Trương Vĩnh Ký và nguồn gốc của địa danh Saigon

Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6 tháng 12 năm 1837 trong một gia đình Công giáo tại làng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), tên khai sinh là Trương Chánh Ký, về sau đổi là Trương Vĩnh Ký, tự là Sĩ Tải, tên thánh là Jean Baptiste Pétrus. Mồ côi cha rất sớm, Trương Vĩnh Ký lần lượt được các linh mục như Cố Tám, Cố Long nuôi dưỡng, dạy dỗ. Ông học tại tiểu chủng viện Cái Nhum (nay thuộc Bến Tre) do linh mục Borelle (cố Hoà) cai quản. Năm 1851, ông đi học tại đại chủng viện Poulo-Penang ở Mã Lai. Ông được học với nhiều thầy giỏi và tiếp xúc với bạn học đến từ nhiều nước khác nhau. Với trí thông minh phi thường và tinh thần cần cù hiếm thấy, ông luôn là một học sinh xuất sắc, lúc mới 22 tuổi đã có thể sử dụng thành thạo 15 ngôn ngữ phương Tây và 11 ngôn ngữ phương Đông.

Năm 1858, đô đốc Rigault de Genouilly gửi tối hậu thư cho quan trấn thủ Đà Nẵng, buộc phải nộp các thành và pháo đài cho Pháp trong vòng 2 giờ. Tổng đốc Nam – Ngãi Trần Hoằng có trong tay 3.000 quân đã án binh bất động. Chưa đến hạn cuối cùng, Genouilly đã ra lệnh khai hỏa các đại bác trên các tàu chiến bắn xối xả vào thành An Hải và thành Điện Hải.

Trương Vĩnh Ký rời đại chủng viện Poulo-Penang ở Mã Lai, về Cái Mơn chịu tang mẹ rồi vào chủng viện làm việc cho linh mục Borelle. Năm 1860, ông làm thông ngôn cho giám đốc bản xứ sự vụ Boresse.

Năm 1861, Pháp chiếm toàn tỉnh Gia Định, đánh Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Long. Đô đốc Charner bắt đầu xây dựng bộ máy cai trị Nam Kỳ rồi năm 1862, Hoà ước Nhâm Tuất được ký kết, triều đình nhà Nguyễn nhượng 3 tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn cho Pháp. Năm 1863, phái bộ do Phan Thanh Giản làm chánh sứ, Phạm Phú Thứ làm phó sứ, sang Pháp xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn thứ nhất cùng đi với phái bộ Phan Thanh Giản. Năm 1864, ông được cử làm giám đốc Trường Thông Ngôn (Collège des Interprètes). Năm 1867, Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự vẫn.

Năm 1869, ông được cử làm chủ bút tờ Gia Định báo thay Ernest Potteau và năm 1872, ông được cử làm giám đốc Trường Sư Phạm. Năm 1873, Trường Hậu Bổ (Collège des Stagaires) được thành lập và năm sau, ông được bổ nhiệm làm giáo sư trường Hậu Bổ, dạy tiếng Việt và chữ Nho. Năm 1874, Hoà ước Giáp Tuất được ký kết, Việt Nam công nhận toàn bộ Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp. Pháp công nhận An Nam (Bắc Kỳ và Trung Kỳ) độc lập, không thần phục Trung Quốc nữa. Năm 1876, ông đi Bắc Kỳ quan sát tình hình tôn giáo và chính trị, viết “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” và một báo cáo cho Thống Đốc Nam Kỳ.

