển Én sóng vờn trăng thúy liễu, 

Đồng Bò hương thoảng gió hoàng mai.

Nước non vẫn thắm mày dương liễn,

Mưa nắng riêng gầy vóc lão mai. 

Và trải bao nhiêu gió sương, tình vẫn còn đượm đà trong bài :

« NHA THÀNH MAI LIỄU »

Mấy xuân mai liễu sum vầy,

Liễu mai còn đó xuân nầy vắng ai !

Đeo sầu gầy gọ vóc mai,

Nhớ thương tóc liễu biếng cài mái xanh.

Gió hương thổi khắp Nha Thành,

Chiêm bao lẩn quẩn bên mành trăng soi !

Lượng xuân chẳng lẽ hẹp hòi,

Để cho mai liễu thiệt thòi tuổi xuân !

(Trường Xuyên)

Rừng mai có trước rừng dương liễu đã lâu đời. Nhưng đến khi có người biết đến chân giá trị thì rừng mai chỉ còn lưa thưa vài ba gốc, lại ở trong nơi xa xôi hẻo lánh không tiện đường tới lui. Bởi vậy nên tiếng không được nổi bằng rừng dương liễu nằm ngay bên đường quan lộ, ngày ngày không ngớt kẻ lại qua.

°

Cùng Rừng Dương Liễu làm Nha Trang nổi danh là « Vùng cát trắng dương xanh » trong toàn quốc :

Về vùng cát trắng dương xanh,

Cho đây gởi gắm tâm tỉnh chút nao ?

Từ phen biển dậy ba đào,

Non xa ngắm bóng trăng sao ngại ngùng.

(Nhắn bạn Nha thành T.X.)

Đó là bãi biển Nha Trang vậy. Bãi biển Nha Trang, theo lời du khách đã ra Bắc vào Nam, thì là một bãi biển đẹp nhất trong toàn quốc. Bãi biển vừa rộng vừa dài. Hình giống một lưỡi liềm bằng bạc, cán trở ra xóm Cồn, mũi day xuống Chụt, và lưỡi được sóng biển mài dũa sáng trưng. Cát vừa trắng vừa mịn như đường cát trắng Đồng Xuân ở Phú Yên. Rờ vào nghe mát rợi. Cho nên có bài hát rằng :

Bãi biển Nha Trang: mịn màng trắng trẻo,

Đường trong leo lẻo, Gió mát thanh thanh.

Đêm đêm thờ thẫn một mình,

Đố sao cho khỏi vướng tình nước mây.

Tự bản thân, bãi biển trong đã đa tình đã quyến rũ, huống hồ còn được nhiều cảnh vật bên ngoài điểm xuyết thêm : Những khóm dừa xanh đứng ngay hàng, làm tàn che nắng ban trưa, che sương ban tối… Những bồn hoa tư mùa xanh tốt, những biệt thự có vườn tược bao quanh, những rừng dương liễu linh động nhưng yên lành, chạy dọc theo con đường Duy Tân ven biển ; những cảnh nhân tạo trong thiên nhiên ở phía Đông Nam : ngọn Cảnh Long với những lâu đài ẩn hiện trong cây đá ; những ngọn núi ở tận ngoài xa xôi nhưng trông như gần gũi, trùm bóng lên dãy núi Cù Lao thâm thấp ở phía Đông Bắc và lác đác nơi sườn màu ngói đỏ mà vách trắng của dãy Nhà Dòng Phan Xi Cô (Fancico), nhà dòng La San. Và ngay trước mặt ở phía Đông, những hòn lao xanh, hòn to hòn nhỏ, hình thù khác nhau sắc thái khác nhau, nổi trên mặt sóng xanh, dựa vào lưng trời xanh, man mác bát ngát… Khung cảnh ấy làm nổi bật bãi cát trắng trẻo, mịn màng… làm cho bãi cát đã có duyên càng thêm duyên, đã có sắc càng thêm sắc, giá trị gia tăng bội phần. Một nhà thơ ví bãi biển Nha Trang với một giai nhân dòng cự tộc. Giá trị chẳng những ở tư đức tư dung, mà còn ở nơi gia đình, nơi họ hàng bên nội bên ngoại.

Và vẻ đẹp của bãi biển Nha Trang, giá trị của bãi biển Nha Trang mỗi lúc mỗi khác :

– Buổi sáng, bao nhiêu ánh ngọc ngà châu báu nơi thủy cung đều hiện lên mặt sóng, trông lộng lẫy huy hoàng. Và những cảnh vật chung quanh, nhờ ảnh hưởng, cũng trở nên huy hoàng lộng lẫy.

– Buổi trưa, biển trở thành một tấm sa tanh xanh thêu kim tuyến căn phơi. Nhà cửa cây cối núi non là những người đứng canh giữ.

