Henriette Bùi Quang Chiêu (1906-2012) là một nữ bác sĩ người Việt. Bà được biết đến là nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam.
Bà sinh ngày 8 tháng 9 năm 1906, là con gái thứ trong một gia đình người Việt giàu có mang quốc tịch Pháp ở Nam Kỳ. Cha của bà là Nghị viên Bùi Quang Chiêu, một chính khách có tiếng ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Mẹ bà là Vương Thị Y, thuộc một gia đình giàu có người gốc Hoa.
Tuy nguyên quán ở trong Nam, bà lại được sinh ra ở Hà Nội và lớn lên ở Sài Gòn. Thuở nhỏ, bà học Trường St Paul de Chartres, tức Trường Nhà Trắng tại Sài Gòn. Năm 1915, bà thi vượt cấp và đậu bằng Certificat sớm 2 năm. Sau đó, bà vào học trường Collège des Jeunes Filles, trước năm 1975 là Nữ Trung học Gia Long Sàigòn.
Anh bà là Louis Bùi Quang Chiêu – một bác sĩ chuyên về bệnh ho lao nổi tiếng tại Sài Gòn – luôn là tấm gương sáng để bà noi theo. Ước mơ được làm thầy thuốc chữa bệnh cho mọi người của bà cũng bắt nguồn từ ông anh này.
Đến năm 15 tuổi, bà nằng nặc đòi cha cho xuất ngoại, sang Pháp du học. Thương con, ông Bùi Quang Chiêu đành phải thuê một thầy giáo đi cùng để chăm lo cho bà sinh hoạt và học tập trên đất Pháp.
Vốn là một học sinh xuất sắc và rất thông minh, không bao lâu ngoài tiếng Việt, tiếng Pháp và Trung Hoa, bà còn thông thạo nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ý và cả những cổ ngữ như La Tinh và Hy Lạp.
Một năm sau từ ngày rời xa gia đình, bà đón nhận hung tin. Mẹ bà mất vì bệnh lao phổi. Sự kiện này khiến bà càng thôi thúc việc học hơn. Bốn năm sau bà tốt nghiệp bậc trung học tại Lycée d’Agen và Bordeau và chỉ cần thêm 1 năm nữa, năm 1926 bà lấy được mảnh bằng Tú tài trong tay..
Đậu vào Trường đại học Y khoa năm 1926. Năm 1932, bà tốt nghiệp đại học. Sau hai năm thực tập, bà là người phụ nữ Việt Nam lấy bằng bác sĩ y khoa đầu tiên ở Pháp.
Trong những câu chuyện viết về bà có ghi lại, vừa tốt nghiệp xong, cha bà – ông Bùi Quang Chiêu – gọi bà về nước ngay để gả chồng.
Bà trở về nước vào đầu năm 1935 và nhận ngay chức vụ trưởng khoa hộ sinh của bệnh viện Sài Gòn. Cũng trong thời gian này, bà buộc phải lấy luật sư Vương Quang Nhường người từng du học Pháp. Ông tốt nghiệp tiến sĩ Luật khoa trở về nước với tư cách là tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của nước ta.
Cuộc hôn nhân giữa bà và luật sư Nhường được hình thành sau những ép buộc có tính quyết liệt của cha bà. Đám cưới được diễn ra chỉ vài tháng sau đó và trở thành đám cưới môn đăng hộ đối nhất vào thời điểm bấy giờ. Là người có học vấn cao, kiến thức rộng, luật sư tại tòa thượng thẩm Vương Quang Nhường được giới thượng lưu Việt, Pháp lúc bấy giờ kính nể. Vợ và một bác sĩ y khoa con của một gia đình danh giá bậc nhất Nam Kỳ. Thế nhưng, cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài một cách miễn cưỡng trong 2 năm rồi cả hai người ly dị nhau. Trong xã hội phong kiến việc ly hôn, vợ chồng bỏ nhau là việc không tưởng …
Sau này bà kể lại: “Hồi đó, ngay cả ở Pháp, phụ nữ học ngành y cũng rất ít. Ra trường, cũng không ít nữ bác sĩ bỏ nghề vì phải lấy chồng, sinh con. Tôi cũng không thoát khỏi định kiến xem thường phụ nữ thời ấy. Vừa tốt nghiệp bác sĩ, tôi đã bị cha triệu về Việt Nam để gả chồng…”. Với bà, đó là mối hôn nhân không hạnh phúc, cho dù gia đình hai bên rất “môn đăng hộ đối”.
