Đến AI tại Trung Quốc cũng phải ca ngợi chủ nghĩa xã hội

TVN

0 283

Trung Quốc trở thành nước đầu tiên ban hành các quy định đưa vào khuôn khổ việc phát triển trí tuệ nhân tạo như dạng ChatGPT. Ưu tiên của nước này là làm sao để các tác nhân hội thoại tôn trọng các « giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội », một khái niệm vốn dĩ đã khó nắm bắt.

Trí tuệ nhân tạo (AI) theo kiểu ChatGPT liệu có hòa đồng được vào trong chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc ? Câu hỏi này hàm chứa điều mà Bắc Kinh muốn. Hôm 26/04 vừa rồi, nhật báo Mỹ New York Times cho biết, chính quyền Trung Quốc vừa công bố các quy định mới để đưa vào khuôn khổ và tạo điều kiện phát triển công nghệ này với điều kiện phải tôn trọng chủ thuyết của chế độ Cộng sản.

Các biện pháp này, đã được trình lên các cấp cơ quan đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm 11/04. Như vậy Trung Quốc là nước đầu tiên áp đặt các quy định cho lĩnh vực theo kiểu ChatGPT, công cụ hội thoại bằng trí tuệ thông minh do công ty OpenAI triển khai, đã gây tiếng vang lớn ngay khi xuất hiện.

Sợ trí tuệ nhân tạo chệch hướng

Bắc Kinh muốn có phản ứng nhanh nhất bởi « cũng giống như ở mọi nước, các lãnh đạo Trung Quốc đã hiểu rằng công nghệ này có thể tác động sâu rộng trong xã hội », Guangyu Qiao-Franco chuyên gia về công nghệ mới xuất hiện tại Trung Quốc thuộc Đại học Radboud (Hà Lan) nhận định.

Với một chế độ vốn rất muốn kiểm soát dân chúng như Bắc Kinh thì không thể có chuyện để các tác nhân thoại tự động được hoàn toàn tự do. Nhất là Bắc Kinh đã biết được phần mềm hội thoại tự động như vậy cho kết quả ra sao. Hồi tháng đầu năm năm 2022, ChatYua, công cụ của Trung Quốc tương tự như ChatGPT đã bị rút khẩn cấp ngay sau khi trả lời rằng nền kinh tế Trung Quốc đang « trong tình trạng tồi tệ » và rằng xung đột tại Ukraina là cuộc « chiến tranh xâm lược của Nga », trong khi mà Trung Quốc vẫn sử dụng lại cách gọi của Nga đó là « chiến dịch quân sự đặc biệt ».

Những quy định mới nói trên là nhằm tránh trí tuệ nhân tạo đi chệch hướng. Cụ thể các công ty Trung Quốc triển khai các giải pháp thay thế cho ChatGPT phải bảo đảm là phần mềm của họ không tạo ra các nội dung kỳ thị, không xâm phạm quyền bảo vệ đời tư của người sử dụng internet, không truyền bá các thông tin giả, theo nhật báo South China Morning Post cho biết. Đó đều là những mối quan ngại của tất cả các chính phủ trên thế giới trước những thách thức mà trí tuệ nhân tạo đặt ra.

Nhưng điều 4 trong các quy định mới của Trung Quốc cũng hàm chứa nghĩa vụ phải thiết kế các công cụ trí tuệ nhân tạo biết «tôn trọng các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội ( theo kiểu Trung Quốc) ». Liệu đây có phải là một yêu cầu đưa trước tác của Mao Trạch Đông vào hộp thoại tự động (chatbot)?

Thực ra, theo chuyên gia Guangyu Qiao-Franco, “ có một danh sách các khái niệm thuộc các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội ». Người ta thấy ở đó các khái niệm như dân chủ, thịnh vượng, bình đẳng, công bằng, yêu nước, ý thức nghĩa vụ hay giá trị lao động.

Chỉ là làm hài lòng Tập Cận Bình ?

Thực sự đây là một mớ thập cẩm những giá trị lớn có thể được phần lớn các nước phương Tây chia sẻ. Nhưng từ đó rất khó để suy ra các quy tắc cần tuân theo về mặt phát triển các phần mềm cho một công cụ trí tuệ nhân tạo tương thích với cái “chủ nghĩa xã hội” đó. “Đúng là những khái niệm khá mơ hồ”, Guanyu Qiao-Franco nhận thấy.

Theo chuyên gia về chính sách kinh tế và công nghiệp Trung Quốc Xin Sun, thực tế, « cần phải tạo khái niệm cho những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, như một khái niệm bao trùm giúp chế độ có được sự linh hoạt nhất định về những điều được phép hay không ».

