Người Sài Gòn xưa thường nói “dân chơi cầu Ba Cẳng”. Vậy cầu Ba Cẳng là cây cầu nào? Giờ nó ở đâu mà nhiều người Sài Gòn kiếm hoài không thấy?
Cầu Ba Cẳng trước đây thuộc vùng Chợ Lớn bắc qua một cái Vàm (Ngã ba kinh rạch) của kinh Hàng Bàng, do quan Khâm Sai người Pháp ra lệnh xây dựng. Cầu có tên tiếng Pháp là “Pont des 3 arches” (cầu có 3 nhịp vòng), được xây bởi công ty Brossard et Mopin – công ty từng xây chợ Bến Thành năm 1914.
Cầu ở cuối đường Kim Biên, đầu đoạn rạch Bãi Sậy, nay lấp thành đường Bãi Sậy và Phạm Văn Khoẻ quận 6. Nó nằm ở khúc rẽ phải ra kênh Tàu Hủ, hai chân nằm ở bến Bãi Sậy và bến Nguyễn Văn Thành và chân kia ở bến Vạn Tượng.
Nhà văn Trương Đạm Thủy viết về cầu như sau: “Ở vùng quận 6, Chợ Lớn cách đây mấy mươi năm có một cây cầu bằng sắt, hình dạng rất lạ, có ba chân. Vì cầu chẳng có cái tên chính thức nào như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận… nên người dân lấy hình mã đặt tên, tức cầu Ba Cẳng.”
Phía sau cầu là chợ Kim Biên (chợ Kim Biên chỉ mới có sau 1975, trước đó vị trí chợ là một công viên). Chân cầu bên phải là đường Gò Công ngày nay, nằm phía sau chợ Kim Biên hiện nay, nối hai bờ rạch Hàng Bàng, ở ngã ba rạch Bãi Sậy từ kênh Tàu Hủ và rạch chạy đến đường Kim Biên (tiếng Quảng Đông nghĩa là Cao Miên, vì trước đây gọi là đường Cao Miên hay rue de Cambodge) là đường Gò Công, đây là đường từ Chợ Lớn đi xuống Gò Công (cầu Ba Cẳng có bậc đi xuống đường Gò Công), trụ sở và xưởng sản xuất “xà bông Cô Ba” nổi tiếng của ông Trương Văn Bền trong những thập niên giữa thế kỷ 20 nằm ngay trên đường Kim Biên.
Cầu Ba cẳng nằm ở khúc rẽ phải ra kênh Tàu Hủ, hai chân nằm ở bến Bãi Sậy và bến Nguyễn Văn Thành và chân kia ở bến Vạn Tượng, đoạn cuối rạch này vẫn chưa lấp, và Cầu Ba Cẳng tồn tại đến năm 1990 thì bị đập không còn và rạch phía sau chợ Kim Biên đã bị lấp, phía sau chợ Kim Biên vẫn còn một đoạn rạch rất ngắn khoảng 30m rộng 3m, trước đổ ra thẳng kênh Tàu Hủ.
Cầu ở đầu đoạn rạch Bãi Sậy, rạch Bãi Sậy hay kênh Hàng Bàng ngày nay đã lấp đến 90% trở thành đường Bãi Sậy và đường Phạm Văn Khỏe, Quận 6, chạy từ rạch Lò Gốm (phía bên trái) ngang qua chợ Bình Tây, tới chỗ cầu Ba Cẳng rẽ phải một đoạn ngắn chảy ra rạch Tàu Hủ. Đây là con đường chính để đưa hàng hóa đến chợ và hàng hóa từ chợ sau đó lại tỏa đi khắp nơi khi vận tải đường bộ còn chưa phát triển trong nửa đầu thế kỷ 20.
Kênh Bonard, tức rạch Bãi Sậy, Chợ Lớn, cũng được gọi là kênh các lò gốm. Cái cẳng thứ 3 của Cầu 3 cẳng là hướng thẳng vào trục đường Trịnh Hoài Đức. Và đúng là rạch Lò Gốm và Bãi Sậy là 2 rạch khác nhau. Nhiều rạch xưa nay đã bị lấp, nên trên các bản đồ Sài Gòn mới sau này không còn tìm thấy chúng. Trong phần chú thích tiếng Pháp có ghi rõ: “Đường nhà buôn (tức là đường Nguyễn Văn Thành). Kênh Bonard, cũng được gọi là kinh các lò gốm, là một huyết mạch thương mại chính của Chợ Lớn”.
