Quân đội Tự Đức chống quân Pháp

Nguyễn Hoạt

Từ khi Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn phương Nam thì phải đối đầu với quân Trịnh ở phía Bắc và quân Chiêm thành ở phía Nam.Các chúa Nguyễn thực hành cuộc Nam tiến nhờ có quân đội yểm trợ cho di dân, giữ trị an, dẹp loạn và chống quân xâm lược.

Gia Long lên ngôi năm 1802, trước đó phải chống quân Tây Sơn nên vua Gia Long lập ra một quân đội có tổ chức và hùng mạnh về võ khí theo kiểu tây phương.Từ khi còn lưu vong, Nguyễn Ánh đã được Bá Đa Lộc dịch ra chữ Việt nhiều sách quân sự của Pháp để cho quân đội nhà Nguyễn học tập. Nguyễn Ánh đã từng đọc những binh thư mà Napoléon đã từng đọc thời đó.[1]

Người đầu tiên giúp nhà Nguyễn có được công nghệ vũ khí từ phương tây là Bá Đa Lộc, ông đã giúp Nguyễn Ánh tuyển mộ được khoảng 20 người Pháp giỏi vềkỹ thuật vũ khí, kỹ nghệ, xây dựng. 20 người Pháp này giúp quân đội nhà Nguyễn tiếp cận kỹ nghệ; huấn luyện đội pháo thủ; huấn luyện binh sĩ tiếp cận sử dụng các loại súng từ phương Tây; sửa chữa và xây dựng các thành Gia Định, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên, Biên Hòa, Bà Rịa. Cũng trong thời này, Nguyễn Ánh đã cho xây dựng xưởng đóng tàu. Trong số sĩ quan và binh lính ngoại quốc đó có người ở lại nhận quan tước vào triều Gia Long như Chaigneau và Vannier. Sang triều Minh Mệnh thì đa số chọn hồi hương và quân đội nhà Nguyễn mất đi nguồn kiến thức tân tiến về chiến thuật và vũ khí.

Sự quan tâm tới khoa học quân sự phương Tây của Gia Long được xem là do tình thế bắt buộc thì với Minh Mạng lại hoàn toàn tự nguyện.

Quân đội nhà Nguyễn có tổ chức như các triều đại trước có năm vị chỉ huy tối cao của 5 đạo quân, gồm trung quân, tả quân,hữu quân,tiền quân, và hậu quân.

Quân đội gồm có quân đóng ở kinh đô gọi là Vệ binh (khoảng 4 vạn người), có nhiệm vụ chính là bảo vệ Phú Xuân (Huế), có Vệ úy đứng đầu và Cơ binh là lực lượng (khoảng 15 vạn người) đóng giữ các tỉnh, lộ, trấn do đề đốc chỉ huy. Các lực lượng như thủy quân, tượng binh, pháo binh được xây dựng như quân chiến đấu..

Vua Minh Mạng muốn có một đội quân tinh nhuệ, hùng mạnh, nên chủ trương từ việc tổ chức, huấn luyện đến trang bị theo phương Tây làm kiểu mẫu.Nhà vua hướng đến việc quân cần tinh nhuệ, không cần nhiều. Cách tác chiến được nhà Thanh ghi nhận là giống như kiểu Pháp, vì trong quân đội Minh Mạng có các sĩ quan huấn luyện là người phương Tây. Có thể nói, quân đội nhà Nguyễn thời bấy giờ là lực lượng quân sự tân tiến hiện đại nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Ngoài vũ khí cổ truyền, quân chính quy được trang bị vũ khí mua của phương Tây như đại bác, súng trường, thuyền máy, thuốc nổ.Các loại súng thần công, đại bác được đúc với kích thước, trọng lượng theo tiêu chuẩn; thành luỹ, đồn lũy cũng được quy định cho từng cấp với số lượng quân nhất định.

Quân đội thời Minh Mạng được trang bị những vũ khí hiện đại của phương Tây :Cứ 113.000 lính có 30.000 vũ khí phương Tây, cứ 15.000 pháo thủ có 400 đại bác. Xưởng đúc súng ở Phường Đúc có 8.000 thợ làm việc. Ngoài ra còn có 12.000 thân binh và cấm binh canh phòng cũng được trang bị súng điểu thương, huấn luyện theo kiểu phương Tây Bộ Binh có kinh binh và cơ binh chia làm doanh (2.500 quân), vệ (500), đội (50), thập (10), ngũ (5). Kinh binh do thống chế chỉ huy, mỗi vệ có 2 khẩu thần công, 200 súng điểu thương chế tạo theo kiểu 1777 của Pháp và 21 lá cờ.

