70 năm trận chiến Điện Biên Phủ: Tướng Henri Eugène Navarre và cứ điểm Điện Biên Phủ

Huỳnh Duy Lộc

Trong tác phẩm “A History of the Vietnamese” (Cambridge University Press, 2013) GS K. W. Taylor đã viết về tướng Navarre và cứ điểm Điện Biên Phủ: “Vào tháng 1 năm 1953, khi René Mayer trở thành thủ tướng Pháp và Dwight David Eisenhower trở thành tổng thống Mỹ, sự mệt mỏi của người Pháp vì cuộc chiến tranh ở Đông Dương và sự hoài nghi của người Mỹ về chính sách của Pháp đã đạt tới tầm mức cao hơn. Khi René Mayer yêu cầu Mỹ tài trợ nhiều hơn cho Pháp để tiếp tục cuộc chiến ở Đông Dương, Chính phủ Eisenhower đáp rằng trước khi xem xét yêu cầu của Pháp, họ cần biết được kế hoạch của người Pháp để đánh bại kẻ thù trong vòng 2 năm tới.

René Mayer và Letourneau viếng thăm Washington D. C. vào tháng 3 để đích thân yêu cầu Mỹ viện trợ cho Pháp. Khi thấy người Mỹ rất nghiêm túc trông chờ được thấy kế hoạch của Pháp, Letourneau đưa ra một kịch bản gồm 3 bước trong việc xây dựng quân đội Quốc gia Việt Nam để bảo vệ miền Nam, củng cố quân đội Pháp ở miền Bắc và tấn công để kết thúc cuộc chiến vào năm 1955. Người Mỹ đã chấp nhận kế hoạch này dù còn một chút nghi ngại. Vào tháng 6 năm 1953, vị tướng Pháp mới được bổ nhiệm là Henri Eugène Navarre (1898-1983) thực hiện một phiên bản nhanh hơn của kế hoạch Letourneau theo đó những chiến dịch tấn công của Pháp sẽ bắt đầu được tiến hành vào mùa thu năm 1953. Chính phủ mới của Joseph Laniel (1889- 1975) chấp nhận kế hoạch này của Navarre và hứa sẽ tăng cường việc cung cấp nguồn lực. Ý tưởng có được lợi thế trên chiến trường để đàm phán là điều lý giải rõ ràng nhất chính sách của Pháp thời Joseph Laniel. Quân viện gởi cho Navarre không nhiều nên ông phải tự mình lo mọi thứ. Dù các viên chức Mỹ của Cơ quan MAAG tại Saigon không thấy Navarre thực hiện kế hoạch, ông vẫn quyết định tiến hành điều ông có thể thực hiện với những phưong tiện ít ỏi để cho thấy quyết tâm tấn công của ông. Ông chịu áp lực của nhiều thành viên nội các Laniel muốn chấm dứt cuộc xung đột ở Đông Dương và cải tổ bộ máy hành chánh ở Đông Dương để tăng cường quyền hành của giới chức dân sự thay cho quân đội…

Dù không được tăng viện đầy đủ từ Pháp và chưa đạt được tiến bộ nào trong việc tăng cường quân đội Quốc gia Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của kế hoạch, Navarre chịu áp lực từ người Mỹ và từ chính quyền của ông, đã phải hành động, chứng minh cho người Mỹ thấy rằng kế hoạch của ông vẫn đang được tiến hành để tạo cho Chính phủ Pháp lợi thế khi đàm phán. Vào tháng 11 năm 1953, ông bắt đầu xây dựng cứ điểm tại thung lũng Điện Biên Phủ cách Hà Nội 300 km về phía Tây, gần biên giới Lào – Việt.

Có thể đưa ra 5 lý do khả dĩ giải thích vì sao Navarre lập cứ điểm tại Điện Biên Phủ:

Điện Biên Phủ ở giao điểm chính của nhiều con đường giữa Việt Nam, Lào và Trung Quốc, và một lý do để lập cứ điểm tại đây là để ngăn chặn việc chuyển quân của địch từ Việt Nam sang Lào như đã từng xảy ra vào mùa xuân năm 1953, điều đã khiến cho quân Pháp xao lãng chiến trường ở Việt Nam để lo bảo vệ Lào. Lý do thứ hai để lập cứ điểm tại Điện Biên Phủ là lập ra một căn cứ để tiến hành những cuộc tấn công, đem cuộc chiến vào lãnh thổ của kẻ thù. Điều có liên quan là lý do thứ ba: để hỗ trợ hữu hiệu hơn cuộc chiến tranh du kích của người Thái chống Việt Minh ở khu vực này. Lý do thứ tư là một căn cứ của Pháp tại Điện Biên Phủ sẽ thu hút những cuộc tấn công tự sát của Việt Minh, những cuộc tấn công sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt bởi hỏa lực của Pháp như điều đã từng xảy ra trước đó tại một căn cứ ở miền núi mang tên Nà Sản. Lý do cuối cùng là Điện Biên Phủ là trung tâm chính của việc kinh doanh thuốc phiện mà cả những người Cộng sản và người Pháp đều muốn kiểm soát. Kiểm soát được Điện Biên Phủ sẽ mang lại một nguồn lợi to lớn hoặc cho Pháp, hoặc cho Việt Minh. Nhưng điều quan trọng hơn hết là cứ điểm Điện Biên Phủ được lập ra để phục hồi tính cơ động và lấy lại tinh thần cho quân đội Pháp đã rơi vào trạng thái thụ động.

Vấn đề chính yếu của Điện Biên Phủ là chỉ có thể tiếp vận bằng đường hàng không và khoảng cách giữa các căn cứ không quân của Pháp với Điện Biên Phủ gần bằng giới hạn của số lượng xăng máy bay cho một chuyến đi và một chuyến trở về. Điều này không phải là vấn đề nghiêm trọng khi vẫn còn sử dụng được sân bay Điện Biên Phủ. Điều nghiêm trọng là không có sự tăng cường quân đội Quốc gia Việt Nam nên nó sẽ có nguồn nhân lực rất hạn chế. Điều này sẽ không gây khó khăn nếu như nhiều binh lính được điều động tới Điện Biên Phủ và việc lập cứ điểm tại đây nhanh chóng mở rộng ra thành việc kiểm soát toàn bộ khu vực ở chung quanh và ngăn chặn sự tiếp viện từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, trái với dự báo của người Pháp, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhanh chóng bao vây Điện Biên Phủ và bố trí những khẩu đại bác trên những ngọn đồi cao xung quanh Điện Biên Phủ. Khi cuộc chiến bắt đầu vào giữa tháng 3 năm 1954, sân bay Điện Biên Phủ đã bị vô hiệu hóa và Điện Biên Phủ đã trở thành một cái bẫy đối với binh lính Pháp. Chính phủ Eisenhower không muốn can thiệp bằng quân sự và Điện Biên Phủ đã thất thủ một ngày trước khi Hội nghị Genève khai mạc (vào ngày 8 tháng 5)”. (A History of the Vietnamese, tr. 556, 557, 558)

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Tướng Henri Eugène Navarre và cứ điểm Điện Biên Phủ

chiến tranhđiện biên phủpháp việt
Comments (0)
Add Comment