Xem xét bản đồ có địa danh Baixos de Chapar-Pracel – Spratly

Đinh Kim Phúc

Đây là tấm bản đồ màu, in năm 1613 trong quyển Atlat Mercator Hondius (1563-1612) vẽ trước năm 1606, từ dữ kiện của nhà địa dư học Bồ Đào Nha Bartolomeu Lasso vào đầu thế kỷ XVI.

Bản đồ này được trình bày bằng tiếng La tinh có tên là Insulae Indiae Orientalis, ghi rõ vùng biển Đông Nam Á, từ đảo Sumatra phía Tây tới New Guinea và cả đảo Guam phía cực Đông (trong một chuỗi đảo được mệnh danh là “quần đảo thổ phỉ-Islas de Las Vellas), và đảo Timor gần Australia phía Nam lên tới đảo Hải Nam phía Bắc.
Trên góc cao (giữa) bản đồ (khu vực Việt Nam ngày nay), có ghi là đất “Cauchin, có tên Cauchinchina”.

Trên bản đồ này ghi rất rõ ràng ngoài khơi xứ Cauchichina một vùng quần đảo có nhiều bãi cát nông chạy dài xuống hướng Tây Nam, được ghi là Pracel.

Đối diện với quần đảo, trên lãnh thổ Cauchinchina được viền màu vàng, là tên Costa de Pracel. “Costa de Pracel” không có liên hệ gì với đảo Hải Nam (được tô màu hồng với tên là Ainan).

Xem bản đồ khu vực Đông Nam Á do Jean Baptiste Nolin (1686-1762) hoàn thành năm 1687. Trong bản đồ này, Nolin đã đánh dấu vùng quần đảo giữa biển Đông được ghi rõ là “Baixos de Chapar de Pulls Scir” nằm ở dưới vị trí ghi là “Golfe de la CochinChine”. Điều này có nghĩa là “bãi cát của Champa” nằm dưới vị trí của “Vịnh Cochinchine”.

Một phần bản đồ khu vực Đông Nam Á do Jean Baptiste Nolin hoàn thành năm 1687.Khu vực quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa được ghi chú là Baixos de Chapar de Pulls Scir nằm dưới Golfe de la Cochin Chine (Nguồn: Bản đồ ký hiệu C.C. 1144.A lưu trữ tại Thư viện quốc gia Bồ Đào Nha).

Spratly là họ của một người Anh, thuyền trưởng chiếc tàu săn cá voi Cyrus. Ông tên Richard Spratly, người phương Tây đầu tiên đặt chân lên hòn đảo này vào năm 1843.

Thật ra Richard Spratly không phải là người đầu tiên khám phá ra Spratly Islands. Trước đó khoảng gần 40 năm, vào năm 1807, khi được cử sang vương quốc CochinChina để khảo sát quần đảo Pracel (bao gồm Paracel Islands và Spratly Islands), thuyền trưởng Ross đã đến triều kiến vua Gia Long và trình lên vị hoàng đế này một lá thư giới thiệu của công ty Đông Ấn. Nội dung lá thư có liên quan đến việc xin phép khảo sát quần đảo Pracel và bờ biển của nước này. Daniel Ross hoàn tất cuộc khảo sát và đo đạc vùng biển phía Nam của Trung Hoa năm 1807, quần đảo Pracel năm 1808, một phần bờ biển CochinChina năm 1809, và vùng đảo Palawan của Philippines năm 1810.

Daniel Ross đã đặt tên cho Spratly Islands là Dangerous Ground (Vùng đất nguy hiểm), được xem như phần phía Nam của quần đảo Pracel (hay Paracel) trên bản hải đồ ấn hành năm 1821. Sau đó, trong một phiên bản của tấm hải đồ ấn hành năm 1859, tên Dangerous Ground được đổi lại là Storm Island (Đảo Bảo tố). Ngày nay, cả hai tên thỉnh thoảng vẫn còn được nhắc đến nhưng không phổ biến như tên Spratly Islands. Như vậy, đối với giới hàng hải tây phương Tây, đến năm 1843, quần đảo Pracel được chính thức tách ra thành Paracel Islands và Spratly Islands.

Như vậy, đối với các nhà hàng hải phương Tây, mãi đến khoảng giữa thế kỷ XIX thì quần đảo Pracel nằm trong khoảng từ vĩ độ 12 độ Bắc đến 16 độ Bắc mới chính thức được tách ra thành Paracel Islands (Hoàng Sa) và Spratly Islands (Trường Sa) như ngày nay.

Bản đồ các đảo đông Birmah của nhà Black thì vị trí của HS-TS gần như chính xác hoàn toàn so với ngày nay
Bên cạnh đó, dưới triều của vua Minh Mạng, vào năm 1838, Phan Huy Chú, một nhân viên của bộ Công đã khảo sát, vẽ, và xuất bản một bản đồ gọi là Đại Nam nhất thống toàn đồ. Bản đồ này đã phân chia Bãi cát vàng, thành hai quần đảo riêng biệt gọi là Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa, mà sau này gọi gọn lại là Trường Sa.

Đại Nam nhất thống toàn đồ 1838.

Nhìn qua những những bản đồ khu vực biển Đông của Việt Nam từ thế kỷ XVI – XIX, bất cứ ai cũng rõ ràng nhận ra ngay là hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa thuộc về lãnh thổ Việt Nam và không thể thuộc về bất cứ một quốc gia nào khác. Điều này có nghĩa là trước cả khi Lê Quý Đôn soạn sách Phủ biên tạp lục thì Hoàng Sa-Trường Sa đã thuộc về Việt Nam từ lâu.

Nguồn trang cá nhân của nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc.  https://www.facebook.com/photo/?fbid=3452796794939945&set=a.1426446914241620

bản đồhoàng saphương tâytrường saviệt nam
Comments (0)
Add Comment