Những nước châu Á nào ủng hộ Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan ?

TVN

Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã thực hiện chuyến công du tới Đài Bắc hôm 02/08/2022 vừa qua. Điều này đã khiến căng thẳng ở eo biển Đài Loan leo thang khi Trung Quốc quyết định tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận xung quanh hòn đảo với mục đích dằn mặt cả Washington lẫn Đài Bắc. Trang mạng của Nhật The Diplomat, ngày 13/08/2022, có bài phân tích phản ứng của các nước châu Á về « cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan » sau chuyến đi của bà Pelosi.

Dường như tất cả các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều đồng tình về một điều : tình hình hiện nay ở eo biển Đài Loan đang gây lo ngại và là mối đe dọa tiềm tàng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Nhưng ngoài nhận định đó, các quốc gia có nhiều quan điểm khác nhau, đặc biệt về việc ai là người phải chịu trách nhiệm cho những căng thẳng hiện tại ở Đài Loan, phải chăng là Hoa Kỳ, do chuyến thăm Đài Bắc của chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hay Trung Quốc, vì các cuộc tập trận quân sự xung quanh hòn đảo mang tính khiêu khích và khác với các cuộc tập trận trước đây.

Trung Quốc tuyên bố rằng cộng đồng quốc tế ủng hộ họ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói với các phóng viên vào ngày 08/08 rằng “hơn 170 quốc gia đã lên tiếng ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Đài Loan thông qua nhiều cách khác nhau”. Những người ủng hộ Trung Quốc “chiếm đa số áp đảo so với Mỹ và một số ít nước theo đuôi Washington,” ông Uông nói thêm.

Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc gọi là “ủng hộ” bao gồm một loạt các sắc thái. Một số nước đối tác, đặc biệt là Nga và Bắc Triều Tiên, đã cùng với Trung Quốc công khai lên án Hoa Kỳ về chuyến thăm Đài Bắc của bà Pelosi và đổ lỗi cho Washington đã khuấy động khu vực dẫn đến căng thẳng hiện tại. Nhưng rất ít quốc gia có chung lập trường này. Nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ quan điểm ủng hộ Trung Quốc nhưng không công khai chỉ trích Hoa Kỳ, và nhiều nước giữ lập trường trung lập, chỉ bày tỏ “quan ngại” mà không cáo buộc bất cứ ai.

Đổi lại, một số quốc gia, bao gồm cả những nước mà Trung Quốc tuyên bố là ủng hộ mình, đã có những phát biểu gần với quan điểm của Hoa Kỳ và Đài Loan, nhấn mạnh đến nguy cơ căng thẳng leo thang, trước những khẳng định của Trung Quốc theo đó, chủ quyền của Bắc Kinh bị vi phạm. Và một số quốc gia, các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ như Úc hay Nhật Bản, đã công khai lên án các hành động của Trung Quốc nhằm gây bất ổn trong khu vực khiến căng thẳng leo thang.

Để làm rõ những sắc thái này, cần phải xem xét các tuyên bố chính thức của bộ Ngoại giao, thông cáo báo chí và các bình luận được lưu lại trên các phương tiện truyền thông của 33 nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á, Úc và New Zealand. Sau đó, đánh giá các tuyên bố của họ trên thang điểm từ 1 đến 5, trong đó là những nước có luận điệu phù hợp với quan điểm của Trung Quốc nhất, còn 5 là những nước có lập trường ngược lại (hoặc nói một cách khác là phù hợp với quan điểm của Hoa Kỳ và Đài Loan).

Ba nước ủng hộ Trung Quốc nhất là Miến Điện, Bắc Triều Tiên và Nga. Cả ba đều công khai cáo buộc Hoa Kỳ là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay. Tuyên bố của chính quyền quân sự Miến Điện nói rằng chuyến thăm của bà Pelosi “đang gây ra leo thang căng thẳng trên eo biển Đài Loan.” Trong khi đó, Bắc Triều Tiên phản đối “hành động can thiệp ngang ngược của Hoa Kỳ vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và những khiêu khích chính trị và quân sự có chủ đích của họ”. Nga nói về “các vấn đề và khủng hoảng do Washington gây ra” và cáo buộc Hoa Kỳ “vi phạm” “nguyên tắc cơ bản về bình đẳng chủ quyền của các quốc gia”.

Ít nước ủng hộ ở mức độ này, nhưng có 10 quốc gia khác đã bày tỏ quan điểm khá gần gũi với lập trường của Bắc Kinh mà không lên án Hoa Kỳ trực tiếp. Tuyên bố của các quốc gia này đáp ứng một hoặc nhiều tiêu chí sau : chúng thể hiện lập trường rằng Đài Loan “là một phần không thể tách rời của Trung Quốc”; họ bày tỏ sự ủng hộ hoặc lo ngại về những vi phạm “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc” hoặc họ kêu gọi “không can thiệp” vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Tất cả những điều này đều rất phù hợp với các luận điểm của Bắc Kinh.

