Charlie Chaplin và “Thời đại tân kỳ”

Huỳnh Duy Lộc

0 833

Charlie Chaplin (tên thật là Charles Spencer) sinh ngày 16 tháng 4 năm 1889 tại thủ đô London của Anh, cha là một người đàn ông nát rượu đã bỏ rơi mẹ ông và người anh trai khác mẹ của ông khi ông mới sinh ra. Mẹ ông là một ca sĩ trình diễn ở các nhà hát với nghệ danh Lily Harley, đã phải giật gấu vá vai để nuôi anh em ông và một ngày nọ, khi đang hát trong một show diễn, bà bỗng bị mất giọng và ông giám đốc nhà hát đã có lần nghe cậu bé Charlie Chaplin 5 tuổi hát, đã đẩy cậu lên sân khấu để hát thay mẹ. Trong lần đầu tiên bước lên sân khấu, cậu đã làm khán giả thích thú và cười rộ với màn nhại giọng hát bị mất đột ngột của mẹ, nhưng tiết mục biểu đầu tiên của cậu cũng đã kết thúc vĩnh viễn hoạt động nghệ thuật của mẹ. Bà rơi vào cảnh túng thiếu, dần dần mắc bệnh tâm thần nên anh em Charlie Chaplin phải vào sống một thời gian trong các trại tế bần ở London.

Vốn yêu thích sân khấu như mẹ, năm 1897, Charlie Chaplin đã nhờ những người quen của mẹ giới thiệu với những người trong nghề, thoạt đầu tham gia nhóm nhảy với guốc mang tên Eight Lancashire Lads rồi làm đủ mọi công việc để theo đuổi giấc mơ làm diễn viên như lời kể của ông: “Tôi đi bán báo, làm ở nhà in, làm đồ chơi, làm tiếp tân ở phòng mạch của bác sĩ, nhưng suốt thời gian làm những công việc lặt vặt ấy, tôi không bao giờ quên mục tiêu tối hậu của mình là trở thành một diễn viên. Sau khi xong việc, tôi lại đánh bóng đôi giày của mình, lấy bàn chải ra chải quần áo, mặc chiếc áo sơ mi thật sạch và gọi điện cho những người phụ trách các nhà hát…” Bước đầu trong sự nghiệp của Charlie Chaplin là vai cậu bé giữ cửa khách sạn trong vở kịch “Sherlock Holmes” rồi sau đó là những chuyến lưu diễn với nhóm tạp kỹ Casey’s Court Circus và nhóm kịch Fred Karno. Ông đã trở thành một trong những ngôi sao của nhóm kịch Fred Karno với vai diễn chàng thanh niên say rượu trong vở hài kịch “A Night in an English Music Hall”. Khi nhóm kịch Fred Karno lưu diễn ở Mỹ, Charlie Chaplin đã gặp nhà sản xuất phim ảnh Mack Sennett và được mời ký hợp đồng đóng phim với thù lao 150 đô la mỗi tuần.

Năm 1914, ông tham gia diễn xuất trong bộ phim đầu tiên “Make a Living” rồi góp mặt trong những bộ phim khác của Mack Sennett, nhưng muốn có sự khác biệt với những diễn viên khác nên chọn thể hiện một vai độc đáo và thế là bộ phim “The Little Tramp” đã ra mắt. Ông còn đóng thêm 35 bộ phim nữa cho Mack Sennett trước khi chia tay với ông ta để chuyển sang đóng phim cho Công ty Essanay. Từ khi đóng phim cho Công ty Essanay, Charlie Chaplin đã nhờ anh trai của ông làm người quản lý và bắt đầu sự nghiệp lừng lẫy của một ngôi sao điện ảnh. Trong năm đầu tiên làm việc cho Công ty Essanay, ông góp mặt trong 14 bộ phim, trong đó có bộ phim “The Tramp” (1915) rất thành công, với vai một anh chàng trở thành anh hùng bất đắc dĩ khi cứu con gái một ông chủ trang trại khỏi tay bọn cướp. Ở tuổi 26, ông đã trở thành một siêu sao điện ảnh. Ông chuyển qua đóng phim cho Công ty Mutual với mức thù lao cao ngất ngưởng 670.000 đô la và trong những năm làm việc tại đây, anh đã góp mặt trong những bộ phim rất thành công như “One A.M.” (1916), “The Rink” (1916), “The Vagabond” (1916) và “Easy Street” (1917). Ông trở nên quen thuộc với khán giả màn ảnh rộng với hình tượng Charlot, chàng trai nghèo khó lang thang, gặp nhiều trắc trở, nhưng không bao giờ đánh mất niềm tin vào cuộc sống qua những bộ phim như “The Kid” (1921), “The Pilgrim” (1923), “A Woman in Paris” (1923), “The Gold Rush” (1925), “The Circus” (1928).

Các bộ phim sau cùng của Charlie Chaplin đã được coi là những kiệt tác điện ảnh: “City Lights” (1931), bộ phim đầu tiên ông viết nhạc, “Modern Times” (1936) trong đó ông viết bản nhạc không lời “Smile” và “The Great Dictator” (1940). Sự phẫn nộ của Charlie Chaplin trước những điều bất công trong giới điện ảnh Hollywood đã làm cho nhiều người chống Cộng cực đoan ở Mỹ oán ghét ông và năm 1952, khi ông đang du lịch ở Anh, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đã không cho phép ông trở về Mỹ nên ông đã phải cùng với gia đình định cư tại Thụy Sĩ. Tuy vậy, năm 1972, ông còn trở về Mỹ lần cuối cùng sau khi cho ra mắt bộ phim cuối cùng “A Countess from Hong Kong” (1967) để nhận một giải Oscar Thành tựu trọn đời. Sáng sớm lễ Giáng sinh (ngày 25 tháng 12) năm 1977, Charlie Chaplin qua đời ở tuổi 88 tại Corsier-sur-Vevey, Vaud, Thụy Sĩ.

