Keith Weller Taylor sinh năm 1946, có bằng cử nhân vào tháng 5 năm 1968 tại Đại học George Washington. Chỉ 2 tuần sau, ông bị gọi đi khám sức khỏe để vào quân đội Hoa Kỳ. Ông đã tình nguyện vào Cơ quan Tình báo Quân đội với hy vọng không bị đưa sang chiến trường Việt Nam. Thế nhưng ông vẫn phải sang Việt Nam vào năm 1970 với cấp bực trung sĩ trong quân đội Mỹ. Năm 1971, ông được trở về Mỹ sau khi bị thương, vào tháng 1 năm 1972, 6 tháng sau khi trở về từ Việt Nam, ông được giải ngũ và tiếp tục theo học Đại học Michigan, chuyên về lịch sử Việt Nam.
Sau khi lấy được bằng tiến sĩ về lịch sử vào năm 1976 với luận án “The birth of Vietnam” (Việt Nam thời dựng nước), ông làm giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Singapore (1981-1987), giáo sư khoa Lịch sử ở Hope College (1987-1989) rồi làm giáo sư của khoa Nghiên cứu châu Á của Đại học Cornell (từ năm 1989 đến nay).
Trong lễ trao Giải thưởng Phan Châu Trinh cho K.W. Taylor tại khách sạn Caravelle, TP.HCM, vào ngày 24.3.2015, nhà văn Nguyên Ngọc ca ngợi người nhận giải thưởng: “Keith Taylor là một trong những nhà Việt Nam học nổi tiếng nhất, cả ở Việt Nam cả ở nước ngoài. Ông cũng là một nhà Việt Nam học độc đáo, từ điểm xuất phát, đến con đường nghiên cứu Việt Nam học ông đã đi, các chặng khác nhau và những chuyển hướng trên con đường đó, và có lẽ cả ở sự gắn bó, gần gũi kỳ lạ của ông với giới nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam, những chuyển động bên trong nghiên cứu ấy.
Xin cám ơn Keith Weller Taylor vì tình yêu chân chính và nỗ lực của ông cho khoa học lịch sử Việt Nam, cho Việt Nam.”
Tác phẩm “A History of the Vietnamese”: https://books.google.com/…/A_History_of_the_Vietnamese…
K.W.Taylor đã viết về chiến thắng của Hà Nội vào đầu năm 1975: “Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần vào tháng 9 năm 1969, ông Lê Duẩn đã tôn vinh ký ức về vị lãnh tụ kết hợp với mục tiêu giải phóng miền Nam, thêm được vầng hào quang thiêng liêng vào những chính sách và uy thế của Đảng. Việc siết chặt kiểm soát tình hình trong nước trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vừa để xua tan sự mệt mỏi với cuộc chiến, vừa để giữ vững kỷ luật khi càng lúc càng khó xua tan mối nghi ngại về liên minh giữa Trung Quốc và Việt Nam, liên minh vốn là hòn đá tảng của chiến thắng của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trung Quốc chẳng hứng thú gì với viễn cảnh một nước Việt Nam thống nhất ở sát biên giới phía Nam của mình và chỉ muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ để có được lợi thế trong quan hệ với Liên Xô. Dù vẫn tuyên bố ủng hộ Hà Nội, Trung Quốc càng lúc càng rút ra khỏi cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam và siết chặt quan hệ với những người Cộng sản Cambodia đang chiến đấu để lật đổ Lon Nol. Liên Xô thì giảm nhẹ việc công khai ủng hộ Hà Nội, nhưng vẫn mong muốn cung cấp cho Hà Nội những gì chính quyền miền Bắc này cần để giành chiến thắng trong cuộc chiến, đặt cược vào cơ may liên kết với một nước Việt Nam thống nhất ở sát biên giới của đối thủ Trung Quốc.
Những hoạt động ngoại giao của Nixon đã khiến cho ông Lê Duẩn và ông Lê Đức Thọ nghĩ rằng thời gian còn lại để Hà Nội đạt được mục tiêu của mình không còn nhiều. Vảo năm 1971, lính Mỹ ở Việt Nam không còn nhiều nhưng nền Đệ nhị Cộng hoà vẫn còn vững mạnh. Cuộc hoà đàm ở Paris đang bế tắc. Nixon chấp thuận cho quân đội miền Bắc ở lại miền Nam sau khi ký kết một thoả ước, nhưng bác bỏ hoàn toàn một điều kiện Hà Nội đưa ra là giải thể nền Đệ nhị Cộng hoà. Tuy nhiên năm 1972 là năm bầu cử tổng thống ở Mỹ và dư luận ở Mỹ cũng như trên thế giới không ủng hộ việc Mỹ tiếp tục dính líu vào tình hình ở Việt Nam. Điều này khiến cho Hà Nội hy vọng rằng Nixon sẽ nao núng trước một cuộc tổng tấm công như Johnson đã từng nao núng vào năm 1968 và sẽ chấp nhận chiến thắng của Hà Nội.
