Phạm Thế Mỹ và “Đan áo mùa xuân”

Huỳnh Duy Lộc

Phạm Thế Mỹ sinh ngày 15 tháng 11 năm 1932 tại Bình Định, tham gia kháng chiến chống Pháp vào thời kỳ 1945-1954. Năm 1959, ông rời Qui Nhơn vào Saigon, theo học ở Trường Quốc gia Âm nhạc, rồi ra Đà Nẵng dạy Việt văn và nhạc ở các trường tư thục Tây Hồ, Bồ Đề, Nguyễn Công Trứ, Sao Mai, Bán công, Tân Thanh (1959-1970).

Ông tham gia các cuộc sinh viên đấu tranh chống chính quyền miền Nam trong phong trào Phật giáo ở Đà Nẵng từ năm 1965-1968, bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam vào những năm 1965-1966 và thời gian này, ông đã sáng tác ca khúc bất hủ “Bông hồng cài áo” lấy ý từ một bài tùy bút của Thượng tọa Thích Nhất Hạnh.

Ra tù, ông tiếp tục sáng tác các ca khúc như “Hoa vẫn nở trên đường quê hương”, “Người về thành phố”, “Những người không chết”… được phổ biến trong phong trào học sinh – sinh viên Saigon. Từ năm 1970 đến năm 1975, ông làm Trưởng phòng Văn – Mỹ – Nghệ của Viện Đại học Vạn Hạnh tại Saigon.

Trước năm 1975, Phạm Thế Mỹ đã có 2 tuyển tập ca khúc được xuất bản: “Hòa bình ơi, hãy đến!” (1969) và “Trái tim Việt Nam” (1971). Sau năm 1975, ông được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam và tiếp tục sáng tác cho tới khi qua đời vào đầu năm 2009 (ngày 16 tháng 1) ở tuổi 79.

Sáng tác của Phạm Thế Mỹ thuộc nhiều thể loại: tình ca quê hương (“Nắng lên xóm nghèo”, “Đường về hai thôn”, “Đưa em về quê hương”, “Thương quá Việt Nam!”…); tình ca (“Tóc mây”, “Áo lụa vàng”, “Bóng mát”, “Người yêu và con chim sâu nhỏ”, “Bến duyên lành”, “Thuyền hoa”…); nhạc Phật giáo (“Từ bi ca”, “Lửa thiêng”, “Con đường trước mặt”, “Thêm một lần hoa nở”…); nhạc phục vụ yêu cầu chính trị sau năm 1975 (“Thắm đượm duyên quê”, “Lêna Belicova”, “Thành phố trăng tròn”).

Phạm Thế Mỹ có một bản nhạc xuân nổi tiếng là “Đan áo mùa xuân”, một ca khúc viết năm 1967 bày tỏ mơ ước về một mùa xuân thanh bình, khi quê hương “không còn tiếng súng”, “khi mai vàng trước ngõ” và “hoa xuân lại thắm để môi em lại ấm…”.

ĐAN ÁO MÙA XUÂN

Cứ mỗi lần hoa mai vàng trước ngõ
Là em thôi mong nhớ xuân này chàng có về
Hỏi hoa, hoa chẳng nói, hỏi mây mây lặng đứng
Hỏi gió, gió ngập ngừng, hỏi nắng, nắng ngại ngùng.
Chim mách rằng anh đang ngoài chiến tuyến
Người yêu thay tay súng, gối mộng là lá rừng
Vì quê hương còn khổ, tình yêu xin để đó
Cho xác chết ngậm cười, cho nước mắt thôi rơi.
Nhớ xuân sang năm nào,
Bên bếp lửa vui, ngồi đan áo cho anh
Đôi mắt anh dịu buồn, nói anh sẽ về
Khi máu xương ngừng rơi.
Để giờ mình em và manh áo xám trên tay
Dù rằng ngoài kia vang tiếng pháo đón giao thừa
Bánh chưng rất xanh, với hoa rất vàng
Mà ngỡ là giấc mơ thanh bình.
Anh sẽ về khi mai vàng trước ngõ
Và lang thang chim én mang sầu về cuối trời
Quà cho em là bướm và hoa thơm cỏ biếc
Với gió mát lưng đồi, với tiếng sáo tuyệt vời.
Anh sẽ về khi không còn tiếng súng
Trời xanh cao tiếng hát, chim trổi nhạc đón mừng
Để hoa xuân lại thắm để môi em lại ấm
Cho áo mới yêu đời cho tiếng sáo thêm vui.

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

 

Ca khúc “Đan áo mùa xuân” với giọng ca Hoàng Oanh: https://youtu.be/0f2LVAZx_6A
Ca khúc “Đan áo mùa xuân” với giọng ca Phương Hồng Quế: https://youtu.be/_n1z5SqSNcY?si=XF5iiwFok2nA2PgP
Ca khúc “Đan áo mùa xuân” với giọng ca Hà Thanh: https://youtu.be/ogUlEzJojY0?si=aDgOfIzC8MTK8AR-
Ảnh: Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và nhạc phẩm “Đan áo mùa xuân”
đan áo mùa xuânnhạc xuânphạm thế mỹ
Comments (0)
Add Comment