Paul Doumer và dự án xây dựng Đà Lạt

Huỳnh Duy Lộc

Paul Doumer sinh ngày 22 tháng 3 năm 1857 tại Aurignac trong một gia đình bần hàn, năm 13 tuổi đã phải mưu sinh bằng việc chạy việc vặt (coursier). Năm 1877, ông có được một chứng chỉ toán và được bổ nhiệm làm giáo sư dạy toán ở Trường trung học Mende, nhưng sau 6 năm giảng dạy, ông bỏ nghề dạy học, đi làm báo, làm chủ bút của tờ Courrier de l’Aisne rồi sáng lập tờ La Tribune de l’Aisne có xu hướng khuynh tả.

Năm 1885, ông được bầu vào Hội đồng thành phố Saint-Quentin rồi được bầu làm dân biểu vào năm 1888. Ông đứng về phía các chính trị gia khuynh tả, chuyên phụ trách những vấn đề tài chánh và từng đề ra một dự luật đánh thuế trên thu nhập đã bị Quốc hội Pháp bác bỏ. Từ năm 1895 tới năm 1896, ông được cử làm bộ trưởng Bộ Tài chánh rồi đến năm 1897 được cử làm toàn quyền Đông Dương khi mới 39 tuổi. Ông giữ cương vị này suốt 5 năm.

Nhà sử học K. W. Taylor đã viết về 5 năm Paul Doumer làm Toàn quyền Đông Dương: “Toàn quyền De Lanessan được thay thế bởi Paul Armand Rousseau (1835-1896), một kỹ sư và một chính khách có đủ kinh nghiệm và năng lực để giải quyết được sự xung đột lợi ích giữa Saigon và Hà Nội. Rousseau tiếp tục những chính sách của De Lanessan và ngay tức khắc gặp bế tắc với Saigon. Ông trở về Paris và có đủ thế lực để đặt xứ Nam kỳ dưới quyền ngân sách và hành chánh của Hà Nội. Sức khỏe sa sút, ông muốn từ nhiệm rồi chết vào cuối năm 1896. Đó là tình hình Đông Dương khi Paul Doumer (1857-1932) được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương vào đầu năm 1897.

Sinh ra trong tầng lớp lao động, được nuôi nấng bởi một người mẹ góa chồng, Doumer học rất giỏi và trở thành thầy giáo dạy toán khi mới 20 tuổi. Ông làm báo một thời gian rồi đi vào hoạt động chính trị, trở thành một chuyên gia tài chánh. Vào đầu thập niên 1890, ông là dân biểu phụ trách tài chánh của Đông Dương. Ông làm bộ trưởng Tài chánh trong chính phủ cấp tiến chỉ tồn tại một thời gian ngắn của Leon Bourgeois (từ tháng 11.1895 tới tháng 4.1896). Nỗ lực của ông dùng chính sách tiền tệ để gây ảnh hưởng trên cải cách xã hội đã góp phần vào việc làm sụp đổ nội các của Leo Bourgeois. Ông là người có tính cách mạnh mẽ và quyết đoán. Với những hiểu biết về vấn đề ngân sách ở thuộc địa, ông là người thích hợp nhất để các đối thủ chính trị gạt bỏ trên đường đi của họ, phái ông sang Đông Dương nhận một nhiệm vụ khó khăn.

Trong 5 năm làm toàn quyền (1897-1902), Doumer đã lập ra một cơ cấu hành chánh và đề ra một loạt chính sách mà những người kế nhiệm ông không thể thay đổi. Dù gặp phải sự chống đối quyết liệt của Le Myre de Villers, khi ấy là đại biểu của Đông Dương ở Hạ viện, Doumer vẫn xác lập được quyền lực của Hà Nội trên 5 cơ quan của Đông Dương: chính quyền bảo hộ Bắc kỳ, Trung Kỳ, Cambodia, Lào và thuộc địa Nam kỳ. Dù Nam kỳ vẫn còn giữ vài nét đặc trưng, không phải là xứ bảo hộ, mà là một thuộc địa được cai quản theo luật lệ của nước Pháp, Doumer vẫn thành công trong việc đưa nó vào khuôn khổ của ngân sách thống nhất và quyền lực trung ương thống nhất. Các công sứ được bổ nhiệm để lãnh đạo 4 xứ bảo hộ, nhưng một phó Toàn quyền được đặt tại Saigon.