Vào mùa xuân năm 1972, Hà Nội huy động toàn bộ tiềm năng quân sự để mở một cuộc tổng tấn công ở miền Nam với hy vọng giành chiến thắng ngay tức khắc. Quân lực Việt Nam Cộng hoà đã đánh bại cuộc tấn công của bộ đội miền Bắc với hỗ trợ về hậu cần và sự yểm trợ của không quân Mỹ. Hơn nữa, Nixon còn ra lệnh thả mìn để phong toả các hải cảng của miền Bắc và tiến hành một chiến dịch ném bom mới ở miền Bắc. Sự leo thang hoạt động quân sự của Nixon đã không gây phương hại cho quan hệ của Mỹ với Liên Xô và Trung Quốc. Trò đánh cược của Hà Nội đã thất bại và khi thấy trước là Nixon sẽ tái đắc cử, ông Lê Đức Thọ thông báo cho Heinz Alfred (Henry) Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của Nixon, rằng Hà Nội không còn yêu cầu giải thể chính phủ của nền Đệ nhị Cộng hoà trước khi ký kết một hiệp định. Lê Đức Thọ và Kissinger đã có những cuộc mật đàm tách biệt hoàn toàn với cuộc đàm phán 4 bên chẳng làm được gì ngoài việc tuyên truyền tại Paris.
Sau thất bại của Hà Nội trong cuộc tổng tấn công vào mùa xuân năm 1972, Lê Đức Thọ chỉ còn mong muốn đạt được một thoả thuận để Mỹ rút quân về nước và để cho nền Đệ nhị Cộng hoà tan rã. Thoả thuận do Lê Đức Thọ và Kissinger soạn thảo nhắm tới việc trả tự do cho các tù binh Mỹ và chấm dứt sự can thiệp về quân sự của Mỹ ở Việt Nam. Thoả thuận này cho phép quân đội miền Bắc ở lại miền Nam và khởi động tiến trình thay thế chính phủ Đệ nhị Cộng hoà bằng một chính phủ liên hiệp bao gồm cả những người Cộng sản và những người trung lập. Nó từ bỏ mục tiêu gìn giữ một miền Nam không Cộng sản và phủ nhận chủ quyền của nền Đệ nhị Cộng hoà cũng như tính chính danh của một chính phủ chỉ còn được coi như ngang bằng với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Ở miền Nam, rất nhiều người lên tiếng phản đối thoả ước này. Hạ viện bác bỏ điều khoản của thoả ước phủ nhận chủ quyền của nền Đệ nhị Cộng hoà.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói rằng ông không thể chấp nhận thoả ước này nếu không có sửa đổi. Ông muốn có những cuộc đàm phán trực tiếp giữa Saigon và Hà Nội, nhưng Mỹ cũng giống như Pháp nói thay mặt cho Saigon để đàm phán vào năm 1954, đã tránh không để cho hai chính phủ ở Saigon và Hà Nội tiếp xúc với nhau. Tổng thống Thiệu hiểu ra rằng ông hoàn toản bất lực, không thể ảnh hưởng gì tới cuộc đàm phán, chỉ còn trông cậy vào những cam kết của Nixon rẳng hiệp định sẽ được sửa đổi và Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên khi Nixon đề nghị một số sửa đổi, Lê Đức Thọ rút lại một sự nhượng bộ trước đó rất quan trọng đối với Mỹ: tách biệt việc trao trả tù binh Mỹ với việc trao trả các tù binh Cộng sản bị Việt Nam Cộng hoà giam giữ. Nixon rất cẩn sự nhượng bộ này của Hà Nội vì không tách biệt việc trao trả tù binh Mỹ với việc trao trả các tù binh Cộng sản bị Việt Nam Cộng hoà giam giữ sẽ rơi vào những khó khăn khó lường.
Với một Quốc hội mới bầu của Mỹ mong muốn biểu quyết nghị quyết chấm dứt cuộc chiển chỉ trong vài tuần lễ, Nixon đã ra lệnh tiến hành chiến dịch ném bom trong gần 12, buộc Hà Nội phải nhượng bộ trong vấn đề nói trên và hiệp định được ký kết vào cuối tháng 1 năm 1973, Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam trong vòng 2 tháng sau đó.
Các điều khoản của Hiệp định Paris chẳng bao giờ được thực thi và cuộc chiến tiếp tục ở miền Nam mà không còn sự tham gia của Mỹ. Sau thất bại vào mùa xuân năm 1972, Liên Xô cung cấp cho Hà Nội tất cả những gì cần thiết để xây dựng lại và cung cấp khí tài cho quân đội miền Bắc ở miền Nam.
Những con đường rộng thênh thang được xây dựng dọc theo biên giới, đường ống dẫn dầu được lắp đặt tứ Hà Nội tới một nơi gần Saigon vả những kế hoạch tiêu diệt Chính phủ Saigon được soạn thảo. Cán cân lực lượng nghiêng về phía miền Bắc vì quân đội miền Nam thiếu xăng dầu, thiếu đạn dược và phụ tùng thay thế của máy bay, xe tăng vả tàu chiến. Đầu năm 1975, các nhà lãnh đạo ở Hà Nội biết rằng người Mỹ sẽ không còn bao giờ trở lại nũa, đã tiến hành một chiến dịch và giành thắng lợi hoàn toàn chỉ trong 2 tháng… “ (A History of the Vietnamese, tr. 611, 612, 613).
HUỲNH DUY LỘC giới thiệu
Ảnh: GS K. W. Taylor.