Trầm hương và câu chuyện ngậm ngải tìm trầm
TVN
Trầm hương tự nhiên là loại gỗ quý chủ yếu phân bố tại các nước Châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc và Indonesia. Mang lại giá trị kinh tế cao ngất ngưởng nhưng quá trình địu trầm ‘thập tử nhất sinh’ là thử thách không hề nhỏ đối với các phu trầm.
Nguồn gốc trầm hương tự nhiên
Nếu như con người phải trải qua trăm đắng ngàn cay mới trở nên ưu tú thì trầm hương quý giá chỉ được hình thành sau khi cây dó bầu trải qua những tổn thương nghiêm trọng. Cây dó bầu, tên khoa học là Aquilaria malaccensis, là loại cây thường xanh thân gỗ thuộc họ trầm, phân bố chủ yếu ở các vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.
Theo những chuyên gia buôn trầm chuyên nghiệp, cây dó bầu trong tự nhiên dễ bị tổn thương bởi sâu mọt đục khoét, đao chặt, hoặc thậm chí sét đánh gãy ngọn. Khi ấy, thân cây sẽ tiết ra chất nhựa có hương thơm đặc biệt bao bọc và chữa lành vết thương. Lâu dần các thớ gỗ thấm đẫm nhựa cây sẽ khô cứng lại và sinh ra trầm hương tự nhiên.
Trầm hương tự nhiên đắt đỏ bởi vì số lượng của chúng vô cùng khan hiếm, thời gian hoá trầm kéo dài, và quá trình thu hoạch vô cùng gian nan. Theo chia sẻ của tờ Daily Jstor, chỉ có 7-10% cây dó bầu trong tự nhiên chịu tổn thương rồi sản sinh ra trầm hương, số còn lại chỉ là những gốc cây gỗ thông thường.
Thời gian cũng đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng của trầm. Những khối trầm tốc non trẻ cần ít nhất 5-7 năm để “chín muồi”, trầm rừng cần tích khoảng 10-15 năm, và kỳ nam “khả ngộ bất khả cầu” đến từ những gốc cây hàng trăm năm tuổi.
Ngoài thiên thời và địa lợi, thu hoạch trầm hương còn đề cao yếu tố nhân hoà. Đội ngũ thu hoạch trầm không chỉ bao gồm các phu trầm giàu kinh nghiệm mà còn cần đến các chuyên gia thẩm định để đánh giá chính xác giá trị của cây.
Phân loại trầm hương theo vùng lãnh thổ
Phần lớn trầm hương chất lượng cao được tìm thấy tại Việt Nam, Indonesia, và Ấn Độ rồi dần mở rộng ra các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản. Mỗi vùng đất với đặc tính khí hậu, thổ nhưỡng riêng biệt sẽ tạo ra những nốt hương trầm ngọt, ấm, nồng khác biệt.
Ấn Độ
Trầm hương Ấn Độ là loại trầm lâu đời và được người dân “tôn sùng” hết mực. Người Ấn dùng trầm hương cho những nghi thức tế lễ quan trọng, đốt hương dâng cho các vị thần trong các buổi cầu nguyện tập thể hoặc những đám cưới truyền thống.
Vùng đất Assam, Nagaland, Manipur, Meghalaya, và Kerala nổi tiếng là xứ trầm trăm năm với nhiều giống cây dó bầu đặc chủng. Nhìn chung, trầm hương Ấn Độ có màu nâu nghiêng dần về đen sẫm, tầng hương dai dẳng của gia vị, gỗ phương Đông, da thuộc và xạ hương.
Indonesia
Trong tiếng Indonesia và Malaysia, trầm hương được gọi là gaharu có nghĩa là “gỗ thơm” và được ứng dụng làm tượng thần, vòng tay, nhang đèn, và tinh dầu xông. So với các quốc gia Châu Á khác, sản lượng trầm hương đến từ vương quốc vạn đảo Indonesia vượt trội hơn hẳn.
Tuy phần trăm tinh dầu của trầm Indonesia thấp hơn các chủng loại khác nhưng chúng cũng toát lên vẻ đẹp duyên dáng vô ngần. Ngay khi tiếp xúc với nhiệt, hương hoa, mật ong và trái cây hòa quyện vào làn sương trầm trắng sữa, vô thanh vô thức len lỏi vào khứu giác của chúng ta.
Việt Nam
Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng hệ sinh thái rừng nguyên sinh vô cùng phong phú. Những nhân tố khách quan này đã tạo nên môi trường sinh trưởng lý tưởng cho cây dó bầu, từ đó hình thành nên các giống trầm quý hiếm như trầm rừng và kỳ nam trăm tuổi.
Bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến các vùng đất Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Bình hẳn cũng đã nghe danh về những tấm phù điêu, tượng thờ, đồ nội thất, thủ công mỹ nghệ bằng trầm được chạm trổ tỉ mỉ.
Tuy trầm hương xuất thân từ những vùng đất khác nhau sẽ mang phong vị riêng nhưng tựu trung vẫn có vài điểm chung như đậm đà hương gỗ pha lẫn chút ngọt của giấm balsamic và vani.
Nghề địu trầm và câu chuyện ‘ngậm ngải tìm trầm’
Trầm hương vốn được xem là vật thánh có khả năng kết nối người trần mắt thịt với đấng thần linh nên các phu trầm luôn có những điều tâm linh kiêng kỵ trước mỗi chuyến địu trầm. Câu cửa miệng “ngậm ngải tìm trầm” được truyền tai nhau bởi các phu trầm gạo cội cũng có liên quan đến một truyền thuyết tâm linh kỳ bí.
Tương truyền, khi xưa các phu trầm trước khi dấn thân đi tìm “giọt máu rừng” sẽ đến chỗ thầy mo trong làng để xin bùa hộ thân. Các thầy mo cao tay sẽ trồng “ngải” (vốn là một loại cây họ nghệ) từ những phương thức bí truyền rồi đưa cho phu trầm ngậm trong miệng để xua tà, ngăn ngừa sơn lam chướng khí nơi rừng thiêng nước độc. Vài ngày trước khi vào rừng, phu trầm phải tuân thủ nghiêm ngặt những “luật bất thành văn” như ăn chạy tịnh, giữ mình sạch sẽ, và dâng mâm cúng.
Người dân xứ trầm xưa tin rằng sau khi họ hoàn tất các nghi thức tế lễ phức tạp, thể hiện lòng thành trước Bà chúa trầm hương (Nữ thần Thiên Y A Na) sẽ được bà thương, ban lộc cho tìm được trầm. Ngược lại, nếu bất kính hoặc trót buông lời phạm huý thì dù cho cây trầm có ngay bên cạnh thì phu trầm cũng không bao giờ tìm được.