Việt Nam yêu cầu Trung thả ngay ngư dân cùng tàu cá bị bắt giữ trái phép, bồi thường thiệt hại
TVN
Theo truyền thông Việt Nam, chiều 31-10, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt nhận được câu hỏi từ truyền thông quốc tế liên quan việc lực lượng chức năng của Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Về vấn đề này, ông Việt nhấn mạnh ngay từ đầu: “Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lập trường này đã được Việt Nam khẳng định nhất quán nhiều lần”.
Việc lực lượng hải cảnh Trung Quốc bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, theo ông Việt, là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền cũng như lợi ích hợp pháp, chính đáng của ngư dân Việt Nam.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thả ngay toàn bộ tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trái phép, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại và chấm dứt, không tái diễn các hành động quấy nhiễu, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Hơn một tháng trước, ngày 29/09, khoảng 40 nhân viên tàu công vụ Trung Quốc đã tấn công một tàu cá Việt Nam hoạt động gần đảo Chim Én, thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm, khu vực phía tây quần đảo Hoàng Sa. Mười thủy thủ đã bị đánh đập, trong đó có hai người bị thương nặng, 4 tấn cá đánh bắt được bị tịch thu, trang thiết bị trên tàu bị đập phá.
Cũng trong cuộc họp báo , phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam hết sức quan ngại trước việc Trung Quốc chuẩn bị triển khai hệ thống radar tại đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, và phản đối mọi hành động “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam” đối với quần đảo này.
Đảo Tri Tôn cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 320 km về phía nam, và cách bờ biển Việt Nam khoảng 250 km. Theo chuyên gia Michael Dahm, Viện Mitchell chuyên về Hàng không vũ trụ, thuộc Đại học Victoria (Úc), hệ thống radar chống các mục tiêu tàng hình trên đảo Tri Tôn, kết hợp với hai cơ sở khác tại đảo Hải Nam và đá Subi, làm gia tăng đáng kể khả năng phát hiện phương tiện của đối phương và khả năng tác chiến điện tử của Trung Quốc tại Biển Đông.