Phạm Thế Mỹ và “Bông hồng cài áo”

Huỳnh Duy Lộc

0 614

Phạm Thế Mỹ sinh ngày 15 tháng 11 năm 1932 tại Bình Định, tham gia kháng chiến chống Pháp vào thời kỳ 1945-1954. Năm 1959, ông rời Qui Nhơn vào Sài gòn, theo học ở Trường Quốc gia Âm nhạc, rồi ra Đà Nẵng dạy Việt văn và nhạc ở các trường Phan Thanh Giản, trường tư thục Tây Hồ, Bồ Đề, Nguyễn Công Trứ, Sao Mai, Bán công, Tân Thanh (1959-1970). Ông tham gia các cuộc đấu tranh chống Mỹ và Chính quyền miền Nam trong phong trào Phật giáo ở Đà Nẵng từ năm 1965-1968, bị Chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam vào những năm 1965-1966 và thời gian này, ông đã sáng tác ca khúc bất hủ “Bông hồng cài áo” lấy ý từ một bài tùy bút của Thượng tọa Thích Nhất Hạnh.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ thời trẻ

Ra tù, ông tiếp tục sáng tác các ca khúc như “Hoa vẫn nở trên đường quê hương”, “Người về thành phố”, “Những người không chết”… được phổ biến trong phong trào học sinh – sinh viên Sài gòn. Từ năm 1970 đến năm 1975, ông làm Trưởng phòng Văn – Mỹ – Nghệ của Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài gòn.

Trước năm 1975, Phạm Thế Mỹ đã có 2 tuyển tập ca khúc được xuất bản: “Hòa bình ơi, hãy đến!” (1969) và “Trái tim Việt Nam” (1971). Sau năm 1975, ông được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam và tiếp tục sáng tác cho tới khi qua đời vào đầu năm 2009 (ngày 16 tháng 1) ở tuổi 79.

Sáng tác của Phạm Thế Mỹ thuộc nhiều thể loại: tình ca quê hương (“Nắng lên xóm nghèo”, “Đường về hai thôn”, “Đưa em về quê hương”, “Thương quá Việt Nam!”…); tình ca (“Tóc mây”, “Áo lụa vàng”, “Bóng mát”, “Người yêu và con chim sâu nhỏ”, “Bến duyên lành”, “Thuyền hoa”…); nhạc Phật giáo (“Từ bi ca”, “Lửa thiêng”, “Con đường trước mặt”, “Thêm một lần hoa nở”…); nhạc phục vụ yêu cầu chính trị sau năm 1975 (“Thắm đượm duyên quê”, “Lêna Belicova”, “Thành phố trăng tròn”).

Danh tiếng của ông đã gắn liền với ca khúc “Bông hồng cài áo” và ca khúc “Trăng tàn trên hè phố”, ca khúc từng có một thời gian dài bị cho là nhạc phẩm đã – theo lời con trai ông – làm cho ông lận đận sau năm 1975.

Ý nhạc của ca khúc “Bông hồng cài áo” sáng tác vào năm 1966 được triển khai từ một đoạn trong bài tùy bút “Bông hồng cài áo” của Thượng tọa Thích Nhất Hạnh viết vào năm 36 tuổi, khi ông đang theo học khoa Tôn giáo đối chiếu ở Đại học Princeton của Mỹ: “Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày của Mẹ (Mother’s Day) mồng 10 tháng 5. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày của Mẹ theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng…”

BÔNG HỒNG CÀI ÁO

Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn mẹ
Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn

Rủi mai này mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm

Mẹ, mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối

Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời

Rồi một chiều nào đó anh về nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với mẹ rằng “Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ có biết hay không ?”
-Biết gì ? “Biết là, biết là con thương mẹ không ?”

Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi.

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Leave A Reply

Your email address will not be published.