Số người được sử dụng súng trong quân đội ngày một tăng lên. Súng tay là loại vũ khí có tính năng sát thương từ xa, được sử dụng phổ biến trong quân đội triều Nguyễn là một bước tiến so với các thời kỳ trước.

Thủy quân được chú trọng phát triển với trên 200 nghìn người và một đội chiến thuyền lên tới khoảng 800 chiếc không kể các thuyền vận tải. Trong thời kỳ này (1802-1883) đã có những chiếc thuyền được thiết kế theo kiểu chiến thuyền của châu Âu, trang bị mỗi thuyền 36 pháo. Có 200 pháo thuyền trang bị từ 16-22 pháo. 100 đại chiến thuyền với 50 -70 mái chèo được trang bị đại pháo. Còn lại khoảng 500 chiến thuyền có khoảng 40 mái chèo và trang bị một pháo loại súng thần công. Đứng đầu là lực lượng thủy quân thường là Thủy sư đô đốc.

Quân đội thời chúa Nguyễn đã từng giao chiến với quân tây phương. Trận thủy chiến với các chiến hạm Hoà Lan năm 1644, thủy quân Nguyễn đã thắng và được sách Đại Nam thực lục ghi chép lại. Năm 1702, thực dân Anh như các nước tư bản phương Tây khác cần một cảng cho tàu đậu, sửa chữa tàu và tìm thuộc địa mới, nên đem 8 chiến thuyền lớn đến chiếm đảo Côn Lôn. Sau một năm chiếm đóng, họ bị Trấn thủ Trấn Biên Trương Phúc Phan đánh bại đuối đi.

Khi Gia Long lên ngôi có thành Gia Định và thành Diên Khánh xây dựng theo kiến trúc Vauban, dưới sự hướng dẫn của các sĩ quan người Pháp. Các vị vua triều Nguyễn sau này vẫn tiếp tục xây dựng thành theo kiến trúc Vauban. Cho đến trước năm 1858, nhà Nguyễn đã cho xây dựng thêm 32 thành theo kiểu Vauban, trong đó có 11 thành xây thời Gia Long, 20 thành xây thời Minh Mạng và 1 thành xây thời Thiệu Trị.

Vua Minh Mạng đã cho đúc rất nhiều các loại đại bác. Ngoài các cơ sở đúc súng cũ ở Huế từ đời vua Gia Long, năm 1825, Minh Mạng cho lập thêm 6 xưởng để đúc những loại vũ khí mô phỏng theo kiểu của phương Tây. Năm 1835, Minh Mạng cho mua các loại súng gang của Pháp, đồng thời lệnh cho thợ Vũ khố mô phỏng hình dáng, kích thước kiểu phương Tây để đúc các loại súng Xung tiêu, Chấn hải. Năm 1834, triều đình cho đúc thử hai loại súng lớn (Phá địch thượng tướng quân và Phá địch đại tướng quân), mỗi thứ hai cỗ, mỗi cỗ nặng vài nghìn cân, khi bắn thử súng bị nứt vỡ. Đến thời Tự Đức, dù gặp nhiều khó khăn nhưng việc áp dụng kỹ thuật phương Tây trong chế tạo đại bác vẫn duy trì, xuất hiện loại súng đồng nối liền trường đoạn xoáy trôn ốc kiểu phương Tây. Ngoài các loại súng lớn, quân đội nhà Nguyễn còn được trang bị loại súng tay có nguồn gốc từ phương Tây. Năm 1823, Vũ khố chế tạo thành công loại súng tay mới, thuốc nổ mạnh theo kiểu Tây phương [2].

Nước Pháp cũng như các nước tư bản Âu châu đã từ lâu tìm cách xâm nhập thị trường Trung quốc bằng cách tìm một thuộc địa ở Viễn Đông và không xa Trung quốc.Vì chậm chân nên họ để ý đến nước Đại Nam xong do dự vì nước ta thần phục nước Tàu. Sau chiến tranh nha phiến, các nước Tây phương đã thấy rõ nhà Thanh suy yếu trước sức mạnh vũ lực.

Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cấm truyền đạo, giết hại các giáo sĩ, không chịu mớ cửa thông thương với người tây phương,năm 1857 dưới sự thúc đẩy của nhóm công giáo cùng với hoàng hậu Eugénie và nhân việc có giáo sĩ Tây ban Nha bị giết, Pháp hoàng Napoléon III mới quyết định liên minh với Tây ban Nha sai đem binh-thuyền sang đánh nước ta. chiếm nước Nam làm thuộc địa.[3]

Vũ khí là một trong những yếu tố quyết định đến sức mạnh của quân đội. Sau cuộc cách mạng kỹ nghệ và dưới thời Napoléon III, quân đội Pháp tiếp tục canh tân về kỹ thuật như súng tay Lefaucheux kiểu 1858 có đạn kim loại, súng trường kiểu Chassepot 1866, đại bác có lòng sẻ rãnh nạp tiền kiếu Lahitte 1858 bắn trái phá chính xác trong tầm 3000 m.

Nâm 1858,hải quân có chiến hạm vỏ thép đầu tiên là tàu La Gloire. Quân độiMỹ và  Nhật bản đã dùng kiểu quân phục Pháp và mua vũ khí Pháp như súng trường kiểu Minié, đại bác và tàu chiến bọc thép.́[4]

Napoleon III quyết định lập ra Hội đồng Nam Kì để xét lại Hiệp ước Versailles đã được ký kết năm 1787 giữa Bá Đa Lộc, đại diện cho Nguyễn Ánh và Montmorin, đại diện cho vua Louis XVI.Âm mưu của Pháp lúc đó là muốn dựa vào Hiệp ước Versailles để chính thức hoá việc xâm chiếm Đại Nam.

Năm 1858, Đô đốc Rigault de Genouilly đem 14 chiếc tàu Pháp và Tây Ban Nha, chở hơn 3.000 liên quân vào cửa Đà-nẵng.Ngày 1 tháng 9, các pháo hạm Pháp bắn phá một pháo đài và 5 đồn lũy, rồi cho thủy quân lục chiến đổ bộ lên hạ hai thành kiên cố xây theo kiểu Vauban là thành An-hải và Điện-hải trong 2 ngày. Trên đỉnh núi có đồn trấn dương bảo vệ với 20 khẩu đại bác và nhiều đồn có cờ hiệu để báo tin khi địch đến.

Lực lượng thủy quân ở cửa Đà-nẵng có 10 chiến thuyền với 5 thuyền lớn. Quân lính canh phòng có hai ban Long Võ và Hùng Nhuệ, khi giặc đến phải kêu thêm biền binh là quân trừ bị. Vũ khí gồm có vài súng điểu thương và súng thần công kiểu cổ.

Trước hỏa lực quá mạnh của quân Pháp, quân nhà Nguyễn bỏ đồn lũy cho Pháp chiếm .

Triều đình Huế cử Nguyễn Tri Phương đắp lũy chống cự làm quân Pháp tiếnsâu k hông được.

Thời Tự Đức,triều đình Huế và những đại thần cầm vận mạng của quốc gia là Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản có quan niệm bảo thủ nho giáo, mọi việc đều chỉ biết mô phỏng theo các triều đại Minh, Thanh, Không thông hiểu ngoại giao,quá trọng văn khinh võ, không chấp nhận những đề nghị cải cách canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Nguyễn Tư Giản, Phạm Thận Duật… là những người đã từng xuất ngoại và am hiểu tình hình nước ngoài.

Thời Tự Đức, quân đội càng ngày càng lạc hậu vì vua không quan tâm mấy đến việc võ bị. Một trong các lý do khiến tình hình quân đội suy sút là vấn đề tài chính. Vũ khí và trang thiết bị làm mới gần như không có. Về thuỷ binh, không tàu hơi nước nào được đóng mới, thuỷ quân thậm chí không đủ khả năng bảo vệ bờ biển chống hải tặc. Việc giảng dạy binh pháp không chú trọng tới sách vở phương Tây nữa mà quay trở lại với Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo. Đời sống quân lính không được quan tâm lắm, lương thực lại bị ăn bớt. Do đó tinh thần chiến đấu của quân sĩ bị suy giảm nghiêm trọng. .Thực trạng đó đã khiến Thượng thư Bộ hộ, Cơ mật viện đại thần Phạm Phú Thứ phải than rằng: “Quân sĩ hèn nhát là do Chưởng quan vô năng và cũng vô quyền…; quân sĩ thì nhiều người lại không có lương bổng, rất là đói khổ, họ phải tìm cách giúp đỡ lẫn nhau chứ không trông mong gì vào gạo trong kho.

