Cillian Murphy đã cầm chắc giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất

Huỳnh Duy Lộc

Cillian Murphy sinh ngày 25 tháng 5 nǎm 1976 tại thành phố Cork, Ireland, bắt đầu gây chú ý với vai diễn trong bộ phim zombie “28 Days Later” (28 ngày sau), nhưng chỉ thật sự nồi tiếng khi tham gia diễn xuất trong những bộ phim bom tấn của đạo diễn Christopher Nolan và đóng vai chính trong loạt phim truyền hình “Peaky Blinders” (2013–2022).

Anh lớn lên cùng với 3 anh chị em tại thành phố Cork, cha mẹ anh đều làm việc trong ngành giáo dục: cha anh làm nhà quản lý giáo dục, còn mẹ anh là giáo viên tiếng Pháp. Dù yêu thích kịch nghệ từ nhỏ, đam mê đầu đời của anh là âm nhạc và từ tuổi thiếu niên, anh đã cùng với một người em trai tham gia một số ban nhạc. Trong số này, ban nhạc thành công nhất là ban nhạc Sons of Mr. Green Genes (đặt tên theo tên một bản nhạc của Frank Zappa) suýt chút nữa ký được một hợp đồng thu âm với một hãng dĩa, nhưng rồi anh đã bỏ hết để chuyên tâm học luật tại Đại học Cork. Trong những năm học đại học, anh say mê kịch nghệ, tham gia diễn xuất trong một số vở kịch. Anh bắt đầu trở thành diễn viên kịch chuyên nghiệp từ năm 1996, đảm nhận nhiều vai diễn trên sân khấu kịch tại Cork, Dublin và London. Anh bắt đầu đóng phim màn ảnh rộng từ năm 1997 và bắt đầu nổi tiếng khắp thế giới sau khi đóng một vai trong bộ phim “28 Days Later” (28 ngày sau) của đạo diễn Danny Boyle kể về một loại virus khiến bệnh nhân trở nên điên dại lây truyền nhanh chóng trong cộng đồng. Murphy đóng vai một người tỉnh lại 28 ngày sau khi bị hôn mê, dẫn dắt một nhóm người chưa bị nhiễm bệnh trốn thoát khỏi thành phố London, đi tìm một nơi trú ẩn an toàn. Bộ phim “28 Days Later” cháy vé nên Murphy được giới làm phim ở Hollywood chú ý. Sau đó, anh được giao những vai nhỏ trong những bộ phim được đề cử giải Oscar như “Girl with a Pearl Earring” và “Cold Mountain” vào năm 2003.

Hai năm sau, anh đóng vai Scarecrow, nhân vật phản diện thứ hai trong bộ phim “Batman Begins”, bộ phim đầu tiên anh cộng tác với đạo diễn Christopher Nolan. Sau bộ phim đầu tiên về Người Dơi, anh tiếp tục nhận những vai phụ trong 2 bộ phim tiếp theo về Người Dơi của Christopher Nolan: “The Dark Knight” (2008) và “The Dark Knight Rises” (2012). Sau đó, anh đóng cùng với Rachel McAdams trong bộ phim “Red Eye” (2005) trước khi đóng vai chính trong bộ phim “The Wind That Shakes the Barley” (2006) của đạo diễn Ken Loach nói về hai anh em chiến đấu trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho Ireland và cuộc nội chiến ở Ireland, bộ phim giành được giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2006. Năm 2010, anh lại tái hợp với đạo diễn Christopher Nolan trong bộ phim “Inception” cùng với các diễn viên Leonardo DiCaprio, Marion Cotillard và Tom Hardy “Inception” là một phim bom tấn thành công vượt bực nhưng lại không có ảnh hưởng gì tới sự nghiệp của anh vì những năm sau đó, anh vẫn đóng những vai nhỏ trong những phim của Hollywood suốt 3 năm sau đó.

