Trường Sa và “Yêu em giữa đời quên lãng”

Huỳnh Duy Lộc

0 1,268

Trường Sa tên thật là Nguyễn Thìn, sinh năm 1940 tại Ninh Bình, năm 1954 di cư vào Nam, thời niên thiếu ở nhiều nơi như Nha Trang rồi Thủ Đức (Sàigòn) vì phải theo cha là một quân nhân thuyên chuyển nhiều lần. Năm 1962, ông gia nhập Hải Quân, tốt nghiệp khóa 12 sĩ quan Hải quân, làm hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa (bút danh Trường Sa khi viết nhạc được chọn vào thời gian này) rồi phục vụ trong Giang đoàn 63 Tuần thám. Sau những cuộc hành quân đầy hiểm nguy, ông dành thời gian cho niềm đam mê âm nhạc, viết các ca khúc thời chiến như “Một lần xa bến”, “Hành trang giã từ”, “Chuyện người đan áo”, nhưng sau đó, với sự khích lệ của nhạc sĩ Từ Công Phụng, bắt đầu chuyển sang viết tình ca. Năm 1967, từ một cuộc tình tan vỡ, ông viết những nốt nhạc đầu tiên của ca khúc “Rồi mai tôi đưa em” mà phải 2 năm sau mới hoàn tất. 2 bản tình ca ra mắt 2 năm sau đó là “Xin còn gọi tên nhau” (1969) và “Mùa thu trong mưa” viết chỉ trong vài tiếng đồng hồ khi cảm xúc đang dâng trào.

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thuở ấy đang rất nổi tiếng với những bản tình ca, đã có cảm nhận khi nghe những nhạc phẩm của Trường Sa như “Rồi mai tôi đưa em”, “Xin còn gọi tên nhau” và “Mùa thu trong mưa” là “yêu ngay cái nét nhạc dịu dàng như dòng suối nhỏ lượn quanh khu vườn yên tĩnh, rồi bất chợt trỗi lên như cơn bão nổi, ngập tràn đau thương”.

Đến thập niên 1970, ông tiếp tục viết các ca khúc như “Một mai em đi” (1973) khi đóng quân tại căn cứ Trà Cú trên sông Vàm Cỏ Đông, “Ru em một đời”, “Như hoa rồi tàn” và “Sầu biển”, ca khúc được phổ biến rộng rãi trong hàng ngũ Hải quân để gom góp tiền ủy lạo gia đình Trung tá Ngụy Văn Thà tử trận trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông lên một chiến hạm đến đảo Guam, nhưng không tìm thấy gia đình nên xin Cao Uỷ tỵ nạn Liên Hiệp Quốc can thiệp cho trở về Việt Nam bằng tàu. Về tới Việt Nam, ông phải học tập cải tạo tại Phú Khánh và Nghệ Tĩnh đến năm 1984. Năm 1986, khi được trả tự do, ông vượt biên và bị bắt giam 2 năm. Đến năm 1989, ông vượt biển lần thứ hai thành công, tỵ nạn ở trại Pulau Bidong, Malaysia rồi sang định cư ở Canada. Trên miền đất tự do, Trường Sa viết nhạc trở lại sau 15 năm bị gián đoạn. Ngoài thời gian làm việc tại một công ty xe hơi, ông sinh hoạt thường xuyên trong Hội Hải quân Việt Nam Cộng hòa tại Canada và tham gia sinh hoạt văn nghệ.

