Vườn nổi Bangladesh, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu
TVN
Nhờ các trang trại nổi trên mặt nước, làm bằng bè kết từ xơ lục bình, nông dân ở Bangladesh vẫn có thể canh tác ngay cả trong mùa mưa lũ. Mô hình trang trại này được ghi nhận là giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả và có chi phí rẻ.
Bangladesh, do được tạo thành từ các đồng bằng bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hằng – sông Brahmaputra, thường xuyên bị lũ lụt và ngập úng.
Mùa gió mùa khốc liệt, tuyết tan trên dãy Himalaya và những cơn bão dữ dội càng làm vấn đề thêm trầm trọng.
Hai phần ba diện tích Bangladesh là đất ngập nước với chằng chịt những con sông đầy phù sa thường xuyên thay đổi dòng chảy.
Nhiều vùng rộng lớn bị ngập nước tới tám tháng một năm, đồng thời tình trạng nước biển xâm nhập cũng khiến nhiều vùng đất ven biển không thể canh tác được.
Dù vậy mà nông nghiệp vẫn là một trong những ngành đóng góp quan trọng nhất vào GDP của nước này.
Vườn nổi chống lụt hiệu quả
Để đến được trang trại của mình, Mohammad Mohasin phải chèo thuyền gỗ hoặc bơi đến cánh đồng hoa màu nổi trên mặt nước ở Barisal, một khu vực phía nam của Bangladesh.
Tại đây, anh trồng cà chua, bí ngô, khoai tây, đậu, cà tím và dưa chuột. “Nếu tôi trồng những thứ này trên một cánh đồng bình thường, lũ lụt sẽ tàn phá chúng. Nhưng khi mực nước ở đây dâng cao, khu vườn của tôi cũng sẽ nổi cao lên”, Mohasin, một nông dân thế hệ thứ ba của những trang trại nổi, được người dân địa phương gọi là “dhap”, nói.
Mohasin tiết lộ khu vườn nổi mang về cho anh thu nhập tới 70.000 taka (658 đô la) mỗi tháng trong mùa thu hoạch cao điểm. Anh cho biết vườn nổi mang lại nhiều lợi nhuận hơn các mô hình trang trại khác.
Cấu tạo của vườn nổi
Vườn nổi là mô hình thủy canh truyền thống xuất hiện ở Banladesh ít nhất 400 năm trước. Nhữnhg khu vườn nổi như thế này đang được ghi nhận là giải pháp dựa trên thiên nhiên, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, giúp nông dân chống chọi lũ lụt ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.
Nông dân xếp nhiều lớp cây dại thủy sinh như bèo, lục bình hoặc gốc lúa – phần gốc của những gì còn lại sau khi gặt lúa.
Họ thường được gia đình và hàng xóm giúp đỡ. Cây dại được để cho thối rữa, sau đó thường được trộn với phân bò và bùn đất. Hạt giống được đặt trong những quả cầu nhỏ gọi là tema được làm từ đất than bùn và phủ xơ dừa.
Sau một tuần, khi cây con mọc được khoảng 15cm thì cấy chúng ra luống nổi. Với các loại rau lấy lá, như rau dền, thì người ta gieo hạt trực tiếp lên luống nổi. Sau đó các luống nổi này được neo vào cọc tre để không bị trôi đi.
Cả đàn ông và phụ nữ đều tham gia đánh luống hữu cơ nổi này, vốn có thể tồn tại khoảng từ 5 cho đến 6 tháng.
Nhà nông trồng các loại rau như đậu bắp, khổ qua, mướp, cà tím và rau lang trên những luống này, và đôi khi là các loại gia vị như nghệ và gừng.
Ngoài rau, đôi khi họ cũng có thể gieo mạ. Vào mùa mưa, nông dân chèo xuồng nhỏ để di chuyển giữa các ‘đảo nổi’ này.