Anh nồi bật trở lại trên màn ảnh nhỏ khi đóng vai thủ lãnh một băng đảng tội phạm hoạt động ở Anh giữa 2 cuộc thế chiến trong loạt phim truyền hình “Peaky Blinders”. Đến năm 2017, anh đóng một vai nhỏ trong bộ phim “Dunkirk” (2017) của Christopher Nolan, rồi đóng vai chính cùng với nữ diễn viên Emily Blunt trong bộ phim “A Quiet Place” phần 2 (2020). 3 năm sau, anh mới được Christopher Nolan mời đóng vai nhà vật lý Oppenheimer trong bộ phim bom tấn “Oppenheimer”.

Đêm 24.2.2024, tại lễ trao giải SAG (Screen Actors Guild Awards – Hội Những diễn viên điện ảnh và truyền hình Mỹ), Murphy đã được trao giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Trước đó, anh cũng đã nhận được giải Quả cầu vàng và giải BAFTA.

Bộ phim bom tấn “Oppenheimer”

Đạo diễn Christopher Nolan đã viết kịch bản bộ phim “Oppenheimer”, bộ phim tiểu sử “bom tấn” về J. Robert Oppenheimer, nhà vật lý nổi tiếng được mệnh danh là “cha đẻ của bom nguyên tử”, dựa theo cuốn tiểu sử J. Robert Oppenheimer có nhan đề “American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J. Robert Oppenheimer” (2005) của Kai Bird và Martin J. Sherwin, một cuốn tiểu sử sau khi ra mắt đã được trao giải Pulitzer. Bộ phim được đầu tư mạnh mẽ về mặt hình ảnh, được quay hoàn toàn trên phim nhựa cỡ lớn 70mm bằng máy quay IMAX đặc thù, nêu bật vai trò của Oppenheimer trong việc sáng chế bom nguyên tử và những sự kiện đưa tới cuộc điều trần trước một số thành viên Quốc hội Mỹ vào năm 1954.

Christopher Nolan nhớ lại lần đầu tiên nghe đến cái tên Oppenheimer. Giống như nhiều người thuộc thế hệ của mình, anh đã bị ám ảnh bởi ngày tận thế: “Khi khoảng 12, 13 tuổi, chúng tôi tin chắc mình sẽ chết trong một thảm họa hạt nhân. Tôi nghĩ điều đó giống như cách giới trẻ ngày nay cảm nhận về biến đổi khí hậu. Dù có thích hay không thì cũng phải thừa nhận rằng J. Robert Oppenheimer là người đàn ông quan trọng nhất từng tồn tại. Ông ấy đã khiến thế giới mà chúng ta đang sống trở nên tốt đẹp hơn hoặc tồi tệ đi”.

Nhà viết tiểu sử Ian Nathan đã viết về bộ phim này: “Tài giỏi, thẳng thắn, dễ xúc động, với ham thích tiếng Phạn khá huyền bí, trái ngược với quan điểm khoa học thuần khiết, Oppenheimer là một nhân vật lạ lùng và xa cách. Nhà viết tiểu sử Tom Shone có nhiều điểm chung với Nolan. Cả hai đều mảnh khảnh, hoạt bát, có phong thái quý tộc và xa cách. Cả hai đều là chuyên gia kỹ thuật và pháp sư (shaman). Oppenheimer đã có ảnh hưởng trên tư duy về ngày tận thế của các nhân vật trong phim “Tenet”. Có cả một câu đề cập trực tiếp. Tenet Priya Singh (Dimple Capadia) hỏi Nhân vật chính: “Anh đã quen thuộc với Dự án Manhattan phải không?” Dự án Manhattan là mật danh của dự án bí mật chế tạo bom nguyên tử ở vùng hoang mạc Los Alamos của bang New Mexico trong Thế chiến thứ hai mà hậu quả về chính trị, khoa học, nhân văn sẽ đưa cả thế giới bước vào một thời đại mới. Vào ngày 6 và ngày 9 tháng 8 năm 1945, hai quả bom nguyên tử được ném xuống 2 thành phố Hirohima và Nagasaki của Nhật, làm cho hơn 210.000 người Nhật chết. Nhà vật lý lý thuyết vĩ đại cảm thấy “đôi bàn tay của mình vấy máu”.

