Lược sử xứ Sa Đéc

TVN

Đây là 1 xứ quan trọng trong dòng lịch sử Nam kỳ nói riêng và Đàng Trong nói chung. Ngược về thế kỷ 18, năm 1759 thì đất Tầm-Phong-Long chánh thức thuộc về Nam trào ta, và Sa Đéc cùng Châu Đốc là tên của vùng đất đó.

Sử ta chép là năm 1759, còn sử Miên lại chép sớm hơn 2 năm, nghĩa là năm 1757, tỉnh Phsar Dek (tức Sa Đéc, theo cách gọi của Việt), cùng 2 thị trấn thuộc tỉnh Long Hor (Vĩnh-Long), và tỉnh Meat Chrouk (Châu Đốc) được Quấc-vương Ang Tong nhượng, trước áp lực của người Việt.

Lãnh thổ Đàng Trong lúc bấy giờ được chia làm 12 dinh, và Sa-Đéc thuộc dinh Long-Hồ. Về mặt phòng thủ, hai bên bờ sông Cửu-Long quanh khu vực biên giới, ngài Nguyễn Cư Trinh cho lập đồn:

Tân-Châu đạo( Cù-lao Giêng, Tiền Giang)
Châu Đốc đạo ở Hậu Giang
Đông Khẩu đạo ở vùng Sa Đéc
Kiên Giang đạo ở Rạch Giá
Long Xuyên đạo ở Cà Mau.

Năm 1784 Sa Đéc dậy sóng, khói lửa chiến tranh lan rộng trên xứ nầy. 20.000 quân Xiêm và 300 chiến thuyền dưới sự chỉ huy của Chiêu Tăng, Chiêu Sương. Phía Nguyễn vương do Châu Văn Tiếp dẫn đầu, giao tranh cùng Tây Sơn, đánh lần hồi tới trận Rạch Gầm, liên quân Nguyễn vương-Xiêm La bị Tây-Sơn do Nguyễn Huệ cầm đầu đánh cho tan tác.

Năm Đinh Vị 1787, Nguyễn vương lập bản doanh tại Hồi Oa( Nước Xoáy) thuộc làng Tân Long, sau đổi ra Hưng Long. Sa Đéc khi đó là nơi vua chúa Nguyễn đóng đô, vì vậy ngày nay còn nhiều di tích liên quan.

Trãi qua nhiều đời vua nhà Nguyễn, Sa Đéc có 2 huyện, 4 tổng và 36 xã thôn bang phố.

Năm Quí-Tị 1833 xảy ra cuộc binh biến do Lê Văn Khôi gây ra, khuấy động cả Gia Định( tức Nam kỳ) lan tới Bình Thuận, và Sa Đéc cũng bị cuốn vô cơn binh lửa khi quân Xiêm chia làm 5 đạo thủy bộ theo lời cầu viện của Khôi, tiến đánh Gia Định, chiếm cứ Vĩnh Long, Châu Đốc…

Cho đến khi ngài Trương Minh Giảng cùng ngài Nguyễn Xuân đem quân vô đánh dẹp mới lần hồi đuổi quân Xiêm ra khỏi các tỉnh miền Tây, đánh sang tận Cao-Miên. Lúc bấy giờ Sa-Đéc mới an ổn trở lợi.

Và, khi người Pháp vô, chiếm lần lượt trọn các tỉnh ở Nam kỳ, Sa Đéc lại bước sang một trang mới trong dòng chảy lịch sử…

Ngày 15/6/1867 Soái-phủ Saigon có quyết định lập Hạt-thanh-tra Tân-Thành, dựa trên phủ Tân-Thành trào Nguyễn, gồm 2 huyện An-Xuyên và Vĩnh-An, là 2 huyện của Sa-Đéc. Đến ngày 16/8/1867 lại đổi Hạt-thanh-tra Tân-Thành là là HTT Sa-Đéc.

Ngày 4/12/1867 tách huyện Phong Phú khỏi Sa Đéc để nhập vô Hạt thanh tra Cần Thơ.

Ngày 1/1/1869 tách tổng An Trường khỏi Sa Đéc, nhập vô cho Cần Thơ.