Bài học từ Bangladesh có thể mang giá trị toàn cầu khi thế giới chuyển sang một tương lai với lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Theo Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO), lũ lụt gây thiệt hại 21 tỉ đô la cho cây trồng và vật nuôi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp trong giai đoạn 2008-2018. Một nghiên cứu vào năm ngoái chỉ ra rằng có 1,8 tỉ người trên toàn cầu đang tiếp xúc trực tiếp với nguy cơ lũ lụt.
“Người dân Bangladesh phải chống chọi với mọi loại thảm họa thiên nhiên. Với mực nước biển dâng, đồng bằng Bengal (bao gồm Bangladesh và bang Tây Bengal của Ấn Độ) sẽ bị nhấn chìm. Chúng ta cần tuyên truyền câu chuyện về những khu vườn nổi ở Bangladesh để nông dân ở các nước khác có thể học hỏi”, Abdullah Al-Maruf, giáo sư nghiên cứu địa lý và môi trường tại Đại học Rajshahi (Bangladesh), nói.
Để ghi nhận tiềm năng của vườn nổi, năm 2015, FAO đã xem 2.500 hecta vườn nổi ở Bangladesh là một trong 62 hệ thống di sản nông nghiệp quan trọng trọng toàn cầu. Tổ chức này ước tính Bangladesh có thể mở rộng canh tác theo mô hình vườn nổi lên diện tích tới 2 hec-ta.
Kể từ đó, chính phủ Bangladesh nỗ lực mở rộng diện tích vườn nổi thông qua một dự án thí điểm bắt đầu vào năm 2017. Đến nay, 25.000 nông dân ở 24 khu vực của nước này đã được đào tạo, cung cấp hạt giống, thuốc trừ sâu và hỗ trợ hậu cần để thực hiện dự án. Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Bangladesh cũng tiến hành nghiên cứu canh tác vườn nổi hiệu quả hơn, đồng thời hợp tác với Bộ Các vấn đề phụ nữ của đất nước để hỗ trợ những phụ nữ thiệt thòi trồng lúa và trồng rau ở vườn nổi. Mục tiêu tăng sản lượng rau gia vị từ các khu vườn nổi thêm 10% đã đạt được.
Bibekananda Hira, người làm việc trong dự án canh tác trên vườn nổi, cho biết: “Canh tác trên vườn nổi rõ ràng là một thành công ở Bangladesh. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm”.
Một báo cáo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nông nghiệp, thực phẩm và môi trường vào năm 2020 cho biết các khu vườn nổi mang lại thu nhập “bền vững và sinh lợi” cho các hộ gia đình nông thôn ở các vùng dễ bị lũ lụt của Bangladesh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy nông dân thường phải vay lãi suất cao để đầu tư cho vườn nổi. Bên cạnh đó, vườn nổi cũng có thể dễ bị sâu bệnh.
Al-Maruf, một trong những tác giả của báo cáo, nói: “Đó là một cơ hội tuyệt vời. Nhưng chúng ta cần nghiên cứu thêm. Ớt xanh có thể tốt vì lý do kinh tế, nhưng liệu có tốt cho an ninh lương thực?”.
Những dự án vườn nổi do các tổ chức phi lợi nhuận phát động ở Bangladesh có kết quả khác nhau. Năm 2005, tổ chức Practical Action (Anh) chủ trì triển khai dự án vườn nổi ở phía bắc Bangladesh. Trong khi đó, CARE International cùng với Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thực hiện một dự án thí điểm ở phía đông bắc Bangladesh.
“Các tổ chức phi chính phủ tập trung quá nhiều vào mục đích nhân đạo. Chính phủ Bangladesh thành công hơn với mô hình tập trung vào doanh nghiệp vì họ có nhiều động lực hơn. Nhưng chúng ta cũng không để nông dân bị bỏ lại phía sau”, Haseeb Irfanullah, nhà tư vấn môi trường độc lập và cựu điều phối viên chương trình của IUCN, nói
Theo BBC, Bloomberg