– Buổi chiều, tất cả biển trời cây đá đều trở thành gấm vóc mà bên ngoài trùm một tấm màn bạch sa mỏng và sưa.

Còn bãi biển là một tố nữ trần thân nằm im lìm ngắm cảnh giàu sang của trời tặng. Ban đêm, cát hòa với nước, không còn phân biệt ngã với nhân. Và ánh đèn câu ngoài khơi lại làm giàu thêm cho cảnh. Nếu trời có trăng thì trước mặt là một tấm nhung trắng kết hoàng bảo trải dưới vòm nhà bằng bạch cẩm nạm kim cương. Nếu trời không trăng, thì lại là một tấm nhung đen rải hồng bảo xích bảo hoàng bảo, một nửa trải dưới nền một nửa phất trên trần, trong một đền thờ của người Ấn. Ngắm cảnh giàu sang lúc ban đêm không phải là bãi biển như lúc ban ngày, mà chính là du khách, du khách ưa thích cảnh giàu sang mà không bao giờ muốn chiếm hữu.

Ngoài cảnh đẹp thiên hình vạn trạng của thiên nhiên, bãi biễn Nha Trang còn có gió mát. Bãi biển nào lại không có gió mát ? Đúng vậy. Nhưng gió Nha Trang có một khí mát đặc biệt, một khí mát dịu dịu, êm êm… một khí mát « trung hòa » của ngà voi, của đá cẩm thạch, khác với khí mát của Vũng Tàu, của Qui Nhơn, của Sầm Sơn, của Hạ Long… nơi nào cũng có phần « quá khích » hoặc nhiều hoặc ít, chú không mấy nơi « theo đúng thuyết Trung Hòa của Đông Phương ». Thú vị nhất là gió buổi trưa mùa hạ. Nằm dưới bóng soan nở đỏ, hoặc dưới bóng dừa buông xanh, nhìn ra biển khơi, du khách có cảm giác đương nằm dưới gốc cây đa, cây sanh ở thôn quê, nhìn ra đồng lúa mới chín tới, bên trên vàng ánh, bên dưới xanh um, và ngọn nồm thổi qua, sóng chao vàng xanh lẫn lộn. Trong khí mát lại dường như có chất bổ. Người đương mệt mỏi, ra ngồi nơi bãi trong giây lát thì tâm thần liền thấy dễ chịu ngay. Cho nên người ở bốn phương thường lấy Nha Trang làm nơi dưỡng bệnh.

Nhưng quang cảnh ấy, phong thú ấy, là quang cảnh phong thú ngày xưa, ngày mà « vùng trời đất chưa nổi cơn gió bụi ». Chớ hiện nay, những bồn hoa không còn tốt tươi, những rừng dương đã bị đốn trụi. Và trên bãi biển, mấy chục quán « bar » đã chiếm hết những « yếu điểm », đã làm thương tổn vẻ đẹp thiên nhiên bằng những kiến trúc phản nghệ thuật, đã làm ô uế cát trắng nước trong bằng những đồ thừa thãi, đồ cặn bã của thú ăn chơi.

Dù yêu phong cảnh đến đâu cũng không ai dám ra nằm lăng trên bãi cát để « ôm gió nước vào lòng », hoặc để tưởng mình đương nằm dính lưng vào lưng trời, nhìn xuống biển khơi xem đèn câu lấp lánh. Một đôi khi quên cảnh trước mặt, dấn bước đi lang thang, thì hoặc ít hoặc nhiều, thế nào chân cũng dậm phải ruột gan của đám người lấy huỳnh kim làm lý tưởng. Bãi biển Nha Trang hiện thời thật chẳng khác một cô xuân nữ bị cưỡng bách vào thanh lâu, mà những quán « ẩm thực » kia là những mụt phong tình mọc trên tấm thân ngà ngọc. Mong một ngày nào đó Long Vương sai sóng thần lên quét sạch những xú uế, để cho bãi Nha Trang lấy lại quang cảnh và phong thú của nghìn xưa. Ngày đó chắc không lâu. Vì điềm thái hòa đã ứng lên những mụt tường vân ngoài biển.

°

Cuộc Đất của Nha Trang, theo các nhà Phong Thủy Tức Thầy Địa, là một đại cuộc : Tứ thủy triều qui, tứ thú tụ.

Tứ thủy triều qui là bốn mặt có nước bao bọc : Hai phái Nam và Bắc của con sông Nha Trang, phái chảy vào Cửa Bé, phái chảy xuống Cửa Lớn, ôm choàng lấy cuộc đất, mà phía Đông là biển khơi.

