Cuộc đời đức Tả quân Lê Văn Duyệt, công lớn với phương Nam

TVN

0 551

Hàng năm, tại Sài Gòn, vào các ngày 30/7 và 1/8 âm lịch, người dân và chính quyền đều tổ chức trang trọng Lễ giổ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Năm nay Lễ giỗ lần thứ 190 Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt diễn ra từ ngày 26 đến 28-8, tại Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt, quân Bình Thạnh, Sài Gòn.

Lễ giỗ thực hiện theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn gồm: nhạc lễ, lễ sanh, đào thái và ban tế. Lễ phẩm cúng giỗ là trà, rượu, trầu cau, bánh Gia Định xưa, cùng các vật phẩm trái cây Nam Bộ.

Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832), là bậc đại khai quốc công thần triều Nguyễn, phục vụ hai đời vua Gia Long và Minh Mạng, người có công mở mang bờ cõi, gìn giữ đất nước.

Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832) là một nhân vật có tài kinh bang tế thế hiếm có của triều Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX. Ông là người có công rất lớn trong việc gây dựng và phát triển vùng đất Gia Định hưng thịnh, trù phú.
Tả Quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764, trong một gia đình nông dân tại làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ông nội của ông từ làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) vào đây sinh sống.

Từ thuở nhỏ, ông đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, nhanh nhẹn, giỏi võ thuật. Tuy ngoại hình thấp bé, không được học hành nhiều nhưng ông lại mang trong mình hoài bão lớn: ‘Làm trai sinh ở thời loạn, nếu không trở thành đại tướng cầm quân, công danh được ghi vào sử sách thì sao xứng là kẻ trượng phu’.

Lê Văn Duyệt theo chúa Nguyễn Phúc Ánh từ lúc 17 tuổi. Ông vốn được sung làm thái giám, công việc nội đình làm rất giỏi nhưng tài đánh trận cũng không thua kém ai. Cuộc đời binh nghiệp của ông thăng tiến rất nhanh, ông đã được thăng lên chức Tả quân, trở thành một vị tướng chủ lực, quan trọng nhất dưới thời chúa Nguyễn.

Chiến công lớn nhất của ông là trận đánh tan hải quân nhà Tây Sơn ở cửa Thị Nại (Quy Nhơn) vào năm 1801. Trận đánh này được ghi vào sử nhà Nguyễn là ‘Trung hưng đệ nhất võ công’ (Võ công oanh liệt nhất của công cuộc trung hưng nhà Nguyễn).

Nhờ lập nhiều công lao nên khi Nguyễn Ánh lên ngôi với hiệu Gia Long, Lê Văn Duyệt được liệt vào hàng đệ nhất khai quốc công thần với nhiều đặc ân. Ông được vào chầu vua không phải lạy (nhập triều bất bái) và được đặc quyền chém trước tâu sau (tiền trảm hậu tấu) nơi biên thùy.

Năm 1812, ông được phong làm Tổng trấn Gia Định, bảo hộ nước Chân Lạp (Campuchia). Vào năm 1820, dưới thời vua Minh Mạng, ông lại được cử làm Tổng trấn Gia Định lần thứ hai. Tại đây, ông không chỉ giữ vững bờ cõi phía Nam đất nước mà còn chăm lo phát triển kinh tế, đời sống nhân dân, được nhân dân tin yêu, mến phục.

Năm 1832, Tả quân Lê Văn Duyệt mất sau một cơn bạo bệnh, thọ 69 tuổi, lúc đang đương chức.

Tuy công danh bậc nhất một thời nhưng Lê Văn Duyệt lại phải chịu một cái án đau xót. Người con nuôi của ông là Lê Văn Khôi (do bất mãn với việc viên quan Bố chánh Bạch Xuân Nguyên truy xét các tôi tớ của Lê Văn Duyệt) đã khởi binh chống lại triều đình. Cuộc nổi dậy bị đàn áp trong biển máu.

Lê Văn Duyệt dù đã mất nhưng vẫn bị truy với nhiều tội danh. Ngôi mộ của ông bị san phẳng và dựng bia đá chịu tội. Mãi tới đời vua Thiệu Trị (1841) thì vụ án mới được xét lại, và ông mới được phục hồi danh dự.

