Một tư nhân Việt Nam mua thành công ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của vua Minh Mạng

TVN

Đó là ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh, chủ sở hữu Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng, được xác định là người đã trực tiếp thương lượng với hãng đấu giá Millon của Pháp để mua lại ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.

Trước đó, việc chiếc ấn vàng này được nhà đấu giá Millon ở thủ đô Paris đưa ra bán đấu giá hồi tháng 10 năm ngoái sau hàng chục năm thất lạc đã gây xôn xao dư luận Việt Nam.

Theo tờ Tuổi Trẻ, số tiền ông Hồng phải chi là 6,1 triệu euro và ông đã ký hợp đồng cách nay hơn một tháng với phía Pháp. Tờ báo này cho biết hiện tại ông Hồng và giới chức Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục với phía Pháp để hồi hương cổ vật

Trong khi đó, tờ Người Lao Động cho biết hai bên đã ký hợp đồng và phía Pháp đợi Việt Nam chuyển tiền xong mới bàn giao ấn vàng. Chiếc ấn vàng này dự kiến về Việt Nam vào khoảng tháng 5 năm nay.

Được biết, ngay khi biết tin hãng Millon (Pháp) thông tin về việc đấu giá ấn “Hoàng đế chi bảo” giá khởi điểm từ 2-3 triệu Euro, ông Nguyễn Thế Hồng đã chủ động sang đăng ký tham dự đấu giá. Tuy nhiên, sau đó nhận thấy nếu đấu giá thì không thể mua được ấn vàng nên đã liên lạc với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Bắc Ninh đề nghị được giúp đỡ.

Ông Nguyễn Thế Hồng (bìa phải) đã ký kết thành công hợp đồng mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo với nhà đấu giá Millon- Ảnh NLĐ

Nhờ sự phối hợp hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, cuộc đấu giá đã được hủy bỏ và chuyển thành đàm phán, thương lượng mua trực tiếp.

Ông Nguyễn Thế Hồng là một đại gia hoạt động trong ngành bất động sản. Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng của ông tại huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, trưng bày nhiều cổ vật bằng đồng, sứ, gỗ do chính ông sưu tập, theo trang mạng VnExpress, trong đó Trống đồng Đông Sơn có nên đại cách nay từ 2.200 đến 2.300 năm vừa được công nhận là bảo vật quốc gia hôm 30/1.

Chiếc kim ấn này, được gọi là Kim Bảo Tỷ, được Vua Minh Mạng cho đúc vào năm 1823, tức năm Minh Mạng thứ tư, với bốn chữ Hán ‘Hoàng đế chi bảo’ theo lối chữ triện được được khắc trên mặt ấn và kể từ đó đã được truyền qua các đời vua nhà Nguyễn từ Minh Mạng cho đến Bảo Đại.

Đây là chiếc ấn mà Vua Bảo Đại đã bàn giao cho đại diện Việt Minh khi ông làm lễ thoái vị tại Ngọ Môn, Huế, vào tháng 8 năm 1945, nhưng sau đó đã thất lạc và cuối cùng rơi vào tay cựu hoàng Bảo Đại và được người vợ cuối cùng của ông là bà Monique Baudot thừa kế sau khi Bảo Đại qua đời.

 

ấn vàngcổ vậtđấu giáhoàng đế chi bảovua Minh Mạng
Comments (0)
Add Comment