Tứ thú tụ là mượn bốn hòn núi tượng hình bốn con thú tụ họp lại để giữ gìn anh khí :

– Núi Cảnh Long ở Chụt là con Rồng. Vì núi chạy dài từ Cửa Bé ra Cầu Đá dọc theo mé biển và đến Cầu Đá núi lại chạy thẳng ra biển, nên gọi là « Thanh long hý thủy » nghĩa là rồng xanh giỡn nước.

– Hòn Sanh Trung ở Hà Ra là Con Voi. Vì núi đứng cạnh đầm Xương Huân, nên gọi là « Bạch Tượng quyện hồ » nghĩa là Voi trắng cuốn hồ.

– Hòn Trại Thủy là Con Giơi. Vì trước núi, tại « đầu giơi » có một bàu nước hình tròn như nguyệt nên gọi là « Ngọc Bức hàm hoàn », nghĩa là Giơi Ngọc ngậm vòng.

– Hòn Hoa Sơn, tục gọi là Núi Một, ở Nha Trang Tây, đường Phước Hải, là con Rùa. Vì trên núi có ngọn cổ tháp, nên gọi là « Kim Qui đới tháp », nghĩa là Rùa Vàng đội tháp. Cuộc đất phát đại phú đại quí.

Nhưng rồi phái Nam sông Nha Trang bị lấp, cổ con thanh long và kim qui bị cắt, long mạch bị tổn thương. Long mạch mới bị tổn thương chớ chưa đứt hẳn, nên nhân dân sở tại dù không phát đại phú đại quí, nhưng vẫn sung túc phong lưu, và trải bao phen khói lửa dậy nơi nơi, Nha Trang vẫn được yên ổn hơn đâu hết. Bốn « Con thú » của cuộc đất cũng là bốn thắng cảnh của Nha Trang. Ba cảnh Thanh Long, Bạch Tượng, Ngọc Bức chúng ta đã thưởng thức khi đi dạo núi sông.

Ở đây xin nói riêng về cảnh Kim Qui. Kim Qui hiện nay đã biến dạng hẳn. Con đường Phước Hải đã chia khúc đầu và khúc mình con rùa ra làm hai. Khúc đầu bị đào phá không còn ra dáng ra hình gì cả. Còn khúc mình thì đã đẽo thành một con dấu hình thuẫn úp sấp. Trên đầu rùa còn một cổ tháp. Trên mình rùa đứng sừng sững ngôi nhà thờ Nha Trang.

Đời Lê cảnh Hưng (1740-1786) núi Hoa Sơn còn hình Kim Qui, một thiền sư pháp danh Phật Ấn đến cất một am tranh tu khổ hạnh. Năm Bính Ngọ (1786) thiết hoá đàn trà tỳ. Đệ tử thâu xá lợi lập Liên hoa tháp.

Ngọc cổ tháp trên « đầu rùa » là tháp của thiền sư. Khi người Pháp chiếm cứ Nha Trang, trên núi Hoa Sơn chỉ còn trơ trọi ngọn cổ tháp. Và nơi « cổ rùa » chỉ có một con đường nhỏ để vô ra. Mãi sau người cầm quyền mới đào sâu phá bằng để làm con đường Phước Hải.

Nhà Thờ Nha Trang cất sau khi đã trổ con đường Phước Hải, vào khoảng 1930-1935. Người kiến lập là một nhà truyền giáo Pháp, Linh Mục Vallet. Hiện nay là nhà Thờ Chánh Tòa của địa phận Nha Trang. Kiến trúc ngôi nhà Thờ Nha Trang không giống phần đông nhà Thờ khác trong toàn quốc. Kiểu thức vừa cổ kính vừa tân kỳ. Tất cả vách, mái, nền, cột đều toàn xi măng. Và đứng chắc trên một đầu non, với « bộ áo xám tro », hình tướng trông nửa như khiêm nhường nửa như ngạo nghễ. Lại gần nhìn kỹ lại có vẻ nghiêm khắc cô cao. Nhờ những khóm trúc đào hoa nở quanh năm ở trước sân, nhất là khóm đa xanh mát đứng che Tiểu vương Cung của đức Bà Maria ở đầu bậc cấp bước lên, làm cho « nét mặt » nhà Thờ bớt phần khô khan lạnh lạt. Lầu chuông cao ngất ! Lên đứng nơi gác chuông nhìn ra bốn mặt, thì vọng cảnh trùm cả toàn diện thành phố Nha Trang. Trông tới ngó lui, nước non, nhà cửa, nơi gần nơi xa, nơi ẩn nơi hiện, khoái con mắt, hả tấm lòng, nhiều khi tưởng mình đương đứng nơi trung tâm điểm của vũ trụ. Cho nên nhà Thờ Chánh Toà Nha Trang cũng là một danh thắng của địa phương vậy.

Trích Xứ Trầm Hương- tác giả QUÁCH TẤN

lịch sửnha trangquách tấnvăn hóaxứ trầm hương
Comments (0)
Add Comment