Vì sao Nick Út có thể không phải tác giả bức Em bé Napalm?
TVN
World Press Photo (WPP) cho biết đã chính thức đình chỉ việc ghi nhận bức ảnh Em bé napalm là của Nick Út. Việc đình chỉ này sẽ vẫn được duy trì trừ khi có thêm bằng chứng xác nhận hoặc bác bỏ rõ ràng tác giả gốc.
Trong khi đó sau cuộc điều tra thứ hai, AP đã tuyên bố vào ngày 6/5 rằng họ không tìm ra bằng chứng thuyết phục để thay đổi tên tác giả, nhưng cũng để ngỏ khả năng tác giả là người khác.
Em bé Napalm, từng giành giải Ảnh Báo chí Thế giới và giải Pulitzer trong cùng năm 1973, trong suốt 50 năm qua được cho là do phóng viên Nick Út của hãng tin AP chụp.
Các động thái của AP và WPP được thực hiện sau khi phim tài liệu The Stringer (Phóng viên tự do) được công chiếu hồi đầu năm 2025 khẳng định tác giả thực thụ của tấm ảnh là ông Nguyễn Thành Nghệ, không phải ông Nick Út.
Vậy các lý do nào có thể cho biết hoặc gây nghi ngờ Nick Út không phải là tác giả bức ảnh này?
Yếu tố quan trọng đầu tiên trong việc đánh giá tác giả của bức ảnh là xác định ai đã có mặt tại hiện trường vào ngày 8/6/1972, tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Cuộc tấn công bằng bom napalm và hậu quả của nó đã được một nhóm lớn các nhà báo chứng kiến và ghi lại.
Có 16 cá nhân đã được xác định bằng hình ảnh là có mặt tại hiện trường, bao gồm các nhiếp ảnh gia, ít nhất ba đoàn làm phim truyền hình, các phóng viên báo in đã đưa tin về cuộc giao tranh ở Trảng Bàng và khu vực xung quanh ngày hôm đó.
Việc xác định ai đã có mặt tại hiện trường và họ ở đâu là nền tảng để World Press Photo phân tích bằng chứng trực quan và đánh giá các tuyên bố cạnh tranh về quyền tác giả.
Các tài liệu lưu trữ tin tức, ảnh, cảnh quay phim và hồi ký cá nhân đã được tham chiếu chéo. Đội ngũ điều tra cũng lập một phác đồ thời gian về vị trí của các nhân chứng, dựa trên các tài liệu trực quan và hình ảnh vệ tinh.
Các khía cạnh kỹ thuật, bao gồm các mẫu máy ảnh và loại phim, thương hiệu được nhiếp ảnh gia hồi đó dùng cũng được đánh giá, cùng các nhận định được thu thập trong hơn năm tháng từ AP, nhóm nghiên cứu hình ảnh INDEX, các nhà làm phim và các chuyên gia bên ngoài về nghiên cứu nhiếp ảnh và lưu trữ.
Các vấn đề còn nghi vấn
Điều đầu tiên là vị trí của Nick Út. Tổ chức Giải ảnh báo chí thế giới cho rằng ông Nguyễn Thành Nghệ có khả năng ở gần hơn vị trí bức ảnh được chụp cả về mặt thời gian và không gian. Hình ảnh tại thời điểm sát với bức ảnh nhất được xác minh cho thấy Nick Út ở xa hơn.
Cả INDEX và AP đều nhất trí rằng Nick Út ở xa hơn so với hiện trường trong tấm phim ghi lại thời điểm sau khi bức ảnh được chụp.
World Press Photo cho rằng quá trình tái hiện lại khoảnh khắc đó của INDEX cho thấy rất khó có khả năng Nick Út có thể chụp được bức ảnh, chạy đi khoảng 60 m và đứng lại một cách bình tĩnh. Nếu diễn ra, tất cả hành động đó phải được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn.
AP tranh cãi về độ chính xác của con số 60 m và cho rằng khoảng cách thực tế là ngắn hơn. Họ lập luận rằng chuyển động trên là khả thi, đặc biệt khi xét đến các khoảng trống trong dòng thời gian và lời kể của Nick Út về việc định vị lại vị trí.
Trong khi đó, phân tích của World Press Photo nêu chuyển động trên không có khả năng xảy ra, cho dù khoảng cách là 30 m hay 60 m, nhưng do không có hình ảnh hay bản ghi đầy đủ về mọi thời điểm nên câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.
Yếu tố thứ hai là về mặt kỹ thuật. Phát hiện của AP về việc bức ảnh có thể được chụp từ một chiếc máy Pentax cho thấy đây có khả năng là thiết bị của ông Nghệ thay vì của Út. Ông Út đã mô tả công khai và rộng rãi việc ông sử dụng hai máy ảnh Leica và thêm hai máy ảnh Nikon.
Điều này đặt ra câu hỏi về quyền tác giả của Nick Út và ủng hộ tuyên bố của ông Nghệ. Tuy nhiên, Nick Út gần đây nói với AP rằng ông có thể đã mang theo chiếc Pentax vào ngày hôm đó. Do vậy, việc xác định tác quyền bằng máy ảnh Pentax là “có khả năng” nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng xác đáng nào được đưa ra.
Trong khi đó, cuộc điều tra của AP đã tiết lộ rằng cuộc tranh luận về quyền tác giả có thể không chỉ giới hạn ở hai nhiếp ảnh gia. Vai trò của nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Phúc, người được biết đến là đã cung cấp hình ảnh cho các hãng thông tấn, trước đây chưa từng được công khai xem xét.
Ông Phúc từng bị nhận nhầm là Nick Út và xuất hiện trong cảnh quay ở vị trí gần nhất về thời gian và không gian với góc nhìn gần đúng của bức ảnh nổi tiếng. Khả năng này cũng cho thấy sự thiếu sót bằng chứng xác đáng về một sự kiện hỗn loạn và căng thẳng đã diễn ra gần 53 năm trước.
Do đó, nếu chỉ giới hạn ở Út và Nghệ, bằng chứng trực quan và kỹ thuật hiện tại nghiêng về ông Nghệ. Tuy nhiên, sự hiện diện được xác nhận của ít nhất một nhiếp ảnh gia khác càng cho thấy nhiều yếu tố không chắc chắn xung quanh quyền tác giả của hình ảnh.
Khi không có kết luận duy nhất nào là chắc chắn, và cho đến khi có bằng chứng xác thực về quyền tác giả xuất hiện, World Press Photo đã tạm dừng ghi nhận quyền tác giả đối với Em bé Napalm.