Năm 1882, Pháp đánh Hà Nội lần thứ hai, Hoàng Diệu tự vẫn. Pháp đánh các tỉnh miền Bắc (Nam Định, Hải Phòng) rồi đánh chiếm Đà Nẵng và cửa biển Thuận An. Vua Tự Đức mất. Năm 1883, Hoà ước Quý Mùi (Harmand) và năm 1884 Hoà ước Giáp Thân (Patenôtre) được ký kết. Năm 1886, ông ra Huế, gia nhập Cơ Mật Viện từ tháng 4 đến tháng 9. Năm 1890, ông về hưu rồi qua đời tại Chợ Quán vào ngày 1 tháng 9 năm 1898.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết: “Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên bàn về nguồn gốc địa danh Saigon một cách cẩn trọng nhất”. Trương Vĩnh Ký cho biết: “Saigon là tên xưa đặt cho thành phố Hoa kiều bây giờ. Theo tác giả ‘Gia Định thành thông chí’, Sài là mượn tiếng viết theo chữ Hán có nghĩa là củi gỗ (để đun đốt); gòn là tiếng Nam chỉ bông gòn hoặc cây bông gòn. Người ta nói rằng tên đó phát sinh bởi sự kiện nhiều cây bông gòn do người Cao Miên đã trồng chung quanh những đồn đất xưa của họ, mà dấu vết nay vẫn còn ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận. Theo ý tôi, hình như tên đó là của người Cao Miên đặt cho xứ này, rồi sau đem làm tên thành phố. Tôi chưa tìm ra được nguồn gốc đích thực của tên đó…” (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs – Conférence faite au Collège des Interprètes).
“Souvenirs historiques sur Saïgon et ses environs” (Ký ức lịch sử về Sài gòn và các vùng phụ cận” là một bài diễn thuyết của Trương Vĩnh Ký tại trường Thông ngôn và được in lại trong tập san Excursions et Reconnaissances (Du ngoạn và Thám sát) năm 1885.

Câu vừa trích được in ra năm 1885, nhưng đây là bài diễn thuyết của Trương Vĩnh Ký tại Trường Thông ngôn trước đó khá lâu vì từ năm 1872, Trường Thông ngôn đã giải thể (Trương Vĩnh Ký làm giám đốc trường này từ năm 1866 đến năm 1868). Trương Vĩnh Ký “chưa tìm ra được nguồn gốc đích thực của tên đó”. Nhưng khi xuất bản sách ‘Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ’ vào năm 1875, Trương Vĩnh Ký đã công bố một danh sách đối chiếu 187 địa danh Việt – Miên ở Nam Kỳ, trong đó có 57 tên thị trấn như Saigon là Prei Nokor, Bến Nghé là Kompong Krabei, Cần Giờ là Srock Canco, Gò Vấp là Kompap…” (Địa chí văn hóa TP.HCM, tr. 223).

Từ nhận định ban đầu của Trương Vĩnh Ký về sự tương ứng giữa địa danh Saigon và Prei Nokor, các nhà nghiên cứu về sau này như Nguyễn Đình Đầu và Lê Trung Hoa đã phân tích và chỉ rõ địa danh Saigon từ Prei Nokor mà ra. Nguyễn Đình Đầu viết: “Nếu Bến Nghé là địa danh dịch nghĩa vì Krobey (hay Krabei) là con nghé, thì Saigon lại là địa danh phiên âm. Quá trình tìm ra cách đọc cho đúng địa danh Khmer là: Prei Nokor nên gọi Prei Nagaram (Nagaram trong tiếng Pali có nghĩa là “thành”) hoặc Prei Nagara hay Brai Nagar. Nếu Brai Nagar được đọc tắt cho hợp với thể độc âm của người Việt thì thành Rai N’ Gar hoặc Rai Gar hay Rai Gor, đo đó từ Rai Gor đến Rai Gon không còn xa nhau lắm. Có lẽ giả thuyết tên Saigon được lấy âm từ các tiếng Khmer Prei Nokor, Prei Nagaram, Prei Nagara rồi Brai Nagar là đáng tin hơn cả…” (Địa chí văn hóa TP.HCM, tr. 224).

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Trương Vĩnh Ký, tác phẩm “Souvenirs historiques sur Saïgon et ses environs” và Phụ lục “Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ” có chữ Saigon-Prei Nokor

học giảnam kỳsài gòntrương vĩnh ký
Comments (0)
Add Comment