Lai lịch Chợ Viềng

Lê Quế

0 178

Cách đây 35 năm, tôi được một người bạn ở ngay chợ Chợ Viềng về nhà nghỉ lại và sáng hôm sau đi chợ. Tối đó, người bạn mời ông chú tuổi đã ngoài 80 đến uống nước. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh đề tài về Chợ Viềng. Tại sao chợ có tên là Viềng? Mỗi năm chỉ họp 1 lần vào đêm mồng 7 đến sáng mồng 8 tết? Tại sao chợ chỉ bán đồ sắt và bán mua không mặc cả?

Dĩ nhiên về những nghi vấn đó chúng tôi đã được đọc, được nghe nhiều cách giải thích khác nhau nhưng chưa thấy cách nào thỏa đáng. Trong bữa cơm đó, chúng tôi đã được ông chú của người bạn giải thích theo một cách không giống bất cứ tài liệu nào nhưng ngẫm ra lại rất có lý. Ông giải thích rằng:

Chợ Viềng được họp để tưởng nhớ quân Tây Sơn sau khi đánh tan quân Thanh ở Thăng Long, trên đường trở về đã nghỉ lại ở đó. “Viềng” là cách nói trại đi của “về”. Nhưng tại sao phải nói trại đi? Hóa ra, vấn đề có liên quan đến lịch sử cả hai triều đại rất phức tạp. Đại thể như sau:

Nhà Tây Sơn gồm 3 anh em, mỗi người cát cứ mỗi người một phương và không mấy thuận hòa. Nhiều lần người này mang quân đánh người kia. Khi quân Thanh kéo đến Thăng Long, chỉ một mình Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc dẹp giặc.

Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc mà không an tâm vì sợ Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn kéo quân ra chiếm Phú Xuân (Huế). Bởi vậy, ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu 1789 thắng trận Đống Đa, Nguyễn Huệ chỉ cho quân đội nghỉ lại một đêm đó ở Thăng Long. Hôm sau, Nguyễn Huệ ở lại, còn quân đội lại tức tốc hành quân trở vào. Đêm mồng 7 sáng, họ đến nghỉ lại ở vùng Nam Định. Ngày mồng 8, họ tiếp tục cuộc hành quân.

Năm 1802, triều Tây Sơn bị Nguyễn Ánh đánh bại, bị tàn sát nghiệt ngã. Người sống bị voi dày. Người chết bị đào mồ ném xác xuống biển. Các công trình, vật dụng, văn khố, thư tịch của triều Tây sơn bị hủy hoại. Những người liên quan đến triều Tây Sơn bị trừng trị.

Các dấu tích liên quan đến triều Tây Sơn đều bị xóa bỏ. Tuy nhiên nhà Nguyễn đã không thể xóa bỏ được lòng kính trọng Tây Sơn trong lòng người dân Bắc Hà.

Ở Bắc Hà, triều Tây sơn bị giới kẻ sĩ quay lưng, không hợp tác, nhưng lại được giới bình dân hết lòng ngưỡng mộ. Tây Sơn đã xóa bỏ chế độ Vua Lê Chúa Trịnh, giải phóng cho người dân Bắc Hà cảnh một cổ hai tròng, sưu cao thuế năng. Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh, giải phóng nước nhà khỏi ách xâm lược.

Bởi thế khi nhà Nguyễn tàn sát nhà Tây sơn, người dân Bắc Hà đã có một cách rất độc đáo để kỷ niệm Tây Sơn và tránh được sự đàn áp của nhà Nguyễn bằng cách họp Chợ Viềng. Có đến mấy chục Chợ Viềng.

Chợ Viềng họp mỗi năm 1 phiên ở đúng những địa điểm, vào đúng ngày giờ quân Tây Sơn đến nghỉ lại. Đi Chợ Viềng, người ta chỉ mua bán duy nhất một thứ hàng là đồ sắt. Người bán không nói thách. Người mua không mặc cả. Mỗi người mua một thứ đồ sắt cầm tay tượng trưng cho quân Tây Sơn cầm vũ khí. Từng đoàn người chân đất áo vải lặng lẽ đến chợ, lặng lẽ mua bán, lặng lẽ ra về. Không những quan quân nhà Nguyễn không biết mà đến cả các kẻ sĩ Bắc Hà cũng không được biết lý do họp chơ. Các sách vở của kẻ sĩ nếu viết về chợ Viềng cũng chỉ là đoán già đoán non, chín người mười ý. Ngay cái tên chợ là “Viềng” cũng bị giải thích theo nhiều cách. Thông thường thì các học giả thích gán cho chợ là một loại lễ hội gì đó mặc dù chợ không có lễ mà cũng không có hội.

Từ những thông tin trên, ta thấy phiên Chợ Viềng sớm nhất có thể đã họp vào năm Quý Hợi 1803 hoặc mấy năm sau đó. Truyền thống chợ Viềng nguyên thủy như vậy được giữ gìn nguyên vẹn được hơn 180 năm. Chợ chỉ mua bán duy nhất một mặt hàng là đồ sắt như: lưỡi cày, răng bừa, liềm, hái, cuốc, xẻng, chân kiềng, chân đèn, nhiều nhất là dao, rựa, cưa, đục…

Vào năm 1985 đó, chợ đã lác đác có thêm những chậu cây cảnh sau khi trưng tết, mang bán lại, tất nhiên cũng với giá gần như cho không. Khi đó, ông chú đã than phiền rằng, làm vậy sẽ hỏng mất ý nghĩa truyền thống của chợ. Sắp đến phiên Chợ Viềng thứ 217. Nếu nhìn Chợ Viềng ngày nay, chắc chú sẽ còn đau lòng hơn nữa.

Leave A Reply

Your email address will not be published.