Hai lần làm tổng trấn thành Gia Định, Tả quân coi cả quân và dân trọn vùng Nam kỳ, quyền uy rất lớn. Ông một lòng trung nghĩa, hành sự nghiêm minh, đối xử công bằng nên lòng người kính phục. Ông cũng thể hiện mình là nhà chính trị sắc sảo, có tư duy làm kinh tế, để lại dấu ấn lớn trong việc khai phá, mở rộng và phát triển vùng đất phương Nam.

Ông còn khéo léo mở rộng giao thương với các nước, thu hút người phương Tây đến buôn bán, khuyến khích dân Hoa kiều nhập cư vào đất Gia Định để phát triển thương mại. Thời kỳ này, nhiều tàu buôn của các nước cập bến Gia Định để mua bán, khung cảnh buôn bán nhộn nhịp trên bến dưới thuyền bậc nhất nước ta lúc bấy giờ.

Ông còn thể hiện ở cách thi hành luật pháp, nghiêm trị tham quan, phường trộm cướp; quan tâm chăm lo đời sống người dân và binh sĩ. Cách đối nhân xử thế của ông khiến lòng người ai cũng kính phục, gọi ông là Ông Lớn Thượng, là Thượng Công. Ông đã thành lập 2 cơ quan từ thiện để rèn luyện võ nghệ và dạy chữ nghĩa cho nhiều trẻ em. Thời gian cai quản Gia Định, Tả quân Lê Văn Duyệt còn nổi tiếng với những thú vui, như trò voi đấu hổ, chọi gà… Ngoài ra, ông còn có những thú vui tao nhã là thích hòa mình giữa thiên nhiên cây cỏ, nghe hát tuồng.

Năm 1822, Crawfurd người cầm đầu Phái bộ ngoại giao của toàn quyền Ấn Độ ghé vào Bến Nghé và Gia Định đã tả đời sống của Gia Định như sau: ‘Lần đầu tiên tôi đến Bến Nghé, tôi bất ngờ thấy rằng nơi đây không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hoá phong phú hơn, giá cả hợp lý và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng…’

Phan Thanh Giản, một vị quan chính trực, thanh liêm thời bấy giờ cũng phải thốt lên lời khen ngợi: ‘Gia Định này thật có phúc mới gặp được một Tổng Trấn như đại quan. Tôi ở Kinh Thành, ở Bắc Thành vào Gia Định thấy như đi qua một nước khác. Ở dọc sông thì trên bến, dưới thuyền, ghe thuyền san sát, lúa gạo nghìn nghịt. Vải vóc, đồ thau, đồ đồng, đồ sứ, đồ gốm, thảo mộc quý, quế, trầm, hồi thật là không thiếu thứ gì. Trên đất liền, nhà cửa phố xá san sát, khang trang. Đường đi lại lát gạch, lát đá sạch sẽ mát mắt…’ .

Lê Văn Duyệt được ca ngợi là một Tổng trấn tài năng đức độ, vừa trị an xứ sở vừa chăm lo đời sống nhân dân.

Từ năm 1914 đến 1974, toàn khu vực lăng mộ ông được xây dựng hoàn chỉnh, dân thường gọi là Lăng Ông. Do vị trí Lăng Ông nằm ở khu vực Bà Chiểu (địa chỉ ngày nay là số 1, Vũ Tùng, phường 1, quận Bình Thạnh) nên người dân quen gọi chung là Lăng Ông – Bà Chiểu. Quần thể công trình đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1989.

Sau năm 1975, chế độ mới, vốn bài xích nhà Nguyễn, đã xóa tên ông. Từ Lễ giỗ lần thứ 188 của ông diễn ra trong 3 ngày 16, 17 và 18-9 năm 2020 (nhằm ngày 29-7, 1 và 2-8 âm lịch) đoạn đường Đinh Tiên Hoàng cạnh lăng cũng được đổi lại mang tên Lê Văn Duyệt.

TV Tổng hợp

Leave A Reply

Your email address will not be published.