Đó vừa là một khởi điểm, vừa là một câu chuyện nhất quán với những bộ phim của Nolan. Những tội lỗi của khoa học (sins of science) là một chủ đề được thể hiện từ bộ phim “Interstellar” và bộ phim “Tenet”; chúng ta bắt gặp Tesla, người phát minh ra điện, trong bộ phim “The Prestige”, và sau bộ phim “Dunkirk”, “Oppenheimer” là bộ phim sử thi thứ hai lấy bối cảnh là Thế chiến thứ hai. Dàn diễn viên gây ấn tượng mạnh mẽ với Cillian Murphy đóng vai chính Oppenheimer trong bộ phim thứ sáu anh thực hiện với Nolan…” (Christopher Nolan, the iconic filmmaker and his films, Ian Nathan, tr. 286).

Chuyện phim “Oppenheimer” như sau: Vào năm 1926, chàng sinh viên học tiến sĩ J. Robert Oppenheimer (Cillian Murphy đóng) thấy nhớ nhà và ưu tư trong khi đang theo học môn Vật lý thực hành với nhà vật lý Patrick Blackett (James D’ Arcy đóng) tại Phòng thí nghiệm Cavendish Laboratory ở Đại học Cambridge. Gs Blackett làm cho anh buồn khổ nên anh trả đũa bằng cách tẩm thuốc độc một trái táo cho ông ta ăn, nhưng lại cố gắng cảnh báo nhà vật lý Niels Bohr (Kenneth Branagh đóng) đến thăm ông ta đừng ăn trái táo ấy. Sau đó, Oppenheimer lấy bằng tiến sĩ tại Đức và gặp nhà vật lý lý thuyết Werber Heisenberg trong một hội thảo tại Thụy Sĩ. Oppenheimer trở về Mỹ, hy vọng có thể phổ biến vật lý lượng tử, bắt đầu giảng dạy tại Đại học California, Berkeley và Viện Công nghệ California. Anh có một mối tình với Jean Tatlock (Florence Pugh đóng), một đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ, và khi giảng dạy tại Đại học California, Berkeley, anh đã gặp Katherine “Kitty” Puening (Emily Blunt đóng), một nữ sinh viên khoa Sinh vật học, trước kia có chổng là một đảng viên Cộng sản đã hy sinh trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha và đang có chồng là một tiến sĩ ở California. Nàng đã ly dị chồng để kết hôn với anh vào năm 1940.

Năm 1942, khi Thế chiến thứ hai đang diễn ra, thiếu tướng Leslie Groves (Matt Damon đóng) tuyển Oppenheimer để thực hiện Dự án Manhattan chế tạo một quả bom nguyên tử sau khi anh bảo đảm với ông ta rằng anh không phải là một đảng viên Cộng sản. Oppenheimer vốn là người Do Thái, kinh hãi trước cuộc tàn sát người Do Thái của phát xít Đức nên rất quan ngại khi biết Đức Quốc xã đang triển khai những chương trình hạt nhân dưới sự lãnh đạo của nhà vật lý Rosenberg. Anh tập hợp một đội ngũ các nhà khoa học bao gồm Edward Teller (Benny Safdie đóng) và Isidor Isaac Rabi (David Krumholtz đóng) tại Phòng thí nghiệm Los Alamos ở bang New Mexico để bí mật chế tạo quả bom nguyên tử. Anh hợp tác với các nhà khoa học Enrico Fermi (Danny Deferrari đóng) và David L. Hill (Rami Malek đóng), và anh cũng thảo luận với nhà vật lý Albert Einstein (Tom Conti đóng) về vấn đề một quả bom nguyên tử có nguy cơ kích hoạt một phản ứng dây chuyền không ngăn chặn được có thể làm bốc cháy bầu khí quyển và hủy diệt cả thế giới. Sau khi phát xít Đức đầu hàng, một số nhà khoa học tham gia Dự án Manhattan đặt ra câu hỏi: Có nên tiếp tục nghiên cứu để chế tạo bom nguyên tử? Tuy nhiên Oppenheimer lại cho rằng quả bom nguyên tử có sức hủy diệt khủng khiếp sẽ giúp kết thúc nhanh chóng cuộc chiến ở Thái Bình Dương giữa Mỹ và Nhật và ngăn ngừa được mọi cuộc chiến tranh. Anh cho rằng trước viễn cảnh kẻ thù có thể dùng bom nguyên tử để tiêu diệt mình, các nước sẽ không còn dám gây chiến nữa và thế giới sẽ không còn chiến tranh. Cuộc thử nghiệm bom nguyên tử (gọi là Trinity test) được thực hiện thành công vào lúc 5g29 sáng ngày 16 tháng 7 năm 1945 ở sa mạc Jornada del Muerto nằm cách Socorro, bang New Mexico khoảng 35 dặm về phía Đông Nam trước khi Hội nghị Potsdam khai mạc. 20 ngày sau, Tổng thống Truman ra lệnh ném 2 quả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật, và Nhật hoàng phải đầu hàng vô điều kiện.