Trường Sa đã chia sẻ về công việc sáng tác ca khúc và những nhạc phẩm đã ra mắt trong gần 40 năm qua: “Là một sĩ quan Hải quân Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trước bối cảnh lịch sử, tôi đã viết một số ca khúc đại chúng trong thời gian 1965-1966 như “Hành trang giã từ”, “Chuyện người đan áo”, “Một lần xa bến”, “Trên đường về thăm em”… Sau năm 1966, tôi chuyển hướng, chỉ viết tình ca. Hầu hết các ca khúc đều buồn, từ chuyện tình cảm mất mát. Từ năm 1967-1969, những ca khúc tôi viết tại Sàigòn và được Lệ Thu thu thanh đầu tiên là “Xin còn gọi tên nhau”, “Rồi mai tôi đưa em” và “Mùa thu trong mưa”. Nhạc phẩm “Một mai em đi” tôi sáng tác năm 1973, khi đơn vị của tôi đóng quân ở đồn Trà Cú, cũng do Lệ Thu thu thanh đầu tiên. Ngoài ra, nhiều nhạc phẩm khác của tôi cũng được những ca sĩ khác trình bày như “Tàn tạ” (Thái Thanh), “Ru em một đời” (Sĩ Phú). Sau năm 1975, tôi sáng tác những ca khúc như “Xin yêu nhau dù mai nữa”, “Mùa xuân sao chưa về hỡi em?”, “Những mùa thu qua trên cuộc tình tôi”, “Khi chuyện tình đã cuối”, “Bản tình ca cho kỷ niệm”, “Paris em về”, “Một thoáng mơ phai”, “Sài gòn ơi tôi còn em đó”, “Thu vẫn qua đây mình ta” và “Hạnh phúc hôm nay”. Viết một ca khúc, trước hết mình đã phần nào là một người làm thơ và mình cũng phải có một giác quan rất bén nhạy mới có thể tạo ra được những chuỗi âm thanh hài hòa để người nghe cùng rung động với tâm tư của mình”.

“Yêu em giữa đời quên lãng” là một ca khúc buồn về một tình yêu đã đến vào một mùa xuân có “trời xanh cỏ biếc”, ngày rực rỡ với nắng hôn trên tóc người yêu và bàn tay khẽ nắm của nàng đã mang lại khoảnh khắc bình yên không thể nào quên. Nhưng mùa xuân ấy rồi cũng qua, mây đã bay về cuối trời, anh thẫn thờ đi tìm lại màu hoa cài trên tóc của người yêu và màu nắng rực rỡ của một ngày đã thật xa nàng đã cho anh biết thế nào là hạnh phúc tột cùng trong tình yêu. Tình yêu anh mãi đi tìm suốt một đời đã đến, nhưng những ngày hạnh phúc thật ngắn ngủi, chỉ còn lại niềm đau vì xa cách, nhưng anh đã biết tình yêu say đắm vẫn luôn là thế, sẽ còn mãi giữa đời lãng quên.

YÊU EM GIỮA ĐỜI QUÊN LÃNG

Mùa xuân nơi đâu, trời xanh cỏ biếc
Tình có là nắng hôn tóc em mềm
Bàn tay nhung êm có níu tình tôi
Qua bến yêu đương mấy thuở bên người.
Mùa xuân nơi đâu người ơi tìm mãi
Màu hoa nào thắm trên tóc em cài.
Dìu hồn tôi say trong giấc hồn nhiên
Theo bước chân em cuối trời lãng quên
Quên sao nắng vẫn ghen màu mắt,
Và môi ấy vẫn quen hờn dỗi
Xin một lần tình chia ngọt bùi
Cho một lần hạnh phúc rã rời.
Tình vui đời có bên nhau
Tình đau đời cách chia nhau
Xin em năm ngón dìu bước qua mau
Mùa xuân nơi đâu hỏi em còn nhớ
Ngày tháng nào đó ta đã yêu người
Nụ hồng môi xưa thôi cũng tàn dư
Mây cũng mây bay xuôi về cuối trời.
Người cho tôi biết tình yêu là thế
Là không hẹn đến nhưng mãi đi tìm.
Là bài thơ yêu say đắm triền miên
Nên mãi yêu em giữa đời lãng quên.
Ca khúc “Yêu em giữa đời quên lãng” với giọng ca Diệu Hiền:

Ca khúc “Yêu em giữa đời quên lãng” với giọng ca Diệu Hiền: https://youtu.be/J6Yn8Fwdk4c
Ca khúc “Yêu em giữa đời quên lãng” với giọng ca Ngọc Anh: https://youtu.be/jZZXAiLKW_Q
Ca khúc “Yêu em giữa đời quên lãng” với giọng ca Lệ Thu: https://youtu.be/yBWpCuKeG04
Ảnh: Nhạc sĩ Trường Sa.
HUỲNH DUY LỘC (Từ trang facebook và có sự đồng ý của tác giả)

Leave A Reply

Your email address will not be published.