Quốc Trưởng Bảo Đại đã nói về thượng thư Bộ Lại Ngô Đình Diệm mà ông chọn làm thủ tướng vào năm 1954: “Vốn dòng dõi quan lại, anh ruột ông ta làm Tổng đốc tỉnh Faifo. Diệm năm ấy mới 31 tuổi, nổi tiếng là thông minh, liêm khiết. Đây là một người quốc gia bảo thủ. Ngoài chức vụ thượng thư Nội các, Ngô Đình Diệm lại còn là Tổng thư ký cho Hội đồng Hỗn hợp về Canh tân đã được ban bố năm trước bao gồm các thượng thư Việt Nam và hàng công chức cao cấp Pháp. Ngô Đình Diệm đã được Nguyễn Hữu Bài trước khi về hưu, tiến cử” (Con Rồng An Nam).
GS K. W. Taylor đã viết về đại thần Nguyễn Hữu Bài, người đã hỗ trợ ông Ngô Đình Diệm trong những bước đầu ở chốn quan trường:
“Sau khi vua Khải Định từ trần vào năm 1925, khi thực dân Pháp trực tiếp kiểm soát chính quyền bảo hộ tại Huế, đã có những đề xuất cải cách chế độ quân chủ. Các quan chức thực dân Pháp thậm chí còn soạn thảo một dự thảo giống như một bản hiến pháp của chế độ quân chủ lập hiến. Nội các của triều đình nhà Nguyễn bị Pháp giám sát nhưng không hoàn toàn thụ động. Vị đại thần có nhiều ảnh hưởng nhất là Nguyễn Hữu Bài (1863-1935). Ông là một người Công giáo sinh trưởng tại Quảng Trị được giáo dục trong môi trường của Giáo hội và bắt đầu làm quan từ năm 1884, khi Hiệp ước Patenôtre được thi hành. Ông đã trở thành vị đại thần có quyền lực nhất vào thời vua Khải Định (1916-1925). Ông cho phép chí sĩ Phan Bội Châu về sống ở Huế vào tháng 12 năm 1925 sau khi cụ được ân xá và bảo đảm với nhà cầm quyền Pháp rằng sẽ không có vấn đề gì phát sinh. Nhưng những năm sau đó, người Pháp tức giận vì ông cứ yêu cầu đưa Bảo Đại từ châu Âu về Việt Nam và phục hồi những điều khoản của Hiệp ước Patenôtre mà người Pháp đã muốn loại bỏ vào năm 1925. Sự trung thành của ông với người Pháp thật ra che giấu một khát vọng phục hồi quyền hành cho một chính quyền tự chủ của người Việt. Người Pháp cho rằng chủ trương của ông đã lỗi thời và chỉ phục hồi những tệ nạn như tham nhũng và những điều bất hợp lý của bộ máy cai trị của chế độ quân chủ.
Một trong những sáng kiến của Toàn quyền Maurice Long vào nǎm 1920 là lập ra một hội đồng tư vấn của người Việt cho An Nam (Trung kỳ). Albert Sarraut đã từng lập ra một hội đồng tư vấn tương tự cho Bắc kỳ vào năm 1913. Việc bầu chọn các thành viên và hoạt động của hội đồng tư vấn này rất hạn chế, nhưng vai trò của nó được nâng cao khi Toàn quyền Varenne tái lập vao trò đại biểu của hội đồng tư vấn ở Trung kỳ và Bắc kỳ vào năm 1926. Các thành viên của 2 hội đồng tư vấn này lại yêu cầu người Pháp thực hiện trở lại Hiệp ước Patenôtre giống như đại thần Nguyễn Hữu Bài và các đồng liêu của ông.
Cuộc khủng hoảng vào năm 1930-1930 khiến cho người Pháp thấy họ cần phải làm một điều gì đó cho chế độ quân chủ của Việt Nam và những đề xuất cải cách khiến họ nghĩ tới việc đưa hoàng tử Bảo Đại về nước. Mọi chuyện đã xảy ra giống như 15 năm sau: người Pháp tìm tới Bảo Đại khi thấy mình hoàn toàn xa cách người Việt. Tuy nhiên khi Bảo Đại trở về Huế vào tháng 9 năm 1932, sự cẩn trọng của người Pháp và những chủ trương khác biệt của người Việt đã khiến cho chính quyền bị tê liệt suốt nhiều tháng mà không có cách gì khắc phục được. Bảo Đại mới 20 tuổi, từng sống nhiều năm ở châu Âu, là một người thông minh nhưng cũng biếng nhác. Phạm Quỳnh mới 40 tuổi là người hay tuyên truyền cho chủ trương người Việt hợp tác với người Pháp (Pháp Việt đề huề) rất mong muốn cải cách chế độ quân chủ và dung hoà ý muốn thống trị của người Pháp với ước nguyện cầm quyền của Bảo Đại. Nguyễn Hữu Bài, khi ấy đã 70 tuổi, đã có nhiều năm ủng hộ chính sách bảo hộ của Pháp, trở nên thiển cận, đã cùng với một số thành viên của hoàng tộc không muốn bỏ lỡ một cơ hội để phục hồi một chút quyền hành cho chế độ bảo hộ.
