Dấu tích Thành Hoàng Đế của Triều đại Tây Sơn

TVN

0 91

Tồn tại từ năm 1776 dến năm 1793 với vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của dân tộc, kinh đô của vương triều Tây Sơn Nguyễn Nhạc, thành Hoàng Đế đã được quan tâm dựng xây có quy mô lớn và là kinh đô xa nhất của người Việt về phương Nam thời đó.

Ngày nay tại xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định vẫn còn lưu giữ một số di tích đặc biệt của triều đại Tây Sơn, đó là thành Hoàng Đế – kinh đô của triều Tây Sơn trong giai đoạn 1776 – 1793.

Kinh đô cũ của người Chăm

Vương triều Tây Sơn được đặt nền móng từ năm 1771, khi phong trào nông dân khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ. Sự phát triển của phong trào dẫn đến lãnh tụ cuộc khởi nghĩa là Nguyễn Nhạc xưng Tây Sơn vương năm 1776, ông sai quân dân dưới quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn sửa đắp lại ngôi thành cổ nằm giữa trung tâm đồng bằng Bình Định làm đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa, đó là thành Chà Bàn xưa, kinh đô cũ của người Chăm.

Năm 1471, khi nhà Lê tiến quân về phương Nam, sáp nhập phần đất này vào lãnh thổ chung, tòa thành này bị bỏ hoang phế. Sau hơn 300 năm, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Nhạc, tòa thành được phục hưng, mở rộng trở thành Kinh đô của một vương triều trong lịch sử, mang tên gọi thành Hoàng Đế.

Dấu tích hồ bán nguyệt bên phải nằm cạnh một cây sung cổ thụ.

Thành Hoàng Đế nằm trên địa bàn xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là vùng đất cao thoáng, vị trí trung tâm của vùng đất, án ngữ trên con đường thiên lý Bắc – Nam. Sau hai năm xây dựng, cùng với những thắng lợi của phong trào Tây Sơn, năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, thành Hoàng Đế trở thành kinh đô của một vương triều mới trong lịch sử Việt Nam – Vương triều Tây Sơn.

Từ thành Hoàng Đế, quân đội Tây Sơn đã vào Nam ra Bắc hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Năm 1784, Tây Sơn xuất quân vào Nam dẹp tan 3 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút. Năm 1786, tiến quân ra Bắc đánh tan quân nhà Trịnh.

Tồn tại 16 năm (1778 – 1793) với vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của dân tộc, kinh đô của vương triều Tây Sơn Nguyễn Nhạc, thành Hoàng Đế đã được quan tâm xây dựng có quy mô lớn và là kinh đô xa nhất của người Việt về phương Nam trong lịch sử. Từ năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế đặt kinh đô tại Phú Xuân, kinh đô Hoàng Đế chỉ còn trên danh nghĩa. Năm 1802, nhà Nguyễn lên ngôi, thành Hoàng Đế mất vai trò lịch sử. Thành Hoàng Đế hầu như bị quên lãng.

Mộ tướng Võ Tánh (phải) và quan văn Ngô Tùng Châu (trái) được vua Gia Long xây trong thành Hoàng Đế

Trong những năm gần đây, hành Hoàng Đế cũng được biết đến qua các cuộc khai quật khảo cổ học. Cùng với những tư liệu lịch sử ghi chép, kết quả khai quật khảo cổ học, diện mạo thành Hoàng Đế dần lộ diện qua các dấu vết kiến trúc còn lại, góp phần tìm hiểu hệ thống kinh đô Việt Nam trong lịch sử.

Các cuộc khảo sát và khai quật sau này cho thấy, thành Hoàng Đế dưới thời Nguyễn Nhạc gồm có 3 lớp. Về quy mô kiến trúc, thành Hoàng Đế có quy mô to lớn, chu vi 7.740m, diện tích toàn thành 3.648.348m2. Đây được coi là tòa thành có diện tích lớn nhất trong các tòa thành cổ ở Việt Nam. Dấu tích hiện còn cho đến nay có ba đường vòng thành.

Thành Ngoại mặt bằng hình chữ nhật nằm theo hướng đông tây không đều nhau, chiều dài 2.230 – 2.253m, chiều rộng 1.630m. Tường thành được đắp bằng đất, đầm lèn chặt vững chắc, bên ngoài dốc đứng, bên trong thoai thoải để tiện lên xuống. Hiện nay, chân thành dày từ 10 – 15m, mặt rộng 3 – 5m, cao 3 – 6m. Chắc chắn ngày xưa tường thành còn kiên cố hơn nhiều

Vòng thành ngoài có 5 cửa mở ra bên ngoài; tường phía Nam có hai cửa: Cửa Nam (còn gọi là cửa Tiền hay cửa Vệ) và cửa Tân Khai; ba mặt tường còn lại mở 3 cửa gồm cửa Đông (hay cửa Tả) ở tường phía đông, cửa Tây (hay cửa Hữu) ở tường phía tây và cửa Bắc (hay cửa Hậu) ở tường phía Bắc).

Tại tường thành Nam còn hai cây cột đá tương truyền là của Nguyễn Nhạc dựng dùng để gá súng thần công nên có tên gọi là ông Sấm ông Sét. Trong lòng thành về phía Tây Nam có đàn Nam Giao để vương triều Tây Sơn tế trời đất.

Ngày nay, tòa thành chỉ còn lại một số công trình của Tử Cấm Thành xưa, gồm có tường thành, cổng tam quan, hai hồ bán nguyệt, cặp tượng sư tử Chăm Pa, tường và nền móng các cung điện…

Leave A Reply

Your email address will not be published.