Di tích thành cổ Biên Hòa sẽ thành quảng trường?
TVN
Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai vừa kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP.Biên Hòa, Sở VH-TT-DL rà soát, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp chỉnh trang không gian theo hướng cải tạo, thiết lập quảng trường tại thành cổ Biên Hòa.
Lịch sử thành cổ Biên Hòa
Theo các nguồn tư liệu, công trình thành cổ này có từ thời Chân Lạp, sau đó được trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn, thời Pháp và hiện hữu tới nay. Di tích có rất nhiều tên gọi khác nhau: Thành Cựu, Thành Biên Hòa vào thời Nguyễn; Thành Kèn, Thành Xăng – Đá vào thời Pháp. Nhưng cái tên mang ý nghĩa và tồn tại tới ngày nay vẫn là Thành Biên Hòa.
Ban đầu, Thành Biên Hòa được nhân dân và binh lính Lạp Man Chân Lạp đắp bằng đất vào khoảng thế kỷ XIV-XV. Sau đó, vào đầu thời Nguyễn, đến năm 1834, vua Minh Mạng cho xây lại bằng đất, gạch và đá ong, theo hình cánh cung, xây dựng mới một số hạng mục, đặt tên là Thành Cựu. Đến năm 1837, vua Minh Mạng tiếp tục cho xây dựng mở rộng Thành Cựu bằng đá ong theo kiểu Vauban, đổi tên là Thành Biên Hòa.
Thành Biên Hòa được xây dựng vừa là một trung tâm hoạt động nhiều mặt của xã hội, vừa trở thành căn cứ quân sự mang ý nghĩa phòng thủ của quan quân nhà Nguyễn ở địa phương lúc bấy giờ.
Năm 1861, thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa. Quan quân nhà Nguyễn kháng cự không thành nên rút lui khỏi Thành Biên Hòa. Sau khi chiếm thành, thực dân Pháp đã bắt tay cải tạo, thu hẹp diện tích thành còn lại 1/8 so với trước kia; đồng thời cho xây dựng các cơ sở an ninh, quân sự bên trong và bên ngoài thành, như: doanh trại, nhà thương, sở an ninh quân đội, bãi tập, bãi bắn, phòng giam, phòng làm việc…; bố trí các sĩ quan cấp cao, binh lính để trấn giữ, bảo vệ, làm việc trong suốt thời gian cai trị, khai thác thuộc địa và gọi tên là Thành Xăng – Đá (Solda), nhân dân địa phương thường gọi là Thành Kèn.
Đến giai đoạn 1954-1975, thời Việt Nam Cộng Hòa thành không có nhiều thay đổi về diện mạo, người Mỹ sử dụng lại toàn bộ các công trình do thực dân Pháp để lại. Sau năm 1975, thành Biên Hòa do chính quyền mới tiếp quản.
Vào năm 2008, thành cổ Biên Hòa được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Đến năm 2013 thì được Bộ VH-TT-DL công nhận di tích cấp quốc gia.
Mặc dù nằm giữa trung tâm TP.Biên Hòa, nhưng theo ghi nhận di tích thành cổ Biên Hòa hầu như luôn đóng cửa và rất ít người tìm đến tham quan.
Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Nó vẫn tồn tại nhưng im lìm lặng lẽ và dường như bị lãng quên giữa lòng đô thị, nơi chúng ta thường ngày vẫn qua lại, lại qua nhưng mấy ai biết rằng nơi đây dấu ấn một thời hình thành phát triển hơn 325 năm Biên Hòa”.
Di tích này được đánh giá là có giá trị trên nhiều mặt khi vừa là công trình kiến trúc quân sự đặc biệt, có vị trí chiến lược ở vùng Đông Nam Bộ của nhà Nguyễn; vừa phản ánh kỹ thuật xây dựng khoa học, đường nét kiến trúc Pháp trong tổng thể các hạng mục hiện tồn.
Đề xuất cải tạo thành quảng trường
Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, TP.Biên Hòa là đô thị lớn nhưng hiện tại nhiều thiết chế văn hóa (nhà hát, quảng trường, sân vận động…) vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoặc đã được xây dựng nhưng chưa xứng tầm quy mô. Đô thị Biên Hòa đang chịu cảnh “vừa thiếu, vừa yếu” trong việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng, Sở Xây dựng nhận định.
Vì vậy đơn vị này đề xuất một số ý tưởng có thể biến đổi, chỉnh trang và hình thành các quảng trường thiết thực nhất, gắn với các địa danh, dấu tích lịch sử Biên Hòa, có thể tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa phục vụ tinh thần cho người dân.
Cụ thể là cải tạo di tích thành cổ Biên Hòa, nhưng đảm bảo nguyên tắc không can thiệp, không tác động trực tiếp đến di tích; chỉ tập trung cải tạo không gian, cảnh quan nhằm tăng giá trị di tích, tăng môi trường kết nối, giáo dục cộng đồng, tham quan, triển lãm tranh ảnh, lịch sử hình thành vùng đất Biên Hòa.