Thập Tháp cổ tự với dấu ấn 400 năm tại Bình Định

TVN

0 125

Chùa Thập Tháp do Thiền sư Nguyên Thiều sáng lập, Chùa được coi là ngôi cổ tự thuộc phái Thiền Lâm Tế. Chùa được xây dựng từ những gạch đá của 10 ngôi tháp Chăm cổ trên một gò tương đối rộng hình mai rùa có chu vi gần 1 km, do đó cái tên Thập Tháp được ra đời. Sách Đại Nam Nhất Thống chí cũng giải thích “vì phía sau có mười ngọn tháp Chiêm Thành nên gọi tên thế”. Tuy nhiên sau này, các ngôi tháp này bị sụp đổ dần. Năm Tân Mùi (1691) nhà Lê, chùa được Vua Lê Hiển Tông ban cho biển ngạch đề “Thập Tháp Di Đà tự”.

Với gần 400 năm xây dựng, Chùa Thập Tháp trải qua 16 đời truyền thừa với những vị thiền sư danh tiếng: Thiền sư Liễu Triệt, Thiền sư Minh Lý, Thiền sư Phước Huệ…

Thiền sư Phước Huệ là người đã được tôn làm Quốc sư, ông từng được mời giảng kinh trong Hoàng cung nhà Nguyễn và giảng dạy Phật pháp ở Huế năm 1935.

Ngày nay, chùa tọa lạc tại thôn Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Xuôi theo hướng quốc lộ 1 từ trung tâm thành phố Quy Nhơn ra sân bay Phù Cát, đi qua phường Đập Đá sẽ đến cầu Vạn Thuận, ở đây có một biển chỉ dẫn đầu con đường đất nhỏ bên trái khoảng 200m từ biển chỉ dẫn đến chùa.

Chùa đã trải qua nhiều lần tu bổ, diện mạo hiện tại được định hình từ đầu thế kỷ 20.

Trước cổng chùa là một hồ sen rộng gần 500 mét vuông được xây bằng đá ong với hàng cây liễu xen kẽ những cây hoàng hậu nở rộ hoa mỗi độ xuân về. Khung cảnh này mang lại chút thơ mộng, tựa như bức tranh thủy mặc sống động. Hồ sen này được các nhà nghiên cứu nhận định rằng đây là một trong những công trình Chăm pa cổ thông qua các lớp đá ong quanh thành hồ.

Cổng chính của chùa có hai trụ biểu vuông cao, trên hai trụ đặt hai tượng sư tử ngồi uy nghi, các câu đối màu xanh nổi bật và trên cổng có đề hai chữ “Thập Tháp” bằng chữ Hán.

Sau cổng vào là tấm bình phong được đặt trên bệ chân quỳ, mặt trước bị mất các họa tiết do thời gian, còn lại mặt sau với hình ảnh đắp nổi “long mã phù đồ”. Long mã tượng trưng cho sự tung hoành của nam nhi, cho thời gian và không gian, long mã chạy biểu hiện cho vũ trụ vận động. Tuy nhiên long mã thường cõng trên lưng Luật Tạng, còn ở Chùa Thập Tháp thì long mã lại cõng trên lưng là bảng Bát quái Tiên thiên.

Chính điện

Chùa Thập Tháp có kiến trúc hình chữ Khẩu gồm ngôi chánh điện, đông đường (giảng đường), tây đường (nhà Tổ) và nhà phương trượng. Chính điện là công trình chính được xây dựng theo phong cách nhà rường, gồm ba gian hai chái được kết nối bởi bốn hàng cột cái, bốn hàng cột quân, tám cột con và 16 cột hiên.

Tuy nhiên qua nhiều đợt cải tạo, trùng tu thì Chùa Thập Tháp không còn toát lên nhiều dấu ấn thời gian.

Vườn tháp Tổ của chùa Thập Tháp nằm ở phóa Bắc với hơn 20 ngôi tháp cổ kính, đây là nơi chôn chất nhục thân của các vị trụ trì và chư tôn túc trong chùa. Tất cả đều xây dựng từ thế kỷ XIX-XX. Mỗi tháp đều có tường bao, phía trước có bức bình phòng che chắn và các linh thú ngay lối vào.

Tại Việt Nam, ngoài các chùa Bổ Đà (Bắc Giang), chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi), chùa Từ Hiếu (Thừa Thiên Huế) thì chùa Thập Tháp là một trong số ít những ngôi chùa có vườn tháp cổ đặc biệt.

Phía trước vườn tháp Tổ là một ruộng lúa nằm trong khuôn viên của Chùa, những ngày đầu xuân, ruộng lúa phủ một màu xanh mơn hòa với chút gió nhẹ, càng khiến không gian trở nên an yên hơn, bình lặng hơn.

Ở Chùa Thập Tháp lưu giữ 2.000 bản khắc gỗ dùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú … Bộ Đại Tạng Kinh do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ cúng dường còn 1.200 quyển kinh, luật, luận và ngữ lục. Chùa còn lưu giữ bộ Đại Tạng Kinh Cao Ly và bộ Đại Tạng Kinh Đài Loan.. Hoặc như các giai thoại về hạt lúa khổng lồ, con bạch hổ ngồi dưới gốc cây bồ đề, chuyện về hòn đá chém (dân gian hay gọi là hòn đá oán hờn) hiện vẫn còn được lưu giữ trong chùa.

Ngày nay Chùa Thập Tháp là một trong những công trình Phật giáo đón tiếp lượng lớn du khách ghé thăm bởi cảnh quan hữu tình, những giá trị văn hóa – lịch sử đích thực của di tích. Chùa Thập Tháp dần trở thành một trung tâm Phật giáo lớn của Bình Định, của miền Trung và của Việt Nam.

Leave A Reply

Your email address will not be published.