Campuchia rút khỏi khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV-DTA)

TVN

0 164

Tờ Khmer Times đưa tin, ông Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), tuyên bố Campuchia sẽ rút khỏi khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV-DTA). Tuyên bố có hiệu lực từ ngày 20/9/2024.

“Với tư cách là Chủ tịch CPP, tôi đã thảo luận với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và các nhà lãnh đạo quốc gia khác. Và chúng tôi đã quyết định rằng Campuchia sẽ chấm dứt tham gia CLV-DTA kể từ ngày 20/9/2024”, ông Hun Sen cho biết.

“Chính phủ hoàng gia Campuchia đã chính thức thông báo điều này cho Việt Nam và Lào”, ông nói thêm.

Được đề xuất vào năm 1999, CLV-DTA nhằm duy trì an ninh kinh tế, xã hội và quốc gia, với mỗi quốc gia kiểm soát lãnh thổ của mình. Sáng kiến này có mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, phát triển và ổn định ở các khu vực biên giới của Campuchia, Lào và Việt Nam.

Trong thời gian qua, ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa và chống Việt Nam ở Campuchia, vốn âm ỉ từ lâu, đã bùng lên liên quan đến Tam giác Phát triển này. Lực lượng đối lập không ngừng lặp lại cáo buộc rằng Campuchia nhượng đất cho Việt Nam khi tham gia CLV-DTA.

Campuchia tuyên bố rút khỏi khuôn khổ hợp tác này chỉ gần một tháng sau khi Việt Nam nhấn mạnh đến đến ý nghĩa chiến lược của CLV-DTA, giữa lúc làn sóng phản đối tại Campuchia đang dâng lên.

Ông Hun Sen nói rằng CLV-DTA trong 25 năm qua đã mang lại nhiều thành tựu phát triển cho các tỉnh của Campuchia gồm Kratié, Stung Treng, Mondulkiri và Ratanakkiri.

Tuy nhiên, ông Hun Sen cáo buộc:

“Những kẻ cực đoan đã sử dụng tam giác phát triển này làm công cụ chính trị để vu khống và công kích chính phủ bằng cách liên tục nói dối người dân và khiến người dân bị nhầm lẫn.”

Ông Hun Sen cũng nhắc lại cáo buộc của phe đối lập rằng chính phủ đã nhượng đất bốn tỉnh ở miền đông bắc cho nước ngoài.

“Gần đây, họ đã dùng luận điệu này để kích động và kêu gọi người dân tham gia triển khai Kế hoạch 18 tháng 8 nhằm gây bất ổn cho xã hội,” ông Hun Sen cáo buộc.

Ông Hun Sen nói rằng mặc dù Kế hoạch 18 tháng 8 đã bị dập tan, nhưng cách làm việc của ông là “không ngồi dập khói, mà phải dập lửa hoàn toàn”.

“Xét quan ngại của nhân dân về lãnh thổ và sự cần thiết phải tước vũ khí khỏi tay những kẻ cực đoan, ngăn chặn chúng sử dụng CLV-DTA để tiếp tục lừa dối nhân dân, tôi, với tư cách chủ tịch đảng (Đảng Nhân dân Campuchia), và Thủ tướng Hun Manet cùng các lãnh đạo khác đã quyết định Campuchia sẽ hoàn tất việc tham gia vào Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV-DTA) từ ngày 20/9.”

Thông điệp của ông Hun Sen nhấn mạnh đến việc tước vũ khí khỏi tay lực lượng đối lập, tức là khiến họ không còn cớ để công kích chính phủ của ông.

“Những kẻ cực đoan có thể tuyên bố đã đạt được yêu sách này; tuy nhiên, chúng sẽ mất một vũ khí quan trọng nhất được dùng để chống lại Chính phủ Hoàng gia,” ông tuyên bố trên Facebook.

Ra đời theo đề xuất vào năm 1999 của ông Hun Sen, lúc bấy giờ là thủ tướng Campuchia, Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam là một khu vực gồm 13 tỉnh thuộc 3 nước láng giềng:

Campuchia (đông bắc): Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratié;
Lào (miền nam): Attapeu, Salavan, Sekong và Champasak;
Việt Nam (Tây Nguyên): Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước.
Ban đầu Tam giác Phát triển chỉ gồm 10 tỉnh nhưng đến năm 2009, ba nước đã đồng ý bổ sung Bình Phước (Việt Nam), Kratié (Campuchia) và Champasak (Lào) vào khuôn khổ hợp tác này.

Các tỉnh Mondulkiri và Ratanakkiri không có đường bộ kết nối với nhau nên phải phụ thuộc vào Việt Nam.

Xét về điện, các tỉnh Mondulkiri, Ratanakkiri, Kratié cần điện từ Việt Nam, trong khi tỉnh Stung Treng dựa vào nguồn điện từ Lào.

Trước đây, 4 tỉnh này nhiều lần nhận được dịch vụ y tế từ Lào và Việt Nam.

Có thể thấy, CLV-DTA là sáng kiến của ông Hun Sen. Giờ đây, chính ông lại chủ động đơn phương rút Campuchia khỏi khuôn khổ hợp tác này. Điều đó cho thấy hai khả năng, một là ông bị buộc phải thực hiện bước đi này để hóa giải sự chống đối trong nước. Hai là ông Hun Sen có thể có những tính toán khác mà ông thấy có lợi hơn. Hoặc cũng có thể là cả hai.

Leave A Reply

Your email address will not be published.