Nhãn hiệu xà bông Cô Ba của ông Trương Văn Bền

TVN

0 78

Trương Văn Bền (1883-1956) gốc người Minh Hương, sinh năm 1883 tại Chợ Lớn trong một gia đình chuyên nghề làm thợ bạc (1). Lúc thiếu thời, Bền là một thanh niên thông minh, đĩnh đạc, hiếu học, năng động và nổi bật nhất trong khu xóm.

Khi lớn lên, gia đình cho ông theo học trường Trung Pháp đến hết bậc trung học, nên ông rất giỏi tiếng Hoa, tiếng Việt và tiếng Pháp. Sau đó, gia đình cho ông sang Pháp để học thêm về kim hoàn và những loại đá quí. Không biết ông đã học được gì về kim hoàn bên Pháp, và không biết ông đã học qua những trường lớp chuyên môn nào, nhưng khi trở về nước ông đã tự làm ra khuôn ép dầu dừa và chế ra một loại xà bông rất đặc biệt (2), nên dân trong vùng Chợ Lớn thường kêu ông bằng “Ông kỹ sư không bằng cấp”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Trương Văn Bền không phải là người đầu tiên nghĩ ra cách làm xà bông, mà trước ông đã có ông Gilbert Trần Chánh Chiếu đã từng có xưởng nấu xà bông ở Nam Kỳ Minh Tân Công Nghệ (3). Lúc bấy giờ Trương Văn Bền mới được 25 tuổi, nhưng lại là một thanh niên luôn có chí hướng muốn làm ăn. Năm 1918, nghĩa là mười năm sau ngày Nam Kỳ Minh Tân Công Nghệ sụp đổ, ông Trương Văn Bền đã lập ra hãng ép dầu dừa bên hông khu chợ Kim Biên ngày nay, mỗi tháng có thể ép ra 1.500 tấn dầu. Công việc ngày càng phát đạt, nên ông cho lập thêm một nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn, nhằm lấy trấu làm nhiên liệu nấu dầu dừa làm xà bông. Ngoài ra, chính ông đã thành lập tổ chức Hợp tác xã thu mua dừa từ miền Tây. Công việc ngày càng phát đạt, ông hợp tác với Viện Nghiên Cứu Nông Nghiệp Đông Dương, lập một đồn điền cao su ở Thủ Đức. Nhưng nổi bật nhất vẫn là hãng Xà Bông Trương Văn Bền bên hông chợ Kim Biên (4).

Mặc dầu không có của phụ ấm từ cha mẹ, nhưng nhờ cật lực làm ăn mà không mấy chốc Trương Văn Bền đã trở thành một nhà tư sản thành công nhất ở Nam Kỳ thời bấy giờ. Trong khoảng những năm 1920 đến 1922, trong tay chỉ có một xưởng ép dầu và một nhà máy xay lúa nhưng tiếng tăm Trương Văn Bền chẳng những đã lan khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh, mà còn được cả nước từ Nam ra Bắc biết đến. Nhờ vậy mà ông dễ dàng đi vào chính trường. Ông thường nói chuyện với con cháu trong các bữa cơm: “Muốn giúp đỡ đồng bào mình thì mình phải có mặt và có tiếng nói trong các hiệp hội mới được. Dầu không phải là tiếng nói quyết định, nhưng ít ra chính quyền thực dân họ cũng biết dân mình cần gì.” Chính vì vậy mà ông vừa kinh doanh, vừa ứng cử vào Hội Đồng Quản Hạt Sài Gòn-Chợ Lớn (từ năm 1918). Đến năm 1932, ông chuyển qua làm Phó Chủ Tịch Phòng Thương Mại Nam Kỳ (1932-1941) , hội viên Hội Đồng Canh Nông, hội viên Hội Đồng Kinh tế Lý Tài Đông Dương, hội viên Hội Đồng Quản Trị Lúa Gạo Đông Dương, Chủ tịch kiêm Thủ Quỹ Nghiệp Đoàn Canh Nông Sài Gòn-Chợ Lớn (1932), hội viên Hội Đồng Sản Xuất Kỹ Nghệ (1941). Phải nói, hồi thời Pháp thuộc, có ba cơ quan tư vấn tối cao cho Thống Đốc Nam Kỳ là Hội Đồng Quản Hạt, Hội Đồng Canh Nông, và Phòng Thương Mại Nam Kỳ, ông Trương Văn Bền chẳng những có cả ba thứ này, mà ông còn có mặt trong hầu hết những cơ quan khác của chính quyền.

