Tòa án Việt Nam xử nặng người ở Tịnh thất Bồng Lai vì những quy kết mơ hồ

TVN

0 548

Tối 21-7, hội đồng xét xử phiên sơ thẩm TAND huyện Đức Hòa, Long An đã tuyên phạt ông Lê Tùng Vân (90 tuổi), người tu hành trong Tịnh thất Bồng Lai mức án 5 năm tù.

3 người khác Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) cùng mức án 4 năm tù.

Ông Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) mức án 3 năm 6 tháng tù và bà Cao Thị Cúc (62 tuổi) mức án 3 năm tù.

Tất cả đều cùng tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa đưa ra 22 điểm tranh luận tập trung xoay quanh các luận điểm cho rằng tòa đã triệu tập thiếu người, trình chiếu dữ liệu không còn nguyên bản, xung đột trong vai trò của bị hại là Công an huyện Đức Hòa, xung đột trong tư cách tố tụng của Sở Thông tin – truyền thông, có sai phạm trong công tác giám định tư pháp, thu thập giám định, có dấu hiệu xâm phạm tư pháp…

Các bị cáo khi tranh luận cũng bác bỏ hết các quan điểm viện kiểm sát nêu ra, cho rằng mình không tu theo đạo nào mà chỉ thần tượng, tôn sùng và “chỉ tu theo sư phụ” là ông Lê Tùng Vân, không tham gia tạo dựng các clip như cáo buộc.

Do sức khỏe không tốt, ông Vân vắng mặt trong phiên tòa buổi sáng. Tại phiên tòa buổi chiều, ông cho rằng mình là người đã lớn tuổi nên không thể làm gì nên tội, không tu theo đạo nào mà chỉ muốn phát huy tố chất “nhân tài” của gia đình, không xúc phạm ai.

Ông Lê Tùng Vân cũng bác việc bị cáo buộc mình là người cầm đầu vì cho rằng các bị cáo khác đều đã lớn, không hoàn toàn làm theo những gì mà bị cáo nói.

Trong phiên tòa khi được hỏi vì sao không đăng ký việc tu hành, ông Lê Tùng Vân trả lời: Vì giáo hội Phật giáo Việt Nam không xứng đáng nên không đăng ký.

Được biết ông Lê Tùng Vân sinh năm 1932 (ghi sai khai sinh, ghi đúng là năm 1938) tại Châu Đốc, An Giang trong một gia đình Nho học có đông anh chị em, cha là nhà thơ Lê Văn Tất (1917- 1964). Lê Văn Tất có bút hiệu Thần Liên, từng là bạn thân của Hàn Mạc Tử, đồng thời giữa nhà văn Nhất Linh, nhóm Tự Lực văn đoàn và Thần Liên có mối giao tình qua mến mộ thơ văn với nhau. Về cuối đời Thần Liên Lê Văn Tất thành lập “Bạch Hoa Viên” ở Núi Sam, Châu Đốc để sáng tác thơ ca, vẽ tranh và viết một số tác phẩm về đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Lê Văn Tất còn có mối quan hệ mật thiết với tổ chức Thông Thiên Hội tại miền nam Việt Nam (thời VNCH).

Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông Lê Tùng Vân từng là tỉnh hội trưởng Bửu Sơn Kỳ Hương ở An Giang.

“Tịnh thất Bồng Lai”, còn có tên khác là “Thiền am bên bờ vũ trụ”, là một cơ sở tu tại gia, tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Việt Nam.

“Tịnh thất Bồng Lai” vốn có tiền thân là “Trại dưỡng lão cô nhi Thánh Đức” được ông Lê Tùng Vân, một người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, thành lập vào năm 1990 trên một mảnh đất rộng 1 ha, bao gồm rất nhiều chòi lá nhỏ…

Dù không có chứng cứ thuyết phục thế nào là lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tòa vẫn tuyên án.

“…Xin ông chủ tọa nhớ cho, những gì diễn ra tại phiên tòa hôm nay sẽ là lịch sử mai sau…”. – Lời nói sau cùng của Lê Thanh Trùng Dương (sinh năm 1995), tại phiên tòa vụ án Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền Am, chiều ngày 21/7/2022.