Đoạn cuối rạch Bãi Sậy gần Cầu Ba Cẳng, nhìn từ cầu Palikao. Cầu Palikao là cầu qua rạch Bãi Sậy trên đường Ngô Nhân Tịnh. Cầu Palikao được người Pháp đặt tên theo một câu gần Bắc Kinh, gọi là Bát lí kiều (cầu tám dặm), nơi liên quân Anh-Pháp vào năm 1860 đánh với quân nhà Thanh, gần cầu Palikao và chợ Kim Biên hồi xưa có ngôi nhà lớn của một trong bốn người giàu nhất Sài Gòn, đó là ông Trần Hữu Định, cũng được gọi là Bá hộ Định, người được xếp thứ tư trong “Tứ đại Phú Gia Sài Gòn”: Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định.
Đi về phía phải của Cầu Ba Cẳng trong hình này vài chục mét là tới chợ Kim Biên ngày nay, còn về phía trái khoảng 200m là tới Đại lộ Đông Tây và kênh Tàu Hủ. Hình này chụp khoảng đầu thập niên 1950, ngày nay cầu này không còn nữa. Cái cẳng trong hình này là cẳng đi xuống đường Yunnan, tức đường Vân Nam (sau 1955 là đường Vạn Tượng), còn hai cẳng kia thì bắc qua hai con đường hai bên rạch Bãi Sậy: bên trái xuống bến Bãi Sậy, bên phải xuống bến Nguyễn Văn Thành nơi đầu đường Cambodge (sau 1955 là đường Kim Biên).
Cây cầu này không đóng góp gì nhiều cho giao thông ở khu Chợ Lớn vì nó chỉ là cầu đi bộ giúp người dân tiện qua chợ Kim Biên, và là nơi hóng gió, hàn huyên… Nó bị “xoá sổ” hồi năm 1990 do bị sập.
Còn về cụm từ “dân chơi cầu Ba Cẳng” thì có nhiều giải thích khác nhau.
Người ta kể rằng hồi năm 1955, có một đám côn đồ sau khi làm việc phi pháp bị hai ông cảnh sát rượt đuổi. Chúng chạy lên cầu Ba Cẳng. Vì cầu có ba hướng lên xuống mà cảnh sát chỉ có hai người, do đó, chỉ chận được hai ngã. Bởi vậy, đám côn đồ thoát thân may mắn. Từ đó người ta nói “dân chơi cầu Ba Cẳng” với ngụ ý là dân giang hồ dám làm mà không dám chịu, nhưng lại may mắn mà né được nhân viên công lực.
Cũng có cách giải thích khác rằng ngày xưa có 1 cuộc hỏa hoạn lớn ở đường Gia Long (nay là Trịnh Hoài Đức, Sài Gòn). Người ta đổ xô lên cầu chen lấn, đứng xem quá đông, khiến cầu (bằng gỗ) bị sập. Sau đó cầu được xây lại thành ba nhánh bằng “bê tông cốt sắt” vững vàng hơn. Dân chúng trong vùng không còn gọi là cầu Khâm Sai nữa và gọi theo hình dáng xây dựng. Vậy thì theo câu chuyện này, “dân chơi cầu Ba Cẳng” dùng để chỉ những ai làm ẩu, không có tính toán gì, cứ thấy chuyện lạ là nhào vô, thỏa ý tò mò tới độ cầu sập, sinh ra tai nạn.
Cũng có truyền thuyết kể rằng cái tên “dân chơi cầu Ba Cẳng” gắn liền với “hiệp sĩ” Mã Ban ở khu này, kẻ từng là nỗi khiếp sợ của đám du đãng ở Chợ Lớn. Cũng vì có thể trấn áp đám đu đãng nên Mã Ban dần trở thành bảo kê, được các chủ quán người Hoa “lì xì”, được một ông chủ người Hoa gả con gái cưng cho. Người ta kể rằng Mã Ban rất chịu chơi và thường là chịu chơi quá đà, mấy lần sạt nghiệp.
Năm 1984, Mã Ban đã rũ bỏ nghiệp giang hồ, quay về cùng vợ con, mở nhà hàng ăn uống ở Chợ Lớn, tuy nhiên, do vẫn còn máu chơi hào phóng nên chẳng bao lâu buôn bán lỗ lã, dẹp tiệm, từ đó, bắt đầu cuộc sống khó khăn, vợ bệnh, con đau, không tiền bạc, Mã Ban từ một tay anh chị phong lưu trở thành tay trắng. Dân chơi “cầu Ba Cẳng” lại lưu danh thêm một đàn anh vào danh sách để nhắc nhớ quá khứ oanh liệt Sài Gòn – Chợ Lớn ngày xưa.
Hiện nay rạch Bãi Sậy hay kênh Hàng Bàng ngày này đã lấp đến 90% và trở thành đường Bãi Sậy và đường Phạm Văn Khoẻ. Nhà cửa mọc lên phủ kín bờ rạch, che khuất dấu vết cây cầu xưa. Dẫu sao đi nữa, cầu Ba Cẳng cũng là cây cầu đi bộ đầu tiên của Sài Gòn.