Trong hai ngày 10 và 11/02/2025, Paris tổ chức thượng đỉnh lần thứ ba về Trí tuệ Nhân tạo AI, được cho là có thể mang lại các tiến bộ trong nhiều lĩnh vực của nhân loại. Tuy nhiên, giới chuyên gia và nhiều tổ chức phi chính phủ báo động về tác động tiêu cực của AI đối với môi trường : Lượng khí thải cacbon vượt xa những lợi ích sinh thái mà chúng có thể mang lại.
Điều thú vị là vấn đề này cũng được chính các trợ lý đàm thoại như Copilot, một công cụ AI của hãng Google hay như Mistral của Pháp nhìn nhận, « những máy chủ cho phép vận hành AI tiêu thụ nhiều năng lượng ».
Các đánh giá mới nhất của Cơ quan Chuyển đổi Sinh thái Pháp (Ademe) cũng cho thấy là Trí tuệ Nhân tạo « không hẳn là Sạch » cho môi trường. Gia tăng sử dụng AI, cụ thể là đối với những công nghệ có thể tạo văn bản và hình ảnh từ một trung tâm dữ liệu khổng lồ sẽ còn làm bùng nổ tiêu thụ năng lượng, phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Nguyên nhân là vì 60% năng lượng cung cấp cho các trung tâm dữ liệu, các siêu máy tính cực nhanh, là đến từ nhiên liệu hóa thạch.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE), được nhật báo Công giáo La Croix trích dẫn, lượng điện tiêu thụ cho việc sử dụng AI có khả năng tăng hơn gấp hai lần từ 460TWh (2022) – tức chiếm đến 2% lượng điện tiêu thụ toàn cầu – lên mức 1.000 TWh vào năm 2026. Ví dụ, một truy vấn trên ChatGPT ngốn năng lượng cao gấp 10 lần so với việc truy tìm thông thường trên Google.
Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng công cụ AI càng đa năng, thì càng phải dựa vào một trung tâm dữ liệu, như trường hợp của ChatGPT và công cụ tương tự. Hệ quả tất yếu là càng tiêu thụ nhiều năng lượng để có thể cho phép tạo ra một bài viết khoa học, một hình ảnh hay một đoạn vidéo… Đó là chưa tính đến khối lượng nước được sử dụng để làm mát các trung tâm dữ liệu luôn trong tình trạng bị quá nhiệt, hay như nhu cầu khai thác khoáng sản và đất hiếm cần thiết để chế tạo các siêu máy tính.
Ông Thomas Brilland, kỹ sư tại Ademe nhìn nhận đó chỉ là những ước tính, « khó thể đánh giá tác động môi trường thực sự của những công cụ AI » do sự thiếu minh bạch từ các nhà thiết kế, viện dẫn rằng đó « những thông tin bảo mật ». Tuy nhiên, các báo cáo mới nhất do Google và Microsoft công bố gần đây cho thấy lượng khí thải cacbon đã tăng mạnh do các hoạt động từ AI.
Việc doanh nghiệp DeepSeek của Trung Quốc đưa ra một mô hình AI tạo sinh mới có chi phí sản xuất thấp và nhất là có thể giảm tiêu thụ năng lượng đến 90% so với các đối thủ, đã thực sự đặt ra vấn đề : Nên phát triển những mô hình AI nào cho phép tối ưu hóa các nguồn lực nhưng vẫn có thể giữ được các cam kết phi cacbon hóa các mạng lưới điện tại các trung tâm xử lý dữ liệu ?
Phương trình này sẽ còn khó giải đáp hơn khi mà sự phát triển các thuật toán và lượng người sử dụng AI bùng nổ theo cấp số nhân. Chẳng hạn, theo kỹ sư Théo Alves Da Costa, đồng chủ tịch tổ chức phi chính phủ Data For Good, « ChatGPT giờ có đến 350 triệu người sử dụng mỗi tháng, tiêu thụ nhiều năng lượng hơn cả việc huấn luyện các mô hình vốn dĩ trước đây từng ngốn nhiều điện năng ».
Nhiều giải pháp thay thế như AI « đơn giản », mô hình nhỏ hơn, với các chức năng chuyên biệt và do vậy ít tiêu hao năng lượng hơn bắt đầu xuất hiện. Những mô hình có thể « ấn định cấp độ nguồn lực và tối đa hóa hiệu quả của mô hình tùy theo từng chức năng » theo như giải thích từ Anna Médan, người điều hành dự án tại Hiệp hội Chuẩn hóa của Pháp.
Tuy nhiên, những dự án này chỉ mới ở giai đoạn phôi thai và vẫn là thiểu số do phải đối mặt với lượng sử dụng AI tạo sinh cho những mục đích lợi nhuận ngày càng tăng. Lời khuyên giới chuyên gia đưa ra là nên sử dụng những mô hình chuyên biệt nhằm vào một nhiệm vụ duy nhất để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên mọi cấp độ !
Theo RFI