Xây dựng một chính quyền trung ương vững mạnh là một trong những thành tựu của Doumer. Phía sau thành tựu này là một ngân sách cân bằng lần đầu tiên biến Đông Dương thành một nguồn thu nhập, chấm dứt tình trạng lệ thuộc mẫu quốc về tài chánh. Vào năm 1899, một chính sách thuế khóa hợp lý bắt đầu tạo ra nhiều thặng dư. Ngoài thuế đất, thuế khoán tính theo đầu người, thuế tiêu thụ đặc biệt và một loạt phí quản lý, chính quyền còn giữ độc quyền kinh doanh muối, rượu và thuốc phiện. Ngân hàng Đông Dương khai trương tại Hà Nội để quản lý thu và chi. Với ngân sách thật sự ổn định, Doumer đã có thể thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng như đường sá, đường sắt, cầu, kênh đào và bến cảng. Ngoài tổ chức hành chánh, tài chánh và công trình công ích, văn hóa và học bổng dành cho các học sinh ưu tú cũng có trong chương trình hành động của ông. Vào năm 1900, ông thành lập Trường Viễn Đông Bác cổ (École Francaise d’ Extrême – Orient), trung tâm nghiên cứu hàng đầu về châu Á” (A History of the Vietnamese, tr. 481, 482)

Khi trở về Pháp, ông lại được bầu làm dân biểu vào năm 1902, nhưng lần này ông đứng về phía các chính trị gia khuynh tả ôn hòa, làm chủ tịch Uỷ ban Tài chánh của Quốc hội từ năm 1905 tới năm 1906. Ông muốn ra ứng cử tổng thống vào năm 1906 trên cương vị đại biểu của cánh tả, nhưng cuối cùng ứng cử viên cánh tả được lựa chọn để ra tranh cử tổng thống lại là Armand Fallières.

Năm 1910, ông bị thất cử khi ứng cử vào Hạ viện, nhưng lại được bầu vào Thượng viện vào năm 1912. Trong Thế chiến thứ nhất, 4 người con trai của ông đã hy sinh ngoài mặt trận. Trong thập niên 1920, ông lại được cử làm bộ trưởng Bộ Tài chánh trong 2 nhiệm kỳ rồi được cử làm chủ tịch Thượng viện vào năm 1927. Ông muốn thử thời vận một lần nữa, ra ứng cử tổng thống và được bầu làm tổng thống thứ 14 của Cộng hòa Pháp vào ngày 13 tháng 5 năm 1931. Tuy nhiên nhiệm kỳ tổng thống của ông chỉ kéo dài đúng một năm vì đến ngày 6 tháng 5 năm 1932, một kẻ cuồng tín người Nga tên Pavel Gorgulov đã bắn nhiều phát súng lục vào người ông và ông qua đời vào đêm hôm sau (ngày 7 tháng 5 năm 1932). Tương truyền, Chính phủ Pháp muốn đưa thi hài ông vào Điện Panthéon, nhưng bà Blanche, vợ ông, không đồng ý. Bà nói: “Cả đời ông ấy đã hy sinh cho nước Pháp, còn bây giờ ông ấy là của tôi”. Bà để ông yên nghỉ trong khu mộ của gia đình, bên cạnh 4 người con trai đã hy sinh trong Thế chiến thứ nhất.

Những nỗ lực mở rộng hạ tầng kinh tế của Paul Doumer khi sang Đông Dương làm toàn quyền được biết đến nhiều nhất là xây đường sắt xuyên Việt, xây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội, khởi công từ năm 1898 và hoàn tất năm 1902 trong nhiệm kỳ toàn quyền của Doumer nên lúc ban đầu, cầu mang tên Paul Doumer; cầu Trường Tiền ở Huế ; cầu Bình Lợi ở Saigon và những dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng cho người Pháp trên cao nguyên Lang Bian và núi Chúa ở Quảng Nam, đưa tới sự ra đời của thành phố Đà Lạt và khu nghỉ dưỡng Bà Nà cách thành phố Đà Nẵng 30 km.