Quan võ thì thường than thở rằng mình hết sức trông giữ biên cương, rủi có chết đi thì chỉ có thiệt mình chứ công trạng nào có ai nghĩ đến” [5].

Tướng Rigault de Genouilly thấy đánh Huế chưa được nên ông đề nghị lên Bộ Hải quân đánh chiếm Gia Định ở Nam Kỳ, một thành phố chiến lược quan trọng như một nguồn cung cấp thực phẩm cho quân đội Việt Nam.

Năm 1859 , de Genouilly giao cho đại-tá Toyon ở lại giữ các đồn tại Đà-nẵng, rồi đem binh-thuyền đem vào Nam-kỳ. Hạm đội này gổm có soái hạm Nemesis, 2 chiến thuyền hơi nước, 3 pháo hạm, một thông báo hạm Tây ban nha, 3 tàu vận tải và4 thương thuyền.

Ngày 10/2/1859 , 2.000 quân Pháp và các chiến hạm Pháp tấn công pháo đài phòng thủ Phước Thắng nằm ở lưng chừng núi Lớn (nay là Bạch Dinh, Vũng Tàu. Quân Pháp gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân Việt, các cuộc pháo chiến đã diễn ra giữa 11 khẩu thần công với pháo trên các tàu chiến của Pháp, quân ta cũng đẩy lui được vài đợt tấn công của địch nhưng do lực lượng chênh lệch, phía Pháp có hỏa lực pháo binh hơn hẳn cho nên bên ta thất thủ. Quân Pháp phá hủy 12 đồn trại của quân Việt ở hai bên bờ, nên sau 4 ngày quân Pháp mới đến được ụ Hữu Bình ( đồn Thảo Câu, nay ở cuối kho Thương cảng, góc sông Sài Gòn với cầu Tân Thuận). Cuộc chiến đã diễn ra dữ dội suốt đêm. Quân Việt dùng thuyền nhỏ chở đầy thuốc súng và rơm khô, định dùng kế hoả công nhưng bị quân Pháp biết, sai người lén đốt trước.

Ngày 16 tháng 2, bảy chiến hạm Pháp bắn phá cho đến khi quân Việt phải bỏ chạy và quân Pháp tiến lên chiếm được pháo đài. Ngày hôm sau, De Genouilly cho các chiến hạm bắn yểm hộ rồi cho một toán quân đổ bộ đánh thành Phụng theo đường Citadelle (nay là Tôn Đức Thắng ) rồi dùng chất nổ phá thành. Đại bác trên thành bắn xuống tàu đối phương nhưng không mấy hiệu quả. Và khi đánh vào cửa Đông, quân Pháp leo thang vào thành, đánh cận chiến với quân Việt. Đến khoảng 10 giờ trưa, Hộ đốc Vũ Duy Ninh, đang giữ thành, ra lệnh lui quân, bỏ lại hầu hết súng đạn, thóc gạo và hơn trăm chiến thuyền gỗ trên sông Thị Nghè.

Thành Phụng không kiên cố bằng thành Quy cũ nên Gia Định thất thủ sau một buổi sáng, đô đốc Vũ Duy Ninh cùng án sát Lê Từ tự vẫn.

Sử gia Trần Trọng Kim viết: Ở Gia Định, bấy giờ tuy có nhiều binh khí, nhưng quân lính không luyện tập, việc võ bị bỏ trễ nải, cho nên khi quân Pháp ở cửa Cần Giờ tiến lên, quan hộ đốc là Vũ Duy Ninh vội vàng tự đi các tỉnh lấy binh về cứu viện; nhưng chỉ trong hai ngày thì thành vỡ…

Liên quân vào thành, lấy được 200 khẩu súng đại bác, 8 vạn rưỡi kilos thuốc súng và độ chừng 18 vạn phật lăng (francs) cả tiền lẫn bạc, còn các binh khí và thóc gạo thì không biết bao nhiêu mà kể…

Ông còn có nhận xét :“Tuy bấy giờ nước ta có lĩnh võ sinh, có quan võ tiến sĩ, nhưng mà thời đại khác đi rồi, người ta đánh nhau bằng súng nạp hậu, bằng đạn trái phá chứ không bằng gươm bằng giáo như trước nữa. Mà quân lính của mình mỗi đội có 50 người thì chỉ có 5 người cầm súng điểu thương cũ, phải châm ngòi mới bắn được, mà lại không luyện tập, cả năm chỉ có một lần tập bắn. Mỗi người lính chỉ được bắn có 6 phát đạn mà thôi, hễ ai bắn quá số ấy thì phạt. Quân lính như thế, binh khí như thế, mà quan thì lại cho lính về phòng, mỗi đội chỉ để độ chừng 20 tên tại ngũ mà thôi. Vậy nên đến khi có sự, không lấy gì mà chống giữ được.”[6]