Charlie Chaplin, ảnh chụp những ngày cuối đời ở Thụy Sĩ

“Thời đại tân kỳ” (Modern Times) là bộ phim hài do Charlie Chaplin viết kịch bản và đạo diễn vào năm 1936, với nhân vật chính là gã lang thang cố gắng tồn tại trong thời đại tân kỳ với những máy móc hiện đại. Bộ phim thể hiện cuộc sống khó khăn và bấp bênh của nhiều người Mỹ trong thời kỳ Đại suy thoái (từ năm 1929 tới cuối thập niên 1930), đã được Thư viện Quốc hội Mỹ bình chọn là “bộ phim rất có ý nghĩa về văn hóa” vào năm 1989.

“Thời đại tân kỳ” kể về gã lang thang (Charlie Chaplin đóng) làm công nhân nhà máy, mỗi ngày làm công việc siết ốc vít của các chi tiết máy chạy trên một dây chuyền lắp ráp. Sau khi bị ép ăn thử nghiệm với một cái máy ăn trưa hiện đại và phải làm việc với tốc độ chóng mặt, gã phát bệnh tâm thần và được đưa vào bệnh viện. Sau khi rời bệnh viện, gã mất việc. Trên đường đi, gã thấy một lá cờ đỏ bị rơi và cố gắng trả lại và ngẫu nhiên lại trở thành người phất cờ đi đầu trong một đám biểu tình của những người thất nghiệp. Cảnh sát xông đến và gã bị tống vào tù. Trong tù, gã lại ăn nhầm phải thuốc phiện lậu và đi lung tung, nhưng cũng nhờ tác dụng của thuốc mà gã có sức khỏe phi thường, đánh gục những tù nhân định vượt ngục. Gã được coi là một người hùng và được trả tự do.

Ra ngoài, cuộc sống vô cùng khó khăn nên gã cố gắng để bị bắt lại vào tù. Gã nhận tội thay cho một cô gái bụi đời mồ côi cha mẹ (Paulette Goddard đóng) đang bị truy đuổi vì ăn cắp một ổ bánh mì trong lúc quá đói. Người ta bắt gã, nhưng có một nhân chứng đã vạch trần trò bịp của gã nên gã vẫn được tự do. Vì muốn bị bắt, gã vào cửa hàng và ngốn thật nhiều thức ăn mà không chịu trả tiền. Khi bị đưa lên xe tù, gã gặp lại cô gái bụi đời và cả hai cùng nhau bỏ trốn. Mơ ước một cuộc sống tốt đẹp hơn, gã xin làm bảo vệ gác đêm ở một siêu thị, lén đưa cô gái vào và gặp 3 tên trộm, trong đó có “Big Bill”, một công nhân làm việc chung với gã trước đây. “Big Bill” giải thích rằng anh ta và hai người bạn phải vào siêu thị trộm cắp vì quá đói khát. Cả 3 người đàn ông uống rượu với nhau, và sáng hôm sau, khi siêu thị mở cửa, gã bị bắt.

10 ngày sau, cô gái bụi đời đưa gã về ngôi nhà của họ – một căn chòi mà cô thừa nhận ” tuy không phải là Điện Buckingham”, nhưng cũng không đến nỗi nào. Hôm sau, gã đọc một mẩu quảng cáo và kiếm được một việc làm. Trong lúc làm việc, gã làm ông sếp kẹt vào cỗ máy và phải xoay xở đưa ông ta ra. Công nhân nhà máy đình công và gã ngẫu nhiên làm bay một cục gạch vào đầu một viên cảnh sát và lại phải vào tù. 2 tuần sau, gã được thả ra và gặp lại cô gái bụi đời, giờ đã là một vũ công ở một quán cà phê. Cô xin ông chủ cho gã vào làm việc trong quán. Mỗi buổi tối, gã làm bồi bàn nhưng không phân biệt nổi giữa cửa vào và cửa ra của nhà bếp. Đến màn biểu diễn, gã hát một ca khúc chép sẵn trên tay áo, nhưng hát mới được vài câu, chẳng may tay áo bị rơi mất, gã ứng khẩu hát những câu hát tiếp theo và tiết mục của gã đã thành công ngoài sức tưởng tượng, được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Bỗng cảnh sát xông vào để bắt cô gái bụi đời và gã cùng với cô lại cùng nhau chạy trốn. Bộ phim khép lại với cảnh hai người sánh bước bên nhau trên con đường dài trong ánh bình minh, tương lai dẫu vẫn mù mịt, nhưng lòng tràn trề hy vọng.

HUỲNH DUY LỘC

Bộ phim “Thời đại tân kỳ”: https://phimno1.xyz/phim/thoi-dai-tan-ky-5316/xem-phim.html
Video clip Charlie Chaplin nhận giải Oscar Thành tựu trọn đời: https://youtu.be/J3Pl-qvA1X8
Bản nhạc “Smile” (1936): https://youtu.be/Ps6ck1ejoAw

Leave A Reply

Your email address will not be published.