Vụ án này được cộng đồng mạng và các luật sư cho răng nguyên nhân chính là từ ông Thích Nhật Từ, một chức sắc tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, đang sống tại Sài Gòn viết trên trang cá nhân của mình, chỉ ra nguyên nhân vì sao những người tu hành này phải bị vướng vào lao lý:

Trong tất cả những người bị đưa ra tòa ở Long An mấy ngày cuối tháng Bảy, người được quan tâm nhất, có lẽ là ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi. Và với cái án 5 năm trong điều kiện nhà tù Việt Nam mà ai cũng biết, không chắc ông sống được đến 5 tháng. Án tù của ông Vân cũng treo lơ lửng trên mọi bảng vàng khắc tên ở trước cửa vào chùa lạy Phật hôm nay.

Từ đầu ai cũng có thể nhìn thấy sát khí từ đơn tố cáo của Thích Nhật Từ và Tòa án ở Long An đều nhắm vào ông Lê Tùng Vân là chính. Ở trước tòa ông Lê Tùng Vân đã nói những lời rất khẳng khái và thành thật về cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà ông Thích Nhật Từ đang đại diện và thao túng. Có lẽ đẩy ông Vân vào tù thành công, nhưng tuyên bố sấm động “Giáo hội không xứng đáng thì tôi không vào”, sẽ là lời nhắc của công chúng về ông Lê Tùng Vân, mãi về sau.

Toà xử những người sống trong Tịnh thất Bồng Lai (những người còn lại liên quan đến con bò, mỗi người 4 năm tù) vì xúc phạm ông Thích Nhật Từ do ví ông ta với con bò. Chuyện này sẽ trở thành tiền lệ pháp và hình thành quy chuẩn xã hội bi hài: bắt đầu từ bây giờ, việc trò chuyện và so sánh con người với con vật, sẽ khiến bất cứ ai cũng có thể đi tù.

Thậm chí, án lệ có thể bất chấp cả chuyện trong bộ dạng con người, có những kẻ còn thua con vật. Có vậy mới thấy, con vật lại đôi lúc được tạo cơ hội trở nên cao đẹp biết bao.

Bất cứ ai ở Việt Nam, giờ đây cũng có thể bị đội một bản án lên đầu, tương tự như ông Lê Tùng Vân. Mà tội danh thì là một cách gọi mơ hồ vô thực như tên gọi của một thẩm phán, luật sư, thầy tu…

Tòa Long An lâu nay đã tạo nhiều cột mốc trong lịch sử thế giới về tư pháp tại Việt Nam. Hôm nay lại là một cột mốc độc đáo. Bởi Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên mà trong các giao tiếp xã hội, việc so sánh người và thú vật đều có thể dẫn đến án tù bằng điều 331 mơ mơ hồ hồ “lợi dụng tự do dân chủ”. Đây cũng là phiên tòa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, người ta nhìn thấy toàn bộ công lực xã hội của một nhà nước như ráo riết đứng về phía bảo vệ kẻ có nhân dạng như thầy tu, giúp giải thoát việc liên quan đến hình hài một con bò.

Giờ thì các bà mẹ ông bố cũng nên cẩn trọng trong việc mắng con cái, đại loại với câu “mày ăn như mèo” hay “sao mày cáu bẳn như chó”, những thứ đó hôm nay chính thức được quan thầy của thời xưng danh Phật Giáo – đạo pháp – xã hội chủ nghĩa tạo tiền đề oanh liệt, có thể khiến họ ở tù bất cứ lúc nào.

Chúng ta không phải là loại quyền thế để đặt tội trạng cho người già, con trẻ vào tù, nên chúng ta chỉ có thể cùng nhau lan truyền để án lệ này mãi mãi sống động trong lịch sử con người Việt Nam, về một thời đại mà những kẻ mượn áo Phật, dựa lưng vào thế quyền để xô đẩy chúng sinh không chịu bị mê hoặc vào khốn cùng.

Bản án này cũng có thể gọi tên gắn gọn là chuyện “thích nhật từ và Bò”. Chữ Bò xin được viết hoa bằng cả sự trân trọng.

Leave A Reply

Your email address will not be published.