Philippines xây đường băng trên đảo Thị Tứ, từ chối đề xuất của Mỹ tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở Bãi Cỏ Mây
TVN
Ngày 21/07/2024, Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines đã gián tiếp từ chối đề xuất « hỗ trợ » của Mỹ sau khi cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan khẳng định rằng Hoa Kỳ « sẽ làm những gì cần thiết » giúp Philippines có thể tiếp tục tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở Bãi Cỏ Mây sau hàng loạt vụ đụng độ với lực lượng hải cảnh Trung Quốc.
Trả lời AFP, ông Jonathan Malaya, phó phát ngôn viên của lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia, khẳng định : « Về RORE (nhiệm vụ luân chuyển và tiếp tế), chúng tôi coi đây là hoạt động hoàn toàn của Philippines, sử dụng tàu, nhân sự và lãnh đạo Philippines ». Theo ông, « đây là đường lối và là chính sách hiện tại » dù sau này có thể thay đổi tùy theo quyết định của cấp cao. Philippines đánh giá cao đề nghị của Mỹ và sẽ tiếp tục tham vấn với tư cách là đồng minh.
Một ngày trước đó, phát biểu tại điễn đàn an ninh Aspen ở bang Colorado, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington « sẽ tiếp tục hỗ trợ, hậu thuẫn Philippines » trong khuôn khổ hiệp ước phòng thủ chung song phương, theo đó bên kia sẽ bảo vệ bên bị tấn công trong trường hợp xảy ra một « cuộc tấn công vũ trang », ý muốn nói đến vụ đụng độ hôm 17/06 khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc cầm dao, gậy và rìu xông lên tàu Philippines để ngăn họ tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Trước đó, trong bối cảnh căng thẳng kéo dài với Bắc Kinh về vùng Biển Đông đang có tranh chấp, Văn phòng truyền thông của tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong thông cáo hôm thứ Năm 18/07/2024 cho biết đang tiến hành các vụ chuyển nhượng đất đai để mở rộng đường băng phục vụ Dự án Phát triển Sân bay trên Đảo Pag-asa.
Pag-asa là tên Philippines gọi đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh yêu sách chủ quyền. Theo thông cáo của Văn phòng truyền thông của tổng thống Ferdinand Marcos Jr, dự kiến sau khi dự án hoàn thành, Philippines sẽ có một phương thức di chuyển hiệu quả đến và đi từ hòn đảo xa xôi, nơi thường dân và quân nhân nước này lưu trú.
Kế hoạch xây dựng sân bay trên đảo Pag-asa/Thị Tứ cho thấy quyết tâm của Manila trong việc duy trì sự hiện diện của Philippines ở vùng biển tranh chấp, trong khi Trung Quốc cũng thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi lý mà Tòa trọng tài quốc tế từng bác bỏ hồi năm 2016.
South China Morning Post cho biết là một đường băng quân sự trên đảo Balabac thuộc tỉnh Palawan, miền tây Philippines, gần Biển Đông, cũng sắp được hoàn thành. Đảo Balabac là một trong 4 địa điểm mới mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận theo thỏa thuận quốc phòng được mở rộng hồi năm 2023. Theo tổng thống Marcos, Philippines đang trong giai đoạn cuối xây dựng đường băng quân sự Balabac và tỉnh Palawan “sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia”.
Liên quan tới Việt Nam, theo trang tin Philippine Star, bộ Ngoại Giao Philippines hôm qua, 19/07, cho biết Manila sẵn sàng đàm phán với Hà Nội để tìm kiếm các giải pháp cùng có lợi “cho các vấn đề ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS”, sau khi Hà Nội đệ đơn lên Liên Hiệp Quốc về thềm lục địa mở rộng (ECS) ở Biển Đông.