Vài dòng tiểu sử nhà thơ Phạm Văn Bình
– Sinh năm 1939 tại Đông Hà, Quảng Trị
– Quê nội: Truồi, Phú Lộc, Thừa Thiên.
– Từng trải qua tuổi thơ rất gian nan, khổ nhọc nhưng vẫn quyết chí học hành.
– Từng theo học: Trường Thánh Tâm, Nguyễn Hoàng (Quảng Trị), Trường Quốc Học, Đại học Văn khoa (Huế).
– Từng giảng dạy Việt văn và Sử Địa ở Trường trung học Bán công Đông Hà.
– Cựu sinh viên sĩ quan Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, khóa 24/TB
– Cựu sĩ quan Tâm lý chiến kiêm phóng viên chiến trường của Sư đoàn Thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa.
Có thơ văn đăng trên tạp chí Khởi Hành, Văn, Bách Khoa, Ngàn Khơi, Tuổi Ngọc, Tiền Tuyến, Chiến Sĩ Cộng Hòa và Tiền Phong.
Tác phẩm đã xuất bản:
– Lối Xưa Thiên Đường (Tuyển tập truyện ngắn), Tuổi Ngọc xuất bản
– Dòng Sông Trước Mặt (Tuyển tập truyện ngắn), viết chung với Song Linh, Huỳnh Văn Phú và Trần Ngọc Toàn.
– Chiến Ca Mùa Hè (Tuyển tập thơ) viết chung với Phạm Lê Phan.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông học tập cải tạo ở miền Bắc rồi cùng với gia đình định cư tại Hoa Kỳ. Ông từ trần vào ngày 22.7.2018 tại Nam California.
Nhạc sĩ Phạm Duy có kể về việc phổ thơ của các thi sĩ Việt Nam từ thời tiền chiến cho đến trước năm 1975: “Hành trình phổ nhạc những bài thơ hay của tôi xét ra cũng thật là dài. Khởi sự với thi phẩm của những thi sĩ đã thành danh như “Cô hái mơ” của Nguyễn Bính (1942), rồi tới “Tiếng thu” (1945) rồi sau đó là “Vần thơ sầu rụng”, “Hoa rụng ven sông”, “Thú đau thương” của Lưu Trọng Lư. Tôi đến với “Tiếng sáo thiên thai” của Thế Lữ vào năm 1952, với “Ngậm ngùi” của Huy Cận và với “Chiều” của Xuân Diệu vào đầu thập niên 1960.
Những bài thơ của các thi sĩ lớn khác như “Màu thời gian” của Ðoàn Phú Tứ, “Tỳ bà” của Bích Khê, “Con quỳ lại Chúa trên trời” của Nhất Tuấn cũng được tôi đem vào nhạc trong những ngày xa xưa đó… Thơ về chiến tranh, hoà bình và về tình yêu trong suốt 30 năm ly loạn ở trong nước cũng được tôi phổ nhạc rất nhiều như : “Thanh niên ca” của Ðào Duy Kỳ, “Ðồi tím hoa sim” của Hữu Loan, “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán, “Kỷ vật cho em” của Linh Phương, “Tưởng như còn người yêu” của Lê Thị Ý, “Khi tôi về” của Kim Tuấn, “Bi hài kịch” của Thái Luân, “Ði vào quê hương” của Hoa Ðất Nắng, “Tình khúc trên chiến trường tồi tệ”, “Thầm gọi tên nhau trên chiến trường tồi tệ” của Ngô Ðình Vận, “Còn chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Ðịnh, “Ở rừng U Minh ta không thấy em” của Nguyễn Tiến Cung, “Mười hai tháng anh đi” và “Chuyện tình buồn” của Phạm Văn Bình…”
Thơ Phạm Văn Bình:
HÀNH TRÌNH THỦY QUÂN LỤC CHIẾN
Tháng giêng xuôi quân ra Huế
Cố đô hoang vu điêu tàn
Bãi học chiều em vắng bóng
Tóc thề đã quấn khăn tang.
Tháng hai về trấn ven đô
Chong mắt hỏa châu giữ cầu
Gió thoảng vào hơi rượu mạnh
Qua làn sương ánh đèn màu.
Ba-lô lên vai tới miền Tây Đô
Quê hương em xanh xanh ngợp bóng dừa
Đêm ngủ bìa rừng thèm làn môi ấm
Ngọt trái sầu riêng nay lúc giao mùa.
Bây giờ trời mây vào hạ
Mẹ em bận đi lễ chùa
Em cầu nguyện cho chiến sĩ …
Chiến trường sớm nắng chiều mưa.