Đến năm 1920, Trương Văn Bền lập thêm công ty Canh Nông và Công Nghệ Đồng Tháp Mười, vay vốn và chiêu mộ nông dân, rồi cung cấp cho họ trâu bò và nông cụ để họ khai khẩn trên 10 ngàn mẫu đất hoang. Sau đó, chính quyền thuộc địa thành lập trên khu đất do ông khẩn hoang 2 làng: làng Mỹ An (5) vào ngày 27 tháng 11 năm 1933, và làng Mỹ Trung vào ngày 11 tháng 12 năm 1939, thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho. Công ty Tháp Mười của ông Trương Văn Bền còn xuất vốn ra lập chợ Mỹ An cho dân chúng trong vùng mua bán, nên dân chúng trong vùng còn gọi chợ Mỹ An là chợ Hội Đồng Bền. Theo Địa Phương Chí Mỹ Tho, vào thời điểm 1936, công ty Tháp Mười đã khai khẩn được 5.000 mẫu, nghĩa là đã đạt được 50 phần trăm dự án, nhưng vì thời cuộc chiến tranh nên sau đó công ty bị thất bại.

Trong tập “Pháp Du Hành trình Nhật Ký”, Phạm Quỳnh cho biết, vào lúc 3 giờ chiều ngày 14 tháng 3 năm 1922, Trương Văn Bền được các kỹ nghệ gia miền Bắc đón tiếp trọng thể. Nhân dịp đó, ông phát biểu rằng: “Trước khi bắt tay vào kinh doanh bất cứ việc gì, mình phải biết rõ việc ấy. người Tây trước khi làm việc gì họ cũng học trước cả. Cho đến một việc đứng bán hàng, ta cho là tầm thường và tưởng ai cũng có thể làm được, nhưng đối với họ đó là việc quan trọng, cũng có sách có trường dạy hẳn hoi, dạy từ cách tiếp khách, khoe hàng làm sao cho người khách mua xong rồi sau này còn trở lại mua nữa. Như tôi đây, cơ sở đã vững vàng rồi mà ngày nào cũng tìm sách, tìm báo đọc thêm. Sức khỏe, sự học hỏi, sự bền chí là những điều kiện của sự thành công.”

Năm 1930, Trương Văn Bền lập công ty Savonnerie Huilerie Vietnam. Xà bông do công ty này sản xuất là xà bông cục (6). Và sau đó, nhằm giúp đỡ người bán lẻ có thể lấy công làm lời, công ty Trương Văn Bền đã cho sản xuất loại xà bông cây, mỗi cây từ 800g đến 1kg; bán giá sỉ từ 10 đến 20 đồng mỗi 100kg, tùy theo loại tốt xấu. Người mua lẻ có thể cắt cây ra từng cục để dùng, rất tiện và giá thành cũng rất rẻ.

Lúc này thì xà bông Trương Văn Bền đã nghiễm nhiên thống trị thị trường cả vùng Sài Gòn-Chợ Lớn; còn các vùng khác của miền Đông và miền Tây thì vẫn do những tay buôn bán lẻ người Hoa phân phối, nên giá có phần quá cao so với vùng Sài Gòn-Chợ Lớn. Đến khoảng năm 1935, ông Tăng Long, giám đốc Thương Mại của hãng Trương Văn Bền đã cho tổ chức những xe đi bán dạo và cổ động cho sản phẩm. Chính những xe bán dạo này đã đưa xà bông Trương Văn Bền đến tận các hang cùng ngõ hẻm của những vùng thật sâu và thật xa ở nông thôn. Sau đó, ông Trương Văn Bền còn cho quảng cáo sản phẩm xà bông của mình trên báo chí cả Việt lẫn Pháp.

Ông qua đời vào năm 1956 tại Chợ Lớn. Trước khi mất, ông đã thành lập công ty Trương Văn Bền và Các Con, bên hông chợ Kim Biên, vùng Chợ Lớn, do con trai lớn của ông là ông Trương Khắc Cần làm quản lý, tiếp tục làm xà bông. Về sau này lại sản xuất thêm bột giặt hiệu Viso.