Qua một loạt các quyết định tách/nhập, thay đổi tên gọi…. đến ngày 1/1/1900 Sa-Đéc như bao Hạt-tham-biện khác, gọi thành tỉnh, và tồn tại suốt thời Pháp, trừ 11 năm bị giải thể, xuống làm quận thuộc tỉnh Vĩnh-Long( ngày 9/2/1913 tỉnh Sa-Đéc bị giải thể, đến ngày 29/2/1924 tái lập lại tỉnh).

Về dân số, xin đưa ra 1 vài số liệu:

Năm 1867 toàn tỉnh có 102.421 người, trong đó có 96.000 người Việt, 4362 suất đinh, 2043 Hoa, 8 Âu, 2 Phi.
Năm 1913-1914: có 206.962 người, trong đó Việt có 201.777 người, 2003 Hoa, 2980 Minh-Hương, 45 Ấn, 106 Bắc-kỳ, 2 Khmer, 37 Pháp và 12 Quấc tịch Pháp.

Phía trên là sơ lược về lịch sử và dân số trong 1 vài năm của tỉnh Sa-Đéc. Về danh nhơn, phải nói đây là đất ” địa linh sanh nhơn kiệt” của Nam-kỳ ta, rất đáng để cả xứ sở tự hào, không riêng gì dân Sa-Đéc.

Trong công cuộc trung hưng của dòng họ Nguyễn, buổi đầu có ngài Tống-Phước-Hòa, là em ruột của ngài Tống-Phước-Hiệp, cả 2 vị đều là những nhơn vật quan trọng giúp các chúa Nguyễn chống lợi Tây-Sơn.
Năm 1776 ông kéo quân đi cứu viện quân chúa, đánh văng Tây-Sơn thâu phục lại đất đai đã rơi vô tay giặc. Nhờ công trạng đó, ông được thăng Chưởng-Thủy-dinh, tước Quận-công.

Sau đó trong trận đánh ở Ba-Vát, Tây-Sơn bắt sống được Đông-cung Nguyễn-Phúc-Dương, tức Tân-Chánh-Vương, rồi hành quyết. Hay tin, Tống Phước Hòa đánh càng hăng nhằm giết giặc trả thù cho chúa, nhưng sức cùng lực kiệt, không thể chống lại Tây Sơn, ông rút kiếm tự sát trên chiến trường.

Ta còn có ngài Kinh-môn Quận-công Nguyễn-văn-Nhơn, một trong số các đại công thần trung hưng nhà Nguyễn, là ” Vọng Các công thần”, theo phò tá Nguyễn-Ánh buổi đầu. Và ông hơn hạnh là vị Tổng-trấn Gia-Định đầu tiên( năm 1808 mới có chức nầy). Về ngài Nhơn, tui đã có bài viết riêng.

Bên cạnh đó, còn có các vị: Nguyễn-văn-Mậu, Nguyễn-văn-Bế, Huỳnh-Phước-Bửu, Nguyễn-văn-Trọng, Nguyễn-văn-Định, Nguyễn-văn-Tuyên, Nguyễn-văn-Yến, là những người có công từ buổi đầu theo phò tá Nguyễn Ánh, đa số là ” Vọng Các công thần”( trừ ông Mậu là người cưu mang, bỏ tiền của ra nuôi lính cho Nguyễn-Ánh, được ông Ánh gọi bằng cha nuôi).

Ngoài ra, còn có một số nhơn vật nổi bật, như ngài Lễ-bộ Thượng-thơ Nguyễn-Đăng-Tam. Trước đó ông được sung vô Hàn-lâm-viện Biên-tu. Hay là vị Đốc-phủ Nguyễn-Đăng-Khoa giỏi văn chương, sống đạo đức.

