Chúa Nguyễn Phúc Chu và 34 năm cầm quyền

Huỳnh Duy Lộc

Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Thái và vương phi Tống Thị Lĩnh. Ông được đình thần tôn lên kế vị chúa Nguyễn Phúc Thái vào năm 1691, trở thành vị chúa Nguyễn thứ 6 trị vì Đàng Trong. Đến năm 1693, Nguyễn Phúc Chu được quần thần tấn tôn làm Thái phó Quốc công và dâng tôn hiệu Quốc chúa. Từ đó về sau, trong các sắc dụ về nội trị và ngoại giao, ông đều xưng là Quốc chúa. Lên ngôi lúc mới 16 tuổi, ở ngôi 34 năm, Nguyễn Phúc Chu là một trong những vị chúa Nguyễn tạo dựng nhiều công nghiệp ở Đàng Trong.

Sử gia K. W. Taylor kể về thời gian chúa Nguyễn Phúc Chu mới lên cầm quyền: “Dù chỉ mới 16 tuổi khi lên làm chúa, Nguyễn Phúc Chu nhanh chóng nổi tiếng với trí thông minh, sự khiêm nhường và sự lãnh đạo có hiệu quả. Năm 1694, ông phải đối đầu với âm mưu của những người trong dòng tộc, những người con của con trai trưởng đã chết sớm của chúa Nguyễn Phúc Tần tin rằng họ mới thuộc dòng chính của dòng tộc và vì vậy mới có quyền nắm giữ quyền lực. Không chút do dự, ông cho bắt giữ những kẻ âm mưu lật đổ ông và thuộc hạ của họ. Nguyễn Phúc Chu cầm quyền trong 34 năm, có cả thảy 146 người con, có những thành tựu lớn lao như ông nội ông là đưa ra những quyết sách tài tình và thấy xa trông rộng.

Thử thách đầu tiên của ông là giải quyết tình trạng rối ren ở biên giới phía Nam. Sự kém cỏi của những người cha ông sai phái và cái chết của cha ông đã thôi thúc vua Po Sot của Champa chiếm vùng Phan Rang, thách thức quyền lực của Phú Xuân. Trước khi giải quyết vấn đề Chân Lạp, ông phải đáp trả những hành động của người Chàm. Người được chọn để phái vào Nam là một người con trai khác của Nguyễn Hữu Dật, em trai của Nguyễn Hữu Hào. Năm 1693, Nguyễn Hữu Cảnh bắt được vua Po Sot. Vương quốc Champa được tổ chức lại thành phủ Bình Thuận (hiện nay là Bình Thuận và Ninh Thuận). Các quan chức người Việt được cử vào cai trị cư dân ở các trung tâm vùng duyên hải như Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết. Một nhà quý tộc Chàm đã dẫn 5.000 người Chàm theo Hồi giáo hội nhập với cộng đồng người Chàm theo Hồi giáo tại Chân Lạp. Nhiều người Chàm bỏ lên vùng cao nguyên sống chung với người Churu, người Ede và người Jarai. Po Sot từ trần một thời gian ngắn sau khi bị bắt giữ, nhưng một người em trai của ông tên Po Saktiray Depatih (Kế Bà Tử) được người Việt phong làm vua để cai trị những người Chàm còn ở lại. Cuối năm 1693 – đầu năm 1694, một nhà quý tộc Chàm và một người Hoa tự cho mình có phép thuật đã kêu gọi người Chàm nổi dậy, nhưng sau hai lần vây hãm Phan Rang, họ bị quân của chúa Nguyễn Phúc Chu đẩy lui và phải sang lánh nạn ở Chân Lạp. Từ đó cho tới khi từ trần vào năm 1727, Po Saktiray Depatih giữ quan hệ hòa hiếu giữa người Chàm ở Bình Thuận với triều đình chúa Nguyễn Phúc Chu ở Phú Xuân. Người Việt trả lại cho người Chàm tất cả của cải và trả tự do cho các tù binh Chàm; đổi lại, hàng năm người Chàm phải triều cống 2 con voi đực, 20 con bò, 6 ngà voi, 10 sừng tê giác, 500 thước vải, 50 cân mật ong, 200 cân cá khô và 400 cân muối… Nguyễn Phúc Chu chứng kiến buổi lễ công nhận Champa là chư hầu và sáp nhập Champa vào lãnh thổ Đại Việt…” (A History of the Vietnamese, tr. 320, 321, 322).


Nguyễn Phúc Chu có nhiều cải cách quan trọng: “Ở phương Bắc, giữ vững biên thùy, ở phương Nam đưa dân đến đất Chân Lạp, thiết lập chính quyền, khéo khu xử với người Chiêm Thành và Chân Lạp; còn trong nước thì sắp đặt lại việc duyệt tuyển, việc vận tải, võ bị, thi cử…” (“Việt sử xứ Đàng Trong”, Phan Khoang, NXB Khai Trí, Sàigòn, 1967, trang 217).

Ba mươi bốn năm cầm quyền của Nguyễn Phúc Chu là thời kỳ hòa bình, thịnh trị nhất ở xứ Đàng Trong. Dưới thời Nguyễn Phúc Chu, lãnh thổ Việt Nam được mở rộng đến tận Hà Tiên. Năm 1692, chúa lập phủ Bình Thuận, năm 1698 lập dinh Trấn Biên (Đồng Nai) rồi dinh Phiên Trấn (Sài gòn- Gia Định); năm 1708, thu nạp vùng đất Hà Tiên từ tay Mạc Cửu.

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Minh vương Nguyễn Phúc Chu, lăng Trường Thanh của Minh vương Nguyễn Phúc Chu nằm cách thành phố Huế 12km về phía Tây Nam

Đọc thêm: Chúa Nguyễn Phúc Chu và việc thành lập Saigon – Gia Định: https://triviet.news/nhin-lai-lich-su/chua-nguyen-phuc-chu-va-viec-thanh-lap-thanh-pho-saigon-gia-dinh-1698/?fbclid=

Ảnh: Tượng Minh vương Nguyễn Phúc Chu, lăng Trường Thanh của Minh vương Nguyễn Phúc Chu nằm cách thành phố Huế 12km về phía Tây Nam
Comments (0)
Add Comment