Đội Con Nai (OSS Dear Team) và các nhà lãnh đạo của Việt Minh

Huỳnh Duy Lộc

0 432

“Nước Mỹ là một nước dân chủ không có tham vọng về lãnh thổ hay đất đai” (Ông Võ Nguyên Giáp phát biểu hồi năm 1946)

Trong tác phẩm “Backroads to Hollywood: Phillip Noyce” (nhà xuất bản Macmillan ấn hành năm 2004), tác giả Ingo Petzke thuật lại lời của đạo diễn Phillip Noyce nói về cuộc hội ngộ của các thành viên đội Con Nai vào năm 1995 tại Việt Bắc:

“Vào năm 1995, tôi tới Việt Nam lần đầu tiên để nghiên cứu khả năng có thể cứu vãn dự án phim “Saigon” hay không nhưng đồng thời cũng là vì tôi nghe thấy có một cuộc hội ngộ hiếm có diễn ra tại miền Bắc Việt Nam để kỷ niệm ngày xuất hiện của đội tình báo Con Nai của Mỹ vào năm 1945. Đây là một nhóm thuộc Cơ quan Tình báo Chiến Lược (OSS), tiền thân của CIA, những người đã nhảy dù xuống miền Bắc Việt Nam vào giai đoạn cuối của Thế chiến thứ hai. Nhiệm vụ của họ là liên hệ và trang bị khí giới cho quân khởi nghĩa do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo, vì thế ông Hồ và những người đồng chí của ông có thể thực hiện chiến tranh du kích chống lại người Nhật. Những người còn sống của đội Con Nai được mời, đã trở lại miền Bắc Việt Nam 50 năm sau đó để gặp gỡ những người bạn Việt Nam tại nơi ở của ông Hồ trước đây (Việt Bắc). Lắng nghe những người lính ngày xưa và câu chuyện của họ, chúng ta không thể nào ngăn được cảm giác ân hận”.

Trong năm cuối cùng của Thế chiến thứ hai, các điệp viên Mỹ ở Đông Dương đã hợp tác chặt chẽ với ông Hồ Chí Minh và những nhóm chống thực dân khác trong bối cảnh chống một kẻ thù chung là Nhật.

Archimedes Patti sinh ngày 21 tháng 7 năm 1913 tại khu Bronx của thành phố New York của Mỹ, cha mẹ là những người Ý nhập cư đến từ đảo Sicily. Năm 1941, ông gia nhập quân đội Mỹ, chiến đấu ở châu Âu, làm nhân viên liên lạc với các tổ chức kháng chiến chống phát xít Đức, Ý, Nhật, trong đó có những tổ chức ở Bắc Phi, Ý và Nam Tư. Sau đó, ông được chuyển vào Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS) sau khi tình cờ thực hiện một sứ mạng cùng với William J. Donovan, giám đốc OSS, ở Anzio (Ý) vào tháng 1 năm 1944. Trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc và Đông Nam Á, ông đã gặp ông Hồ Chí Minh, người lãnh đạo Mặt trận Việt Minh, về sau sẽ trở thành nhà lãnh đạo của miền Bắc Việt Nam. Những năm về sau này, ông đã tiết lộ trong những cuộc phỏng vấn rằng nhiệm vụ của ông khi ấy ở Việt Nam là thiết lập một mạng lưới tình báo, nhưng không nhằm mục đích giúp người Pháp tái chiếm Việt Nam, thuộc địa cũ của họ, một lựa chọn chính trị mà ông cho là tương đồng với quan điểm của Tổng thống Mỹ Franklin. D. Roosevelt về quyền tự quyết của các dân tộc.

Archimedes Patti đã tổ chức từ xa việc huấn luyện lực lượng vũ trang chống lại phát xít Nhật mà ông Hồ Chí Minh đã tập hợp được, về sau được gọi là Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông hợp tác chặt chẽ với ông Hồ Chí Minh và đã góp ý cho việc soạn thảo bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam. Ông kể rằng khi đến Côn Minh vào tháng 3 năm 1945, người Pháp đã không muốn giúp ông xây dựng một mạng lưới tình báo cho Mỹ ở Đông Dương nên ông đã quay sang những người đồng minh duy nhất là Việt Minh. Đại tá Austin Glass, chuyên viên của OSS, đã giới thiệu ông với ông Hồ Chí Minh và ông đã gặp nhà lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh ở biên giới Việt Nam – Trung Quốc vào cuối tháng 4 năm 1945. Ông Hồ Chí Minh đã đồng ý cung cấp tin tức tình báo cho phe Đồng minh để có được “mối liên lạc với phe Đồng minh”. Patti đã cho nhóm OSS Deer Team (đội Con Nai của Cơ quan Tình báo Chiến lược) dưới sự chỉ huy của trung tá Allison K. Thomas tấn công quân đội Nhật Bản. Allison K. Thomas sẽ làm việc thường xuyên với ông Hồ Chí Minh suốt tháng 8 năm 1945.