Hay vị trí thức lão thành xứ Sa-Đéc, ông Nguyễn-Đăng-Trường, môn sanh của ông kể ra toàn bực danh tiếng: Bác-vật Lang, Bác-vật Lương-văn-Mỹ, Bác-sĩ Lê-Quang-Trinh, Tấn-sĩ Nguyễn-Thành-Giung, 2 vị Chánh-án Nguyễn-Xuân-Quan, Nguyễn-Xuân-Giác…

Sa Đéc còn là quê vợ và là nơi sanh sống hành nghề của ông Đặng-Thúc-Liêng. Chí-sĩ Nguyễn-Quang-Diêu cũng là người con Sa-Đéc, chỗ nầy nói rõ chút: ông Diêu sanh tại Cao-Lãnh, mà Cao-Lãnh khi đó là 1 huyện của Sa-Đéc.
Tức nhiên không thể bỏ qua nhà Bác-vật đầu tiên của Việt-Nam, cụ Lưu-Văn-Lang. Bác-vật là để gọi những người đậu Kỹ-sư bên Pháp về. Ông nổi tiếng thông minh, học giỏi. Năm 17 tuổi được cấp học bổng sang Pháp học trường Cao-đẳng.
Năm 1904 ông thi đậu, xếp hạng 8/250 Thí sanh, là vị Bác vật đầu tiên của Việt-Nam. Chi tiết về ông xin để dành viết riêng 1 bài khác.

Sang thời hiện đại, Sa Đéc lại vinh dự có bà Huỳnh Thị Thủy Tiên, là người phụ nữ đầu tiên đậu bằng Dược-sư tại Đại-học Paris. Bà Thủy Tiên là vợ của Tấn-sĩ Nguyễn-văn-Lễ. Trước 1975 bà quản lý các phòng bào chế dược tại 1 bịnh viện bên Mỹ.

Về các di tích lịch sử, nếu có điều kiện tui sẽ viết lai rai ra, như: Bửu-Hương-Tự, chùa ” Hộ pháp đánh quỷ”, chùa cổ Phước Thạnh, Bảo Tiền Bảo Hậu….

Về đặc sản địa phương, thì chiếu Sa-Đéc là 1 sản phẩm có tiếng được dân Lục tỉnh ưa chuộng suốt thời gian dài. Gạch ngói Sa-Đéc lừng danh, thậm chí được đem đi tham dự Đấu xảo tại Hanoi năm 1923.

Ngoài ra nghề thợ bạc Sa-Đéc thậm chí đã đem các sản phẩm nữ trang qua châu Âu dự Hội chợ triễn làm 3 lần, lần nào cũng được khen và trao Huy-chương.

Các nghề: làm pháo bông, trồng kiểng, làm hình nổi trên lụa, đồ chưng cộ, chưng quả tử… và có lẽ bánh phồng tôm là vang danh nhứt.

Bánh phồng tôm xứ Sa Đéc có trên chục lò, thương hiệu. Riêng bánh phồng tôm hiệu Sa Giang do ông Lê Minh Triết lập ra là tiếng vang xa nhứt, đến ngày nay vẫn còn vang vọng.

Bánh phồng tôm Sa Giang nguyên liệu gồm có: tôm tươi, lột vỏ bỏ đầu, bột khoai mì, gia vị, hột vịt, bột nổi… những thứ nầy đã tạo ra cái bánh phồng thơm ngon nức tiếng.

Còn đây là hai ” đặc sản” riêng của xứ Sa Đéc, không nơi nào có được:

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.

Cao Lãnh như đã nói, trước khi được tách ra nhập làm tỉnh Kiến Phong, thì vốn là 1 huyện thuộc Sa Đéc. Gà Cao Lãnh nổi tiếng đẹp mã, lỳ đòn, đá hay và không bỏ chạy bậy bạ.

Gái Nha Mân đẹp có tiếng một thời, có lẽ yếu tố thổ nhưỡng quyết định phần nào. Xứ Nha Mân nước ngọt, sông rạch bao quanh, vườn tược xum xuê mát mẻ. Gái Nha Mân môi đỏ da trắng hồng, đẹp người đẹp nết. Trước đây con nhà giàu tử tế trên thành phố hay xuống đây kén vợ.

Tham khảo: Địa chí hành chánh các tỉnh Nam kỳ, Sử Cao Miên, Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam, Sa Đéc xưa và nay, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ.
Nguồn:Nam kỳ đất cũ người xưa

đồng thápmền tâynam kỳsa đéc
Comments (0)
Add Comment