Chế Bồng Nga, vị vua vĩ đại cuối cùng của Champa

Huỳnh Duy Lộc

0 312

Sử gia K. W. Taylor chép về những diễn biến sau cuộc hôn nhân của vua Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) và công chúa Huyền Trân: “Chuyến thăm Champa của Trần Khâm (thái thượng hoàng Trần Nhân Tông) vào năm 1301 đã thiết lập được một liên minh chống Nguyên Mông được củng cố bằng một cuộc hôn nhân.

Để đổi lại việc kết hôn với một nàng công chúa của nhà Trần, vua Champa đã dâng vùng Ulik – ngày nay thuộc tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Cái chết của vua Champa vào năm 1307 đã làm cho mối liên hệ qua cuộc hôn nhân tan vỡ và người Chàm bắt đầu đòi lại lãnh thổ đã mất. Cuộc viễn chinh của Trần Thuyên vào năm 1311-1312 phần nào đó là sự đáp trả yêu sách này của người Chàm, đưa tới kết quả là truất phế vua Chàm và thay ông bằng một người em trai chịu thần phục vua Trần.

Năm 1313, một đạo quân của nhà Trần được phái đi để tiêu diệt một đạo quân Xiêm La đến từ Sukhotai, một vương quốc ở miền Trung Thái Lan ngày nay, đã tràn xuống từ miền núi để tấn công người Chàm. Năm 1318, một đạo quân của nhà Trần được phái đi để truất phế vua chư hầu Champa đã nổi lên chống lại vua Trần, thay thế ông bằng một người khác. Năm 1326, vị vua này cũng nổi dậy chống lại vua Trần, đánh bại một đạo quân của vua Trần và tìm cách lấy lại lãnh thổ đã mất.

Trong hơn 2 thập niên, các vua nhà Trần chẳng có kế sách nào để đối phó với người Chàm vì mải lo chống lại người Lào ở thượng lưu sông Cả tại Nghệ An. Năm 1353, một mưu toan can thiệp vào việc nối ngôi ở Champa đã bất thành vì các chiến thuyền của Champa đã ngăn chặn được các thuyền tiếp tế quân lương cho đạo quân của vua Trần đã tiến đến Quảng Ngãi hiện nay rồi quay trở lại. Sau đó, các vua nhà Trần chỉ còn ở thế phòng thủ ở phương Nam. Trong thập niên 1360, vị vua Champa tên Chế Bồng Nga lên ngôi, vào thập niên 1370 và 1380 đã giáng những đòn trí mạng vào triều đình nhà Trần” (A History of the Vietnamese, tr. 144).

Nhà nghiên cứu George Maspero cho biết: “Chế Bồng Nga (制蓬峩, 1360-1390) nối ngôi Bố Đế, người Trung Quốc gọi Bồng Nga là A Đáp A Giả, còn Aymonier thì cho rằng Chế Bồng Nga là Po Binasuor được nhắc tới trong sử sách” (Le Royaume de Champa).

GS Lương Ninh cho biết: “Khoảng năm 1360, ta thấy xuất hiện ở Champa một ông vua có tên gọi theo Việt sử là Chế Bồng Nga. Suốt 30 năm cầm quyền của Chế Bồng Nga (1360-1390) là những năm tột cùng gay cấn và có ý nghĩa quyết định trong quan hệ giữa Champa và Đại Việt. Chế Bồng Nga lên ngôi đã kích động được dân Champa chống Đại Việt, những muốn phá vỡ ý thức thần phục đã nảy sinh trong điều kiện quan hệ trước đó giữa hai nước, đồng thời phá vỡ quan hệ hoà hiếu đã xây dựng được qua một thời gian dài. Bấy giờ nhà Trần bắt đầu suy, Chế Bồng Nga lợi dụng tình hình đó đã thổi bùng lên tinh thần kỳ thị, dồn dập đem quân tấn công Đại Việt. Trong 30 năm, ít nhất có 15 lần đánh lớn. Có thời gian 8 năm liền (1375-1383), năm nào cũng ra đánh, trong đó có 2 lần tấn công đến tận kinh đô Thăng Long, vào cướp bóc và đốt phá. Triều đình Đại Việt đã phải lo chống đỡ vất vả; các vua nhà Trần mấy phen phải rời bỏ kinh thành và đem cất giấu của cải đi nơi khác”.

Năm 1390, nhân lúc triều đình nhà Trần rối ren, Chế Bồng Nga lại đem quân đánh Đại Việt. Nhưng sự bất đồng đã xảy ra trong hàng ngũ Champa. Một viên quan Chàm đã bỏ chạy sang phía Đại Việt. Trong tập 2 cuốn “Lịch sử Lâm Ấp – Champa: Theo dấu các vương triều” (Truong Phuong Book, 2024), tác giả Lê Đình Phụng viết: “Tháng giêng ngày 23 (1390), đô tướng Trần Khát Chân đại thắng quân Chiêm Thành ở Hải Triều, giết được chúa của họ là Chế Bồng Nga”. Nguyên nhân cái chết của Chế Bồng Nga xuất phát từ khi Trần Khát Chân dẫn quân đi bố trí phòng ngự chống giặc. Khi ấy, Chế Bồng Nga cùng Nguyên Diệu (đã đầu hàng Chiêm Thành), dẫn hơn 100 thuyền chiến đến quan sát tình thế của quan quân. Các thuyền giặc chưa tập hợp lại thì có tên tiểu thần của Chế Bồng Nga là Ba Lậu Kê nhân bị Bồng Nga trách phạt, sợ bị giết, chạy sang doanh trại quân ta, trỏ vào chiến thuyền sơn xanh bảo rằng đó là thuyền của quốc vương hắn. Khát Chân liền ra lệnh các cây súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền. Bồng Nga chết, người trong thuyền ồn ào kêu khóc. Nguyên Diệu cắt lấy đầu Bồng Nga chạy về với quan quân. Quân giặc tan vỡ”. Đây là lần tấn công cuối cùng của quân Chiêm Thành vào Đại Việt, chấm dứt tai hoạ giặc giã từ phía Nam” (Lịch sử Lâm Ấp – Champa: Theo dấu các vương triều, tập 2, tr. 197).

Cái chết của Chế Bồng Nga đã khép lại một trang sử hào hùng của Champa. Chế Bồng Nga được xem là vị vua vĩ đại cuối cùng của Vương quốc Champa vì sau khi ông mất, Champa không còn quật khởi như trước, càng ngày càng suy yếu và đi dần đến chỗ diệt vong.

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.