Amaury Lorin đã viết về dự án thành lập khu nghỉ dưỡng trên cao nguyên Lang Bian: “Tính đến thời điểm đó, người Anh khánh thành “trạm nghỉ dưỡng trên núi” (hill stations) đã lâu rồi, nơi cho phép họ duy trì sức khỏe thể chất. Người Hà Lan bắt chước mô hình này tại Java và quy hoạch Bandung để tận hưởng nghỉ dưỡng một cách thoải mái. “Chẳng lẽ ta không thể làm gì giống họ tại Đông Dương để khỏi phải chịu đựng khí hậu chẳng hề dễ chịu khiến suy kiệt sức khỏe này sao?”, Paul Doumer đã thắc mắc như vậy ngay từ tháng 6 năm 1897. Thông qua một bức thông tri gởi tới các vị đứng đầu các tỉnh, ông yêu cầu được cung cấp thông tin về tất cả các cao nguyên tỏ ra thích hợp nhất để xây dựng một trạm nghỉ dưỡng trên cao và “những gợi ý quý báu nhất để giúp tìm được trên toàn lãnh thổ Đông Dương những vị trí có điều kiện sống đủ yêu cầu vệ sinh có tiềm năng trở thành những trạm nghỉ dưỡng”. Chính trong bối cảnh này mà Alexandre Yersin đã đề xuất cao nguyên Lang Bian ở độ cao 1.500 mét phía Đông Bắc Saigon, nơi mà ngay từ năm 1897, vị bác sĩ này đã lưu ý sau nhiều chuyến thăm dò thực địa ở miền cao nguyên. Mật độ rừng thưa, không khí trong lành, không có muỗi, nhiệt độ dễ chịu (trung bình hàng năm là 18,3 độ): quyết định thành lập Đà Lạt được đưa ra vào năm 1898… Sự lựa chọn trên cao nguyên này vị trí thích hợp nhất để xây dựng thành phố nghỉ dưỡng khi đó thuộc về Léon Garnier, Tổng ủy viên cai quản Lang Bian. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1900, đúng thời điểm lập ra tỉnh mới thuộc Đồng Nai Thượng (Haut Donai) mà thủ phủ được chuyển dịch từ Di Linh (Djiring) về Đà Lạt.

Sau chuyến đi Lang Bian trở về, ngày 24 tháng 1 năm 1901, Paul Doumer thuật lại chi tiết cho Albert Decrais, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, như sau: “Cao nguyên Lang Bian chứng kiến một cao trào xây dựng mới và nhiều dự án quan trọng đã được thông qua. Làng Đà Lạt có vị trí ở một địa điểm tuyệt vời và hưởng điều kiện khí hậu trong lành không thể chối cãi, cuối cùng đã được chọn làm địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng tương lai. 4 ngôi nhà gỗ, một ngôi nhà tầng và một công trình bằng gỗ lớn dài 52 mét sẽ được sử dụng như một nhà khách đã được xây. Trên phần đất dành cho các cơ sở quân sự cũng đã được xây một ngôi nhà bằng gỗ dành cho các sĩ quan để dựng lán trại khi cần. Ngoài ra, đã có kế hoạch xây một công viên và một khu nông trại kiểu mẫu ở Đà Lạt”.

Một con đường nối Đà Lạt với Saigon đã được vạch ra (320 km) và được làm để xe cộ có thể đi lại được. Đà Lạt cho phép người Tây Âu “nghỉ dưỡng ngay tại chính thuộc địa và đổi gió mà không phải quay trở về Pháp”… (Paul Doumer, Gouverneur général de l’ Indochine (1897-1902), tr. 127, 128, 129).

HUỲNH DUY LỘC
Ảnh: Đà Lạt thời Pháp và Toàn quyền Paul Doumer

đà lạtPaul Doumerpháp thuộctoàn quyền đông dương
Comments (0)
Add Comment