Cuối cùng, vào tháng 5 năm 1933, Toàn quyền Pasquier thực hiện một cuộc “đảo chánh” buộc Nguyễn Hữu Bài và các đại thần khác về hưu, nhường chỗ cho các vị quan trẻ tuổi hơn mà người đứng đầu là Phạm Quỳnh. Thế nhưng dù có vài cải cách nhỏ về hành chánh, tư pháp và giáo dục trong những năm sau đó, ai cũng thấy người Pháp không hề muốn phút đã trao một chút quyền hành nào cho chế độ quân chủ và điều này đã khiến cho Ngô Đình Diệm từ chức chỉ sau 3 tháng làm thượng thư. Giống như Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Diệm cũng xuất thân từ một gia đình có nhiều thế hệ theo đạo Công giáo. Ông Ngô Đình Khả, cha ông, là một đại thần trong triều đình của vua Thành Thái đã từ quan sau khi vua Thành Thái bị truất phế vào năm 1907. Ngô Đình Diệm học Trường Hậu bổ tại Hà Nội và ra làm quan sau khi tốt nghiệp vào năm 1921. Ông Ngô Đình Khôi, anh trai ông, ra làm quan trước ông và đã kết hôn với một người con gái của ông Nguyễn Hữu Bài. Ngô Đình Diệm thăng quan tiến chức nhanh chóng vì tính thanh liêm, năng lực lãnh đạo và cũng nhờ sự hỗ trợ của Nguyễn Hữu Bài do những mối liên hệ của gia đình: ông là em trai của người con rể của Nguyễn Hữu Bài” (A History of the Vietnamese, K. W. Taylor, tr. 513, 513, 514).
Trong tác phẩm “The road not taken: Edward Lansdale and the American tragedy in Vietnam” (2018), Max Boot, một chuyên gia hàng đầu về các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới, đã phác họa chân dung ông Ngô Đình Diệm, vị tổng thống đầu tiên của miền Nam Việt Nam:
“Ông Diệm sinh ở tỉnh Quảng Bình, một tỉnh sẽ thuộc miền Bắc Việt Nam, vào ngày 3 tháng 1 năm 1901, nhỏ hơn ông Hồ Chí Minh hơn 10 tuổi và lớn hơn ông Võ Nguyên Giáp 10 tuổi. Ông Ngô Đình Khả, cha ông, là một tín đồ Công giáo thuần thành đã đưa gia đình đi lễ mỗi buổi sáng và là một vị quan theo truyền thống, để móng tay dài, đội khăn đóng và mặc áo dài bằng lụa. Ông đã trở thành một đại thần trông coi các thái giám trong cung của vua Thành Thái, nhưng đã từ quan khi người Pháp truất phế vua Thành Thái vào năm 1907 vì ngài muốn có nhiều quyền tự chủ hơn. Ông Diệm cùng với 8 anh chị em (5 trai, 3 gái) đã thừa hưởng từ cha 3 tín ngưỡng – Nho giáo, Công giáo và chủ nghĩa quốc gia – những niềm tin đã có ảnh hưởng trong suốt cả cuộc đời họ. Ông Diệm được giáo dục kỹ lưỡng ở những trường Công giáo, nơi ông đã học tiếng Pháp, tiếng La tinh và chữ Hán. Hồi 15 tuổi, ông vào tu viện một thời gian ngắn, nhưng không giống như anh trai ông là Đức Giám mục Ngô Đình Thục, ông không muốn đi tu. Sau khi học ở trường Quốc Học ở Huế giống như ông Hồ Chí Minh và ông Võ Nguyên Giáp, ông vào học ở Trường Hậu bổ (Trường Quốc gia Hành chánh của Pháp) ở Hà Nội để làm việc trong bộ máy hành chánh của triều Nguyễn. Khi học ở Hà Nội, ông có mối tình lãng mạn với con gái một người thầy của ông, và sau khi cô rời bỏ ông để vào tu viện, ông sống độc thân cho đến hết đời.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1921, ông thăng tiến rất nhanh, khi mới 25 tuổi đã là tuần vũ (tỉnh trưởng) của một tỉnh có đến 300 ngôi làng. Ông vừa là người chỉ huy lực lượng cảnh sát và thẩm phán, vừa là người thu thuế và chỉ huy việc thi công những công trình công cộng cùng một lúc. Một nhà báo viết: “Ông đội chiếc nón lá và mặc chiếc áo của quan lại, cưỡi ngựa đi khắp vùng và tiếp xúc với các dân làng”. Dù có tinh thần quốc gia mạnh mẽ, ông vẫn được lòng người Pháp vì đã đập tan âm mưu nổi dậy của những người Cộng sản. Năm 1933, khi mới 30 tuổi, ông đã là thượng thư, nhưng ông đã từ quan chỉ 2 tháng sau khi nhậm chức vì người Pháp không chịu cho người Việt có quyền tự quyết. Ellen J. Hammer, một trong những học giả Mỹ đầu tiên có quen biết ông Diệm, có nói: “Không có gì tốt hơn cho ông Diệm bằng việc từ chức vào thời điểm ấy”.
HUỲNH DUY LỘC
Ảnh: Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài, với các đại thần (thứ hai từ trái qua) của Phủ phụ chánh triều vua Duy Tân và thượng thư Bộ Lại Ngô Đình Diệm