Vào ngày 22 tháng 8 năm 1945, Patti đến Hà Nội cùng với nhân viên của OSS Carleton B. Swift để thực hiện một sứ mạng nhân đạo, gặp gỡ Jean Sainteny, đại diện của Chính phủ Pháp, để bàn thảo về việc trao trả những tù binh Đồng minh bị Nhật giam giữ. Ông đã gặp ông Hồ Chí Minh tại một bữa ăn trưa vào ngày 26 tháng 8 năm 1945, và vài ngày sau đó, ông Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Vài ngày trước đó, ông Hồ Chí Minh đã hỏi xin đại tá Austin Glass một bản của Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Sau đó, quân Pháp đã trở lại Đông Dương trên những chiếc tàu mang tên Liberty ships của Mỹ. Patti rời Hà Nội vào cuối tháng 9 năm 1945, sau khi người Pháp lên án người Mỹ đã tổ chức một cuộc cách mạng tại đây.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn nhận được sự giúp đỡ của người Mỹ, đã thổ lộ với một nhân viên OSS rằng ông sẽ “hoan nghênh chào đón 1 triệu lính Mỹ, nhưng không muốn đón tiếp một người lính Pháp nào”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nói trước một đám đông ở Hà Nội rằng nước Mỹ “là một người bạn tốt” vì “nước Mỹ là một nước dân chủ không có tham vọng về lãnh thổ hay đất đai”. Đầu tháng 9 năm 1945, các nhân viên tình báo Mỹ ở Hà Nội báo cáo với Ngoại trưởng James Byrne của Chính phủ Harry Truman rằng người Việt “đã nhất quyết bảo toàn nền độc lập của mình, dù có phải hy sinh mạng sống, vì họ chẳng có gì để mất và sẽ có tất cả nếu giành được chiến thắng”.

Ngày 28 tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gởi cho Tổng thống Harry Truman một bức điện:
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Hà Nội

Gửi Tổng thống Hoa Kỳ, Washington D.C.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin trân trọng thông báo cho ông biết rằng trong quá trình các cuộc hội thoại giữa Chính phủ Việt Nam và đại diện Pháp, Pháp đòi hỏi sự ly khai của Nam Kỳ và sự trở lại của quân đội Pháp tại Hà Nội, trong khi đó dân và quân đội Pháp đang hoạt động chuẩn bị cho một cuộc đảo chính ở Hà Nội và xâm lược quân sự. Vì vậy, bản thân tôi đưa ra lời yêu cầu tha thiết tôn trọng nhất tới ông và những người dân Mỹ để can thiệp khẩn cấp và hỗ trợ độc lập cho chúng tôi và giúp làm cho các cuộc đàm phán phù hợp với các nguyên tắc của Điều lệ Đại Tây Dương và San Francisco.

Hồ Chí Minh (ký tên)

Tuy nhiên Tổng thống Harry Truman đã không phúc đáp 7 bức thư* và bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì, như lời nhà báo Stanley Karnow, “nước Mỹ cùng với đồng minh của họ trong Thế chiến thứ hai lại muốn tái lập sự thống trị của người Pháp ở Việt Nam” (Vietnam, a history).

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

*Tác giả Ingo Petzke cho biết: “But the seven letters that Ho Chi Minh wrote to Truman were all ignored even though in those letters he asked the Americans for assistance. He offered to cooperate with America” (Backroads to Hollywood: Phillip Noyce, tr. 354).

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đội Con Nai, Archimedes Patti (thứ hai từ trái sang) với đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đội Con Nai huấn luyện lính Việt Minh, bức thư và bức điện Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi Tổng thống Mỹ Harry Truman

Leave A Reply

Your email address will not be published.