Sử gia Pháp Alfred Scheiner viết :Các tướng nhà Nguyễn thiếu pháo binh và vũ khí của họ lạc hậu cả thế kỹ.Súng của họ là súng hoả mai kiểu Saint Étienne 1777 hay phải châm ngòi có tầm bắn được 250m trong khi quân Pháp được trang bị bằng súng có lòng sẻ rãnh kiểu 1854 hay 1857 có tầm bắn 1200m. Các đại bác cũ bắn trái phá khoảng 800-1500m trong khi đại bác có lòng sẻ rãnh của Pháp bắn đạn nạp hậu rẩt chính xác trong tầm bắn 3200m.[7]

Tuy thắng trận, nhưng Pháp không đủ quân để giữ thành, không nhận được sự hỗ trợ từ các giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa giáo và luôn bị các đội nghĩa quân đánh phá, nên quân Pháp đã phải quyết định phá hủy thành Gia Định.

Theo sách Sài Gòn xưa và nay, sau khi chiếm được thành Gia Định , để tránh quân triều đình nhà Nguyễn đánh chiếm lại, ngày 8/3/1859 De Genouilly cho đặt 32 ổ mìn đánh sập thành Phụng. Đồng thời, quân Pháp cũng cho tiêu hủy toàn bộ kho bên trong, đốt cả thóc lúa.

Phá thành Gia Định xong, De Genouilly chỉ để lại một số quân đóng giữ ở đồn Hữu Bình, quân còn lại rút hết xuống các tàu chiến.

Ngày 20 tháng 4 năm 1859, tướng này giao quyền cho Đại tá hải quân Jauréguibery giữ thành Gia Định, rồi đem tàu trở lại mặt trận Đà Nẵng với phần lớn lực lượng của mình để tăng cường lực lượng bảo vệ của Thoyon. Vào ngày 8 / 5 /1859, ông ta mở một cuộc tấn công của Pháp vào các cuộc bao vây của Việt Nam tại Đà Nẵng.

De Genouilly muốn giảng-hòa, nhưng mà Triều-đình cứ để lôi thôi mãi, người thì bàn hòa, kẻ thì bàn đánh, thành ra không xong việc gì cả. Quân Pháp ở Đà-nẵng không quen thủy thổ bị bệnh-tật dịch hạch, kiết lỵ, phù thủng.., Rigault de Genouilly phải về Pháp nghỉ.

Năm 1858 , Napoleon III cho gửi một đạo quân viễn chinh do tướng Cousin de Montauban làm tư lệnh để buộc nhà Thanh thi hành hoà ước Thiên tân.Tháng 12/1859 tướng Charner đem một hạm đội gồm 65 tàu chiến,5590 bộ binh và 1511 binh lính sang đánh Trung Hoa. Sau đó Charner đem hạm đội quay về Sảigòn để giải cứu cho đám quân Pháp đang bị vây từ 6 tháng trong thành,thiếu lương thực và đạn dược ,vì chiến tranh du kích của nghĩa quân Việt.

Người Pháp đã tìm và chiếm được một cảng làm điểm tựa ở biển Nam hải theo như họ đã mong muốn. Từ đó, cảng Sàigòn trở thành căn cứ thường trực của Pháp ở vùng biển Nam Hải.

Tham khảo

[1]̉-Đỗ An Ninh, Quân đội nhà Nguyễn

[2]-Nguyễn trọng Minh,Việc tiếp thu, áp dụng kỹ thuật quân sự phương tây của triều

Nguyễn-Tạp chí khoa học xã hội,số 2 ,2021

[3]-Nguyễn Hoạt,1959 Pháp chiếm Sàigòn, Vietnamvanhien.net

[4]-Wikipedia, L’armée française sous le Second Empire

[5]-Trần Văn Giàu, Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn trước 1858

[6]-Trần Trọng Kim. Việt Nam sử lược. Nxb Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu .

[7]-Alfred Scheiner, Abrégé de l’histoire d’Annam,Saigon 1906

NGUYỄN HOẠT

Nguồn: Chim Việt Cành Nam

 

lịch sửquân độiquân Pháptự đức
Comments (0)
Add Comment