Chồng bà là luật sư Vương Văn Nhường, dù là một trí thức, giàu có, nhưng ông chỉ muốn bà ở nhà, lo chuyện nội trợ.
– Ông luật sư tuyên bố: “Tôi là trạng sư, lương đủ cho bà ở nhà, đi chơi”.
– Bà nói: “Tôi thích làm, không thích chơi”.
Khi kể lại nguyên nhân đổ vỡ này, bác sĩ Henriette Bùi xác nhận luật sư Nhường là một người chồng rất mẫu mực và hết lòng thương vợ. Tuy nhiên, ông không cảm thông, không chia sẻ được những khó khăn về nghề y, những đêm vắng nhà vì bệnh nhân, những trường hợp cấp cứu giữa đêm khuya. Một vài lần thì có thể chấp nhận được nhưng nghề y không đơn giản thế. Bà luôn bận rộn nên ông không thể chấp nhận khiến cuộc sống vợ chồng nặng nề hơn. Điểm hay nhất trong cuộc hôn nhân này là sau khi tan rã, họ vẫn đến với nhau và đối xử với nhau như những người bạn tốt.
Vụ ly dị của luật sư Nhường và bác sĩ Henriette Bùi đã gây ra một tiếng vang khá lớn. Cả xứ Nam kỳ, đi đâu cũng nghe những lời bàn tán khen chê.
Sau cái chết bi thảm của người cha (ông bị Việt Minh thủ tiêu cùng các con trai) tháng 09/1945, Bác sỹ Henriette Bùi vẫn giữ vững tinh thần dân tộc, phục vụ xã hội; với những thương binh, bệnh binh trong thời chiến, bà đều chăm sóc chu đáo, không hề phân biệt bạn hay thù. Cuối năm 1950 bà sang Nhật Bản học nghề châm cứu, với nhiều áp dụng có hiệu quả cho ngành sản khoa.
Đến năm 1961, Henriette Bùi Quang Chiêu sang Pháp và mở ở đây một phòng mạch. Cũng tại Pháp, bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã gặp lại ông Nguyễn Ngọc Bích là người có quan hệ họ hàng và từng có mối thâm tình cũ. Hai người đã nối lại mối quan hệ và về sống với nhau như vợ chồng.
Sau 4 năm chung sống trên đất Pháp, năm 1965, ông Nguyễn Ngọc Bích bị ung thư vòm họng. Bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã đưa ông Nguyễn Ngọc Bích trở về Việt Nam để ông có thể sống những ngày cuối cùng trên quê hương. Năm 1966, ông Nguyễn Ngọc Bích mất.
Bà ở lại miền Nam Việt Nam cho đến năm 1971, Henriette Bùi Quang Chiêu mới trở lại sang Pháp. Ở đây, bà tiếp tục khám chữa bệnh cho đến khi nghỉ hưu ở tuổi 71, sau khi phục vụ trong ngành y khoa tại Việt Nam cũng như tại Pháp trong hơn 44 năm.
Năm 2011, đã 105 tuổi, bà vẫn còn khoẻ và minh mẫn. Bà mất ngày 27 tháng 4 năm 2012 tại Paris, thọ 106 tuổi.
Theo di nguyện của bà, tro cốt đưa về Việt Nam chia ra làm 2 phần: một phần lưu lại ở khu mộ dòng tộc Bùi Quang tại thị trấn Mỏ Cày, một phần hợp táng với mộ chồng là ông Nguyễn Ngọc Bích, tại Thánh thất đạo Cao Đài, Phường 6, TP. Bến Tre.
Hoàng Quân- tổng hợp từ nhiều tư liệu