Trước sự phát triển nhanh chóng của một công nghệ như hội thoại trí tuệ nhân tạo, Bắc Kinh không biết bắt đầu kiểm duyệt từ đâu. Các « giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội » quá lờ mờ để có thể thích ứng trong mọi tình huống.

Việc dùng đến tham chiếu này khá là ngạc nhiên. Quả thực chính quyền đã ban hành các quy tắc về “quản trị đúng AI” vào năm 2019 và là một phần của “quy tắc đạo đức AI” vào năm 2021. Không có dấu hiệu nào về “giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội” trong hai trường hợp này.

Năm 2023, cơ quan quản lý quyết định định đi xa hơn. « Có thể họ lấy cảm hứng từ ông Tập Cận Bình, người hay dẫn ra các giá trị đó. Có thể đó là cách để cho lãnh đạo của họ thấy là họ học theo tấm gương của của ông », bà Guangyu Qiao-Franco nhận định.

Trong giả thuyết đó, AI sẽ tham gia vào ngày càng nhiều mảng của nền kinh tế đang chịu sự trở lại chi phối của ý thức hệ. Đó cũng đã là một trong những ưu tiên của chủ tịch Trung Quốc. Đây cũng là yếu tố không thuận lợi cho các công ty Trung Quốc đang muốn cạnh tranh với ChatGPT. Làm thế nào để tạo ra một công cụ AI « tương thích-xã hội » ? Chuyên gia Xin Sun cho rằng « trước hết phải tạo ra một bộ lọc ở đầu vào và đầu ra của phần mềm».

Chậm chân so với Hoa Kỳ ?
Sự kiểm duyệt kép này trước tiên sẽ biện minh cho việc sàng lọc thông tin từ cơ sở dữ liệu mà A.I sẽ rút ra để tìm câu trả lời. Sau đó, “có lẽ sẽ cần phải thiết lập một hệ thống xác minh các câu trả lời cuối cùng để đảm bảo rằng chúng không chứa bất kỳ điều gì trái với quy định”, Xin Sun giải thích.

Vẫn còn bí ẩn lớn về những công cụ AI này. “Vấn đề là chúng ta hoàn toàn không biết tại sao những chiếc máy này lại chọn câu trả lời này thay vì một câu trả lời khác dựa trên dữ liệu mà chúng tôi cung cấp cho chúng”, Joseph Sifakis, giám đốc nghiên cứu của Đại học Grenoble (Pháp) giải thích. Ông là người Pháp duy nhất được trao giải thưởng Turing ( một giải có thể gọi là Nobel về trí tuệ nhân tạo). Nói cách khác, không kỹ sư nào có thể đảm bảo 100% với đảng Cộng Sản Trung Quốc rằng chatbot của họ sẽ duy trì nghiêm ngặt trong khuôn khổ “giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội”.

Các chủ công ty của Trung Quốc đề nghị phải được biết rõ ràng cái gì họ được làm cái gì không được làm. Khái niệm mập mờ xung quanh các « giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội » buộc các công ty phải tiến hành hết sức thận trọng. Điều này khiến cho họ có thể bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh, đặc biệt là với các công ty Mỹ.

Như vậy chính quyền Trung Quốc tự đặt mình trước những mâu thuẫn của chính họ. Thực ra, trí tuệ nhân tạo nằm trong danh sách các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Bắc Kinh trong cuộc tranh giành vị trí dẫn đầu thế giới. Thậm chí còn là nhiệm vụ trọng tâm bởi chính quyền « coi trí tuệ nhân tạo như là điện, tức là một ngành công nghệ giúp phát triển lĩnh vực ưu tiên khác chẳng hạn như tự động hóa hay công nghệ sinh học… » Chuyên gia Guangyu Qiao-Franco nhấn mạnh.

Vậy là với những quy định mới Bắc Kinh đã tự bắn vào chân mình. Nó có nguy cơ làm chậm cải tiến trong một lĩnh vực quan trọng. Nhưng đồng thời các nước khác cũng sẽ suy tính cách thức tốt nhất để thiết lập quy chế cho lĩnh vực này.

Chính quyền và các nhà chuyên môn của lĩnh vực này còn cần phải thống nhất với nhau thế nào là một tác nhân hội thoại tương thích với chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Quốc. Đây sẽ là chủ đề của các cuộc tham khảo mà chính phủ dự định tiến hành với các tập đoàn Trung Quốc muốn lấn át ChatGPT. Ngoài Alibaba, Bách Độ (Baibu) hay Tencent, còn có rất đông những tập đoàn mạnh như thế.

(Nguồn france24.com)

Leave A Reply

Your email address will not be published.