Đào Duy Từ và lũy Trường Dục

Huỳnh Duy Lộc

Trong bài khảo cứu về chúa Nguyễn Hoàng, GS K.W.Taylor có viết: “Ở Nguyễn Hoàng, chúng ta thấy sự khởi đầu của việc làm người Việt theo kiểu phương Nam. Quyết định vào Nam của Nguyễn Hoàng vào năm 1600 là ẩn dụ về việc quyết định vào phương Nam sẽ làm cho, chỉ đơn giản bằng cách từ bỏ công thức truyền thống về “người Việt thiện lương”, người ta có được nhiều chọn lựa để trở thành một “người Việt thiện lương”. Kỷ luật xã hội cần phải tuân thủ để tồn tại gần biên giới Trung Quốc đã giãn bớt. Tài năng và năng lực có vai trò quan trọng hơn gia thế và địa vị” (In Nguyễn Hoàng, we see the beginning of a Southern version of being Vietnamese. His decision to go South in 1600 is a metaphor for all the decisions that going South would make possible, simply because, in rejecting the traditional definition of “a good Vietnanese”, options for being another kind of “good Vietnamese” could be explored. The social discipline required for survival in close proximity to the Chinese border began to relax. Talent and ability began to count more than birth and position)

Truờng hợp Đào Duy Từ là minh chứng rõ rệt nhất về việc “làm người Việt theo kiểu phương Nam”, thoát khỏi ảnh hưởng của Nho giáo và nấc thang giá trị truyền thống của Đàng Ngoài.

Sử gia Phan Khoang cho biết sự ly khai với chúa TrỊnh ở Đàng Ngoài chỉ bắt đầu vào thời chúa Sãi (còn gọi là Sãi vương, chúa Phật) Nguyễn Phúc Nguyên (1613- 1635), con trai thứ 6 của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, và một trong những công thần đã giúp ông chống chọi với chúa Trịnh và giữ vững được xứ Thuận, Quảng là Đào Duy Từ: “Đào Duy Từ, người xã Hoa Trai, huyện Nghi Sơn, Thanh Hoa, thông suốt kinh sử, giỏi thuật số, vì là con nhà xướng hát nên Hiến ty Thanh Hoa không cho dự thi khoa thi Hương. Duy Từ bèn nói với người bạn: “Tôi nghe đất Thuận, Quảng, đất hiểm mà dân giàu, vị chúa ở đây lại biết đãi người một cách khiêm nhượng, rõ cách xử sự của bậc bá vương, nếu ta đến theo, rồi bày mưu định kế thì trên có thể làm được như Tề Hoàn, Tấn Văn, dưới cũng không thể mất được cái thế chân vạc”. Rồi Duy Từ bỏ vào Nam, đến phủ Hoài Nhân, làm người ở chăn trâu cho một phú ông ở xã Tùng Châu. Phú ông thấy Duy Từ là người học rộng, biết nhiều, đem nói với quan Khám lý phủ Hoài Nhân là Trần Đức Hòa. Trần Đức Hòa biết là người giỏi, đem con gái gả cho. Duy Từ có sáng tác bài “Ngọa long cương” ví mình với Khổng Minh”.

Một hôm, Trần Đức Hòa đem bài “Ngọa Long cương” cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên xem và nói: “Bài này là do thầy đồ của nhà tôi là Đào Duy Từ làm”. Đọc bài “Ngọa Long cương”, chúa Nguyễn biết Đào Duy Từ là người có chí lớn liền cho gọi Đào Duy Từ đến. Mấy hôm sau, Đào Duy Từ và Trần Đức Hòa cùng vào ra mắt chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Thấy chúa Nguyễn Phúc Nguyên chỉ mặc áo trắng sơ sài và đứng cửa nách đợi, Đào Duy Từ dừng lại, không vào. Thấy vậy, chúa liền vào thay đổi triều phục, áo mũ chỉnh tề rồi mở cửa lớn ra đón Duy Từ vào. Đào Duy Từ cao đàm hùng luận, tỏ ra rất am hiểu việc đời. Nguyễn Phúc Nguyên mừng lắm, liền họp bàn đình thần phong cho Đào Duy Từ làm Nha úy Nội Tán, tước Lộc Khuê Hầu, trông coi việc quân cơ ở trong và ở ngoài.

Từ đó, Đào Duy Từ nói gì chúa Nguyễn cũng nghe. Ông bày mưu vạch kế giúp chúa Nguyễn làm nên nhiều việc lớn. Chúa Nguyễn thường nói với mọi người: “Đào Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay”.

Tháng 3 năm Canh Ngọ (1630), Đào Duy Từ khuyên chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục từ núi Trường Dục đến Hạc Hải nhằm ngăn chặn quân Trịnh ngược dòng sông Nhật Lệ vào đánh Đàng Trong. Ông nói với chúa Nguyễn Phúc Nguyên: “Muốn mưu đồ sự nghiệp vương bá, cần phải có kế vạn toàn. Tôi xin hiến một bản đồ, sai quân dân ở 2 trấn theo đó đắp một cái lũy dài từ chân núi Trường Dục đến bãi cát Hạc Hải, ấy là nhân hình thế đất đai mà đặt phòng thủ để giữ vững biên giới, quân địch có đến cũng không làm gì được…”.

Năm Tân Mùi (1631), theo lời Đào Duy Từ, chúa Nguyễn lại cho đắp một lũy nữa kiên cố hơn, dài 18 km bắt đầu từ núi Đâu Mâu qua cửa biển Nhật Lệ tiến lên phía Đông Bắc đến làng Đông Hải. Nhờ có hai lũy này, chúa Nguyễn đã ngăn chặn được các cuộc tấn công của quân Trịnh suốt một thời gian dài.

Ngoài việc giúp chúa Nguyễn đối phó với chúa Trịnh, Đào Duy Từ còn nhiều lần khéo léo khuyên chúa Nguyễn về chính sự. Ông còn tiến cử con rể của mình là Nguyễn Hữu Tiến cho chúa Nguyễn. Nguyễn Hữu Tiến về sau cũng trở thành một công thần của chúa Nguyễn.

Tháng 9 năm Canh Ngọ (1630), theo đề nghị của Đào Duy Từ, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho mở cuộc tấn công vào châu Nam Bố Chánh và chiếm được châu này.

Tháng 10 năm Giáp Tuất (1634), Đào Duy Từ lâm bệnh nặng, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đích thân đến thăm. Đào Duy Từ khóc rồi thưa: “Thần gặp được thánh minh, chưa báo đáp được mảy may, nay bệnh đến thế này còn biết nói chi nữa”. Đào Duy Từ từ trần ở tuổi 63, phụ chính cho chúa Nguyễn được 8 năm. Chúa Nguyễn vô cùng thương tiếc, cho an táng tại Tùng Châu và phong làm “Hiệp đồng mưu đức công thần, đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu”7. Đến năm thứ 5 đời vua Gia Long tùng tự ở Thái Miếu, đến thời vua Minh Mạng truy phong là Hoằng quốc công.

HUỲNH DUY LỘC

di tíchđào duy từlịch sửlũy trường dục
Comments (0)
Add Comment