Tuyên bố của Pakistan là một ví dụ điển hình về những quốc gia xếp ở nhóm thứ hai này :

« Pakistan tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với chính sách ‘Một nước Trung Hoa’ và ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Pakistan quan ngại sâu sắc về tình hình đang phát sinh ở eo biển Đài Loan, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định khu vực. Pakistan thực sự tin tưởng rằng quan hệ giữa các quốc gia cần dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ và giải quyết các vấn đề một cách hòa bình, bằng cách tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận song phương. »

6 quốc gia khác đã có những phản ứng và tuyên bố được xếp vào nhóm có lập trường trung lập thực sự, xếp ở nấc 3 trong thang điểm 1-5. Các quốc gia này đã đưa ra tuyên bố “quan ngại” và kêu gọi “tất cả các bên” thực hiện kiềm chế, thận trọng và không làm tình hình leo thang. Tuyên bố của họ có đề cập đến cả những lo ngại về “chủ quyền” và “leo thang”, phản ánh quan điểm của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chẳng hạn, tuyên bố của Indonesia nói rằng “Indonesia quan tâm sâu sắc đến sự kình địch ngày càng gia tăng giữa các cường quốc” và “kêu gọi tất cả các bên kiềm chế trước các hành động khiêu khích có thể làm trầm trọng thêm tình hình”. Tuy nhiên Jakarta không đề cập đến các hành động cụ thể làm dấy lên lo ngại của Indonesia.

4 quốc gia khác là Ấn Độ, New Zealand, Singapore và Việt Nam tự đặt mình gần gũi với Hoa Kỳ hơn, trong khi không trực tiếp lên án Trung Quốc. Các quốc gia này được xếp ở nấc 4, đã đề cập đến sự cần thiết trong việc “giảm leo thang căng thẳng” và “ hành động kiềm chế”, những ngôn từ được Washington sử dụng. Tuy nhiên, những quốc gia này không bày tỏ những quan ngại về chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ. Singapore, chẳng hạn, “nhấn mạnh đến sự cần thiết trong việc tránh nhận định sai lầm và tai nạn không đáng có, có thể dẫn đến một vòng xoáy leo thang và gây bất ổn cho khu vực.” Ấn Độ, nước đã trì hoãn đưa ra bất kỳ bình luận nào trong 10 ngày sau khi bà Pelosi đến Đài Loan, cuối cùng nhận xét rằng : “Chúng tôi kêu gọi thực hiện kiềm chế, tránh các hành động thay đổi hiện trạng một cách đơn phương, giảm leo thang căng thẳng và nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.”

Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ có 2 quốc gia là Úc và Nhật Bản cùng với Mỹ và Đài Loan trực tiếp chỉ trích Trung Quốc về các cuộc tập trận quân sự gần hòn đảo. Nhật Bản, trong một tuyên bố chung với các ngoại trưởng G7 khác, đã tố cáo “các hành động đe dọa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Úc thì cho biết “quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo vào các vùng xung quanh bờ biển của Đài Loan,” điều mà Canberra gọi là “không chính đáng và gây mất ổn định”.

Một lưu ý cuối cùng : Những lời khẳng định lại về “chính sách Một nước Trung Hoa” không phải là yếu tố được tính tới trong việc phân loại này, vì đơn giản là mọi quốc gia đều đưa ra những tuyên bố ủng hộ « chính sách một nước », kể cả Hoa Kỳ, nhưng họ lại không có cùng quan điểm với Trung Quốc. Thế nhưng, bộ Ngoại Giao Trung Quốc thường xuyên tính gộp cả những nước tái khẳng định ủng hộ “chính sách Một Trung Quốc” như là bằng chứng về sự ủng hộ dành cho Bắc Kinh, ngay cả khi phần còn lại trong các tuyên bố đó có thể hoàn toàn trái ngược với lập trường của Trung Quốc

Một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đã không đưa ra tuyên bố chính thức nào, trong đó có Hàn Quốc, một đồng minh của Hoa Kỳ và đó là điều đáng chú ý nhất.

Lập trường của các quốc gia về cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan gần đây giống với lập trường địa chính trị vốn có từ trước của họ. Các quốc gia gần gũi hoặc với Hoa Kỳ hoặc với Trung Quốc đều có những phản ứng bày tỏ lập trường nhất định trong hồ sơ Đài Loan. Nhưng có một bộ phận lớn trong khu vực, bao gồm gần như toàn bộ các nước Đông Nam Á không muốn đứng về bất cứ phe nào cả.

Theo RFI

châu áchiến tranhđài loantrung quốc
Comments (0)
Add Comment