Oppenheimer nổi tiếng trước công chúng như là “cha đẻ của bom nguyên tử” nhưng cái chết thảm khốc của hơn 210.000 người Nhật đã làm cho anh hối hận. Trong một cuộc gặp ở Nhà Trắng, anh khuyên Tổng thống Truman (Gary Oldman đóng) hạn chế việc phát triển bom nguyên tử, nhưng Truman đã bỏ ngoài tai lời khuyên của anh.
Với tư cách là cố vấn của Uỷ ban Năng lượng Nguyên tử (Atomic Energy Commission), anh kiên quyết chống lại việc tiếp tục nghiên cứu vũ khí hạt nhân, nhất là việc chế tạo bom nhiệt hạch (bom H) do nhà vật lý Edward Teller đề xướng. Quan điểm của Oppenheimer trở thành đề tài gây tranh cãi khi cuộc Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô bùng phát. Lewis Strauss (Rober Downey Jr. đóng), chủ tịch Uỷ ban Năng lượng Nguyên tử, oán hận Oppenheimer đã công khai bác bỏ dự án chế tạo bom H của mình và lại còn đề nghị đàm phán với Liên Xô về vũ khí hạt nhân. Ông ta cũng cho rằng Oppenheimer đã kích động Albert Einstein chống lại ông ta trong một lần gặp gỡ trước đây. Trong một cuộc điều trần được tổ chức nhằm loại bỏ ảnh hưởng chính trị của Oppenheimer, anh bị Edward Teller và một số đồng nghiệp tố cáo. Edward Teller tố cáo Oppenheimer có mối quan hệ với những người Cộng sản như Jean Tatlock (Florence Pugh đóng), người yêu cũ của anh, và em trai của anh là nhà vật lý Frank Oppenheimer (Dylan Arnold đóng). Dù Isodor Isaac Rabi và một số đồng nghiệp bênh vực Oppenheimer khi ra làm chứng, việc phục hồi thanh danh của anh đã không có kết quả, ảnh hưởng rất nhiều tới hình ảnh của anh trước công chúng.

Trong một cuộc điều trần sau đó ở Quốc hội để phê chuẩn việc bổ nhiệm Lewis Strauss vào chức Bộ trưởng Thương Mại, nhà khoa học David L. Hill đã ra làm chứng, tố cáo những động cơ của Lewis Strauss khi tìm cách hạ uy tín của Oppenheimer. Thượng viện Mỹ đã bác bỏ việc bổ nhiệm Lewis Strauss vào chức Bộ trưởng Thương mại.

Năm 1963, Tổng thống Lyndon B. Johnson trao cho Oppenheimer giải thưởng Enrico Fermi để minh chứng rằng thanh danh của anh đã được phục hồi. Đến khi ấy, người ta mới biết rằng cuộc nói chuyện trước kia giữa Albert Einstein và Oppenheimer không phải là để bàn về Lewis Strauss, mà là để bàn về những tác hại khó lường của vũ khí hạt nhân. Einstein đã nói với Oppenheimer rằng nếu anh có được thành tựu lớn lao, người ta sẽ vùi dập anh, cho anh nếm trải mọi khổ nhục rồi mới phục hồi thanh danh của anh.

Ảnh: Cillian Murphy trong vai Oppenheimer

Cillian MurphyNam diễn viênOppenheimeroscar
Comments (0)
Add Comment