Thành cổ Diên Khánh

Huỳnh Duy Lộc

0 234

Thành Diên Khánh được chúa Nguyễn Ánh cho xây dựng vào năm 1793 trong cuộc chiến với Tây Sơn: trong một chiến dịch theo gió mùa, khi gió đổi chiều, Nguyễn Ánh đã rút quân về Phú Yên rồi huy động 4.000 người từ Bình Thuận và Thuận Thành để xây một thành trì ở Diên Khánh dưới sự giám sát của Olivier de Puymanel.

Trong cuộc chiến giữa quân Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh, các chiến dịch quân sự thường được tiến hành theo gió mùa. GS George Dutton viết về những trận chiến giữa quân Tây Sơn và quân của Nguyễn Ánh trong những năm 1775-1785: “Thời gian 10 năm này được đánh dấu bởi một loạt chiến dịch quân sự qua lại giữa lực lượng Tây Sơn và quân chúa Nguyễn. Trọng tâm của những cuộc giao tranh là phủ Gia Định và thành phố chiến lược Saigon của nó. Nhịp độ của trận chiến được điều chỉnh ở một mức độ đáng kể bởi những trận gió mùa chỉ có thể để cho các lực lượng thủy quân di chuyển đến những vị trí nào đó, vào những thời điểm nào đó. Trong lúc thường xuyên đánh lấy Gia Định, anh em Tây Sơn không muốn chiếm giữ vùng này. Thay vào đó, họ nhanh chóng quay về phòng tuyến của họ ở Qui Nhơn trước khi gió mùa bất lợi đối với họ…” (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, George Dutton, tr. 101, 102).

Quân Tây Sơn đã theo gió mùa tấn công thành Gia Định khi Nguyễn Huệ còn sống thì sau khi ông từ trần (năm 1792), chúa Nguyễn Ánh cũng theo gió mùa mà đưa thủy quân ra đánh quân Tây Sơn ở Nha Trang và Qui Nhơn. GS K.W.Taylor đã viết về những chiến dịch gió mùa (gió Đông Nam, hay còn gọi là gió Nồm) của chúa Nguyễn Ánh: “Không giống như những cuộc chiến truyền thống ở Đàng Ngoài được tiến hành vào mùa đông khô ráo, khi gió từ phương Bắc thổi từ đất liền ra biển, những chiến dịch quân sự của Nguyễn Phúc Ánh thường được tổ chức theo những cơn gió Đông Nam thổi từ biển vào đất liền từ cuối mùa xuân tới mùa thu.

Chiến thuật căn bản của Nguyễn Phúc Ánh là tiến ra miền Bắc bằng đường biển nhờ những cơn gió Nồm, cho quân lính đổ bộ lên đất liền và cung cấp lương thực và phương tiện cho các đạo quân trên bộ tiến về phía trước. Khi gió đổi chiều, ông sẽ trở về Gia Định cùng với đội thủy quân và để quân lính trên bộ ở lại giữ những phòng tuyến, ngăn chặn quân địch cho tới năm sau, khi gió phương Nam thổi trở lại… Chiến dịch theo gió mùa của Nguyễn Phúc Ánh vào năm 1793 là một thành công lớn đã củng cố vị thế của ông trên chiến trường. Vào tháng 5 âm lịch, khi có một cơn gió mạnh từ phương Nam, Nguyễn Phúc Ánh cho đội thủy quân đổ bộ lên đất liền, đánh chiếm Nha Trang, hợp quân với những quân lính trên bộ của ông ở đó. Lực lượng trên bộ và lực lượng thủy quân của ông tiến về phía trước, đi qua Phú Yên, và sau những trận đánh ác liệt, đã chiếm được những vị trí chiến lược xung quanh Chà Bàn, kinh đô của Nguyễn Nhạc, và cảng Qui Nhơn. Khi gió lại đổi chiều, Nguyễn Phúc Ánh rút quân về Phú Yên, rồi huy động 4.000 người từ Bình Thuận để xây một thành trì ở Diên Khánh dưới sự giám sát của Olivier de Puymanel.

Thành Diên Khánh, cách Nha Trang 15 km về phía Tây, là thủ phủ mới của tỉnh Khánh Hòa. Vị trí chiến lược của nó là giữ con đường đi về phía Nam của Nha Trang. Một hệ thống kho vận và nhà trạm được xây dựng ở Bình Thuận, nối liền Gia Định với Diên Khánh. Nguyễn Phúc Ánh quyết tâm bảo vệ Diên Khánh bằng mọi giá…” (A history of the Vietnamese, K.W.Taylor).

Thành Diên Khánh được chúa Nguyễn Ánh cho xây dựng vào năm 1793 có diện mạo ra sao? Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban ở Khánh Hoà cho biết: “Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép về thành cổ Diên Khánh: ‘Ở địa phận 2 xã Phú Mỹ và Trường Thạnh thuộc huyện Phước Điền. 4 mặt đắp đất, chu vi dài 336 trượng 4 thước (hơn 1,43 km), cao 8 thước 5 tấc (3,6m), hào rộng 4 trượng (17m), sâu 8 thước (3,4m). Thành mở 4 cửa, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) mới xây gạch’ . Như vậy, lúc đầu thành xây bằng đất, đến năm 1847, đời vua Thiệu Trị mới cho xây bằng gạch.

Về ý tưởng xây thành Diên Khánh, sử sách chép: “Thành Diên Khánh trước là thủ sở Nha Trang, năm Quý Sửu (1793), khi Nguyễn Ánh tiến đánh Tây Sơn ở Qui Nhơn, khi trở về, xa giá ngừng ở Diên Khánh, “thấy bảo (bảo là thành đắp bằng đất) cũ Hoa Bông địa thế tốt, đánh hay giữ đều tiện, bèn sai các quân và phát 3.000 dân Bình Thuận, 1.000 dân Thuận Thành khởi đắp trọn một tháng thì thành xong, gọi là thành Diên Khánh. Thành cao 1 trượng (4,25 m), chu vi hơn 510 trượng (hơn 2,2 km), mở 6 cửa , Đông và Nam đều một cửa, Tây và Bắc đều 2 cửa, trên cửa có lầu, 4 góc có cồn đất”. “Ngoài thành có hào, ngoài hào có xây luỹ chắn ngang. Các cửa thành đều có xây cầu đi qua, trước thành và sau thành đều có núi sông bảo vệ, thật là một nơi hiểm trở vô cùng” (Địa danh Khánh Hoà xưa và nay: Góp phần tìm hiểu một vùng đất, Ngô Văn Ban, tr. 211, 212).

HUỲNH DUY LỘC

Theo truyền thông Việt Nam, hiện Dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), có tổng mức đầu tư gần 167 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư đang được thực hiện.

Theo ông Nguyễn Thanh Hiến, Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, đến nay chủ đầu tư đã ký hợp đồng nhà thầu xây lắp. “Hiện đơn vị thi công đã tập kết máy móc, nhân lực để tiến hành thi công tuyến thành, hộ thành hào, nhà trạm bơm cấp nước cho hộ thành hào…”

Dự kiến hết tháng 6-2025 sẽ hoàn thành các hạng mục như tu bổ lan can cầu, đèn chiếu sáng cầu và cổng thành. Đồng thời, thi công hoàn thành hạng mục hộ thành hào, nhà trạm bơm cấp nước cho hộ thành hào.

Leave A Reply

Your email address will not be published.