Phải nói, Trương Văn Bền là thế hệ người Minh Hương đời thứ bảy kể từ thời các ông Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Trần An Bình và Trần Đại Định đến khai phá vùng Cù Lao Phố và Mỹ Tho Đại Phố. Ngoài bản chất thông minh mẫn tiệp ra, với ý chí và sự kiên nhẫn, ông đã nối tiếp thế hệ của những người Hoa tiên phong đi trước làm rạng danh con cháu người Hoa trên vùng đất phương Nam. Đặc biệt trong lúc nền kinh tế đang nằm gọn trong tay người Pháp mà ông dám đứng ra sản xuất hàng hóa cạnh tranh thẳng với người Pháp và ông đã thành công một cách vẻ vang. Ngoài ra, ông còn là người đã có công trong việc khai khẩn hoang địa trong vùng Đồng Tháp Mười để thành lập nên hai xã Mỹ An và Mỹ Trung, những xã trù phú nhất của huyện Cái Bè ngày đó. Ông xứng đáng là một trong những tấm gương sáng cho đàn hậu bối chúng ta kính ngưỡng và noi theo!

Theo Người Long Hồ, Hào kiệt đất phương Nam, tr. 1405-1408

—————————-

Ghi Chú:

(1) Ở miền Nam Việt Nam, thợ bạc có nghĩa là thợ thủ công kim hoàn.

(2) Ở Việt Nam, trước khi người Pháp qua đô hộ, người ta chưa biết đến xà bông. Khi gội đầu người ta chỉ sử dụng nước tro hoặc nước trái bồ kết hay chùm kết. Khi người Pháp sang Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ thứ XIX, họ mang theo một thứ gọi là xà bông (savon), họ dùng khi tắm gội. Một số nhà giàu có tiền cũng sử dụng thứ hàng xa xỉ nhập cảng từ Pháp này, nhưng không ai biết cách làm ra nó như thế nào. Tưởng cũng nên nhắc lại, ngày đó giá của một cục xà bông quá cao, nên người bình dân không có tiền mua.

(3) Năm 1908, ông Đốc phủ Gilbert Trần Chánh Chiếu lập ra Nam Kỳ Minh Tân Công Nghệ, cất nhà xưởng, chế biến dầu dừa, xây lò và mướn thợ nấu xà bông, và đã chế ra được những cục xà bông có phẩm chất rất cao. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm cạnh tranh với thị trường xà bông nhập từ ngoại quốc, thay vì sử dụng dầu dừa, ông Gilbert Chiếu đã cho sử dụng dầu bông vải hoặc hạt thầu dầu làm nguyên liệu, nên sau đó Nam Kỳ Minh Tân Công Nghệ đã sản xuất ra những cây xà bông rất nổi tiếng mà lại vừa túi tiền của người bình dân. Đồng thời ông Gilbert Chiếu cũng cho mở trường dạy nghề nấu xà bông cho thanh thiếu niên Việt Nam. Tuy nhiên, Nam Kỳ Minh Tân Công Nghệ là cơ sở tài chánh của phong trào Minh Tân, một trong những phong trào yêu nước đang bị chính quyền thuộc địa theo dõi, nên sau khi ông Đốc phủ Trần Chánh Chiếu bị bắt, phong trào tan rã và cơ sở Nam Kỳ Minh Tân Công Nghệ cũng sụp đổ theo.

(4) Ngày đó khi báo chí Pháp Việt đến phỏng vấn ông Bền về việc bằng cách nào mà ông có thể sản xuất ra hàng loạt xà bông vừa có phẩm chất cao mà lại vừa rẻ, có thể cạnh tranh với thị trường xà bông ngoại nhập, ông nói rằng rất đơn giản, sau một thời gian dùng dầu dừa để nấu xà bông, ông thấy không có hiệu quả về kinh tế cho lắm, nên ông quay sang nghiên cứu việc sử dụng nguyên liệu thầu dầu và hạt cao su, nhờ đó mà giá thành xà bông của ông rất rẻ, mà chất lượng có khi còn cao hơn dầu dừa nữa là khác.

(5) Năm 1956, VNCH dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã đưa xã Mỹ An về tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh), nay thuộc tỉnh Đồng Tháp; trong khi đó, Mỹ Trung vẫn còn thuộc huyện Cái bè, tỉnh Tiền Giang ngày nay.

(6) Xà bông do công ty Trương Văn Bền sản xuất năm 1930 có ba loại: 125g, 250g và 500g với giá bán là 2 xu, 3 xu và 4 xu.

Leave A Reply

Your email address will not be published.