Tháng năm theo vì sao biếc
Hoa phượng nở quanh sân trường
Ngày xưa những tờ nhung nhớ
Bây giờ phong thư gói quà.
Tháng sáu anh vẫn miệt mài
Hành quân chưa về thăm em
Đừng khóc ve sầu mùa hạ
Ta thì xa vẫn chưa quên.
Sang thu mưa ngâu
Nước mù bay mau
Ô hay ta sao
Trong lòng vẫn sầu
Tráng sĩ chưa về
Vườn sau sông ấy
Người đứng đầu sông
Người cuối sông này.
Bây giờ còn đâu huyền thoại
Hằng Nga của em bé thơ
Tất cả bầu trời thơ ấy…
Ai làm tháng tám cằn khô.
Tháng chín ta về Cửu Long
Vú sữa căng, lòng mẹ hiền
Anh đi cho đồng quê thắm
Tặng em này chiến công đầu.
Về Cà Mau
Một sớm thu
Gởi cho em
Lời gió thương mây
Lời chim nhớ rừng
Lời ta chờ nhau.
Cuối năm mùa đông đan áo
Cuối năm trời gió lạnh về
Thiên hạ đua may áo cưới
Ta thì hẹn đến năm sau.
Hoa mai nở đầy
Em đang chờ đợi
Mười hai tháng dài
Dài ước mơ say
Nhớ má cho hồng
Nhớ môi cho ngọt
Anh về cùng em
Vui đón giao thừa.
(Tặng ông Hoàng Gia Độ)
Súng ôi đã gãy, bút không còn
Xuân này ta sẽ bước lên non
Làm Trương Vô Kỵ ta phong kiếm
Về kẻ lông mày cho Triệu Minh.
Một thời chinh chiến, còn chi nữa
Ngậm ngùi, ôi! nước mất nhà tan
Bạn bè lớp lớp mồ xanh cỏ
Thân ta tù tội cũng điêu tàn…
Trở về nhà cũ, nhà thay chủ
Em đâu? Đã bỏ chốn thiên đường
Sang sông, em nỡ lên thuyền khác
Thôi nhớ làm gì? “Chinh phụ ngâm”.
Ta muốn rong cương về lối cũ
Hoàng thành tìm mắt ái phi xưa
Cổng đóng, hoa tường vi héo úa
Mình ta ngồi, uống rượu trong mưa.
Đầu xuân, khai kiếm, mình ta uống
Cạn chén hồ trường, sao chẳng say?
Giai nhân, mỹ tửu, rừng mai lạc
Mỹ tửu, hề! Giai nhân, đắng cay!
Thời trẻ, Phạm Văn Bình có một người yêu, nhưng hai người không lấy nhau được vì sự khác biệt tôn giáo: ông theo đạo Phật, còn người yêu của ông theo đạo Công giáo. Người yêu của ông là người đẹp thị xã Đông Hà, Quảng Trị Ana Nguyễn Thị Tuý nổi tiếng một thời. Rồi ông xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao, nàng ở lại lên xe hoa. Chồng của nàng là một sĩ quan quân y cũng là bạn thân của ông, đã tử nạn trong một phi vụ tải thương bằng trực thăng trên chiến trường Pleiku năm 1972.
Từ mối tình này, ông có bài thơ “Chuyện tình buồn” nổi tiếng đã được Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc cùng tên rất nổi tiếng
CHUYỆN TÌNH BUỒN
Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mải
Đời chia hai nhánh sông.
Những thư tình ngây dại
Những vai mềm, môi ngoan
Những hẹn hò cuống quýt
Trên lối xưa thiên đàng
Thôi cũng đành chôn kín
Dưới đáy huyệt thời gian.
Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn.
Ngày nhà em pháo nổ
Tâm hồn anh nhuốm máu
Ôi nhát chém hư vô
Ôi nhát chém hư vô.
Năm năm rồi đi biệt
Anh chẳng về lối xưa
Sân giáo đường cỏ mọc
Gác chuông nằm chơ vơ.
Chúa buồn trên thánh giá
Mắt nhạt nhoà mưa qua
Trên cánh buồm ký ức
Sóng thời gian lô xô.
Ngồi bâng khuâng nhớ biển
Bên bãi đời quạnh hiu
Anh mang hồn thuỷ thủ
Cùng năm tháng phiêu du.
Anh một đời rong ruổi
Em tay bế tay bồng
Chiều hắt hiu xóm đạo
Hồi chuông giáo đường vang.
Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Bao kỷ niệm chôn kín
Dường như đã lãng quên.
Năm năm rồi trở lại
Một màu tang ngút trời
Thương người em năm cũ
Đêm góa phụ bên song.
HUỲNH DUY LỘC